Khu nhà tắm cổ hiện đang được đưa vào phục vụ khách du lịch lại có kiểu kiến trúc Ba Tư. Ảnh: T.L
Những ngày ở Gruzia, lâu lâu tôi lại nhìn xuống chân mình. Là bởi lúc ấy tôi nhớ đến một đoạn trong truyện cổ Andersen về một đôi giày của vận may. Đại ý ai may mắn được xỏ chân vào đôi giày ấy, thì mỗi bước đi sẽ được lạc vào một không - thời gian nào đó bất kỳ trong lịch sử. Là bởi Gruzia, từ thủ đô cho đến cố đô, đâu đâu tôi cũng có cảm giác mình đang đi lạc với cuộc sống, đặc biệt là kiến trúc luôn biến đổi, đôi khi chỉ là cái chớp mắt.
“Vùng đất tuyệt vời”
Gruzia (hay còn gọi là Georgia) không phải là một bang ở miền đông nước Mỹ như mọi người vẫn hay nhầm tưởng. Gruzia, với sự hợp thành từ hai vương quốc cổ là Iberia và Colchis, là một đất nước huyền bí nằm ở nơi tiếp nối giữa Châu Âu, Châu Á và sự lân cận với các tuyến đường giao thương Đông - Tây trên “con đường tơ lụa” với lịch sử phát triển liên tục hơn 5.000 năm, bắt đầu từ thời Đồ đá. Với diện tích gần 70.000km2 và chưa tới 4 triệu dân (bằng 1/3 dân số TPHCM), nhưng Gruzia là một quốc gia đa dạng sắc tộc (đa số là người Gruzia, khoảng 83,8%, còn lại là người Azeri, Armenia, Nga, Abkhazia và Ossetia). Đặc biệt, nhiều nhóm sắc tộc nhỏ hơn khác cũng sống tại quốc gia này gồm người Assyria, Chechen, Trung Quốc, Do Thái, Hy Lạp, Kabardin, Kurd, Tatar, Turk, Ukraina... Và người Do Thái ở Gruzia là một trong những cộng đồng Do Thái lâu đời nhất trên thế giới.
Tbilisi, thủ đô Gruzia - “vùng đất tuyệt vời” như mô tả của đại thi hào Alexander Pushkin đã mô tả trong một bài thơ viết về ẩm thực của xứ sở này - đón chúng tôi bằng những con gió se lạnh kiểu Đà Lạt hay Tam Đảo ở Việt Nam. Cảm giác đầu tiên là có chút thất vọng bởi sân bay Tbilisi hơi bé và hoang vắng không khác lắm sân bay Buôn Ma Thuột ở Việt Nam. Nhưng rồi là sự ngỡ ngàng sau khi vượt tầm 20km qua những ngọn đồi theo đại lộ George W. Bush – tên của một tổng thống Mỹ. Trước mặt tôi là trung tâm thủ đô Tbilisi với những mảng kiến trúc có phần hỗn độn giữa mới và cũ, giữa cổ xưa và hiện đại hào nhoáng. “Là bởi thủ đô của chúng tôi đã phải trải qua hơn 40 lần tái thiết do chiến tranh” - Anuka Jachvliani, cô bé dẫn đường xinh quá mức cho phép thanh minh khi nghe tôi thắc mắc về sự hỗn loạn của kiến trúc thủ đô. “40 lần tái thiết?”, tôi ngạc nhiên. Anuka gật đầu xác nhận.
Trong suốt lịch sử Tbilisi và cả Gruzia đã trải qua chiến tranh triền miên bởi là nơi cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc từ Mông Cổ, Ottoman và các triều đại của Iran; từ thế kỷ 18 là Nga, rồi Liên Xô. Và sau khi tách ra từ Liên Xô năm 1991 là những cuộc chiến ly khai tại Ablhazia và Nam Ossetia... “Chiến tranh và rượu vang chính là hai đặc sản của Gruzia” - Anuka nửa đùa nửa thật. Cô bé chỉ tay về một bức tượng khá lớn nằm ở trung tâm thành phố. “Thấy không, đó là một người mẹ, tay phải cầm kiếm - biểu tượng cho chiến tranh và tay trái cầm chén rượu vang. À, nói rượu vang lại nhớ, các nhà khảo cổ học vừa chứng minh Gruzia là quốc gia đầu tiền trên thế giới sản xuất rượu vang đấy, từ 8.000 năm trước. Và bằng chứng đang lưu giữ ở bảo tàng, một bình gốm chưng cất rượu vang còn nguyên vẹn. Và bây giờ, sản xuất và xuất khẩu rượu vang ở Gruzia đóng góp đến... 50% GDP của đất nước chúng tôi”.
Đa sắc tộc, đa văn hóa
Trải dài dọc sông Kura, một trong những con sông dài nhất thế giới (1.515km) khởi nguồn từ Thổ Nhĩ Kỳ, xuyên qua Gruzia, đến đất nước Azerbaijan trước khi hòa mình vào biển Caspia, thủ đô Tbilisi là một trong những thành phố cổ nhất thế giới. Tbilisi mang trên mình những vẻ đẹp bí ẩn đến từ sự đa sắc tộc và nhiều nền văn hóa trộn lẫn. Anuka bảo Tbilisi suốt 1.500 năm qua từng có giai đoạn cực kỳ thịnh vượng vào thế kỷ XI, XII. Từ lúc mới hình thành, thành phố đã là nơi ở của thương gia, thợ thủ công đến từ nhiều nền văn hóa, tôn giáo khác nhau trên thế giới. Lịch sử đa dạng của Tbilisi được khắc họa trong kiến trúc, một sự kết hợp của phong cách Trung cổ, Tân cổ điển, Trung Đông, Nga thời Stalin và hiện đại.
Còn bây giờ, nổi tiếng nhất thủ đô là đại lộ Rustaveli - tên một nhà thơ nổi tiếng của Gruzia - cũng là nơi tập trung các cửa hàng, quán cà phê hiện đại, kiến trúc mặt tiền sang trọng, ngăn nắp theo đúng chuẩn Châu Âu. Nhưng chỉ một vài bước chân thôi, phía sau những đại lộ hào nhoáng lấp lánh là những ngõ nhỏ ngoằn nghèo, hut hút sâu như ở phố cổ Hà Nội. Và một khung cảnh ngỡ như còn sót lại đâu đó từ thế kỷ trước được mở ra. Chúng tôi ai nấy mắt tròn mắt dẹt khi trước mắt mình là những ngôi nhà gỗ buông rèm lụa, những ban công gỗ trang trí cầu kỳ với đủ màu sắc nhìn óng ả trong nắng. Thi thoảng là các cụ bà ngồi choàng khăn thêu, mặc trang phục lối xưa kiểu hơi diêm dúa, điệu đà bên lan can ngồi canh bọn trẻ con chơi đùa trong sân nhìn đẹp như thể bước ra từ trong truyện cổ tích. Cảm giác đó lặp lại liên tục khi chúng tôi đặt chân đến những nhà hàng nổi tiếng dọc sông Kura hay phiên chợ trời ở cây Cầu Cạn ngay giữa lòng thủ đô với những không gian mà ly tách, bát đĩa và nhiều vật dụng khác bằng đồng như thể mới được lấy lên từ những hầm khảo cổ còn nguyên màu thời gian.
Lịch sử pha trộn đó còn thể hiện rõ trên những kiến trúc thánh đường và dinh thự được thiết kế theo phong cách đậm chất Gothic và chiết trung (Eclectic). Đỉnh cao của sự kết hợp mỹ thuật Đông - Tây tại Tbilisi phải nói đến đại giáo đường Sameba, hay còn gọi là nhà thờ Chúa Ba Ngôi nằm trên một quả đồi cao 2.170m được xây dựng từ thế kỷ thứ 14 đến nay vẫn còn vẹn nguyên. Công trình này khiến tôi choáng ngợp, không chỉ vì quy mô mà còn vì kiến trúc vô cùng độc đáo. Sự kết hợp khéo léo kiểu mái vòm cổ điển với phong cách kiến trúc La Mã nguyên thủy đã hình thành nên phong cách vòm chéo kiểu Gruzia đặc sắc. Đứng từ quảng trường cẩm thạch nhìn lên, Sameba như một tòa thành vĩ đại về niềm tin. Đứng từ trên đồi cao nhìn xuống, nhà thờ như chiếc vương miện vàng ròng cẩn đá quý làm sáng rực cả thung lũng. Gruzia là một trong những nước đầu tiên nhận Kitô giáo làm quốc giáo (năm 337 trước Công nguyên, hoặc năm 319 theo như một số ý kiến gần đây). Sự lâu đời chỉ sau Armenia nên đến đâu, tôi cũng gặp những nhà thờ ngàn năm cổ xưa ẩn chứa nhiều huyền thoại.
Cách Sameba không xa, khu nhà tắm cổ hiện đang được đưa vào phục vụ khách du lịch lại có kiểu kiến trúc hoàn toàn khác. Đây là một công trình xây dựng mang đậm phong cách hoàng gia Ba Tư nên dạo quanh khu nhà tắm, đông nhất vẫn là hình ảnh chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh các cư dân mặc đồ khảm màu ngọc lam theo phong cách xứ Ba Tư độc đáo. Tận dụng dòng suối khoáng nóng tự nhiên ngay giữa trung tâm kinh đô, giới quý tộc Tbilisi ngày xưa đã xây dựng một khu tắm hơi chữa bệnh, thư giãn với vật liệu phần lớn là đá cẩm thạch nhiều màu sắc. Cái tên Tbilisi có nghĩa chỉ sự ấm, nóng, và chất lưu huỳnh sùng sục dưới mặt đất bốc lên. Ở thủ đô Tbilisi, hiện có hàng chục dấu tích "phòng tắm lưu huỳnh" nằm rải rác khắp nơi.
Rời khu tắm hơi, mua vé cáp treo lên pháo Narikala trên đỉnh một ngón núi đá là tìm đến với một không gian hoàn toàn khác. Những tiếng trầm trồ, lúc này đến từ vẻ đồ sộ, kiên cố của một kiến trúc quân sự còn sót lại từ thời Trung cổ. Dưới chân pháo đài Narikala là một ngôi làng cheo leo giữa sườn núi với những ngôi nhà ba bốn tầng san sát nhau vây quanh một nhà thờ làm bằng gạch nung. Nhìn xa, làng xinh xắn, gọn ghẽ và nhiều sắc màu trang trí ở các khung cửa, hành lang, mặt tiền... nhìn như bộ đồ chơi trẻ con, lạ và đẹp đến mức khó thở.
Bảo tàng Stalin và những ngọn tháp cổ
Nhưng chỉ cần rời thủ đô Tbilisi một khoảng thôi, đến thị trấn Mestia thuộc Svaneti cách thủ đô 140km chẳng hạn. Đó là một thị trấn sơn cước Mestia đẹp như tranh vẽ. Vừa bước chân ra khỏi trục đường chính, rẽ vào một vài ngõ nhỏ, tôi có cảm giác như mình bước thẳng từ thời hiện đại về Trung cổ với những tháp canh bằng đá của người Svan sừng sững giữa trời. Quần thể hơn hai trăm ngọn tháp canh còn lại ở Svaneti từ lâu đã được công nhận di sản văn hóa thế giới. Cho đến giữa thế kỷ XIX, những làng cổ Svaneti nằm trong hẻm núi sâu và được bao quanh bởi các đỉnh núi khổng lồ phủ tuyết trắng vẫn bị cô lập, hầu như không ai biết đến.
Được xây dựng từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XIII, các tòa tháp tại Svaneti đều cao từ 20 - 25m với 4 - 5 tầng nhằm phục vụ mục đích quân sự. Chiều dày của các bức tường giảm dần khi lên cao, tạo cho tòa tháp một hình dáng thanh thoát mà vững chãi. Các tòa tháp cũng được sử dụng làm nhà ở, tầng trệt có một phòng duy nhất với lò sưởi là chỗ trú ngụ cho cả người và vật nuôi vào mùa đông. Còn vào mùa hè thì họ ở các tầng trên, tầng trệt trở thành cửa hàng thức ăn gia súc hoặc chứa công cụ sản xuất. Mỗi tòa tháp chỉ có một cánh cửa vào thông với các hành lang bảo vệ. Kích thước của hơn 200 ngọn tháp ở đây không giống nhau và không có quy chuẩn nhất định. Ngọn tháp lớn nghĩa là chủ nhân của nó có vị thế lớn và giàu có.
Ngoài tháp canh, các nhà thờ ở vùng thượng Svaneti cũng là những điểm đến lý tưởng bởi kích thước rất nhỏ so với thủ đô Tbilisi và các vùng khác, nhưng lại chứa đựng nhiều giá trị tâm linh, tôn giáo và nghệ thuật đặc sắc. Các nhà thờ dù nhỏ thế nào cũng có các bức tranh tường độc đáo, những bức tranh này có thể là tranh vẽ trên tường cũng có thể được khắc sâu vào tường. Xem tranh mới thấy giữa vùng non cao hẻo lánh hàng ngàn năm qua đã tồn tại một đời sống nhiều màu sắc, nhiều thăng trầm và không kém phần thi vị.
Hay có ngày cô bé Anuka dẫn tôi lạc bước đến Gori, một thị trấn nhỏ vô độc đáo nằm cách Tbilisi khoảng 50km. Nơi đó có Uplistikhe nằm cách trung tâm Gori khoảng 10km, được cho là một trong những khu dân cư cổ xưa nhất Gruzia còn sót lại, hình thành nghe đâu trong khoảng từ thời Đồ sắt cho đến thời Trung cổ. Tôi không tin vào mắt mình bởi toàn bộ thị trấn này đều được tạc từ đá, từ nhà thờ, nhà nguyện, cả sân khấu kịch, khu sinh hoạt chung... đều được tạc từ đá một cách công phu và tinh tế. Và khó tin hơn là cả thị trấn gần như không một bóng cây.
Nhưng vẫn chưa hết, Gori còn độc lạ bởi đây chính là quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của của một trong những vị tướng Liên Xô (cũ) gây nhiều tranh cãi trong lịch sử Joseph Stalin. Tôi và có lẽ với rất nhiều người khác chưa bao giờ nghĩ Stalin lại sinh ra ở chốn này. Một nhầm lẫn khá thú vị. Và ở Gori, hiện có một bảo tàng Stalin gồm hai khu vực, một không gian trưng bày tranh, ảnh, hiện vật và khoang tàu riêng của vị tướng này. Và điều thú vị là bảo tàng này mở cửa, bán vé đón khách tham quan nhưng lại không có... hướng dẫn viên nên du khách đến đây, gần như không có thông tin gì thêm ngoài những bức ảnh hiện vật! Ngay cả Anuka, một hướng dẫn viên du lịch bản địa cũng không có thông tin gì mới hơn về Stalin ngoài những gì tôi đã biết.
Gruzia là một xứ sở cổ xưa và cô đơn. Thứ ngôn ngữ ngoằn nghèo của người Gruzia không thuộc về bất kỳ nhóm ngôn ngữ nào trên thế giới. Họ là một dân tộc mang trong lòng mình hai niềm tự hào nhưng có lẽ cũng là gánh nặng là lịch sử từ thời Đồ đá cùng sự cô độc. Nó giống như cách bài trí chia thành ô hộc riêng tư cho từng cá nhân đến cầu nguyện trong các nhà thờ, được lý giải là bởi người Gruzia tôn trọng quyền riêng tư nhưng cũng là chỉ dấu của sự cô đơn trong từng cá thể. Giống như Gruzia còn có nghĩa là “con sói” - một biểu tượng được khắc trên những tấm khiên của người lính Gruzia mang ra trận chiến đấu với quân thù. Nhưng bất ngờ là biểu tượng con sói ngày này chỉ còn lưu dấu thành “mắt cửa” của một vài ngôi nhà cổ còn sót lại ở thủ đô Tbilisi và không còn tìm thấy ở bất kỳ đâu khác trong những nơi tôi đã đi qua.
Gruzia, cảm giác như đây là xứ sở của những chiếc khăn Schal hay Châle mà tôi thường nghe các quý cô, quý bà ở “Huế mình” hay gọi về chiếc khăn quàng cổ mỗi khi thu đến đông sang bằng tiếng Đức hoặc Pháp một cách điệu nghệ, tân thời nhưng sai chính tả là “khăn sang”. Nó là những dáng đi liêu xiêu của thời gian mà phải là người may mắn được xỏ chân vào đôi giày vận may thần kỳ như trong truyện cổ Andersen thì mới có cơ hội được nhìn thấy một lần trong đời...
HOÀNG VĂN MINH/Laodong