Petra – Kho báu bị lãng quên

Nếu chỉ dùng một từ để miêu tả Jordan, từ đó sẽ là “Cát”. Cát trong muôn hình dạng và vạn sắc thái. Cát tung trong gió dọc thung lũng sông Jordan, đọng thành lớp bùn khoáng dưới đáy biển Chết, kết thành sa thạch trên những sa mạc đá bí ẩn. Những khối sa thạch ấy đã sinh ra một kỳ quan thế giới: Petra. Thành phố cổ Petra là viên ngọc quý của đất nước Jordan, được UNESCO xếp hạng di sản từ năm 1985.

Petra – Kho báu bị lãng quên
Siq, hẻm núi dài 1,2km, lối vào hoàn hảo cho thành phố bí ẩn Petra.

Petra của năm xưa

Petra có nghĩa là “đá”. Trong ngôn ngữ cổ của người Semit vùng Trung Đông, người ta gọi Petra là Raqmu – “đa sắc”. Cái tên thật đúng với nơi này. Lớp sa thạch hồng đỏ vốn đã đẹp nao lòng còn được thiên nhiên trang trí thêm những đường vân xanh, vàng, trắng, đen, uốn lượn và xếp lớp, tinh tế đến tuyệt mỹ. Không ai biết Petra được hình thành từ bao giờ. Chỉ biết vùng đất này nằm ở vị trí đắc địa cho việc buôn bán, nằm trên con đường thương mại nối giữa vùng Tây Á và Ai Cập thời xưa. Vì vậy, người Nabatean đã chọn nơi đây làm thủ đô và thành phố bắt đầu hưng thịnh trong vài thế kỷ trước và sau Công nguyên (SCN). Người Nabatean là một dân tộc Ả Rập du mục cổ đại, chuyên sống bằng giao thương. Họ vừa là những kỹ sư thủy lợi vừa là những kiến trúc sư tài ba.

Tu viện được xây dựng vào khoảng thế kỷ 2 SCN.

Trái với những gì tôi từng tưởng tượng, Petra rất rộng lớn, trải trên hàng chục ki-lô-mét vuông. Vào thời hoàng kim, người Nabatean đã xây dựng nên một thành phố sầm uất với các trục đường lớn và những công trình vĩ đại: nhà hát, lăng mộ, đền thờ… Bao quanh là những ruộng vườn màu mỡ, được tưới tiêu bởi một hệ thống kênh dẫn, đập nước và hồ chứa cầu kỳ. Người Nabatean thời xưa đã biết cách làm chủ tài nguyên nước và thống trị được vùng sa mạc khô cằn như đất Jordan. Trong hàng trăm năm, Petra tiếp tục phát triển và hưng thịnh sau khi được sáp nhập vào đế chế của người La Mã, cũng là những thiên tài về kỹ thuật và kiến trúc. Cho đến giữa thế kỷ 4 và thế kỷ 7 SCN, những trận động đất mạnh đã phá hủy phần lớn thành phố. Petra dần rơi vào quên lãng.

Lớp sa thạch hồng đỏ vốn đã đẹp còn được thiên nhiên trang trí thêm những đường vân uốn lượn và xếp lớp, tinh tế đến tuyệt mỹ.

Lời chào đầy thuyết phục

Ngày nay, tuy rất đông du khách nhưng có lẽ vẻ hoang sơ và tĩnh mịch của sa mạc vẫn lấn át được dòng người ngày ngày đổ về đây. Vì vậy, Petra khoáng đạt và dễ chịu chứ không xô bồ như những kỳ quan thế giới khác. Tôi tham lam muốn tìm cho mình một Petra hoàn toàn vắng lặng. Vì thế sáng nào tôi cũng dậy sớm, đến xếp hàng ở cửa soát vé từ 6 giờ sáng rồi dành cả ngày lang thang khắp các con đường vắt vẻo giữa núi và hoang mạc.

Cuối đường Siq, Al- Khazneh hiện ra sau một khúc quanh.

Siq, lối vào Petra, dài 1,2km, có chỗ chỉ rộng chừng 2m, dẫn vào thành cổ. Siq là một khe hẹp, hình thành giữa những khối núi cao hơn 200m bị tách làm đôi trong các hoạt động địa chấn, sau đó được mài giũa bởi nước sông tràn và gió lộng. Vào khoảng năm 50 SCN, người Nabatean, trong quá trình phát triển Petra, đã xây dựng một đập nước lớn, nắn dòng sông Wadi Musa, ngăn không cho sông này chảy qua Siq về hướng Wadi Al Mudhlim và Wadi Al Mataha. Siq từ đó trở thành cửa ngõ tự nhiên, thiêng liêng nhất, tuyệt diệu nhất mà một thành phố có thể mơ ước có được. Nhưng rồi những trận động đất phá hủy Petra xưa kia đã làm vỡ con đập cổ. Dòng Wadi Musa lại tràn vào Siq. Thiên nhiên đã chiếm lại Petra. Lối vào thành phố hoàn toàn biến mất đến tận cuối thế kỷ 20, khi một đập nước mới được xây lại theo nguyên tác.

Những di tích còn lại sau gần 20 thế kỷ bị lãng quên của Petra.

Lúc sáng sớm, Siq hoàn toàn yên tĩnh. Con đường hẹp tĩnh mịch nằm trọn dưới bóng những bức tường đá dựng đứng dẫn ta vào thành phố đang say giấc. Ngay lúc ấy, bóng núi hồng tím bỗng vỡ òa trong ánh sáng mặt trời ngay trước một trong những kỳ quan của Petra, biểu tượng của đất nước Jordan: Treasury, hay Al-Khazneh trong tiếng Ả Rập, có nghĩa là “kho báu”. Cái tên được đặt bởi người Bedouin, những cư dân duy nhất của Petra và là hậu duệ của người Nabatean xưa kia. Họ từng tin vào truyền thuyết kể rằng Al- Khazneh là nơi pharaon trong kinh thánh của Exodus giấu kho báu vàng.

Nhà hát của Petra được tạc hoàn toàn từ núi đá.

Tuy không có vàng và đá quý, nhưng Al- Khazneh vẫn thật sự là một kho báu kiến trúc hoàn mỹ. Dù đã được chuẩn bị trước, nhưng khi Siq vén tấm màn cuối cùng và Al-Khazneh hiện ra trước mắt, tôi vẫn hoàn toàn bất ngờ và choáng ngợp. Al-Khazneh được xây vào khoảng thế kỷ 1 TCN, cao gần 40m. Toàn bộ công trình được tạc vào mặt sa thạch đỏ hồng đặc trưng của Petra, bên trong là những gian phòng rộng ăn vào lòng núi, với mục đích sử dụng ban đầu còn là một bí mật chưa được giải đáp.

Petra không chỉ là các công trình kiến trúc hàng nghìn năm mà còn là một thể giao hòa giữa nền văn hóa đã có thời phát triển đến đỉnh cao và thiên nhiên hùng vĩ.

Tôi lặng người ngắm mặt tiền kiến trúc Hy Lạp cổ, thanh thoát và trang nhã được thiết kế với tỷ lệ hoàn hảo. Mọi chi tiết đều được đặt vào đúng vị trí phải có, cầu kỳ nhưng không rườm rà. Bấy nhiêu đã quá đủ để mê hoặc lòng người, vậy mà ánh bình minh còn rót thêm sắc nghiêng trên mặt đá, làm chúng hồng lên tuyệt đẹp. Kỳ diệu quá! Tôi đã phải lòng Petra như thế!

Những bậc thang bất tận đưa lên những nơi có tầm nhìn rộng.


Thổ Nhĩ Kỳ - Đất nước của những vết tích lịch sửThổ Nhĩ Kỳ là điểm đến không thể tuyệt vời hơn với những ai yêu thích vẻ đẹp thơ mộng, lãng mạn nhưng cũng có chút bí ẩn, hoài cổ của các di tích...

Tiến sâu vào lòng thành phố

Nếu như khách du lịch theo đoàn đến Petra trong một ngày thường chỉ dừng lại ở trước Al-Khazneh, thì tôi theo chân những kẻ thích ngao du đi tiếp vào trung tâm thành phố. Trung tâm Petra trải dọc theo một đại lộ thênh thang lát đá phiến to bản, theo phong cách La Mã. Từ đây, các công trình kiến trúc lớn được quy hoạch dựa theo cấu trúc của các họng núi ăn sâu vào các thung lũng tự nhiên, tỏa ra bốn phía. Bằng tài năng của mình, các kiến trúc sư người Ai Cập, Hy Lạp, La Mã và cả Nabatean cùng góp công xây dựng nên một Petra kỳ vĩ, mà một phần vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay.

Trung tâm Petra trong ánh chiều tà.

Trong nhiều thập kỷ, người ta đã lầm tưởng Petra là thành phố của những linh hồn bởi quy mô của các đền thờ và lăng mộ. Như nhiều tộc người cổ đại khác, người Nabatean rất coi trọng thế giới vĩnh cửu. Họ có niềm tin vào hai dạng linh hồn của mỗi người: rouah – “hơi thở”, mang tính tâm linh, sẽ trở về cõi thần tiên sau khi chết, và nefesh – linh hồn mang theo tính cách người đã khuất, tiếp tục tồn tại trong lăng mộ. Vì thế, những công trình mai táng đồ sộ tạc trên bề mặt hầu hết các vách đá cao bao quanh thành phố khiến ta nghĩ Petra là một nghĩa trang khổng lồ. Tuy vậy, Petra xưa kia là một thành phố sống. Chỉ là các lều trại, kho chứa, cửa hàng, các đoàn lạc đà và những di tích còn sót lại từ lối sống du mục của người Nabatean đã bị mai một sau nhiều thế kỷ lãng quên mà thôi.

Hơn 6 giờ sáng, Al- Khazneh lặng thinh đón bình minh.

Rời đại lộ chính, thoát khỏi những tiếng rao bên các sạp hàng lưu niệm của người Bedouin, tôi mải miết rảo bước trên vô số các đường trek đến những điểm xa nhất trong thành phố. Những lối mòn, hầu hết được đẽo thành các bậc thang men sườn núi, đưa tôi lên cao dần, đến những điểm bao quát tất cả các thung lũng hợp nên Petra. Tháng Năm vẫn là cuối Xuân ở Jordan. Những cây trúc đào nở hồng ven các bờ suối đang ngày một cạn khô, chuẩn bị cho một mùa Hè nóng rực. Với những vị khách kiên nhẫn, ở cuối một loạt các dãy cầu thang đá dài bất tận, The Monastery, trong tiếng Ả Rập là Ad-Deir, có nghĩa là “tu viện” sẽ đón bạn phía đầu kia thành phố. Ad-Deir được xây dựng vào khoảng thế kỷ 2 SCN. Đây cũng là một lăng mộ có kiến trúc tương tự Al-Khazneh, nhưng được đẽo gọt với những tỉ lệ vuông vức hơn, tạo cảm giác vững chãi, chắc nịch và oai nghiêm.

Đền thờ kiến trúc Hy Lạp cổ có gian phòng và cột chống được tạc vào nền sa thạch.

Khám phá Petra là khám phá những điều bất ngờ sau mỗi khúc quanh. Petra không chỉ là các công trình kiến trúc hàng nghìn năm mà còn là một thể giao hòa giữa nền văn hóa đã có thời phát triển đến đỉnh cao và thiên nhiên hùng vĩ. Tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Có lúc, đang trầm trồ vì vẻ đẹp một vách núi hồng có vân ngũ sắc thì ngay phía sau đó là một ngôi đền Hy Lạp tĩnh mịch, với cấu trúc hài hòa và được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Tâm trí tôi ngay lập tức rời khỏi các vân đá kỳ dị để đi lạc vào một thế giới cổ xưa, bí ẩn đến nghẹt thở. Một lúc khác, đang ngẩn ngơ đứng trên một mỏm núi, ngắm ánh chiều rọi nắng vàng như mật lên mặt tiền các lăng mộ “hoàng gia”, tôi lại bị cuốn hút bởi một đàn lạc đà chạy qua, tung bụi phủ mờ con đường bên dưới. Quang cảnh bỗng nhuốm một màu cát như trong thước phim cũ đầy hoài cổ. Trái tim tôi như có ai siết chặt. Đẹp quá! Tôi như đang sống trong một giấc mơ.


Đường đến Petra

• Jordan chưa có Đại sứ quán tại Việt Nam, vì thế người Việt Nam sẽ phải xin visa Jordan qua đại sứ quán Jordan tại Trung Quốc.

• Từ vài năm trở lại đây, Jordan có phát hành Jordan pass dành riêng cho khách du lịch. Với Jordan pass, bạn sẽ được miễn phí visa và bao trọn vé vào cửa Petra cùng nhiều điểm tham quan khác ở Jordan. Có nhiều loại Jordan pass cho bạn lựa chọn tại đường dẫn: https://www. jordanpass.jo/.

• Từ Việt Nam đi Jordan có nhiều chuyến bay với thời gian quá cảnh hợp lý ở một nước thứ ba như Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ hay Qatar.

• Từ thủ đô Amman đến Petra có thể đi bằng xe bus nội địa, taxi, xe có tài xế riêng bao theo ngày, hoặc thuê xe tự lái.

• Hệ thống đường giao thông ở Jordan rất tốt nên có thể yên tâm tự lái xe mà không gặp khó khăn gì.

• Petra nằm kế bên thành phố Wadi Musa. Đây là điểm dừng chân lý tưởng khi tham quan Petra. Wadi Musa có rất nhiều khách sạn, siêu thị và nhà hàng từ bình dân đến sang trọng cho du khách thoải mái lựa chọn.