Hành trình khám phá xứ Lạng – Nơi dòng sông chảy ngược

Người ta hay nghêu ngao câu thơ “Đồng Đăng có phố Kì Lừa / Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh” khi nhắc về mảnh đất nằm ở phía Đông Bắc Tổ quốc – Lạng Sơn. Ở nơi dòng sông chảy ngược này còn có những địa danh nổi tiếng khác như Bắc Sơn, Mẫu Sơn. Những ngày tuổi xanh, chúng tớ đã lên đường đi du lịch Lạng Sơn với hành trình 2 ngày 1 đêm! Những gì đã qua, tớ muốn lưu lại ở cuốn “nhật kí mở” này! Đó là dịp Quốc Khánh, tớ cùng cậu bạn đã lên kế hoạch đi “chinh phạt” xứ Lạng trù phú và hoang sơ. Chúng tớ muốn được hít hà chút khí lạnh sương giăng, muốn được cảm nhận “viên kim cương” của tạo hóa ban tặng cho Lạng Sơn. Một bộ quần áo, vài dụng cụ vệ sinh cá nhân, chiếc máy ảnh bọc trong chiếc túi da sờn màu, cuốn sổ bìa nâu ghi lịch trình, chai nước, đồ ăn vặt … là “hành trang” của chúng tớ – những cậu trai Hà Nội có phần giản dị, xuề xòa. Hai giờ chiều, tớ lên đường. Lạng Sơn cách Hà Nội khoảng hơn 150 km, tớ chạy dọc Quốc lộ 1 tìm về nơi người ta gọi là “nơi dòng sông chảy ngược”.
Hành trình khám phá xứ Lạng – Nơi dòng sông chảy ngược
Hôm đó là ngày Quốc khánh.Có nhiều hướng di chuyển khác nhau nhưng để thuận tiện nhất, chúng tớ chọn tuyến đường: đi qua cầu Chương Dương, đi dọc đường Nguyễn Văn Cừ, qua cầu chui Gia Lâm đến bùng binh QL5. Tiếp theo rẽ phải đi theo đường Nguyễn Văn Linh khoảng 9 km rồi rẽ trái để lên cầu Thanh Trì, sau đó nhập vào đường QL1 chay thẳng Lạng Sơn.Mục Lục1. “Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ của Việt Nam” – Núi Phai VệHoàng hôn Phai Vệ2. Mẫu SơnBình minh Mẫu Sơn3. Thung lũng Bắc SơnTừ đỉnh Nà LayTips hữu ích cho bạnLịch trình gợi ý

1. “Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ của Việt Nam” – Núi Phai Vệ

5 giờ 30 chiều, chúng tớ đặt chân tới thành phố Lạng Sơn. Người ta bảo tới thành phố nhất định phải lên núi Phai Vệ ngắm hoàng hôn. Tọa lạc ở phường Vĩnh Trại ngay trung tâm thành phố, núi Phai Vệ mang dáng dấp của một “hòn non bộ” khổng lồ, nơi đây có cột cờ cao 80 m cùng 4 tuyến đường lên xuống với 535 bậc thang đá theo hình dáng uốn lượn chạy dọc ôm lấy thân núi. Toàn bộ thân đài cột cờ được làm kết cầu bằng bê tông, ốp đá, lan can được đắp mỹ nghề giả thân cây tre. Phai Vệ không chỉ là niềm tự hào của người dân xứ Lạng mà còn được mệnh danh là “Vạn Lý Trường Thành thu nhỏ của Việt Nam”.
Từ núi Phai Vệ có thể nhìn xuống thành phố.
“Vạn Lí Trường Thành thu nhỏ” của Việt Nam.Lạng Sơn là vùng giáp ranh biên giới Việt – Trung, bởi vậy hình ảnh Quốc kì phấp phới tung bay trên cột cờ Phai Vệ uy nghi mới thiêng liêng làm sao, đó là lời khẳng định chủ quyền tối thượng của dân tộc Việt Nam. Cột cờ Phai Vệ là một trong những công trình trọng điểm mang ý nghĩa chính trị quan trọng của tỉnh Lạng Sơn.
Bầu trời ngả màu dần dần.Chúng tớ vừa bước từng bậc thang, vừa phóng tầm mắt xuống bên dưới khung cảnh thành phố. Càng lên cao, bức tranh về những mái nhà đủ màu sắc xung quanh được núi bao bọc càng hiện ra rõ nét. Bậc thang quanh co chạy giữa đồi đưa chúng tớ tới nơi thiêng liêng của Tổ Quốc.
Đường lên cột cờ.

Hoàng hôn Phai Vệ

Sau 20 phút vừa đi vừa ngắm cảnh, cuối cùng chúng tớ cũng lên tới cột cờ Phai Vệ. Đúng 6 giờ hoàng hôn buông. Người ta bảo những khoảnh khắc đẹp nhất thường đến và đi rất nhanh. Khoảnh khắc này cũng vậy, tớ đứng ở trên đỉnh núi, ngắm nhìn bầu trời chuyển sắc dần dần, rồi mặt trời ánh những tia sáng rực rỡ nhất và lặn sau rặng núi đen. Chụp vội vài tấm hình thôi bởi tớ muốn thu khoảnh khắc ấy vào chiếc máy ảnh của mình – đôi mắt và tâm trí tớ nhiều hơn. Hoàng hôn trên đỉnh Phai Vệ mới rực rỡ làm sao!
Mặt trời rực rỡ sau rặng núi.
Màu sắc của bầu trời lúc hoàng hôn.

2. Mẫu Sơn

Từ Lạng Sơn, 6 giờ 30 chúng tớ chạy xe lên Mẫu Sơn để sáng sớm hôm sau kịp đón bình minh. Mẫu Sơn nằm cách thành phố Lạng Sơn 30 km về phía Đông Bắc nên chỉ mất 1 giờ đồng hồ chạy xe, chúng tớ tới được nơi (đường đèo, buổi tối nên chạy từ từ, an toàn nhé).

Bình minh Mẫu Sơn

Mẫu Sơn – xứ sở của gió và sương mù- là vùng núi cao chạy theo hướng Đông- Tây nằm ở phía đông bắc tỉnh Lạng Sơn thuộc địa phận chính của 3 xã: Mẫu Sơn, Công Sơn huyện Cao Lộc và xã Mẫu Sơn huyện Lộc Bình, giáp với biên giới Việt – Trung. Với độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển, Mẫu Sơn có địa hình đa dạng, bao gồm một quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ với đỉnh cao nhất là Phia Po (1.541 m, còn gọi là đỉnh Công hay Công Sơn).
Mây vờn núi.5 giờ sáng, chúng tớ í ới gọi nhau dậy để đi “săn” bình mình Mẫu Sơn. Người ta bảo đến Mẫu Sơn nhất định phải ngắm bình minh và biển mây nơi đây. May mắn thay, chúng mình được chiêm ngưỡng cả hai khoảnh khắc đẹp của thiên nhiên đó. Vỡ òa trong sung sướng, “nín lặng” trước khung cảnh đẹp mê hồn là những cảm xúc của tớ ở Mẫu Sơn buổi sớm.
Núi trùng điệp nhấp nhô.Bầu trời ửng sáng, một vệt hồng nhạt kéo ngang bầu trời. Núi thím sẫm, nhấp nhô trùng điệp. Mây trườn vào núi, mây ôm ấp, bao bọc núi, mây tạo thành một biển trắng như bông. Rồi mặt trời từ từ xuất hiện từ phía rặng núi xa, đỏ ửng như lòng trứng gà mà nhà văn Nguyễn Tuân đã ví. Mặt trời, mây, núi là những nét vẽ xuất thần của tạo hóa tự nhiên tạo thành bức tranh đẹp tuyệt mĩ. Mẫu Sơn được đánh thức bởi những tia nắng ban mai của ngày mới. Chào buổi sáng Mẫu Sơn!
Bầu trời ửng lên vệt sáng hồng.
Từ trên cao nhìn xuống một góc Mẫu Sơn.
Con đường đèo vắt qua núi.
Bình minh Mẫu Sơn.
Cả một biển mây.
Khung cảnh làm người ta “nín lặng”.
Rặng núi trải dài ngút tầm mắt.
Xứ sở của gió và mây.Xa xa, mây sà xuống những cánh rừng, mây “ghé thăm” ruộng bậc thang mùa nước đổ. Mọi thứ thoáng ẩn thoáng hiện trong mây, kì ảo như đưa người nhìn vào một câu chuyện cổ tích.
Ruộng bậc thang thoáng ẩn thoáng hiện trong mây.
Con đường khúc khuỷu.Diện tích khu Mẫu Sơn khoảng 550 km², người dân sống rải rác gần khu rừng trồng. Đây là nơi cư trú của các dân tộc Dao, Nùng, Tày. Trước đó, vào năm 1935 người Pháp đã quy hoạch và xây dựng tại đây nhiều nhà nghỉ. Vì vậy mà lên Mẫu Sơn, bạn sẽ bắt gặp rất nhiều những biệt thự kiến trúc Pháp đầy cổ kính và mang hơi thở châu Âu.
Những ngôi nhà kiểu Pháp.Lên Mẫu Sơn đừng quên thưởng thức đặc sản nổi tiếng như chè tuyết sơn, gà sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, lợn quay, rượu Mẫu Sơn, đào chuông Mẫu Sơn, dịch vụ tắm thuốc của đồng bào Dao… và nhiều sản vật theo mùa khác của khu du lịch Mẫu Sơn nhé! Người xứ Lạng vẫn hay nói với du khách, rằng:
Mời anh về xứ LạngNgắm những áng mây xanhMẫu Sơn rượu ngọt lànhĐượm mùi thơm lúa trổ
Từ đỉnh Mẫu Sơn nhìn xuống.Chiều hôm trước leo đèo lúc xẩm tối, tớ không được chiêm ngưỡng cảnh trên đường lên Mẫu Sơn nên lúc về, chúng tớ dừng lại trên đường để chụp hình và ngắm cảnh. Từ trên đỉnh Mẫu Sơn nhìn xuống là những triền đồi xanh, là con đường cắt ngang núi, là những mái nhà đỏ thưa thớt xuất hiện,… khung cảnh ấy mới bình yên làm sao!
Con đèo quanh co.
Thử thách tay lái người đi.

3. Thung lũng Bắc Sơn

Sau khi nghỉ ngơi ở Mẫu Sơn, 11 giờ trưa, chúng tớ lên đường tới điểm đến cuối cùng trong chuyến đi là Bắc Sơn. 3 giờ chiều, tớ đã đặt chân tới Thung lũng Bắc Sơn thuộc tỉnh Lạng Sơn.
Dọc đường đi luôn có những địa điểm lý tưởng để sống ảo.Bắc Sơn là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Lạng Sơn, nơi đây không chỉ nổi tiếng là địa danh lịch sử mà còn thu hút người lữ khách bởi cảnh sắc đẹp xao xuyến. Cư dân Bắc Sơn gồm người Kinh, Nùng, Dao, Tày… với những nếp nhà sàn truyền thống đặc trưng, điểm tô cho thung lũng Bắc Sơn thêm phần mộc mạc, thanh bình. Người dân chủ yếu làm nông, đặc biệt là trồng lúa nước với hai vụ chính mỗi năm. Ngoài ra họ còn canh tác thêm ngô, khoai và chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Ruộng xanh thì con gái.

Từ đỉnh Nà Lay

Đỉnh núi Nà Lay là một trong những nơi ngắm mặt trời mọc trọn vẹn nhất ở Bắc Sơn nhưng tớ qua lúc buổi chiều nên hẹn Nà Lay dịp khác nhé! Đỉnh núi Nà Lay nằm giữa thị trấn Bắc Sơn, ở độ cao khoảng 600 m so với mực nước biển, từ trên đỉnh Nà Lay, bạn sẽ được ngắm nhìn cả thung lũng Bắc Sơn đó nhé. Núi có 1.200 bậc thang đá cheo leo, chúng tớ leo khoảng 30 phút lên đến đỉnh.
Bắc Sơn chiều bình yên.Từ trên đỉnh Nà Lay nhìn xuống là thung lũng Bắc Sơn ‘trứ danh”: ruộng lúa mùa xanh, con kênh vắt qua cánh đồng, con đường mòn thẳng tắp chạy tới những ngôi làng, những đỉnh núi nhấp nhô,… Nơi đây còn có trạm vi-ba để bạn vừa có thể nghỉ ngơi vừa có thể chọn các hướng cho góc ảnh hay tầm mắt nhìn của mình xuống thung lũng. Thị trấn nhỏ xinh Bắc Sơn nằm trọn trong lòng thung lũng, bao quanh là các núi đá vôi.
Mọi thứ như được thu nhỏ lại.Các thửa ruộng nơi đây không hoàn toàn được gieo trồng cùng một thời điểm nên lúa chỗ xanh chỗ vàng, chỗ còn xâm xấp nước… cho tớ liên tưởng tới một tấm vải thổ cẩm nhiều màu sắc khác nhau.
Từ đỉnh Nà Lay nhìn xuống thung lũng Bắc Sơn.
Cánh rừng nguyên sinh.
Màu xanh đầy sức sống của lúa.
Con kênh chạy qua ruộng.Sau khi vãn cảnh Bắc Sơn, 4 giờ 30 chúng tớ chạy xe về Hà Nội.
Ruộng lúa với các mảng màu khác nhau.

Tips hữu ích cho bạn

Từ cột cờ Phai Vệ bạn có thể đi tham quan một số địa điểm khác ở gần đó như: Sân vận động Đông Kinh, chợ Đông Kinh, khu lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh,…Với thời tiết khí hậu ở Bắc Sơn cũng khá dễ chịu nên bạn có thể thực hiện chuyến đi vào bất cứ thời gian nào trong năm. Nhưng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 (mùa lúa chín) được xem là thời điểm du lịch Bắc Sơn lý tưởng nhất.

Lịch trình gợi ý

Ngày 1:2 giờ chiều xuất phát từ Hà Nội đi Lạng Sơn.Tới Lạng Sơn lên cột cờ Phan Vệ ngắm hoàng hôn.6 giờ 30 đi Mẫu Sơn để sáng sớm sau ngắm bình minh. Nhà nghỉ ở Mẫu Sơn giá rất mềm, chỉ khoảng 150.000 VND – 200.000 VND / phòng / đêm. Nếu lên Mẫu Sơn vào mùa đông, nhiệt độ ở đây xuống tới nhiệt độ âm, thường xuyên có băng giá và có thể có tuyết rơi. Nhiệt độ trung bình ở đây là 15,5 °C, đỉnh núi quanh năm có mây phủ.Ngày 2:Sáng Chủ nhật dậy sớm chụp bình minh.Về nhà nghỉ ăn sáng xong đi Bắc Sơn.Tầm 3 giờ chiều đến Bắc Sơn, leo lên đỉnh núi Nà Lay ngắm thung lũng Bắc Sơn.Thế là kết thúc chuyến hành trình du lịch Lạng Sơn 2 ngày 1 đêm với bao cảm xúc. Tạm biệt xứ Lạng nên thơ, trữ tình! Hẹn một ngày gần nhất quay lại nơi đây.Tác giả: Hải Anh*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal. Nguồn : Traveloka