Mở cách đây 25 năm, quán có các tác phẩm điêu khắc gợi nhớ tượng nhà mồ của người dân Ba Na.
Quán cà phê theo phong cách nhà mồ ở Kon Tum
Nhiều năm nay, quán cà phê trên đường Phan Chu Trinh mang nét văn hóa các dân tộc Tây Nguyên là điểm đến thường xuyên của du khách khi đến với thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum).
Không gian nhà dựng bằng tre nứa, những vật dụng như gùi, cồng, chiêng, chum, tượng… được trang trí khắp nơi trong quán.
“Quán mở cách đây 25 năm trong khu vườn rộng 1.000 m2 của gia đình. Sau đó, chúng tôi trồng thêm nhiều loại cây hoa để tạo ra không gian như vùng núi rừng Tây Nguyên. Ban đầu, quán chỉ là cà phê vườn rồi dần dần được trang trí như hiện tại”, bà Cẩm (chủ quán) cho biết.
Nổi bật trong quán là hai cây me gần trăm tuổi với dây leo chằng chịt, tạo nên vẻ hoang sơ.
Đặc biệt, khắp nơi trong quán đều trưng những bức tượng mang phong cách nhà mồ, nơi chôn cất người đã khuất của dân tộc Ba Na. Họ tin rằng cái chết chưa phải là hết. Những bức tượng như một cách bày tỏ tình cảm của người đang sống với người đã mất.
“Chồng tôi vốn là họa sĩ, ông tự tay phác thảo hình dáng cho những bức tượng rồi thuê nghệ nhân người Ba Na điêu khắc. Các tác phẩm đều làm bằng gỗ, toát lên thần thái, sinh khí của Tây Nguyên”, bà Cẩm chia sẻ.
Theo chủ quán, tượng đuợc đục đẽo thủ công bằng những chiếc rựa nên thể hiện sắc nét từng góc cạnh.
Trong quán có gần trăm bức tượng với đủ hình dáng, kích thước, biểu cảm.
Những bức tượng được sắp đặt ở nhiều vị trí bên trong quán, tựa như một bảo tàng thu nhỏ.
Gian bếp của người Ba Na được tái hiện với những vật dụng quen thuộc như trái bầu khô, ché rượu cần và vài thanh củi gợi nên cảm giác ấm áp, gần gũi.
Hầu hết vật dụng trong quán đều làm từ gỗ do chính người chủ tự tay thiết kế. Bàn ghế được làm từ thân cây, bộ gốc với hình dáng xù xì, mộc mạc, pha nét núi rừng Tây Nguyên.
Đồ uống có giá từ 12.000 đến 35.000 đồng. “Ngoài không gian độc đáo, tôi nghĩ, món cà phê với hương vị riêng là điểm lôi cuốn du khách hàng chục năm nay”, bà chủ quán nói.
Theo Quỳnh Trần/Vnexpress