24h khám phá Lao Chải

Men theo sông Hồng từ thành phố Lào Cai, những cơn gió lạnh đầu mùa khiến tôi cảm thấy khoan khoái, dễ chịu. Dừng chân tại Lũng Pô (xã A Mú Sung), nghiêm mình trước lá cờ đỏ sau vàng trên đỉnh cột cờ, tinh thần tự hào, ý chí quật cường của các chiến sĩ anh dũng hy sinh vì tổ quốc trong chiến tranh biên giới năm 1979 dường như sống lại.

Chụp lại một vài bức ảnh ghi lại khoảnh khắc sang thu miền phên dậu, tôi men theo con đường đất nhỏ đi xuống cột mốc 92. Nơi đây cũng là nơi con sồng Hồng chảy vào đất Việt. Nhìn xuôi theo dòng nước đỏ nặng phù sa, tôi phần nào hình dung ra khởi nguồn của nền văn minh lúa nước sông Hồng.

Chia tay mảnh đất lịch sử, tôi bắt đầu cuộc hành trình dốc lối dốc. Cách trung tâm thành phố Lào Cai 70km, Y Tý nằm ở độ cao 2000m. Mùa này, cứ đi tầm 1-2km, tôi lại bắt gặp một điểm thu mua sắn của người dân. Người nào người nấy đều hồ hởi vì được mùa, được giá. Sau khi đi qua những thung lũng ruộng bậc thang, một vài thác nước, Y Tý dần hiện ra sau màn sương huyền ảo.

Đặt chân đến chợ Y Tý, nông sản của người dân được bày bán ngay bên lề đường. Các bà các chị đều xúng xính trong trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Một vài đứa trẻ đang chơi nhìn thấy chúng tôi cũng không quên khoanh tay chào. Nhìn vẻ hồn nhiên, mộc mạc của chúng làm tôi thấy vui lây.

Theo chân anh Chu Che Xá (1990), tôi đến thăm bản Lao Chải cách trung tâm xã Y Tý gần 2km. Trên đường đi một vài hàng thông, hoa rừng nở rộ làm nổi bật những ngôi nhà trình tường. Đầu bản, công viên Lao Chải hiện ra trước mắt. Theo lời kể của anh Xá, nơi đây là điểm tổ chức các lễ hội của người Hà Nhì trong làng. Tự nhiên tôi thấy tiếc vì mình không đi đúng dịp lễ hội để được trải nghiệm bản sắc nơi này!

Là một bản lâu đời tại Y Tý, Lao Chải đã và đang lưu giữ đầy đủ các lễ hội của người Hà Nhì. Sau 5 phút đi bộ đến rừng cấm nơi tổ chức lễ hội cúng rừng, tôi choáng ngợp bởi những gốc cây cổ thụ rêu phong hàng trăm năm tuổi. Ngay dưới tảng đá, hố trôn xương động vật lấp ló dưới lớp lá cây dày. Tôi khá bất ngờ bởi sau lễ cúng rừng người dân không được mang bất cứ thứ gì ở đây ra ngoài. Cảnh sắc hay tiếng chim hót líu lo suốt dọc đường đi khiến tôi cảm thấy bình an.

Điểm đến tiếp theo là nơi cúng thần nước, một vài người dân đang giặt quần áo và chăn màn ở đây. Nhìn thấy tôi, mọi người đều mỉm cười rồi tiếp tục công việc. “Trước khi lập làng, lập bản, trưởng làng sẽ đi tìm nguồn nước, tìm rừng và đất. Rừng ở bên trên làng. Đa số các lễ hội chỉ có con trai tham dự, con gái chỉ tham gia đúng lễ hội Gạ Mo O. Ngoài ra, gia đình nào có người chết trong vòng 3 năm trở lại đây cũng không được tham dự các lễ hội”, anh Xá thuật lại.

Gần trưa, mây tan nắng chiếu vàng cả thung lũng. Những ngồi nhà trình tường hiện lên như những cây nấm ở giữa đại ngàn. Mùa này, những thửa ruộng bậc thang đang nghỉ ngơi sau mùa vàng bội thu. Đâu đâu cũng có sự hiện diễn của mùi rơm rạ thơm nức mũi. Bên đường những bụi hoa nhỏ li ti màu hồng đang đung đưa theo gió. Tất cả hợp thành một bức tranh phong cảnh hữu tình.

Bước vào nhà trình tường, tôi khá ngạc nhiên vì nhiệt độ trong ngoài khá chênh lệch. Nhà trình tường không có hiên, hình vuông được lợp bằng mái ngói hoặc cỏ gianh. Theo lời kể của anh Xá, phần quan trọng nhất của ngôi nhà là tường dày từ 40-45cm được đắp bằng đất, trong lõi có xếp đá. Ở Y Tý, thời tiết mùa đông khá khắt nghiệt, thậm chí có tuyết. Bởi vậy, nhà trình tường giúp người dân thích ứng với khí hậu.

Ghé thăm đúng giờ cơm trưa, chúng tôi được gia đình anh mời lại dùng bữa. Người miền xuôi ngồi ăn trên chiếu, trên bàn, người Hà Nhì ngồi trên ghế rơm, ghế mây. Đồ ăn được xếp gọn gàng trên bàn mây được đan lát tỉ mỉ. Trong bữa cơm, món rau Pạ Phì, bia Hà Nhì, cá hồi, cá suối chiên dòn, châu chấu rang,... khiến cho tôi thực sự đã con mắt, no cái bụng.

Chụp một vài bức ảnh về ngôi nhà trình tường của người Hà Nhì, tôi lại tiếp tục cuộc hành trình của mình. Men theo con đường bê tông dọc thôn Lao Chải, tôi dừng chân tại một thác nước. Cảnh sắc hùng vĩ cùng không khí khiến tinh thần được thả lỏng. Bước chân xuống dòng nước mát, cảm nhận điều gì đó hoang sơ của rừng già, tôi không khỏi quyến luyến vì chuẩn bị rời xa nơi đây.

Lao Chải hoang sơ qua bao năm tháng vẫn lưu giữ được bản sắc của dân tộc Hà Nhì. Với những giá trị trường tồn, chắc chắn du khách đam mê mạo hiểm cũng như tâm linh sẽ luôn coi Y Tý là sự lựa chọn hàng đầu.

Bài liên quan Mùa vàng Tú Lệ! Rừng trúc Nả Háng Tủa Chử thơ mộng ở Mù Cang Chải Chúng ta có hẹn với mùa vàng ở Mù Cang Chải