Bốc lửa hành trình 26 ngày bào mòn trọn Việt Nam cùng 2 gã trai mơ Hà Thành

Họ thích nói chuyện về những điều điên rồ của tuổi trẻ, họ thích ngắm cho đã những phong vị của đất mẹ, để rồi hút chút ít dinh dưỡng bồi trét cho tâm hồn của những kẻ suy tình đội lốt cuồng chân. Hai mươi sáu ngày rong ruổi trên mảnh đất chữ S, 2 xe máy, 2 gã trai mơ và cả một chặng đường bốc lửa phía trước.


Bốc lửa hành trình 26 ngày bào mòn trọn Việt Nam cùng 2 gã trai mơ Hà Thành

Chặng 1: Hà Nội - Pù Luông

Buổi sáng vẫn hửng lên ánh bình minh như thường ngày, hôm nay là ngày mà mình ngập ngụa trong những cung bậc cảm xúc, đan xen giữa sự hào hứng. Xe máy check kĩ càng, sức trẻ dâng tràn, những thứ đồ lỉnh kỉnh đã đâu vào đó tươm tất và chuyến đi khám phá bắt đầu tại Pù Luông – mảnh đất của thiên tai, sự cô lập và những ánh mắt đầy hi vọng.


Từ Hà Nội để đến được Pù Luông, mình có thể đi theo 2 tuyến đường chính, một tuyến đường xuyên rừng, len lỏi dưới những tán cây khuất bóng, sương mù phủ chằng chịt nhưng có vẻ gần hơn. Một tuyến đường còn lại nằm ở phần bìa rừng tuy xa hơn nhưng cảnh sắc hữu ý.


Đường nay không còn đẹp, không còn nhiều xe cơ giới, người dân bản địa không còn trả lời mình bằng tiếng Kinh khi loay hoay dò đường vì mất 3G. 4h chiều rồi nhưng sao trời cứ tối đen như mực, phải tranh thủ lên tay ga để kịp vượt khỏi rừng đến với PuLuong Retreat sớm hơn.


Rong ruổi hơn 5 tiếng đồng hồ gần 160km đến nơi lúc 6h trời đã tối hẳn. Đợt lạnh tăng cường đã bắt đầu len lỏi tới từng thớ thịt làm chạnh lòng một chút, mình bắt đầu ăn uống những thức ăn đã chuẩn bị, rồi sau nằm ngã lưng nghỉ ngơi.


Nhà hàng ở đây phục vụ đồ ăn Việt và cả đồ ăn Âu, nguyên liệu thì được chuẩn bị sẵn từ những gì vốn có ở vùng. Sở dĩ đồ ăn Âu được đưa vào menu của PuLuong Retreat là do khách phương Tây bắt đầu đông hơn những năm trước đây.


Cái đắt giá của PuLong Retreat đó chính là không gian nghỉ dưỡng yên tĩnh và khoảng không để ngắm bình minh qua tấm màn sương phủ dày khắp thung lũng. Viewpoint ngắm bình minh đẹp nhất đó chính là từ chiếc hồ bơi vô cực của resort. Vào mùa nóng, bạn có thể vừa nằm thả mình trong hồ bơi vừa ngắm bình minh, nhưng lúc mình đi thì lại đúng vào mùa lạnh nên chỉ nằm dài như con mèo lười và phóng tít tầm mắt về phía thung lũng để ngắm bình minh cho đã.


Chặng 2: Pù Luông - Vinh

Thật ra không quá nhiều điều mà mình phải kể lể dài dòng về thành phố cũng như là chặng đường tiếp theo của mình...


Điều đáng sợ nhất mà mình đã từng gặp phải trong chuyến đi xuyên Việt lần này đó chính là buổi tối đi lạc đường hơn 60km ở đường HCM từ Thanh Hoá đến Vinh. Dọc bìa rừng đường HCM, người ta trồng nhiều cao su lắm, hành trình xuyên Việt càng thêm bốc lửa khi đi đến đoạn đường này.


Cớ sao mình lại khẳng định quả quyết về điều này. Đường thông thoáng, cảnh rừng cao su an yên những chuỗi ngày vắng vẻ, xe cơ giới vào buổi sáng không quá nhiều như ở QL1A, thế anh em ta có thể vuốt tay ga, quét ánh đèn xe mà bon bon chạy chẳng cần lo nghĩ.



Vào buổi tối, màn đêm phủ khắp vùng cũng là lúc những “con voi tải” cứ ầm ầm đua nhau chạy hụt mạng ở đường HCM để kịp chuyến hàng sớm, đoạn đường không hắc nổi một ánh đèn, nếu lỡ chờn vờn lao vào đoạn đường này vào ban đêm, thì nhất quyết phải dò cho ra đường QL1A đi cho an toàn. Lưu ý nè, chạy xe xuyên Việt lúc nào mệt thì nghỉ ngơi lúc đấy, chứ chạy liên tục thì sức trai còn phải lụy nữa ấy.


Mình đến Vinh khá muộn, bụng cũng gào lên từng hồi và mang tâm trạng sẽ quét sạch những hàng quán đặc sản ở TP luôn.


Chặng 3: Vinh - Phong Nha

Men theo con đường HCM đến vùng đất Quảng Bình vẫn còn thuận lợi cho đến khi rẽ vào đoạn đường đến Phong Nha. Đường xá đang trong quá trình cả tạo nên còn nhiều chỗ lởm chởm khó đi, tụi mình đi xuyên qua những dãy rừng đại ngàn, quét ánh đèn pha, xé toạc màn sương núi mà tầm nhìn chỉ 7 -10m, rồi ngậm ngùi dầm những cơn mưa lạnh tỉ tê với tốc độ hạ đẳng chán trường.


Cuối cùng, đưa tay côn đến mấy đoạn cuối bìa rừng thì trời trở nên tươi tỉnh hẳn, lộ ra diện mạo của các triền thực vật tại vườn quốc gia căn tràn trên mí mắt. Ta nói đi xuyên Việt có 2 điều đáng làm, thứ nhất đó là ngắm cho đã những phong vị của đất mẹ và thứ 2 là bỏ lại phía sau vết lăn bánh xe cùng những cung bậc cảm xúc để đến vùng đất mới. Tinh thần như được nạp đầy để chuẩn bị tiến vào lãnh địa mới từ 2 gã trai mơ.


Đi đường xá xa xôi, nhiều đoạn phải cân mình, cân sức với thiên nhiên cho nên tụi mình cần chỗ nào đó ngã lưng cho vừa vặn. Hầu hết tất cả các homestay hay khách sạn mình sẽ đặt trước ở trên booking.vn. Homestay Nguyen Shack là chiếc phòng mình khá ưng ý, đặt phòng dorm giường tầng, có rèm kéo khá thoải mái và không gian riêng tư. Chủ nhà là một cặp vợ chồng trẻ đầy nhiệt huyết, anh thì người nước ngoài, chị là người Việt, họ luôn ngồi chung với nhau để tạo những món ăn vừa vặn khẩu vị, nhân viên cũng thuộc những tuýp người thích tự do, vô tư và có thiện chí với trekking.


Arem là tộc người thiểu số nhất, bí ẩn nhất Việt Nam! Họ được bộ đội ta tìm ra được tại rừng sâu đại ngàn, hang hiểm cùng cốc của Phong Nha - Kẻ Bàng chỉ từ những năm 1956, khi đó họ chỉ còn có 18 người! Vâng đúng vậy, 18 người, săn bắn hái lượm, sống chan hòa với thiên nhiên cỏ cây, cuốn lá làm áo làm quần. Buôn làng của người Arem nằm ngay gần sát biên giới với Lào, sao bao năm vận động và hỗ trợ, bản làng đã từng bước đổi thay.


Hiện nay, có khoảng 300 nhân khẩu thuộc tộc người Arem. Người Arem hiền hậu, chăm chỉ, họ có văn hóa riêng, có tiếng nói riêng, nhưng chữ viết thì mất rồi, vì vậy họ không thể tự ghi chép lịch sử của chính mình. Nhiều người rủ nhau vào hang sống lại như những ngày tháng nguyên thủy.


Bon bon trên đoạn đường đến Hang Tối thì may sao gặp những người bạn đồng hành có chung chí hướng, đó là gia đình mà mình phải ngớ người ra khi 2 cậu bé theo ba phượt xuyên Việt. Thấy lạ, chúng mình dừng lại hỏi rồi check-in, rồi hỏi dâm ba câu. Thì ra anh xin phép cho tụi nhỏ nghỉ để chúng cùng anh làm một chuyến xuyên Việt, anh dành thời gian để gọt giũa nhân cách và tâm hồn thuần khiết vô tư cho một đứa trẻ, đưa chúng đi xa, gặp nhiều người lạ, để rồi trải nghiệm những thứ lạ lẫm, dạy tụi nhỏ cách sống tự lập thế giới bên ngoài trước khi đưa chúng nó về Mỹ định cư.


Lúc từ Hang Tối về, mỗi đứa ngồi một xe, mình đèo về homestay, 2 đứa bé nhanh nhẹn, lém lĩnh, ngoan ngoãn cùng những hành động có chút manh nha tự lập theo kiểu trẻ con. Rồi vu vơ đâu đó người anh trong đám trẻ thốt lên rằng “sau này con sẽ đưa ba đi vòng quanh thế giới”, chỉ là tư duy non nớt của một đứa trẻ con thôi, nhưng đã phần nào chứng minh cách dạy con của anh là đúng, mình hi vọng sau này 2 đứa lớn lên khỏe mạnh và trở thành những con người có thể gánh vác những sứ mệnh lớn.


Chặng 4: Huế - Đà Nẵng

Tiếp tục cuộc hành hương bằng việc xê dịch 100 km đường đèo từ Huế đến Đà Nẵng, có đoạn lên, có đoạn xổ cả trăm mét. Từ Huế đến Đà Nẵng sẽ đến đoạn đường đèo Hải Vân, xe máy chỉ có thể đi đoạn trên hầm, còn phần dưới hầm là dành cho xe ô tô trọng tải lớn.


Nếu bạn suy nghĩ về đoạn đường đèo rình rập các mối nguy hiểm thì bạn có thể thuê xe ô tô chở xe máy và cả người chui qua hầm, nhưng lại không thể ngắm được cái vẻ đẹp truyền tụng khắp thế gian ở đèo Hải Vân, đầm Lập An vịnh Lăng Cô.


Đưa ra quyết định ngay tức khắc và chọn xổ đèo để đến Đà Nẵng, trên đoạn đèo mưa dông xuyên suốt, sương mù chằng chịt, những giọt mưa như cào xé vào da thịt từng đợt, đứng giữa đoạn đèo chênh vênh, lấy áo mưa mặc vội, phủ cho mấy thứ đồ ở sau xe, rồi quét vội ánh đèn xe vượt qua cơn dông. Chuyện này không mấy ghê sợ lắm như mình tưởng tượng, nó chỉ giống với những cơn mưa thường niên ở Hà Nội mà thôi, mỗi tội lo tập trung chạy mà không kịp ngắm cảnh xung quanh, tiếc thật.


Cuối cùng những ánh đèn xa hoa cũng đã nhá nhem hiện rõ, Đà Nẵng ở phía trước tay lái rồi. Cả người và xe ướt sũng, có chiếc áo mưa cũng đỡ cảm lạnh. Địa điểm đầu tiên tụi mình ghé đến đó là một quán bánh tráng nướng nức tiếng ở thành phố, mấy đứa bạn mình cũng chờ ở đó đã lâu. Chưa bao giờ mà cảm nhận thứ bánh tráng này ngon đến thế, chắc vì mới dầm mưa xong hay khói của bánh làm mờ hết cả mắt.


Quay về khách sạn để rũ bỏ bộ quần áo ẩm ướt và gột rửa cái thây nhớt nhát bụi bẩn để rồi ngả lưng ra nghỉ ngơi cùng mấy đứa bạn, kể chuyện mà 2 gã trai mơ đã trải nghiệm và đã gặp từ hồi rời Hà Thành. Rồi chúng nó cũng bật cười với những câu chuyện ngớ ngẩn hay thậm chí xoe tròn con mắt với những điều điên rồ 2 đứa đã trải qua.


Chắc lúc nãy, chỉ nhẹ nhàng với món bánh tráng, nên giờ hơi đói. Cả đám lại kéo ra phố đêm để quét sạch những món ăn hào sảng đắc giá tại Đà Nẵng. Dự tính ăn hải sản ở Lý Sơn và giờ là dành thời gian ở đường Nguyễn Văn Linh, ở đây giá cũng bình dân và không hét như ở chỗ khác.


Các món ăn nhớ đời là Bò Đốt Đá “tưởng không lạ, mà lạ không tưởng” những thố to được họ bưng ra, bên trong có vài viên đá cuội mỏng đốt sẵn, một đĩa thịt bò tẩm ướp gia vị, cái hay của món này là khi bò cho vào thố, mùi vị xộc lên nồng thơm, rồi phát ra thứ âm thanh sần sật mền nhũn, trong khoang miệng, nước bóp chua cay đố ai cưỡng lại được. Rồi cái món mình cảm thấy trọn vẹn nhất đó chính là lẩu cá kèo, nói thế chẳng bao giờ bạn hình dung ra được đâu, phải thử mới biết mình nói có đúng hay sai.


Đà Nẵng là cái chốn, đi nhiều lần chẳng ngán ngẩm, lần này đi nó giống như cái trạm dừng tiếp thêm năng lượng vật chất bằng các chỗ ngả lưng cùng những món ăn xa xỉ giàu năng lượng và tiếp thêm cái gọi là tinh thần bởi những đứa bạn rửng mỡ, vì chúng nó chịu lắng nghe những câu chuyện mình chưa kể với ai, nhận được những câu hỏi ẩn dụ những lời khen, như vậy thì sướng còn gì bằng?

Chặng 5: Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Trong chuyến đi chẳng bao giờ gặp chút ít khó khăn nào cho đến khi con “chiến mã” của mình bị thủng xăm, mở mắt ra là phải chạy vòng vòng khắp thành phố để tìm chỗ sửa. Delay tới trưa nạp chút ít năng lượng bằng tô bánh canh rồi tiếp tục cuộc hành trình.


Nắng miền Trung làm mình xuống sức hơn bình thường, chắc do cái nắng gay gắt của mảnh đất dài ngoằn, cùng những luồng gió lớn quật đủ kiểu làm cản trở sức của xe. Kiểu như vừa “đấm vừa xoa”, mọi thứ cũng đã trở về thái cực của nó khi mình thong dong đến thời khắc chiều tà. Hoàng hôn trên cái “đòn gánh” của Việt Nam như một liều thuốc an thần, bù đắp cho sức của 2 gã trai mơ “đề ba” lại tinh thần và chạy xe tiếp, nhiều khi đi đường chỉ thế thôi là đủ.


Vì nhà bác của Nam (một người em trai hợp cạ trong chuyến hành trình) ở đây nên chí ít gì cũng biết ý ghé vào vừa để cho Nam thăm lại người bà con xa, vừa có chỗ ngả lưng vừa vặn. Nhà bác không phải ở thành phố mà ở huyện Mộ Đức, cuộc sống ở đây vẫn đỗi bình yên những ngày có nắng, mọi thứ cũng như thành thị, nhưng có điều an nhiên hơn và có thể tự cấp những thức từ nhà vườn. Thấy khách xa và người cháu đã lâu không gặp, bác mổ tận 2 con gà để bồi dưỡng cho 2 đứa, thiết nghĩ, đi đường mà có cơm nhà ăn là một cái gì đó cực kỳ xa xỉ và ấm lòng cho những người lữ hành cô độc.


Từ huyện Mộ Đức đến Tuy Hòa, chúng mình lại cố tìm con đường nào đó ven biển để thong dong khám phá những điều mà ít ai biết đến hoặc chỉ là hoang sơ cho trọn vẹn chuyến hành trình mà thôi. Biển Thị Phổ cách đấy khoảng 4km, muốn đến biển phải “lách” qua một đoạn đường phủ dày những cây lá kim. Ra đây thì phải hít cho đã những ngụm khí tanh hôi và mặn mà của biển mà trước chuyến hành trình chưa có.


Biển như một “cô em” cứ khép mình khe khẽ ở một góc trời nhỏ, không người, đôi khi chỉ bàc ngư dân lụm khụm gì đấy, trời quang mây trắng, không hoàn hảo nhưng cũng hữu ý, lúc rời đi có chút tiếc nuối.

Chặng 6: Quảng Bình - Đà Lạt

Lần thứ 2 ghé đến Đà Lạt, nó vẫn như những ngày đầu tiên, vẫn hửng lên những chùm nắng chẳng hề gắt, vẫn té vội những cơn mưa như thông lệ. Con đường vẫn nở những bông hoa, con dốc vẫn thư thái như những người Đà Lạt. Thích nhất cái cảm giác sáng thức dậy ở một nơi xa, ăn sáng với người quen, dưới cái lạnh 17 độ.



Có hẹn với một vài người bạn cũng rủ nhau tránh nắng tại Đà Lạt và cùng nhau đến thăm một đứa khác đã an cư lập nghiệp ở đây, chiếc homestay The Ware house của bạn mình không xa trung tâm lắm nhưng cũng là nơi vừa tầm để ngắm chút gì đó thuộc về Đà Lạt. Cất đồ, ăn chút gì đó lót dạ và comeback lại những góc và quán xá quen thuộc để nhặt lại chút thanh xuân đã đánh quên trong lần đi trước “quán của thời thanh xuân”.



Nói một chút về “quán của thời thanh xuân”, quán bán những món đồ rất dễ thương như cục xà phòng, sáp thơm, hoa khô, tinh dầu, sổ tay,… tất cả đều là đồ handmade. Nhưng điều, quán không để giá của sản phẩm và toàn bộ nhân viên ở đây đều là người khiếm thính. Bạn có thể lấy bất cứ món đồ gì, rồi để lại vài chục thì tùy tấm lòng.


Một góc nhỏ của quán mà ta nhìn nhau, nhìn lại cái quãng thời thanh xuân, tỉ tê với những điều quen thuộc. Rồi chúng mình lại ghé đến quán Gió, chẳng nề hà gì với plan, chẳng muốn xếp sao cho hợp lý, tất cả chỉ muốn đi đến những nơi cho là hay ho rồi hà hơi vài ngụm khí để tận hưởng tuổi trẻ trước khi quá muộn màng.




Sau đó chúng tôi lại di chuyển đến Hồ Tuyền Lâm để ôn lại những kỉ niệm, lên Đà Lạt mà không ghé đến đây thì hơi phí. Hồ rộng và quanh co, tạo ra những con đường mòn len lỏi dưới những tán thông cao vút, hồ đẹp nhất là vào mùa nước lên. Sáng thức dậy trong rừng, ăn sáng bên cạnh bờ hồ rồi phóng tít tầm mắt đến tận chân mây và sau đó “máu ngông” lại nổi lên muốn bào mòn mấy con đường.



Chẳng muốn chia tay Đà Lạt sớm, chúng mình quyết định nén lại vài hôm để sau này về bớt nhung, bớt nhớ. Không thích mặn mà với những địa điểm check-in mà các bạn trẻ truyền tụng tai nhau bởi những chiếc “hashtag”, hay vì cuộc sống lãng tử thích chu du ngày đây mai đó để ngắm cho đã cái đẹp của đất mẹ.



Xuôi về phía đoạn Lạc Dương, chúng mình chọn ngủ bụi tại suối Vàng để thử cảm giác trần trụi và ngông cuồng với bầy muỗi rừng thiêng. Mua thêm ít bia, nhóm đống lửa hồng, nướng thêm dăm ba món ăn nhẹ rồi ngắm trời mây, ngân nga vài câu hát cho chạnh lòng tuổi trẻ. Buổi sáng thì hẹn hò với bình minh tại đồi Thiên Phúc Đức, đưa tay ra xua ngần mây đang thi nhau chạy trốn những tia nắng đầu ngày.




Mình cũng chẳng quên báo cáo về những món ăn mà mình thích, đặc biệt là cái xứ sương mù này. Ốc bươu nhồi thịt, lẩu đuôi bò, là mấy cái món làm liêu xiêu cái dạ dày của mình, ốc ăn kèm với khế chua, chuối chát rồi thêm ít rau thơm, ăn bao nhiêu cho lại vốn. Ăn đã rồi gọi thêm nồi lẩu đuôi bò, không khí ẩm ương se lạnh, húp nước súp bò thì thanh đạm lắm, nhớ là hãy ghé đến quán 33 để thưởng thức lẩu cho chuẩn vị nhé.



Đà Lạt có nhiều nơi để đi lắm, bản chất của cái không khí se lạnh đã làm cho con người ta cảm thấy mình buồn và cô đơn nhường nào. Một vài quán nhỏ ta quen, một vài địa điểm ta nhớ, chắc có lẽ Đà Lạt mãi là một giấc mơ và là một thiên đường của tuổi trẻ.

Chặng 7: Đà Lạt – Sài Gòn

Xổ đèo Bảo Lộc để về với mảnh đất mà làm nhiều người bỏ xứ lên đây mà “tha phương cầu thực”. Sài Gòn vẫn như ngày nào, vẫn cứ tỉ tê với loài người bằng thứ ánh sáng vàng vọt, vẫn cứ nhộn nhịp những góc phố hay tại vì Sài Gòn không bao giờ ngủ vì tiền chẳng bao giờ đủ để bù đắp cho những tấm thân gầy guộc héo mòn.



Chắc mình không nói nhiều quá về Sài Gòn, vì nếu mà nói thì bao nhiêu từ điển diễn tả cho tròn trịa chứ. Cái đặc sản của Sài Gòn mà lần nào mình đi cũng gặp, đó là chuyện nắng mưa thất thường, chẳng hạn bạn đang kẹt xe ở khúc đường lớn, thì bỗng có cơn mưa nhẹ nhàng ập tới, vớ được cái áo mưa phủ lên đầu thì trời bỗng hửng sáng lại.



Buổi tối ở Sài Gòn, thay vì nằm côi cút trong chiếc homestay tù túng, bí bách, thì mình lại di chuyển đến phố Bùi Viện để tận hưởng cái chất chơi ở đây. Phố Bùi Viện cứ rền vang những thứ âm thanh thúc dục tinh thần rồi đến mấy cái mùi men bia rượu hay thậm chí là những thứ khói mịt mù trên mí mắt, xộc lên từng đợt, làm sao có thể cưỡng lại cơ chứ.

Chặng 8: Sài Gòn – Sa Đéc – Cần Thơ

Xuôi về miền Tây để hà hơi chút ít không khí hôi tanh mùi bùn của đoạn cuối cùng của dòng sông Mekong vang danh. Đến Cần Thơ chúng mình có ghé đến nhà Huỳnh Thủy Lệ, một trong những ngôi nhà cổ kính đậm nét kiến trúc giới thượng lưu của giới quý tộc miền Tây vẫn còn lưu giữ đến bây giờ.



Cũng không quá xa chúng mình hướng đến Cần Thơ, một trong những thành phố phồn thịnh nhất lục tỉnh Nam Kỳ. Địa điểm dừng chân tiếp theo là một cái khách sạn ở Ninh Kiều, chưa kịp ngả lưng thì một ma lực nào đã có lôi kéo chúng mình đến quán bún mắm 173 nằm trên đường 30/4, phải nói là chuẩn vị hơn trên Sài Gòn rất nhiều.




Buổi sáng ở miền Tây không khí chẳng bao giờ là yên ắng cả, tiếng động cơ xuồng và thuyền cứ oan oan từng đợt, 4 giờ sáng chúng mình thức dậy để đến chợ Nổi Cái Răng. Một hình thức họp chợ đã có từ lâu đời ở miền Tây, chợ diễn ra từ lúc 4 – 5h sáng, nhộn nhịp hơn là lúc 6h và rã chợ lúc 8h, những con thuyền 3 lá cứ bủa vây lại với nhau, có xuồng bán trái cây, có xuồng bán đồ ăn sáng đặc biệt là xuồng máy chở khách du lịch đông như đi trẩy hội.




Nếu để ý, bạn sẽ thấy có những chiếc xuồng có những chiếc gậy dựng đứng thì đó chính xác là xuồng của những người bán, người dân bản địa gọi nó là “bẹo”.



Lúc trở lại Sài Gòn thì có một cái gọi là nỗi nhớ miền Tây, tuy ở đây ngập ngụa những cánh đồng nước mênh mông trắng xóa, lấy phù sa làm giàu cho lãnh thổ, nhưng con người ở đây vốn dĩ thân thiện, chất phát và luôn niềm nở với khách du lịch, họ không thích hét giá hoặc có thể là mềm nhũn tự mặc cả mà mình chưa kịp đá động gì.


Chặng 9: Sài Gòn – Phan Thiết

Nằm ở cuối dãy đất duyên trung hải nên Phan Thiết còn chịu nhiều ảnh hưởng đặc trưng của miền Trung. Cái “đáng ghét” nhất ở đây chính là cái nắng như thiêu đốt mọi thứ, đã làm mình xuống sức hẳn, tia hi vọng cuối cùng đến Phan Rang vào ngày 20 cũng đã bị delay lại một đêm.



Cung đường ven biển có nhiều cồn cát đẹp vô cùng, tự nhiên thấy con người mình được an ủi lên hẳn, Bầu Trắng là một trong những đoạn đường đẹp nhất miền Trung mà các quái xế thi nhau truyền tụng khắp nhân gian với chiếc hashtag “#bautrang”. Một lời khuyên chân thành cho những bạn nào muốn sát phạt cung đường này là không nên đi vào buổi trưa, mà nếu có lỡ đà thì nên tìm một quán nước nào đó ghé vào nghỉ ngơi đợi cái nắng dịu lại rồi hẳn đi.


Không biết có phải mình đi đúng mùa không, mà ở ngoài khơi, nơi giao thoa giữa trời vào biển ấy tạo ra một layer bluer khá dày, mở ra một khoảng trời vô lượng đến khó hiểu. Và thong thả trên con đường tới Bàu Trắng được một lúc thì chúng mình lại chạm ngõ đến thành phố Phan Rang xinh đẹp, nơi được mệnh danh là “Nắng như phan và gió như rang”.


Chặng 10: Phan Rang – Tuy Hòa

Vậy là chuyến hành trình xuyên Việt của tụi mình sắp kết thúc rồi, buổi sáng đầu tiên được sát phạt ánh bình minh trên dải đất hình chữ S, một buổi sáng đầy rẫy những cảm xúc tại nơi gọi là cực Đông của tổ quốc - bãi Môn. Cách đây 2 năm, mình cũng đã từng ở nơi đây, cùng những người bạn xa lạ, chờ một buổi sáng thức dậy đoán những tia sáng đầu tiên trên tổ quốc, không khí bình yên nhẹ nhàng và đâu đó loáng thoáng những mùi tanh hôi của biển.


Người ta nói Bãi Môn là một trong những bãi biển đẹp nhất, nhưng vì một số lí do tranh chấp nên việc khai thác không được đẩy mạnh, nhưng mà thế cũng tốt, có cái nơi an yên và nguyên sơ thì nó vẫn tốt hơn nhiều chứ. Và điều tiếp theo khi mình đến thành phố Tuy Hòa là ghé lại những quán cũ, trong đó có quán của chú Mười, đã 2 năm rồi, mọi thứ dường như đã thay đổi, quán chú to hơn, khang trang hơn, nhưng có điều con người chúng mình muốn tìm gặp lại để tỉ tê những câu chuyện sau 2 năm quay lại thì không còn nữa…


Nếu đã ghé đến Tuy Hòa thì nhất định phải đến hải đăng Đại Lãnh, nơi có vị trí cao có thể ngắm nhìn trời mây một cách ung dung tự tại, hay có lẽ chỉ leo lên đây đợi bình minh chớm nở thì bình yên lắm rồi.

Chặng 11: Tuy Hòa – Lý Sơn

Từ cái hôm mà chúng mình xuất phát từ Tuy Hòa thì chạy thẳng một mạch trở về lại nhà bác của Nam, để nghỉ ngơi buổi tối, rồi ngày mai chúng mình ra cảng Sa Kì bắt chuyến tàu đầu tiên trong ngày ra đảo Lý Sơn. Từ đất liền ra đảo Lý Sơn có cả những chuyến tàu cao tốc với giá 120k/lượt, và gửi thêm 2 “con chiến mã” để còn có cái xong pha đến những vùng đất xa lạ quanh đảo chứ.



Đến đảo vào buổi trưa và có hơi mệt một chút, thế nên cách duy nhất để “đề ba” lại tinh thần là chọn cho mình một buổi trưa trọn vẹn trên đảo và chỗ ngả lưng để trời dịu những tia nắng gay gắt rồi mới đi khám phá.



Khám phá đảo nhất thiết và tối ưu nhất là 2 ngày là đủ rồi, ngày đầu chúng mình có thể chơi ở đảo lớn, với các địa điểm Thới Lới, Hang Câu, Hòn Mu với cổng Tò Vò, ngày 2 chúng mình qua đảo bé với các hoạt động bơi lặn san hô dưới biển. Nếu sợ đảo đông nghịch người, thì cứ chịu khó dậy sớm đi khám phá cho đã rồi về khách sạn nghỉ ngơi cũng chẳng sao.


Chặng 12: Lý Sơn – Hội An

Và rồi Hội An sẽ là một “tiệm salon” cho 2 gã trai mơ đáp xuống, vừa là nơi bảo dưỡng xe và là cái nơi an yên đúng nghĩa để relax sau chuyến đi dài ngoằn. Chúng mình chọn Hội An Memority Hotel & Spa, có vẻ như mọi thứ đều ổn đặc biệt là chiếc hồ bơi vô cực, thứ mà cả 2 đứa thèm khát, thèm cái gọi là việc gột rửa đi cái thây nhớt nhát lấm lem bụi đường, thèm cái cảm giác nằm thả mình giữa hồ bơi chẳng hề lo nghĩ.




Đây là khoảng thời gian nghĩ ngợi về những chuyện mình đã làm trong chuyến đi, nó giống như một cuốn phim chảy dài trong dòng suy nghĩ. Thước phim ấy có những cung đường hoang hoải, nụ cười của những người bạn xa lạ, những đốm lửa đỏ của đống lửa trong đêm trên đồi ngày hôm ấy, con phố ồn ã nơi lũ bạn say ngất ngư liêu xiêu dìu nhau về, những tia nắng hửng sáng đầu ngày gọi là bình minh…Chuyến đi sẽ mãi luôn là kỉ niệm đẹp trong lòng chúng tôi, nó phá vỡ những giới hạn của một con người trẻ, trót đam mê những tuyến đường rải nhựa, trót yêu mây trời, trót ghiền mùi xăng xe.



Khoảnh khắc chill nhất trong chuyến đi có lẽ, là sắp tới ngày trở về nhà, một chút vui mừng khi mình không một chút sứt mẻ nguyên vẹn hình hài trở về gặp bố mẹ, một chút tiếc nuối vì không biết sau này sức khỏe có cho phép làm điều này lại một lần nữa không. Và có lẽ, mấy năm sau nữa, khi nhắc lại về một kỷ niệm khó quên thì chuyến đi xuyên Việt năm ấy sẽ là một mảnh ghép thanh xuân của đời mình.

Nguồn: Nguyễn Vũ Ngọc Hà

Nguồn : tripnow.vn