Sở hữu vị trí đắc địa, ngôi biệt thự gần bãi biển Long Hải, trên đường trục chính ra Dinh Cô (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thu hút sự chú ý bởi lối kiến trúc Pháp sang trọng pha nét cổ điển lẫn hiện đại. Biệt thự này được xây dựng trên một ngọn đồi nhỏ, có diện tích hơn 6.000 m2 và đã bị bỏ hoang nhiều năm, có nhiều giai thoại về "biệt thự ma" rùng rợn, đặc biệt là "con ma nhà họ Hứa".
Giai thoại về "con ma nhà họ Hứa"
Cuối thế kỷ XIX, Sài Gòn có tứ đại phú hào nổi tiếng: Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa" (Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt, Tổng đốc Phương - Đỗ Hữu Phương, Bá hộ Xường - Lý Tường Quan và Chú Hỏa - Hui Bon Hoa).
Ông Hui Bôn Hoa (Hứa Bổn Hòa, thường gọi chú Hỏa) là một thương nhân người Hoa. Công ty của ông và gia tộc họ Hứa từng có thời hoàng kim, làm ăn phát đạt ở đất Sài Thành. Ngoài sở hữu các dinh thự hoành tráng, ông Hứa còn xây gần 20.000 căn nhà phố và loạt công trình dân sinh như bệnh viện, trường học, chùa chiền,... phục vụ người dân.
Căn biệt thự ở Long Hải, Vũng Tàu là nơi ông Hứa cho xây để gia đình tới lui nghỉ dưỡng. Theo nhiều lời kể, chú Hỏa có 3 người con trai và một cô con gái tên Hứa Tiểu Lan. Tiểu thư nhà họ Hứa có dung mạo xinh đẹp không may mắc bệnh phong cùi - một căn bệnh vô phương cứu chữa vào thời điểm đó.
Gia đình đã cho tiểu thư về dinh thự ở Vũng Tàu sinh sống, sau một thời gian thì cô qua đời, có người kể cả người làm trong biệt thự cũng chết một cách bí ẩn. Từ đó, những câu chuyện nhìn thấy ma, nghe thấy tiếng khóc đêm vọng ra từ ngôi nhà này được mọi người truyền tai nhau.
Đến năm 1972, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã kéo đoàn làm phim từ Sài Gòn ra lâu đài này quay phim “Con ma nhà họ Hứa". Bộ phim thành công vang đội, đạt doanh thu phòng vé cao và trở thành bộ phim ma đầu tiên, gây tiếng vang tại miền Nam thời trước năm 1975. Cũng vì bộ phim này, sự kỳ bí về ngôi biệt thự bỏ hoang ở Vũng Tàu càng được nhiều người thêu dệt, người dân sống quanh khu đó không ai dám đến gần.
Nhiều lần được cải tạo nhưng không thoát kiếp "biệt thự ma"
Ban đầu, ngôi biệt thự này có quy mô ba tầng, gồm 6 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 nhà bếp với khoảng 100 cửa sổ lớn nhỏ toàn bằng gỗ dầu.
Sau khi gia đình chú Hỏa sang Pháp định cư, bà Lê Thị Long - thương nhân người Sài Gòn từng thuê lại toà biệt thự này làm khách sạn hạng sang. Khi chiến tranh bùng nổ, thua lỗ kinh doanh, bà Long cho một người đàn ông khác thuê lại, tiếp tục kinh doanh khách sạn. Đến năm 1965, người này không thể tiếp tục tiếp quản dù cố gắng vận hành. Từ đó toà nhà này cũng dần xuống cấp.
Năm 1986, Công ty Du lịch Đồng Nai tiếp nhận nơi này, tiến hành đầu tư, nâng cấp khai thác kinh doanh du lịch và lấy tên là khách sạn Palace. Với 18 phòng ngủ, 1 nhà hàng, 1 nhà bếp, 1 sân tennis, khách sạn này được xếp vào hàng có quy mô nhưng lại chẳng thu hút được bao nhiêu khách.
Sau đó, người ta đã từng cho tu sửa lại căn biệt thự này. Theo lời truyền tai của người dân, có một số thợ ở đó treo võng trên cây sứ ngủ qua đêm nhưng sáng thức dậy thấy mình nằm phía dưới đường lên tòa nhà. Đồng thời, khách du lịch tham quan cũng chụp được một số ảnh ma nên không ai dám tu sửa lại tòa nhà nữa.
Trong lần tu sửa cuối cùng, lầu chú Hỏa bỗng dưng bị bỏ ngang, giàn giáo ngổn ngang khiến nhiều người thắc mắc. Song một thời gian sau, giàn giáo được gỡ bỏ, bên trong ngôi nhà còn lại một số vật liệu xây dựng và công trình còn dang dở.
Từng có nhiều YouTuber đã đến nơi này, quay cận cảnh bên trong ngôi "biệt thự ma" để chia sẻ lên mạng xã hội. Các video về nơi này thu hút nhiều lượt view và bình luận của cộng đồng mạng.
> Đọc tin mới nhất hôm nay.
> Cập nhật tin mới nhất về du lịch.
Bài liên quan Khách sạn ma chỉ tiếp người từ 16 tuổi trở lên Con tàu ma tồn tại hơn 300 năm trên vùng biển chết Conrad Hilton và hành trình mang đến chuỗi khách sạn đầu tiên trên thế giới