Ba nỗi sợ khi phiêu lưu đảo Phú Quý ngày bão và cái kết bất ngờ

Khởi hành tới Phan Thiết lần này, mình nhận được tin báo biển động, có khả năng không thể tham gia bất cứ hoạt động gì. Bao nhiêu viễn cảnh tồi tệ hiện lên trong đầu cùng muôn vàn lo lắng. Sợ bão lớn khiến trời đảo âm u mù tối, sợ sóng to không thể lặn ngắm san hô hay hụt mất chuyến bơi thuyền câu cá… Tuy nhiên, sự tò mò và ham khám phá đáy lòng biển cả vẫn đưa đẩy bước chân mình bước lên tàu, tìm đến và bắt đầu chuyến du lịch đảo Phú Quý. Và cuối cùng, kết quả thu lại đầy bất ngờ…Mục Lục1. Sợ biển động, tàu hủy chuyến ra đảo2. Sợ ngâm nắng lâu mà cá không cắn câu3. Sợ nước đục không thể ngắm san hô

1. Sợ biển động, tàu hủy chuyến ra đảo

Không thể hoãn lại tới ngày biển tĩnh. Vé tàu đã mua, lịch trình đã lên. Mình gọi điện thoại hỏi phòng vé thì may sao nhận được thông tin tàu đi ra đảo rất lớn nên vẫn di chuyển bình thường, có điều dập dềnh hơn mọi ngày. Đánh liều khăn gói hành lý, tay cầm cuống vé, mình bước vào khoang tìm đúng ghế ngồi.
Ba nỗi sợ khi phiêu lưu đảo Phú Quý ngày bão và cái kết bất ngờ
Bến tàu ra đảo Phú Quý – Phan Thiết vẫn đông kín người dù nghe tin bão.Tàu đi Phan Thiết có 2 loại: Superdong di chuyển trong 2 giờ 30 phút với giá vé 350.000 VND / người lớn; Tàu Hưng Phát tới đích chậm hơn sau 4 giờ trên biển. Tuy nhiên, với những ngày thời tiết không ủng hộ, đó lại là sự lựa chọn không tồi dành cho bạn. Tàu đi chậm hơn nên đón sóng nhẹ nhàng, “từ tốn”, giá lại chỉ 250.000 VND / người. Khá ổn!
Chuyến tàu Superdong siêu tốc đưa du khách đến Phú Quý – vùng đảo mơ.Khoang tàu sạch sẽ, nhân viên phục vụ chu đáo và “tỉnh táo”. Bất cứ khi nào bạn cần, luôn có một cánh tay sẵn sàng hỗ trợ nước lọc, khăn ướt, giấy ăn,… Vậy là mình ra đảo, trốn đất liền thành công!

2. Sợ ngâm nắng lâu mà cá không cắn câu

Chuyến tàu ngư dân đưa tụi mình dần ra xa bờ. Trước khi đi, anh chủ tàu có chuẩn bị sẵn tâm lý: “Tình hình biển vầy hên xui mới có cá à nha!” Liều ăn nhiều, chơi tới đi anh ơi!
Bãi Phủ nơi đón tàu đi câu cá, lặn ngắm san hô.Tàu bữa nay đi xa hơn mọi khi. Ra khơi mong mỏi nhất là khoảnh khắc thu lại được cá tôm, nhưng trong ngày biển động thì nghe chừng khó. Mà chính xác hơn, là rất khó. Nhưng mình vẫn ngoắc mồi vào lưỡi câu. Dây cước gắn 2 miếng mực nhỏ, một lần thả 2 “thính”. Cơ hội nhân đôi, nhưng nếu không được, thất vọng cũng tăng bội phần.
Tàu ghe neo đậu trên biển cũng trở thành tuyệt cảnh trên hành trình đi câu.Việc câu cá không dành cho người thiếu kiên nhẫn. Ngâm nắng hồi lâu, có người đã buông cước, quay vào vòm tàu nằm nghỉ. Tự thử độ nhẫn nại của bản thân, mình “lì lợm” ngồi thêm chút nữa. Trên thuyền có cặp anh chị rất “sát cá”. Lần thả mồi nào cũng thu được thành quả. Chốc lát, anh chị đã có mấy con cá bò, hứa hẹn một bữa nướng tươi ngon khi trở về bờ.
Trong lúc “nhẫn nại” chờ cá có thể tranh thủ “sống ảo”.Ngồi yên một chỗ trên thuyền rất dễ bị sóng vỗ và cái chòng chành “đánh say’’ tơi tả. Mẹo nhỏ rút từ kinh nghiệm bản thân mình: Bạn đừng xao lãng việc thả cước giăng câu. Hãy tập trung nghĩ tới nó, dồn sự chú ý vào đầu ngón tay – nơi đặt sợi cước “thăm dò” hơi cá. Sự lưu tâm vào một việc sẽ khiến bạn quên đi những tác động bên ngoài, cụ thể ở đây là cơn say sóng.
Thành quả mình cho là “phần thưởng xứng đáng” sau một buổi lênh đênh.Sự kiên trì, nhẫn nại luôn được đền đáp xứng đáng. Mình tin vậy. Cả chuyến đó mình chỉ câu được một chú cá, ngồi chờ đợi lâu nhất nhưng lại có được chú cá to nhất, đẹp nhất. Ai đó đã nói rằng: “Một ngày câu cá tồi tệ còn vui hơn 1 ngày làm việc tốt lành”, huống hồ mình lại thu được kết quả khá viên mãn. Dám bỏ công một chuyến ra khơi, cũng bõ công có được “chiến tích để đời” ha!

3. Sợ nước đục không thể ngắm san hô

Tìm đến đảo Phú Quý là giải pháp cuối cùng mình có thể làm để ngắm được làn nước không vẩn bọt tại Phan Thiết vào thời điểm tháng 7. Bữa đó, thấy ven làng chài ít sóng và trong vắt, mình chắc mẩm phen này tha hồ ngắm san hô đảo. Ai dè, tin báo gió to về trên những bãi san hô. Lại hên xui! Thêm một chuyến mạo hiểm cho những kẻ ngông cuồng chơi lớn!
Làn nước trong xanh trên Gành Hang bãi ngắm san hô.Đảo Phú Quý có hai bãi ngắm san hô nằm ở Gành Hang. Đứng trên bờ núi, phía tay phải là địa điểm lý tưởng vì có nhiều san hô phong phú và màu sắc hơn. Những ngày biển động, bãi bên trái lại trở thành phương án dự phòng vì ít bị ảnh hưởng bởi sóng và gió nhờ “núp” sau khu vòm đá cao.Gió khá to nhưng nước vẫn trong xanh nên đoàn mình quyết định vẫn ra bãi đẹp để chiêm ngưỡng loài sinh vật biển này. Sóng to đã có áo phao trợ giúp, đảm bảo cơ thể luôn nổi an toàn dù bị “xô dập” cỡ nào. Để gần gũi với san hô hơn, ngắm được tường tận hơn, mình quyết định cởi áo phao, ngụp lặn một chuyến.
Các bạn bỏ áo phao để ngụp lặn ngắm san hô cho đã nha!Kính bịt mắt giữ cho nước không tràn vào gây cay rát. Mình bơi vòng quanh mới tìm được vùng san hô cư ngụ. Bọt biển ánh lẫn màu nước và màu trời, khỏi phải nói cũng biết san hô đa sắc sẽ lung linh như thế nào. Khu biển sạch, nước xanh trong, nhiều du khách đã tranh thủ bơi lội trong thời gian này.
Tuyệt cảnh dành cho những ai dám lặn sâu khám phá đáy biển.Một tàu nhỏ có thể chở 6 – 8 người cho tour câu cá – lặn ngắm san hô. Chi phí 200.000 VND / người, đoàn đông hơn chút xíu thì có thể thương lượng giảm giá với người dẫn tour. Người dân ở đây ai cũng nhiệt tình, dễ mến nên có thắc mắc gì là mình hỏi không ngại ngần.
Combo câu cá, lặn ngắm san hô rất “đáng và đã”.Phiêu lưu ngày bão trên đảo Phú Quý tưởng không vui mà vui không tưởng. Nếu như cứ lo sợ, ngập ngừng về chuyến đi, chắc mình sẽ không nhận ra cuộc sống còn nhiều sự may mắn thú vị, trong khó khăn lại càng hạnh phúc khi đạt được thành quả.
“Công viên hoa” dưới lòng biển là có thật!Nói lớn lao vậy thôi, thứ mình có được đơn giản chỉ là dám vượt sóng ngày bão ra đảo, câu cá khi biển động và bất chấp sóng to để ngụp sâu xuống lòng nước đặng thăm hỏi gia tộc san hô. Nếu sẵn mang trong mình niềm say mê dịch chuyển, càng không dễ dàng càng muốn thử thách bản thân, hãy thử tới đảo Phú Quý trải nghiệm sự lênh đênh trên sóng nước. Chắc chắn đó sẽ là chuyến đi đáng nhớ trên chặng đường vi vu của bạn!
Dưới đáy đại dương là muôn điều kỳ thú.Mách nhỏ: Phú Quý đẹp nhất từ tháng 12 tới tháng 6 năm sau, bạn nên tới thời điểm này nếu muốn chuyến đi có trải nghiệm trọn vẹn nhất.Nếu say sóng, bạn nên nằm dọc theo chiều tàu sẽ dễ chịu hơn rất nhiều.Tác giả: Traveloka Intern Nguyễn Tiếp Nguồn : Traveloka