Bất động sản phía Nam thành tâm điểm
“Có những lô đất 60 m2 tại thị xã Thuận An lúc giới thiệu cho khách chỉ có giá 1 tỷ đồng, nhưng 1 tuần sau, đã lên 1,4 tỷ đồng. Không chỉ tại các huyện gần TP.HCM mà tại các huyện xa như Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, giá đất cũng rất cao. Tại các phường Phú Mỹ, Hiệp Thành, Phú Hòa… của TP. Thủ Dầu Một, giá đất ‘nhảy múa’ từ 3 - 4 triệu đồng/m2 cuối năm 2016 lên 10 - 12 triệu đồng/m2 hiện nay”, ông Tuấn nói.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hảo, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, đang xuất hiện cơn sốt ảo giá đất nền tại khắp các huyện trong tỉnh, từ các đô thị có hạ tầng tốt đến các vùng nông thôn. Trong cơn sốt này, điều dễ nhận ra là phần lớn giao dịch chỉ diễn ra giữa giới đầu cơ hoặc cò đất với nhau, khiến một mảnh đất bị thổi giá nhiều lần.
Tại Đồng Nai, cơn sốt đất cũng được cho là nóng nhất trong nhiều năm qua. Từ cuối năm 2017, nhà đầu tư liên tục chào bán sản phẩm đất nền phân lô ra thị trường, đặc biệt là các dự án ở huyện Long Thành và Biên Hòa, nơi có Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành. Chỉ trong thời gian ngắn, giá nhà đất tại Đồng Nai đang bị đẩy lên khá cao, vượt xa giá trị thực.
Đất nông nghiệp ở một số nơi như TP. Biên Hòa bị đẩy lên 20-50 tỷ đồng/ha, tại các huyện khu vực giáp ranh Biên Hòa là 10-15 tỷ đồng/ha. Trong khi đó, tại các huyện khác như Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Nhơn Trạch, tình trạng phân lô, bán nền và chuyển nhượng bằng giấy viết tay diễn ra tràn lan.
Với lợi thế giao thông kết nối với TP.HCM đã hoàn thiện, thu hút được nhiều vốn nước ngoài vào các khu, cụm công nghiệp, Long An đang là địa phương có thị trường bất động sản phát triển mạnh nhất, sau TP.HCM. Phân khúc nóng nhất của thị trường này là đất nền, nhà phố, tập trung chủ yếu tại huyện Đức Hòa và Bến Lức. Giá đất từ 6 đến 30 triệu đồng/m2 tùy vị trí và dự án.
Cần giảm nhiệt gấp
Trước tình trạng nóng sốt ở phân khúc đất nền tại tỉnh Long An, ông Mai Văn Nhiều, Chánh văn phòng UBND tỉnh cho biết, Long An đang siết lại thị trường bất động sản. “Chúng tôi đang cho thanh tra nhiều dự án bất động sản tại tỉnh, như các dự án của doanh nghiệp Thắng Lợi Group, Cát Tường Group… Thời gian tới, tỉnh có chủ trương không cấp phép dự án bất động sản mới, siết lại thị trường bằng việc rà soát toàn bộ doanh nghiệp bất động sản tại địa phương”, ông Nhiều nói.
Tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài Nguyên - Môi trường và Sở Xây dựng rà soát toàn bộ thị trường. Kết quả kiểm tra của Sở Tài Nguyên - Môi trường cho thấy, các khu vực “nóng” về tình trạng tự phân lô, bán nền là TP. Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu. Ông Võ Văn Chánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Đồng Naichưa phê duyệt quy hoạch vùng xung quanh Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, có hiện tượng nhiều đối tượng “tiếp tay” để tăng giá đất ảo như một hình thức đa cấp. Các đối tượng đưa ra thông tin sai lệch, khiến giá đất tăng ảo. UBND Tnành phố đã yêu cầu các quận, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở để người dân không bị kẻ xấu lợi dụng, đồng thời quản lý chặt chẽ, đặc biệt là bộ máy của mình. “Công an và các ngành chức năng sẽ tăng cường quản lý, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng thị trường để đầu cơ, làm giá”, ông Tuyến nói.
Đối với tỉnh Bình Dương, bà Nguyễn Thị Thanh Hảo, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, để tránh các hệ lụy do tình trạng sốt giá ảo đất nền, UBND tỉnh Bình Dương đã có chỉ đạo siết chặt việc phân lô, tách thửa, bán nền tràn lan, trái phép trên địa bàn.
MuaBanNhaDat theo Thời Báo Kinh Doanh