Chùa Vô Vi – Khúc tự tình giữa bình yên đất trời

Trong lần ghé thăm chùa Trầm trước đó, sau khi trở về tôi có nghe thêm một địa danh nằm không xa nơi này: chùa Vô Vi. Một ngôi chùa ở Hà Nội mà mới nghe qua thôi đã thấy sự tự tại, nhẹ nhàng mà khiêm nhường. Nhân một ngày hè mát mẻ, tôi quyết định trở lại dãy núi Tử Trầm, mang theo sự háo hức được khám phá thêm một ngôi chùa nữa ở khu vực này.Trong lần trở lại này, tôi đi theo một con đường khác, dẫn thẳng vào chùa Vô Vi chứ không đi qua chùa Trầm. Khi sắp đến nơi, dãy núi Tử Trầm hiện ra sừng sững oai phong. Không như những ngôi chùa ở Hà Nội khác, chùa Vô Vi Tự chỉ là một ngôi chùa nhỏ trên núi Vô Vi, nằm lặng lẽ bên cạnh dãy Tử Trầm to lớn. Trong một ngày nắng đầy gió, sân chùa Vô Vi lá rơi xào xạc. Cảm giác bình yên xâm chiếm lấy tôi ngay từ những bước chân đầu tiên đi đến cổng chùa.
Chùa Vô Vi – Khúc tự tình giữa bình yên đất trời
Cổng chùa Vô Vi.Tại ngôi chùa ở Hà Nội này, thứ gì cũng bé xinh, vừa vặn. Đi qua cổng chùa khắc 3 chữ Vô Vi tự là đến những bậc thang đá đi lên. Không gian tĩnh mịch, những vạt nắng xuyên nhẹ qua vòm cây, lối đi phủ đầy hoa đại. Mỗi bước chân bước lên một bậc thang, tôi lại phải đứng yên một chút để cảm nhận sự yên tĩnh ở nơi này. Ước chừng 2 chục bậc thang là đến nhà thờ tổ, ngay cạnh đó là một bản hán tự cổ được khắc trực tiếp vào núi đá.
Những bậc thang lên chùa.
Nhà thờ tổ.
Hoa đại rơi khắp sân.Tương truyền ngôi chùa ở Hà Nội này được xây từ thế kỷ thứ 10, khi một thủ lĩnh trong 12 sứ quân lên đây dựng chùa ở ẩn. Theo lời kể của người dân, thời Tiền Lê, chùa được xây dựng ở chân núi, có tên là Phúc Trù tự. Đến thời Trần, chùa đổi tên thành Trai Tinh tự. Đến thời Hậu Lê lấy tên là Vô Vi tự cho đến bây giờ. Cái tên chùa – Vô Vi cũng là đạo Vô Vi của Lão Tử, khuyên con người ta đem cái tự nhiên ra mà giúp đời, thuận theo tự nhiên.Phía bên hông của nhà thờ tổ là một lối đi nhỏ cheo leo, men theo núi. Không gian phía sau mở ra một căn lầu nhỏ được thiết kế mái cong, gạch ngói, nhiều cột trụ, giống như một nơi thiền tịnh của các vị sư. Ngay bên cạnh là núi Vô Vi với lầu Nghênh Phong ở trên đỉnh. Nơi đây còn treo một quả chuông nhỏ được đúc từ năm 1814.
Chiếc chuông nhỏ và hòn đá kẹp giữa vô cùng độc đáo.Để lên được lầu Nghênh Phong (tạm dịch là nơi đón gió), sẽ phải tốn một chút công sức leo trèo. Cầu thang đến đây là hết, chỉ còn cách duy nhất là lách qua những khe đá để lên đỉnh. Trời khô ráo thì không vấn đề gì nhưng nếu mưa thì các bạn chú ý trơn trượt. Ở trên đỉnh có một miếu nhỏ cùng cảnh quan hết sức tuyệt vời. Một bên nhìn ra dãy núi Tử Trầm, một bên nhìn ra những cánh đồng mênh mông. Tận hưởng một buổi hoàng hôn ở đây thì không còn gì phải bàn.
Lối đi nhỏ ra phía sau, nơi có lầu Nghênh Phong và một chốn nghỉ chân
Lầu Nghênh Phong trên đỉnh.
Xa xa là dãy núi Tử Trầm.
Đồng lúa mênh mông sắp vào mùa gặt.Sau khi thưởng ngoạn trên lầu Nghênh Phong, tôi xuống lại căn lầu nhỏ và ngồi nghỉ ngơi đôi chút. Tầm nhìn từ chỗ tôi ngồi vẫn khá thoáng dù nó bị che bởi cây cối. Nhưng không gian ở đây thanh bình quá, thật hợp cho những người sống nội tâm, thích suy tư.

Một vài lưu ý:

– Chùa Vô Vi nằm rất gần chùa Trầm (cách nhau khoảng 200 m). Để đi đến đây, tiện nhất là bằng xe máy. Các bạn đi thẳng quốc lộ 6, đối diện huyện ủy Chương Mỹ có một lối rẽ phải, đi vào rồi chạy thẳng là đến. Nếu đi xe bus, bạn bắt tuyến 57, xuống ở lối rẽ đi chùa Trăm Gian rồi đi bộ hoặc đi xe ôm vào (khoảng gần 3 km).– Chùa Vô Vi hiện nay đang bị tình trạng vẽ bậy lên các phiến đá, chuông chùa khá nghiêm trọng. Các bạn đến thăm chùa tránh xả rác bừa bãi hay viết vẽ bậy.

“Khúc tự tình”

Những tưởng như mọi bộn bề của cuộc sống đều đã ở ngoài ngưỡng cửa, nhường chỗ cho sự thảnh thơi, như “trẻ nhỏ ngồi bên hiên nhà, chờ xem thế kỷ tài phai” mà cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã viết trong “Tự tình khúc”.
Góc nhìn từ nơi nghỉ chân.Nghe nhạc Trịnh thật hợp trong những khung cảnh như thế này, cũng bởi Trịnh Công Sơn là con nhà Phật. Bước chậm xuống những bậc thang để rời ngôi chùa ở Hà Nội này mà lòng tôi vẫn còn vương những giọt thời gian đẹp đẽ ở nơi đây, bên tai vẫn còn văng vẳng một câu trong ca khúc “Nguyệt ca” của cố nhạc sỹ họ Trịnh: “Vườn năm xưa em đã đến nay trăng quá vô vi. Giọt sương khuya rụng xuống lá như chân ai lần về”…Tác giả: Mai Minh Đức*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal. Nguồn : Traveloka