Nắm ngay bí kíp du lịch Hội An chuẩn không cần chỉnh

Nắm ngay bí kíp du lịch Hội An chuẩn không cần chỉnh

Hội An là một thương cảng sầm uất, là nơi giao thoa của các nền văn hóa đa dạng được hình thành từ 400 năm trước. Đến nay, Hội An vẫn giữ gìn gần như nguyên vẹn kiến trúc, nếp sinh hoạt, không khí yên bình của một khu đô thị cổ. Bài viết này sẽ bật mí cho bạn bộ bí kíp du lịch Hội An cực kỳ hữu ích.

Kinh nghiệm du lịch Hội An đầy đủ và chi tiếtNét đẹp Hội an

Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam. Đến với Hội An, bạn sẽ đắm mình vào không gian văn hóa truyền thống với các làng nghề xưa như làng mộc Kim Bồng, làng gốm Thanh Hà, làng đúc đồng Phước Kiều… Kiến trúc của hội an đan xen văn hóa của Nhật, Trung và Việt Nam. Các di tích như Hội Quán Phúc Kiến, Chùa Cầu, miếu Quan Công hay Chùa Ông và nhà thờ tộc Trần. Các món ăn cao lầu, mì Quảng, bánh xèo và lễ hội đua ghe cũng là những yếu tố thu hút nhiều người đến với du lịch Hội An.


Hội An in bóng xuống con sông Hoài thơ mộng 

Du lịch Hội An mùa nào đẹp?

Khí hậu ở Hội An mang đặc trưng vùng ven biển miền Trung với thời tiết nóng ẩm, chia 2 mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa.

Theo kinh nghiệm du lịch Hội An, bạn nên đến Hội An vào khoảng tháng 2 đến tháng 4. Lúc này đang là mùa khô ở Hội An. Thời tiết mát mẻ, dễ chịu. Trời xanh, mây trắng, nắng vàng dịu nhẹ, khung cảnh yên tĩnh, trầm mặc chắc chắn sẽ là một bối cảnh tuyệt vời để bạn có những bức hình lung linh.


Mùa hoa giấy hồng rực góc phố cổ

Mùa mưa ở Hội An kéo dài từ tháng 10 – 12. Trời mưa như trút nước khiến phố cổ Hội An xung quanh là biển nước. Nhưng không vì thế mà Hội An mất đi vẻ đẹp vốn có của nó. Những con thuyền nhỏ trở thành phương tiện đi lại của người dân phố cổ và những vị khách.

Cách di chuyển tới Hội AnMáy bay

Máy bay là phương tiện nhanh chóng nhất để bạn có thể du lịch Hội An. Tuy nhiên, bạn phải hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng và bắt ô tô đến Hội An. Đi máy bay từ Hà Nội đến Đà Nẵng chỉ mất khoảng 1 giờ. Từ sân bay Đà Nẵng, bạn gọi taxi về Hội An với giá dao động từ 350.000 – 450.000 đồng. Nhưng để tiết kiệm hơn, bạn hãy đi xe bus từ trung tâm thành phố Đà Nẵng chỉ mất 25.000 đồng/lượt.

Tàu hỏa

Tương tự như đi máy bay,đi tàu hỏa bạn xuống ga Đà Nẵng hoặc ga Trà Kiệu, sẽ mất khoảng 10 – 15 tiếng. Giá vé từ 230.000 – 2.224.000 đồng/ lượt, tùy vào từng khung giờ, chỗ ngồi.

Xe khách

Nếu muốn đi thẳng ra Hội An thì bạn đi xe khách. Từ Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh có rất nhiều xe ra Hội An. Các hãng xe phổ biến mà bạn có thể lựa chọn là Hạnh Café, Thiên An, The Sinh Tourist, với giá dao động 320.000 – 480.000 VND/ lượt.

Phương tiện di chuyển ở Hội AnXe máy

Với xe máy, bạn dễ dàng đi những điểm trong và ngoài Hội An. Giá thuê xe từ 120.000 – 150.000 đồng/ ngày.

Xe đạp

Người dân phố cổ Hội An thường đi xe đạp để giữ bầu không khí sạch và yên tĩnh. Xe đạp dạo quanh phố cổ, ghé thăm các làng nghề truyền thống. Giá thuê một chiếc xe đạp là 50.000 đồng/ngày.

Đi bộ

Để có thể thưởng thức trọn vẹn nét đẹp của phố cổ thì bạn nên đi bộ. Một số tuyến phố cũng cấm phương tiện đi lại nữa. Đi bộ bạn có thể dễ dàng ghé vào quán xá, ngắm nghía bao lâu tùy thích, không lo chỗ để xe.


Khách nước ngoài rất thích đi bộ ngắm phố cổ Hội An

Những địa điểm nổi bật ở Hội AnChùa Cầu

Chưa đi Chùa Cầu coi như là chưa đến Hội An. Với người dân phố Hội, chùa Cầu là linh hồn, là biểu tượng tồn tại hơn bốn thế kỷ qua. Chùa Cầu là ngôi chùa nằm trên chiếc cầu bắc ngang qua con lạch nhỏ trong khu đô thị cổ Hội An. Chiếc cầu này được các thương nhân người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ 17 nên người dân nơi đây vẫn thường gọi là cầu Nhật Bản. Nhìn từ bên ngoài, cây cầu nổi bật nhờ hệ mái cong mềm mại nâng đỡ bởi một hệ thống kết cấu gỗ, và phần móng được làm bằng vòm trụ đá. Hình ảnh chùa Cầu có trên tờ tiền 20.000 đồng bằng polymer của Việt Nam đó.


Chùa Cầu – Viên ngọc quý giữa lòng phố cổ Hội An 

Hội quán Phúc Kiến

Phúc Kiến là hội quán lớn nhất, nằm ở số 46 đường Trần Phú, được xây dựng năm 1697. Hội quán có kiến trúc chữ Tam, sâu 120m được bố trí theo trục dọc: cổng-sân-hồ, cây cảnh, hai bên là nhà đông-tây, chính điện, sân, hậu điện.

Nhà cổ Phùng Hưng

Nhà cổ Phùng Hưng ở số 4 đường Nguyễn Thị Minh Khai.Phùng Hưng có nghĩa là Hưng Thịnh với mong muốn gia đình luôn làm ăn phát đạt. Đây là kiểu nhà buôn bán phổ biến thế kỷ 19 tại các đô thị ở Việt Nam: nhà hình ống, mặt tiền rộng, vật liệu chủ yếu là gỗ.


Đồ nội thất bên trong nhà cổ Phùng Hưng

Nhà thờ Tộc Trần

Nhà thờ Tộc Trần ở 21 đường Lê Lợi, được xây dựng bởi một vị quan họ Trần. Nhà thờ tộc xây dựng theo kiến trúc hài hòa của người Hoa và người Việt. Diện tích của nó lên tới 1500m2, là nơi thờ tự ông bà và trưng bày các di vật liên quan đến dòng họ, nhà ở…

Du lịch Hội An ăn gì?Cao lầu

Theo Guardian, cao lầu là món ngon chứa đựng được lịch sử của cả Hội An chỉ trong một tô mì.  Điều đặc biệt là ở cách làm sợi mì cao lầu. Gạo phải được ngâm bằng nước tro đốt bằng củi lấy từ Cù Lao Chàm, nước phải lấy từ giếng Bá Lễ duy nhất ở Hội An, rằng sợi mì phải được hấp nhiều lần mới có được màu vàng nhẹ cùng vị dai dai đậm đà như vậy. Nổi tiếng nhất là quán Bà Bé.


Cao lầu Hội An đậm đà hương vị

Cơm gà

Hàng cơm gà nổi tiếng nhất ở Hội An là cơm gà bà Buội ở đường Phan Châu Trinh. Cơm gà tơi và thơm, thịt gà dai, vàng suộm, đi kèm một bát canh nhỏ, đủ làm hài lòng những thực khách khó tính nhất.

Bánh mỳ Phượng

Nằm tại số 2B Phan Châu Trinh, Hội An, Quảng Nam, bánh mỳ Phượng được nhiều người dân thổ địa và du khách, website uy tín bình chọn: “Bánh mỳ ngon nhất Hội An,” “Bánh mỳ ngon nhất Việt Nam,” “Bánh mỳ ngon nổi tiếng thế giới”… Bạn chỉ cần gõ cụm từ “best banh mi in Vietnam” trên google sẽ cho kết quả “Bánh mỳ Phượng” ở Hội An.


Bánh mỳ Phượng đầy đủ nhân thịt, rau ăn kèm

Bánh đập

Bánh đập hội An ở giữ là bánh ướt bên ngoài là lớp bánh tráng giòn tan. Đúng như tên gọi, người ta dùng tay đập bánh để ăn, ở Hội An ăn kèm theo hến xào.

Khác với sự náo nhiệt, năng động của Đà Nẵng, Hội An là điểm dừng chân lí tưởng cho những ai yêu thích sự yên bình, thích hoài niệm. Chúc bạn có tour du lịch Hội An tốt đẹp với những bí kíp mà mình chia sẻ nhé.