Lạng Sơn – vùng đất lịch sử nơi biên giới

Lạng Sơn từ lâu đã được biết đến là trung tâm mua sắm đầu mối lớn giáp biên giới Trung Quốc. Mảnh đất cực Bắc Tổ quốc này còn có nhiều điểm du lịch hấp dẫn khác.

Du lịch Lạng Sơn – vùng đất lịch sử nơi biên giới
Lạng Sơn – vùng đất lịch sử nơi biên giới

1. Núi Mẫu Sơn nằm cách thành phố Lạng Sơn 30 km về phía đông, giáp với biên giới Việt – Trung. Vùng núi này là nơi cư trú của các dân tộc Dao, Nùng, Tày. Năm 1935, người Pháp đã quy hoạch và xây dựng tại đây nhiều nhà nghỉ. Ngày nay, tỉnh Lạng Sơn đang cho xây dựng những công trình phục vụ cho việc nghỉ dưỡng và đón khách du lịch. Ảnh: Lê Hiếu.


Có những năm nhiệt độ Mẫu Sơn xuống tới âm độ và có thể có tuyết rơi, băng đá vào mùa đông. Nhiệt độ trung bình ở đây là 15,5 độ C, đỉnh núi quanh năm có mây phủ. Mẫu Sơn nổi tiếng với các sản vật chè tuyết sơn, gà lôi sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, rượu Mẫu Sơn… Ảnh: Việt Hùng.

2. Chùa – động Tam Thanh: Ngôi chùa nổi tiếng này đã đi vào ca dao Việt Nam: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị, có chùa TamThanh…”. Ngôi chùa được xây dựng từ thời nhà Lê. Theo thời gian, chùa vẫn giữ được vẻ đẹp tự nhiên vốn có hấp dẫn du khách bốn phương. Ngôi chùa là một trong “Trấn doanh bát cảnh” của xứ Lạng, được xếp hạng di tích quốc gia năm 1962. Ảnh: @Du3217.


Tam Thanh là quần thể 3 động Nhất Thanh, Nhị Thanh, Tam Thanh nằm trong chùa Tam Thanh. Ðộng Tam Thanh nằm trong một dãy núi có hình đàn voi phủ phục trên mặt cỏ xanh. Hang động Tam Thanh ở lưng chừng núi. Cửa hang nhìn về hướng đông cao chừng 8 m có lối lên là 30 bậc đá đục vào sườn núi, có nhiều cây cối um tùm che khuất ánh nắng. Vách động bên phải có khắc bài thơ của Ngô Thì Sĩ (1726-1780) khi ông làm đốc trấn Lạng Sơn. Ảnh: @rensmx.

3. Núi Tô Thị: Nằm trong quần thể danh lam thắng cảnh Tam Thanh, Nhị Thanh. Truyền thuyết về nàng Tô Thị đã đi vào tâm khảm của dân tộc Việt Nam, thiên nhiên đã tạo ra một khối đá tự nhiên mang dáng hình người mẹ ôm con đứng chờ chồng trên đỉnh núi cao như một biểu tượng của lòng thuỷ chung son sắt của người phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Triphunter.

4. Đền Kỳ Cùng: Ở ngay đầu cầu Kỳ Lừa – phường Vĩnh Trại – thành phố Lạng Sơn. Theo lời kể của người dân địa phương, đền có từ rất lâu, sau nhiều lần sửa chữa vẫn chỉ là một ngôi đền nhỏ làm bằng đất lợp ngói. Phía trước đền là bến đá Kỳ Cùng (Kỳ Cùng Thạch Lộ) từng được Ngô Thì Sĩ xếp hạng là một trong 8 cảnh đẹp của xứ Lạng từ thế kỷ 18. Ảnh: nbt.162.

 5. Đền mẫu Đồng Đăng: Đền Mẫu Đồng Đăng (Đồng Đăng linh tự), là nơi thờ Phật và Mẫu Thượng ngàn nằm trên địa bàn thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Trong dân gian lưu truyền, đền Mẫu chính là nơi diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Mẫu Liễu Hạnh (một trong Tứ bất tử) và Trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan), sau khi ông đi sứ từ Trung Quốc trở về. Ảnh: cungphuot.info.

Hàng năm, vào ngày mùng 10 tháng Giêng, tại đền Mẫu lại diễn ra lễ hội đầu xuân của các dân tộc xứ Lạng. Lễ hội Đồng Đăng trước đây được gọi là hội Lồng Tồng (xuống đồng). Trong lễ hội có các trò chơi như múa sư tử, võ dân tộc, thi đấu thể dục thể thao. Ảnh: cungphuot.info.


6. Chợ Đông Kinh – Kỳ Lừa: Là khu vực giáp biên giới Trung Quốc, Lạng Sơn có những khu chợ đầu mối sầm uất, chợ Đông Kinh và chợ đêm Kỳ Lừa là 2 địa điểm không thể bỏ xót của những du khách thích mua sắm. Chợ Đông Kinh nổi tiếng với các loại ẩm thực như vịt quay hay lạp xưởng tươi. Chợ đêm Kỳ Lừa phong phú các mặt hàng dân dụng từ quần áo, đồ nội thất, gia dụng, với mức giá rất rẻ. Ảnh: Etou PB.

 7. Dấu tích thành nhà Mạc: Nếu là người đam mê khám phá các di tích lịch sử, du khách đến Lạng Sơn nhất định phải ghé thăm thành nhà Mạc. Từng là căn cứ quân sự nhằm chống lại nhà Lê – Trịnh vào thế kỷ 16-17, hiện nay thành nhà Mạc chỉ còn lại khoảng 300 m tường thành kiên cố. Thành nhà Mạc thuộc phường Tam Thanh, TP Lạng Sơn, là di tích lịch sử kiến trúc quân sự phản ánh thời kỳ phong kiến Việt Nam suốt từ cuối thế kỷ 16 đến giữa thế kỷ 17. Ảnh: Hồng Vân.

8. Thung lũng vàng Bắc Sơn: Thung lũng Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) có sức cuốn hút nao lòng vào tháng 7 với thảm lúa vàng óng ả hòa quyện cùng mây, nắng, núi và gió. Để ngắm được toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn, du khách phải chịu khó trải qua chặng leo lên đỉnh ngọn núi Nà Lay có độ cao 600 m. Ảnh: Anh Tuấn.

Bắc Sơn là căn cứ địa kháng chiến (căn cứ địa Bắc Sơn – Võ Nhai), nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, chống Nhật và Pháp của lực lượng Việt Minh những năm 1940. Đình Nông Lục thuộc an toàn khu Bắc Sơn từng là nơi họp bàn kháng chiến của cha ông ta khi xưa, nay là di tích lịch sử thu hút khách du lịch. Ảnh: Dulichlangson.

Theo Bích Phương/Zing news