Trước chuyến thăm Việt Nam, nhiều người tỏ ra lo lắng cho sự an toàn của Amanda với những câu hỏi như “không phải rất nguy hiểm sao?”.
Trăn trở của một du khách Mỹ đến Việt Nam giữa thời bìnhĐặt chân tới Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2014, Amanda lưu lại những tâm sự rất riêng với tư cách là một người Mỹ. Dưới đây là những chia sẻ về hành trình của cô trên trang cá nhân Dangerous Business.
Chứng tích chiến tranh
Anh hướng dẫn viên gần như hồ hởi khi nói về bẫy chông trước mặt chúng tôi. Tay anh chỉ vào từng mảnh kim loại sắc cạnh được chế từ những chiếc xe tăng bị nổ tung và những quả bom chưa nổ. Lần lượt từng loại bẫy đều được mô tả, anh giới thiệu cách thức chúng hoạt động.
Người hướng dẫn viên tại địa đạo Củ Chi. Ảnh: Amanda.
Kết thúc chuyến tham quan, anh kể rằng bậc cha chú trong gia đình mình, đã tham gia chống Mỹ từ những năm 60 và 70. Có nhiều điều người Mỹ đã làm không hề khiến tôi tự hào, từ chế độ nô lệ và áp bức cho tới những trại tập trung trong Thế chiến II. Và tất nhiên, cả cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Từ thời phổ thông, Việt Nam chiếm một phần lớn trong những giờ Sử của tôi. Chúng tôi học về bom napalm, chất độc màu da cam, bẫy chông và những cuộc thảm sát người vô tội. Chúng tôi đọc sách và xem phim, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng để chúng tôi lý giải tại sao Mỹ lại tham chiến ở Việt Nam ngay từ đầu.
Những vị khách không phải người Mỹ trong đoàn tour địa đạo Củ Chi bối rối trước câu chuyện này. Họ liên tục hỏi: “Nhưng tại sao chiến tranh lại nổ ra?”. Tôi không mấy thoải mái, liền chuyển chủ đề vì không có một câu trả lời đơn giản.
Có lẽ chẳng có câu trả lời đơn giản nào cho vấn đề này, sự thật là đất nước tôi đã xâm lược một đất nước khác. Những người vô tội thiệt mạng, hàng loạt thành phố bị phá huỷ, vũ khí hoá học để lại vết sẹo về cả thể chất lẫn tinh thần cho những ai sống sót.
Thực tại không giống như chiến tranh đã xảy ra từ hàng chục năm trước. Với nhiều người Việt, nó vẫn như chuyện mới hôm qua. Đặc biệt tại những địa danh như Củ Chi, chiến tranh vẫn được nhắc đến mỗi ngày.
Amanda chui xuống một lối đi trong địa đạo. Ảnh: Amanda.
Ngày hôm sau, chúng tôi tới Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở TP HCM, nơi có những bức tranh cổ động chống Mỹ và bằng chứng đau lòng về tội ác của người Mỹ.
Bảo tàng này như yêu cầu tôi phải thừa nhận trách nhiệm của mình, khi là một người Mỹ, bước qua những phòng tranh và cảm thấy tội lỗi. Điều đó rất công bằng, bởi Mỹ chưa từng thực sự xin lỗi về những gì đã xảy ra tại Việt Nam (hay Lào và Campuchia – thực tế chính phủ của chúng tôi vẫn không sẵn sàng thừa nhận những gì họ đã gây ra).
Tôi mừng khi có những nơi như địa đạo Củ Chi hay Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tồn tại – buộc tôi, một người Mỹ, phải nhìn vào chiến tranh ở Việt Nam khác một chút. Những điểm tham quan này khiến tôi phải nhìn nhận dưới con mắt của người địa phương, của những du khách không phải công dân Mỹ – nhiều người trong đó thậm chí lần đầu tìm hiểu về cuộc chiến khi đến Việt Nam.
Không thể phủ nhận những tội ác một số lính Mỹ đã làm, chúng tôi được học về cuộc thảm sát Mỹ Lai, đọc những câu chuyện, có thể hình dung rõ ràng hình ảnh Em bé Napalm trong tâm trí… Nhưng ít người Việt biết rằng nhiều người Mỹ trẻ tuổi được gửi đến Việt Nam dù không hề muốn.
Vào thời điểm ấy, cuộc chiến không hề được biết đến rộng rãi tại Mỹ nhưng vẫn có những cuộc biểu tình mạnh mẽ phản đối chính phủ. 4 học sinh của Đại học Kent State đã bỏ mạng vào năm 1970 khi tham gia biểu tình.
Nhiều người lính sống sót trở về từ chiến trường Việt Nam cũng phải chịu đựng vô số thương tổn. Họ nghiện ma tuý, tổn thương tâm lý, và hứng chịu nỗi đau da cam. Ngày nay phần lớn người Mỹ đều đồng tình rằng chính phủ không nên dấn thân vào cuộc chiến ấy ngay từ đầu.
Điều này không thể đem ra để bào chữa cho những hành động vô nhân tính của một nhóm người, nhưng nó đáng được khơi ra để nhắc nhở chúng ta rằng mỗi câu chuyện đều có hai mặt – đặc biệt khi nói đến chiến tranh.
Người Mỹ ở Việt Nam
Trước chuyến thăm Việt Nam, nhiều người tỏ ra lo lắng cho sự an toàn của tôi với những câu hỏi như “Không phải rất nguy hiểm sao?”.
Thực tế, người Việt tại nhiều nơi vẫn ghét lính Mỹ – những người đã xâm lược đất nước của họ hàng thập niên trước; một số người vẫn nhắc đến Mỹ bằng giọng chua chát. Nhưng chẳng ai nói điều gì tệ hại về việc tôi là người Mỹ.
Những em nhỏ trò chuyện với du khách Mỹ. Ảnh: Amanda.
Tôi cảm thấy được chào đón và an toàn ở đây. Người Việt Nam hiểu không phải tất cả người Mỹ đều xấu xa, và biết một du khách như tôi khác với những người đã gửi quân đội cùng súng ống đến đất nước của họ hơn 40 năm trước.
Theo Phạm Huyền/Vnexpress