Phát triển sản phẩm du lịch đường thủy đặc trưng


Phát triển sản phẩm du lịch đường thủy đặc trưng

Nhiều du khách chọn du lịch đường thủy khi có dịp đến với TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh được đánh giá cao về tiềm năng phát triển du lịch đường thủy. Thời gian qua, dù đã nỗ lực đầu tư nhiều mặt, nhưng thành phố vẫn đang loay hoay tìm kiếm những sản phẩm du lịch đường thủy đặc trưng nhằm đưa loại hình du lịch này hấp dẫn hơn, thu hút ngày càng đông du khách.

Nằm ở hạ lưu hệ thống sông Ðồng Nai - Sài Gòn cùng với một hệ thống kênh, rạch dày đặc kết hợp với đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết đã tạo cho TP Hồ Chí Minh những cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, nhất là cảnh quan sông nước. Cùng với đó, hai bên bờ sông Sài Gòn có nhiều làng nghề, vườn cây ăn trái… là điều kiện rất thuận lợi để thành phố phát triển du lịch đường thủy.

Năm 2017, TP Hồ Chí Minh đón 6,4 triệu lượt khách quốc tế, 25 triệu lượt khách nội địa, trong đó, rất nhiều lượt khách đã lựa chọn du lịch đường thủy và xu hướng này ngày càng tăng. Hiện nay, một số đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch như Saigontourist, Saigonriver, Công ty du lịch Thuyền Sài Gòn, Công ty Greenlines… đã khai thác nhiều tuyến du lịch đường thủy từ trung tâm thành phố đến Củ Chi, Cần Giờ, Thanh Ða - Bình Quới, tham quan đại lộ Ðông Tây, tham quan đồng bằng sông Cửu Long, Bình Dương, Ðồng Nai…

Tuy vậy, sự phát triển du lịch đường thủy của TP Hồ Chí Minh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Sản phẩm du lịch đường thủy ở thành phố vẫn còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn để thu hút du khách quay lại. Theo Thạc sĩ Ngô Hoàng Ðại Long, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH-NV) TP Hồ Chí Minh, những tuyến du lịch đường thủy ở thành phố hiện nay chưa để lại nhiều dấu ấn. Du khách không được cung cấp nhiều thông tin bổ ích, sinh động về những địa danh, di tích mà họ được tham quan, trải nghiệm. Hệ thống bến bãi, các dịch vụ tại các điểm đến còn nghèo nàn.

Chị Trần Thị Bích Thủy (Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tại TP Hồ Chí Minh) cho biết, tình trạng ô nhiễm ở các bến đưa, đón du khách khiến cho du khách ngại trở lại lần sau. Tuyến du lịch buýt sông Sài Gòn mới khai trương tạo hứng thú cho nhiều người nhưng sau một thời gian hoạt động, sản phẩm này khiến không ít du khách phàn nàn vì tình trạng mất vệ sinh ở các trạm. "Trừ điểm chính là Bến Bạch Ðằng được xây dựng khang trang, lịch sự, những trạm còn lại đều nhiều rác bẩn, cơ sở hạ tầng kém, hàng quán nhếch nhác", chị Thủy chia sẻ.

Thạc sĩ Võ Văn Thành (Trường đại học KHXH-NV TP Hồ Chí Minh) cho rằng, điều quan trọng là thành phố phải xác định đâu là sản phẩm cốt lõi, đặc trưng của du lịch đường thủy TP Hồ Chí Minh, đâu là sản phẩm du lịch phụ, sản phẩm du lịch tăng thêm. Ðặc trưng văn hóa sông nước Sài Gòn là "trên bến dưới thuyền" cho nên sản phẩm du lịch đường thủy phải làm bật lên được màu sắc ấy. Bên cạnh du lịch sinh thái, thành phố cần khai thác du lịch khám phá, tìm hiểu các giá trị lịch sử - văn hóa, du lịch tâm linh để giới thiệu những nét độc đáo với du khách. Nếu kết nối với các vùng lân cận, thành phố sẽ có những tua du lịch đặc sắc khi phát huy được những chuỗi sản phẩm mang giá trị lịch sử - văn hóa của các tỉnh bạn.

Thạc sĩ Huỳnh Văn Sinh (Học viện Cán bộ TP Hồ Chí Minh) hiến kế, muốn có sản phẩm du lịch đường thủy đặc trưng, hấp dẫn du khách, thành phố cần huy động nguồn vốn đầu tư phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch đường thủy một cách đồng bộ. Ðồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp thị thị trường du lịch đường thủy trên địa bàn thành phố và mở rộng ra toàn vùng Ðông - Tây Nam Bộ. Ðặc biệt, việc đầu tư phát triển, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch đường thủy là điều rất quan trọng trong việc tạo cho du khách có ấn tượng tốt đẹp về du lịch của thành phố…

Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa nhìn nhận, để phát triển du lịch thành phố nói chung và du lịch đường thủy nói riêng cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, các địa phương của thành phố. Sở đã có dự thảo Ðề án phát triển sản phẩm du lịch đường thủy nhưng chưa thực hiện được do Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch thành phố đến năm 2030 vẫn chưa hoàn thành.

"Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ xúc tiến xây dựng thêm nhiều bến bãi, phát triển thêm nhiều dịch vụ tại các bến đậu bằng hình thức xã hội hóa, từng bước biến tiềm năng du lịch đường thủy của thành phố thành những sản phẩm đặc trưng, ngày càng đặc sắc hơn", Phó Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Thị Ánh Hoa bày tỏ...

Bảo Linh/Nhandan