20+ 'cú lừa' có thật, người du lịch quốc tế phải dè chừng - P.1

Đối với khách du lịch quốc tế, bên cạnh những thủ tục, quy định... để nhập cảnh nước bạn thì cũng nên lưu ý những chiêu lừa đảo, mánh kinh doanh không đáng hoan hô lắm sau đây, bởi chúng có thể khiến chuyến đi mất vui hoặc đem lại thiệt hại không đáng có.

Sau đây là một số chia sẻ từ các du khách quốc tế tại sau những chuyến hành trình của họ:

1. Có một số phụ nữ giả vờ bị điếc trong quảng trường ở Louvre, Pháp. Họ chỉ "bị điếc" cho đến khi tôi nói với họ rằng tôi không có tiền lẻ cho họ. Họ chắc chắn đã nghe thấy điều đó, vì họ bỏ đi ngay.

2. Nếu ai đó đưa bạn thứ gì "Miễn phí" - đừng lấy! Họ sẽ ép bạn phải mua nhiều hơn, gây áp lực về tiền bạc cho bạn. Tôi đang nói về chuyện của tôi ở Ý, mọi người sẽ tiếp cận bạn, cố đeo một cái vòng đeo "miễn phí" vào tay nhưng sau đó lại yêu cầu bạn trả tiền.

3. Nếu bạn đang ở trong một khu vực đông đúc, bỗng có ai tiến đến gần bạn và nói: "Ôi bạn của tôi, đúng bạn của tôi rồi!" thì tốt nhất là nên làm ngơ. Nếu thực sự là bạn của bạn, họ sẽ không xưng hô lạ lùng như vậy.

4. Theo nguyên tắc chung, hãy tránh những nhà hàng nằm ngay gần các điểm du lịch rất nổi tiếng (Tháp Eiffel, Sagrada Familia, đấu trường La Mã). Những nơi này ở đó để thu hút khách du lịch - những người không có/chưa tìm ra sự lựa chọn nào tốt hơn. Hãy tránh những điểm này và tìm đến nhà hàng nào xa những chốn đông đúc một chút.

5. Nếu bạn đang tự hỏi liệu một nhà hàng ở Ý "ngon đích thực" hay là một cái bẫy, giả dạng để lừa khách du lịch, hãy xem giờ mở cửa. Các nhà hàng Ý hợp pháp phục vụ người dân địa phương sẽ mở cửa phục vụ bữa tối không sớm hơn 19h, trong khi các bẫy du lịch (nơi mạo danh nhà hàng có tiếng chẳng hạn) sẽ mở cả ngày. Có một số ngoại lệ, nhưng đây là luật bất thành văn đấy.

6. Tại các kim tự tháp ở Ai Cập, những người lừa đảo sẽ nói với bạn rằng bạn phải trả thêm tiền cho họ để được ngắm tượng Nhân sư, trong khi tiền đó đã được bao gồm trong vé thăm kim tự tháp của bạn.

7. Vợ chồng tôi đã đến Rome (Italy) để hưởng tuần trăng mật. Đây là lần đầu tiên tôi đi du lịch nước ngoài, nhưng vợ tôi thì đã đi du lịch cả đời. Chúng tôi đang đi bộ từ Đài phun nước Trevi đến Bậc thang Tây Ban Nha thì có một người đàn ông rất thân thiện đến gần, tặng cho vợ tôi một bông hồng. Tôi liền bảo vợ trả lại thì cô ấy lấy làm cáu gắt.

Người đàn ông nọ bắt chuyện, hỏi chứng tôi có phải đến từ Mỹ không, đã kết hôn chưa và liệu anh ấy có thể chụp ảnh vợ chồng tôi bằng máy ảnh của chúng tôi không. Tôi bảo không, và vẫn có ý bảo vợ trả lại bông hoa nhưng cô ấy vẫn không đồng ý.

Lúc này, sự thân thiện của anh ta biến mất, và anh ta đâm vào vai tôi và đòi chúng tôi đưa tiền. Tin được không, lần đầu chiến đấu bên nhau là như thế này, và tôi tức giận đến mức phải hét vào mặt cô ấy "Trả cho hắn cái bông hồng chết tiệt kia ngay!".

Vợ tôi đã không tin đó là một trò lừa đảo cho đến khi tôi nhận ra có rất nhiều gã tương tự làm thế với du khách. Bạn đi đâu không quan trọng, phải luôn cảnh giác.

8. Ở Fiji (đảo quốc tại châu Đại Dương), khi du khách quốc tế đang tản bộ dọc theo con phố, những người dân địa phương thân thiện sẽ chào đón bạn bằng "bula vinaka" (xin chào) và những nụ cười xinh đẹp. Thỉnh thoảng một người dân địa phương sẽ bắt chuyện và hỏi bạn tên của bạn.

Trước khi bạn nhận ra mục đích, họ đã khắc tên bạn vào giáo, vỏ sò, khiên gỗ "truyền thống"... của họ, sau đó yêu cầu bạn trả tiền cho những thứ này. Họ sẽ có vẻ khó chịu, viện nhiều lý do để bạn thấy có lỗi khi không chịu mua chúng. Vậy nên, hãy cười thân thiện đáp lại nhưng đừng nói tên.

9. Đừng cưỡi lừa hoặc ngựa tại Petra (thành phố cổ của nước Jordan). Chúng bị ngược đãi khủng khiếp, bị buộc phải mang nặng hơn sức, bị nhốt giữ trong điều kiện tồi tệ và bị bỏ đói. Nếu bạn quá lười, đừng bắt một con lừa tội nghiệp nào đó phải vác sức nặng của bạn lên sườn núi.

Ngoài ra, đừng mua chai cát ở Petra, vì họ lấy cát/đá từ các địa điểm khảo cổ và như thế là làm xuống cấp các điểm có giá trị này.

10. Tôi du lịch Paris cùng một người bạn nữ. Khi chúng tôi đang đi dạo, một anh chàng nào đó xuất hiện, nhặt một chiếc nhẫn trên mặt đất và ra hiệu hỏi xem đó có phải là của cô ấy không. Cô bạn tôi bảo không, nhưng anh ta cứ khăng khăng cô ấy phải nhận lấy. Tôi nói "Không, hắn chỉ đang cố lấy tiền của bạn thôi", nhưng cô ấy dần bị hắn thuyết phục.

Dĩ nhiên rồi, ngay sau đó, hắn xin bạn tôi tiền. Cô ấy đưa hắn một ít và... hắn bảo cô ấy trả hắn chiếc nhẫn! Khi chúng tôi rời đi, cô ấy cảm thấy rất xấu hổ vì đã mắc mưu như thế.

Nhân tiện, chúng tôi đến từ New York. Tôi làm việc tại một nhà hát Broadway ở Quảng trường Thời đại. Nếu bạn chụp ảnh với một trong những nhân vật hóa trang thú vị trên đường phố, những người tương tự sẽ không biết từ đâu sẽ ùa đến và bạn sẽ tốn không ít tiền đâu.

11. Đây là chuyện về chiêu lừa đảo tại Vương cung thánh đường Sacre Coeur, Paris. Họ túm tụm, chiếm lối đi lên cầu thang và sẽ quấy rầy bạn về việc ký một số đơn bảo lãnh. Tôi đã kí cho "Tổ chức từ thiện cho trẻ em tị nạn khiếm thính". Đó rõ là một tờ giấy rách nát với một số biểu tượng trắng đen của Liên Hợp Quốc và những biểu tượng lạ lùng khác được làm vụng về.

Trò lừa đảo này thường do phụ nữ tổ chức và họ không ngại sử dụng con cái của mình. Nếu bạn may mắn, họ sẽ chỉ xin một số tiền sau khi bạn ký xong. Nếu không, bạn sẽ bị móc túi khi đang phân tâm và ký tên. Điều này đã xảy ra với một người ở ký túc xá của tôi.

Trong trường hợp của tôi, tôi bảo với họ bằng tiếng Anh rằng tôi không quan tâm và cố gắng tản bộ ra chỗ khác. Điều này khiến họ bực mình và hô hoán rằng tôi là "người Mỹ xấu xamuốn những đứa trẻ khiếm thính của chúng ta bị sát hại bằng bom". Họ than khóc và làm đủ thứ khác nữa. Lời khuyên của tôi cứ giả vờ như không hiểu tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, đừng tham gia và luôn luôn để tay trong túi. Thói quen đó khá cần thiết với bất kỳ ai sắp du lịch châu Âu.

(Còn tiếp)

Bài liên quan
20+ 'cú lừa' có thật, người du lịch quốc tế phải dè chừng - P.1
Du khách từng trải hé lộ tips sống còn phòng hờ mất hành lý
Loạt ảnh 'tấu hài', khiến du khách ngỡ ngàng khi du lịch quốc tế