Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chứng kiến ký kết hợp tác giữa Đại học Phần Lan và Trường Đại học VinhGD&TĐ - Từ ngày 13-15/3, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã tới Helsinki, Phần Lan tham dự Hội nghị thượng đỉnh về sư phạm (ISTP 2019).Hội nghị thượng đỉnh về sư phạm là hoạt động được tổ chức thường niên do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phối hợp với Bộ Giáo dục nước đăng cai đồng tổ chức. Năm nay, Hội nghị được tổ chức tại Helsinki, Phần Lan với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ khoảng 50 đoàn các nước, lãnh thổ và các tổ chức quốc tế.Ngoài chương trình chính thức của Hội nghị ISTP 2019, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ còn tham dự các hoạt động bên lề như tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa Phần Lan; làm việc với Tổ chức hợp tác kinh tế và phát triển OECD; thăm và làm việc với Đại học Phần Lan; thăm Trung tâm chăm sóc trẻ Jatkasaari và Trường phổ thông hòa nhập liên cấp Merilahti.Hội nghị năm 2019 tập trung vào 3 nội dung chính: cùng hợp tác hiệu quả trong quản lý giáo dục các cấp; xây dựng nền tảng vững mạnh thông qua các phương pháp sư phạm; thực hành sư phạm sáng tạo và hướng tới trường học bền vững. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Hội nghị có chủ đề về giáo dục sớm cho trẻ. Thông qua các nội dung trao đổi, Hội nghị tạo cơ hội cho các nghiệp đoàn giáo viên và Bộ trưởng các nước gắn kết, thúc đẩy các chính sách giáo dục tại nước sở tại.Tại Hội nghị, các đoàn đại biểu trao đổi về thách thức, giải pháp của mỗi quốc gia trong công tác lãnh đạo và quản lý giáo dục. Đoàn Việt Nam chia sẻ về những chính sách hiện tại của Việt Nam liên quan đến chuẩn Hiệu trưởng, công tác bồi dưỡng cho đội ngũ Hiệu trưởng, chế độ chính sách cho giáo viên.Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa Phần LanTại buổi làm việc với OECD, Giám đốc Giáo dục và Kỹ năng OECD, ông Andreas Schleicher đánh giá cao những thành công của Việt Nam trên bảng xếp hạng PISA trong bối cảnh điều kiện kinh tế của Việt Nam còn khiêm tốn. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra thực tế là học sinh Việt Nam đang có thành tích tốt với các môn khoa học cơ bản, còn các bộ môn khoa học sáng tạo thì cần phải cố gắng hơn nữa.Giám đốc Giáo dục và Kỹ năng OECD cho rằng, bên cạnh việc đổi mới nội dung chương trình, nâng cao chất lượng giáo viên, Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục và đề xuất cơ chế hợp tác giữa OECD và Bộ GD&ĐT Việt Nam. Cụ thể, OECD đã có nghiên cứu các bài thi về đánh giá năng lực và có thể chia sẻ với Việt Nam.Ông Andreas Schleicher hy vọng tới đây Việt Nam sẽ tham gia để trở thành thành viên chương trình đánh giá PISA của OECD, OECD sẽ gửi các đề xuất về phương án hợp tác giữa hai bên. Ngoài ra, OECD cũng muốn mời Việt Nam tham gia đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về sư phạm trong thời gian tới.Bày tỏ cảm ơn về những đánh giá tích cực của Giám đốc Giáo dục và Kỹ năng OECD dành cho giáo dục Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đồng thời nhất trí với ý kiến của ông Andreas Schleicher về việc cần phải tăng cường kỹ năng thực hành cho học sinh Việt Nam và đổi mới khâu kiểm tra đánh giá theo hướng dựa trên năng lực người học.Về đề xuất đăng cai Hội nghị thượng đỉnh về sư phạm, Thứ trưởng cho hay, Việt Nam có rất nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các hội nghị quốc tế. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh về sư phạm nên sẽ cần thêm thời gian để nghiên cứu và chuẩn bị đảm bảo việc tổ chức đạt chất lượng và hiệu quả.Thứ trưởng cho biết thêm, hiện nay Việt Nam đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên như nghiên cứu, rà soát, sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm; đưa ra các tiêu chí đánh giá giáo viên; chú trọng sử dụng công nghệ trong giảng dạy... Tới đây, Việt Nam sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với những đổi mới căn bản về mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, trong đó trọng tâm là phát triển năng lực người học.Tiếp Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa Phần Lan, bà Sanni Grahn Laasonen, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã điểm qua một số kết quả nổi bật trong quá trình triển khai 17 văn bản được ký kết nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại Phần Lan năm 2017, đồng thời mong muốn thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn nữa giữa hai bên.Đánh giá cao những kết quả triển khai hợp tác giữa hai bên sau chuyến thăm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, bà Sanni Grahn Laasonen cho biết, bà đặc biệt vui mừng khi biết rằng trường phổ thông Việt Nam - Phần Lan đã được xây dựng và có thể tuyển sinh bắt đầu vào tháng 8 năm nay. Bà cũng hy vọng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó có đào tạo giáo viên, đổi mới quản lý trường phổ thông, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá...Tại buổi làm việc với Đại học Phần Lan, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã chứng kiến lễ ký kết 04 văn bản hợp tác giữa Đại học Phần Lan với Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm Tp.Hồ Chí Minh, Trường Đại học Vinh và Trường phổ thông liên cấp Olympia về liên kết đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên, tập huấn đào tạo giáo viên và nghiên cứu khoa học.Theo Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT)
Hết Mỹ Phẩm Giữa Mùa Giãn Cách – Làm Sao Bây Giờ?!? 19-11-2021, 16:22