Thị trường du lịch của TP Hồ Chí Minh so với mặt bằng chung cả nước chiếm tỷ trọng cao, nguồn thu tăng trưởng ổn định, đóng góp lớn cho ngân sách của thành phố. Thế nhưng so với tiềm năng hiện có, ngành du lịch vẫn chưa có những sản phẩm, cách làm du lịch mang tính “bứt phá” để thu hút du khách.
Tăng nhanh về lượng nhưng chậm về chất
Với sự năng động và tiềm năng sẵn có của mình, những năm qua, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Số liệu thống kê cho thấy, trong hơn hai thập kỷ qua, lượng khách quốc tế đến thành phố tăng hơn 14 lần, chiếm khoảng 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam; khách du lịch nội địa tăng hơn 24 lần; tỷ trọng đóng góp từ doanh thu toàn ngành du lịch trong cơ cấu GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của thành phố chiếm khoảng 11%; doanh nghiệp lữ hành thành phố tăng nhanh về số lượng và chất lượng (tăng 28,4 lần); số lượng cơ sở lưu trú tăng 34,75 lần; số lượng hướng dẫn viên du lịch cũng tăng nhanh. Trong năm 2017, thành phố đón 6,4 triệu lượt khách quốc tế; bảy tháng đầu năm 2018 đón 4,3 triệu lượt khách, tăng 26% so với cùng kỳ và đạt 58% kế hoạch cả năm. Riêng về doanh thu, bảy tháng đầu năm ước đạt 75.500 tỷ đồng, tăng 17,79% so với cùng kỳ và đạt 54,71% kế hoạch năm. Trong vài ba năm trở lại đây, thành phố cũng bổ sung thêm cho ngành du lịch nhiều sản phẩm mới để thu hút du khách như: du lịch y tế, du lịch đường sông, lễ hội áo dài, lễ hội thời trang và công nghệ, tổ chức sự kiện du lịch thể thao…
Tuy nhiên, du lịch TP Hồ Chí Minh vẫn chưa được các doanh nghiệp, du khách và các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá cao. Lấy con số lượng khách quốc tế đến du lịch ở các nước láng giềng như: Băng-cốc, Thái-lan (21,4 triệu lượt khách), Xin-ga-po (18 triệu lượt khách), Cu-a-la Lăm-pơ, Ma-lai-xi-a (15 triệu lượt khách)... trong khi thành phố Hồ Chí Minh đón gần 6,4 triệu lượt khách quốc tế. Ðây được xem là con số ấn tượng ở nước ta nhưng rõ ràng, nhìn nhận khách quan, con số này vẫn quá khiêm tốn so với một số quốc gia khác. Du khách khi đến địa phương thường nhắc đến “sản phẩm du lịch”, “sản phẩm du lịch bản sắc” đặc thù. Tuy nhiên, qua nhiều năm phát triển, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa xây dựng được một sản phẩm du lịch nào mang tính “đặc thù”, “bản sắc” mặc dù ngành đã xây dựng rất nhiều sản phẩm để phục vụ du khách. Một thí dụ khác, hiện nay ngành du lịch chưa xây dựng được các sản phẩm du lịch về đêm (khung từ 18 giờ đến 2 giờ sáng) dù nhu cầu của du khách là rất lớn. Ðây cũng là khung giờ du lịch tạo ra nguồn thu không nhỏ nếu phát huy có hiệu quả. Là một thị trường lớn về du lịch, TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 122 nghìn lao động trong lĩnh vực này, tuy nhiên, trong số này, chỉ 70% lao động được qua đào tạo ở các cấp độ, thậm chí, số lượng hướng dẫn viên được cấp thẻ hiện nay cũng luôn rơi vào tình trạng thiếu trước hụt sau, nhiều tua tuyến, các doanh nghiệp phải sử dụng hướng dẫn viên ở chế độ cộng tác viên. Ngoài ra, các yếu tố khác như: cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông, cấp thoát nước, cảng biển, bến tàu, các trung tâm hội nghị, triển lãm quy mô lớn,… chưa hoàn thiện là những lực cản rất lớn khiến ngành du lịch chưa thể bứt phá như mong muốn.
Sớm hoàn thiện chiến lược phát triển
Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết: Với cơ sở hạ tầng, sản phẩm hiện có cùng với nỗ lực của ngành, đến năm 2020, du lịch thành phố sẽ phấn đấu nằm trong tốp 30 thành phố hấp dẫn nhất thế giới và tốp 10 thành phố có ngành du lịch phát triển hàng đầu cho du khách. Ngành du lịch cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng khách quốc tế đạt từ 20 đến 25% (10 đến 11 triệu lượt), khách nội địa tăng 10 đến 15% (33 đến 35 triệu lượt) vào năm 2020. Trong những năm tới, ngành du lịch sẽ tập trung đầu tư các sản phẩm đang có thế mạnh như: du lịch ẩm thực, mua sắm, văn hóa - lịch sử đồng thời phát triển các sản phẩm có tiềm năng như du lịch đường thủy, y tế, nông nghiệp.
Ðứng ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Sài Gòn Trần Hùng Việt cho rằng: Ngành du lịch cần “chăm chút tỉ mỉ”, kể cả những nhu cầu nhỏ nhất cho du khách để tạo ấn tượng tốt khi họ đến TP Hồ Chí Minh; vấn đề về vệ sinh môi trường, rác thải, an ninh trật tự cũng cần hết sức lưu ý cho du khách. Trong khi đó, Chủ tịch HÐQT, Tổng Giám đốc Viettravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng: Doanh nghiệp làm du lịch cần biết được định hướng, chiến lược dài hạn của ngành để họ có cơ sở xây dựng chiến lược cho doanh nghiệp. Riêng ngành du lịch phải xây dựng được sản phẩm chiến lược, đặc thù trong số rất nhiều sản phẩm đang có để tạo điểm nhấn trong mắt du khách.
Tại buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của Sở Du lịch mới đây, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Sở Du lịch cần gấp rút hoàn thành việc xây dựng đề án chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030. Bởi đây là tiền đề để ngành du lịch có các chiến lược, kế hoạch, lộ trình đi đúng hướng, doanh nghiệp du lịch cũng căn cứ vào đó để hoạch định chiến lược cho đơn vị. Ðồng chí cũng chỉ đạo ngành du lịch phải kết nối được các đơn vị đào tạo nhân lực về du lịch để đáp ứng cho được nhu cầu của doanh nghiệp. Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố du lịch năng động, lớn nhất cả nước thì việc thiếu hụt nhân lực sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy gây ảnh hưởng đến chất lượng các sản phẩm du lịch. Thị trường du lịch về các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện rất rộng lớn cho nên ngành phải khảo sát, kết nối tua tuyến để đưa du khách về vùng này và ngược lại. Về lâu dài, thành phố sẽ hướng đến việc thành lập tổ tư vấn với thành phần là các chuyên gia trong nước và ngoài nước để giúp sức đưa ngành du lịch phát triển đúng với tiềm năng hiện có.
Xuân Phú/Nhandan