1. Di chuyển
Máy bay:
Đợt này Trúc chọn Eva Airlines vì ngoài việc máy bay khá xịn chất lượng tốt thì thức ăn siêu ngon. Nếu muốn đi thì bạn nên đặt trước máy bay tầm 2-3 tháng để có giá tốt nhé
Di chuyển trong thành phố: Trúc không đi tàu điện vì thật sự đã bị lố trạm vài lần rồi mà vẫn không biết đi nên quyết di chuyển gần thì đi Taxi (buổi tối) còn hằng ngày thì book một xe đưa rước luôn đi đâu cũng chở đi hết. Trúc chọn gói 8 tiếng/ ngày/ dưới 4 người là 4000 NTD (tương đương khoảng 3 triệu/ngày).
> Kinh nghiệm đi Đài Loan từ A đến Z - Du lịch xứ Đài chưa bao giờ dễ thế
2. Hành trình khám phá Tân Bắc của Trúc.
Ngày 1: Ô Lai (Wulai) – Chợ đêm Công Quán (Gongguan Night Market)
Ngày đầu tiên, Trúc ghé đến suối nước nóng Wulai Hot Spring Spa với nguồn nước nóng trong trẻo, sạch sẽ được phát hiện và khai thác từ 300 năm trước. Suối nước nóng nổi tiếng nhất tại Ô Lai là Volando Hot Spring Spa. Sau đó mình phải đi thang bộ xuống 1 con dốc khá cao để đến thác nước Ô Lai (Wulai Waterfall).
Hãy men theo con đường nhỏ đi sâu vào bên trong để đến Wulai Station. Từ đây, sẽ có 1 chuyến xe lửa nhỏ chở bạn vào trong phố cổ Ô Lai (Wulai Old Street) – nơi này bình yên dễ thương, không đông đúc như những khu trung tâm. Được bao quanh bởi những con suối tươi mát, nơi này chẳng có bút viết nào có thể diễn tả được sự hùng vĩ mà cũng rất đỗi nên thơ. Sau khi dạo quanh phố cổ Ô Lai, bạn sẽ phải đi qua nhiều cây cầu nhỏ, ghé thăm các cửa hàng để đồ ăn, thực phẩm thổ dân, nghệ thuật, thủ công và quần áo nha. À, hãy chọn phương tiện là cáp treo nếu bạn muốn chiêm ngưỡng hết cảnh đẹp của thị thấn Ô Lai nhé!
Nạp năng lượng ở chợ đêm Công Quán (Gongguan Night Market). Nằm gần Đại học Đài Loan và ga tàu điện ngầm Công Quán. Chợ đêm Công Quán thường là điểm đến của sinh viên địa phương và khách du lịch nên rất đông đúc. Vì thế bạn phải hết sức kiên nhẫn mới thưởng thức được mấy món ăn ở đây đó. Đa số các quán không có chỗ để ngồi lại ăn mà phải mua mang đi. Thức ăn được đựng trong những hộp nhỏ để khách có thể đứng hoặc mang đi chỗ khác ăn thôi.
Tả bí lù – là 1 quầy gồm có đồ lòng, ngó sen, rau để thực khách tự do lựa chọn, sau đó người bán sẽ kho chung những món đó với ngũ vị hương. Mùi vị tương tự như phá lấu ở Việt Nam. Bọn mình dùng 1 phần 4 người ăn gồm có tim gà, bông cải xanh, tai heo và đậu que hết 155 NDT.
Viên khoai lang chiên – được làm từ khoai lang và bột nếp vo viên sau đó chiên lên ăn kèm với các loại bột tiêu, xí muội hoặc phô mai rắc thêm bên trên. Đậu hũ thúi – ăn cùng với kim chi Đài Loan (40 NDT). Súp mì hào (45 NDT) – là nước súp nấu chung với mì trong nhiều tiếng đồng hồ nhưng vẫn không bị mặn hay mềm mà rất ngon, có mùi thảo mộc (hoặc dầu hào). Ức gà chiên ăn ngon khó cưỡng luôn nha!
Ngày 2: Thập Phần (Shifen) – Phố cổ Cửu Phần (Jiufenn Old Street) - Bình Khê (Pingxi)
Trước khi đến được đây bạn sẽ đi qua một vài cây cầu vì thác nằm sâu bên trong vùng núi, hoạt động chủ yếu là tham quan khung cảnh thiên nhiên kì vĩ và tươi đẹp. Sau đó trước mắt bạn sẽ hiện ra Thác Thập Phần (Shifen Waterfall) – nơi được mệnh danh là phiên bản của thác nước Niagara tại Châu Á.
Riêng cá nhân Trúc thì Trúc thích Cửu Phần (Jiufen) hơn Thập Phần (Shifen). Cửu Phần là thị trấn cổ nổi tiếng với những chiếc đèn lồng và một tuyến đường sắt khá ngắn nhưng rất nhiều người đến thả đèn lồng cũng như người dân tụ tập lại nơi đây để sinh sống và buôn bán. Quận Bình Khê (Pingxi) dân cư thưa và không gian thoáng đãng nên đây là nơi duy nhất ở Đài Loan cho phép thả đèn lồng cầu phúc, cầu bình an.
Ở dọc đường ray xe lửa có bán rất nhiều đèn lồng, đủ loại, đủ màu sắc cho bạn lựa chọn. Sau khi chọn một chiếc ứng ý, hãy ghi điều ước của mình lên thân lồng đèn. Cuối cùng là đốt nguyên liệu ở bên dưới để nó có thể bay lên trời. Bật mí là Trúc có thấy một tiệm đèn lồng Việt Nam có ghi chữ Việt nên việc mua bán trao đổi dễ dàng lắm nhé, giá một chiếc đèn lồng khoảng 150 NDT, tương đương 110k tiền Việt Nam nhé!
Như đã nói ở trên là nơi này rất đông, nên cũng thật khó để bắt được những khoảnh khắc ưng ý lắm, Trúc phải đã phải đi tìm một tiệm đèn lồng xa trung tâm một chút để săn được ảnh đẹp đó. Phải tranh thủ từng khoảnh khắc nha.
Đi một chút nữa thôi bạn sẽ đến phố cổ Cửu Phần (Jiufen Old Street). Bao tử sẽ rung rinh mất thôi vì một “Thiên đường ăn vặt” sẽ hiện ra trước mắt bạn, trong đó hai con đường đông đúc và nhộn nhịp nhất là Kinh Tiên Lộ và Cô Sơn, bảo đảm tín đồ ăn vặt sẽ phải ghé ngay và luôn. Một món chắc chắn bạn không thể bỏ qua đó là thịt viên chiên, vì món này là đặc trưng của Cửu Phần mà, phải thử chứ không lại tiếc hùi hụi đấy.
Món xúc xích hương gạo Trúc vẫn còn nhớ mãi, giống xôi ăn chung với mỡ hành ngon tuyệt. Ngoài ra còn có rất nhiều hương khác như cá, mục, heo... Tiệm xúc xích này Trúc nghe bảo lâu đời rồi nên quán lúc nào cũng đông người mua. Ẩm thực Đài Loan phong phú mà nên hãy thử thêm các món khác: chè cổ truyền, kem cuộn, ốc nướng,… nếu còn "bụng" nhen.
Ngày 3: Bảo Tàng Đạm Thủy (Tamsui Museum) – Phố cổ Đạm Thủy (Tamsui Old Street)
Tưởng không hấp dẫn là sai lầm nha. Ban đầu Trúc vẫn nghĩ không muốn đi vì trên google chưa có quá nhiều thông tin và hình ảnh nhưng khi đến thì phát hiện cả trăm góc “sống ảo” xuất sắc luôn đó. Tham quan bảo tàng Đạm Thuỷ (Tamsui Street Museum) bạn phải mua vé vào cổng là 80 NTD, chỉ có sinh viên Đài Loan mới được miễn vé vào cổng thôi nè.
Sẵn đó ghé ngang Phố cổ Đạm Thủy (Tamsui Old Street), là phố cổ lớn nhất trong suốt chuyến đi của Trúc (dài gấp khoảng 6 - 7 lần các phố cổ khác mà Trúc đã đi qua), nằm ở một bến cảng, một bên là biển một bên là phố cổ, bán rất nhiều loại đồ ăn ngon. Ngoài ra, phố cổ Đạm Thuỷ hiện đại và tạo cảm giác trong lành, dễ chịu hơn các phố cổ khác nữa.
Ngày 4: Công viên địa chất Dã Liễu (Yehliu Geopark) - Phố cổ Kim Sơn (Jinshan Old Street)
Công viên địa chất Dã Liễu (Yehliu Geopark) được bình chọn là “Điểm tới tự nhiên đẹp nhất Đài Loan 2013". Ở đây cách người ta khai thác cũng vô cũng dễ chịu. Có điều với mùa này đi thì vô cùng nóng và nắng nên mọi người nên trang bị thêm ô hoặc đi vào dịp trời mát mẻ hơn. Ở đây bạn phải đi bộ vào hơi xa một chút những đáng đồng tiền bát gạo vì chắc chắn là chụp ảnh lung linh nhé.
Ngày 5: Phố cổ Oanh Ca (Yingge Old Street) – Phố cổ Tam Hạp (Sanxia Old Street)
Phố cổ có thể nói là địa điểm tuyệt vời ở Đài Bắc với mỗi nơi một vẻ. Nơi đẹp nhất trong các khu phố Trúc từng đặt chân đến đó là khu phố cổ Oanh Ca. Từng góc phố cổ đều cổ kính với con đường lát cuội, thắp sáng bởi những cây đường đèn truyền thống, những ngôi nhà lát gạch đỏ hay lò nung gốm, cửa hàng đồ gốm to nhỏ trải dài trong khu phố. Hãy các món local và đặc sản là món bánh "sừng trâu" mang đặc trưng của vùng Oanh Ca. Ăn đúng là tiệm ngay đầu tiên luôn tên Jin San Xia rất ngon.
Phố cổ Tam Hạp (Sanxia Old Street) - cũng giống như phố cổ Oanh Ca, tại đây khách tham quan cũng có thể thấy được nét văn hoá gốm, tập trung nhiều cửa hàng bán đồ thủ công mĩ nghệ và quà lưu niệm độc đáo với mức giá từ thấp đến cao.
Đó là toàn bộ chuyến đi của Hà Trúc, vậy các traveller đã đủ tự tin để xách vali lên và đi chưa? Hy vọng bài chia sẻ của mình sẽ ít nhiều giúp cho các bạn có 1 chuyến đi trọn vẹn hơn!
Thực hiện: Quế LâmNguồn: FB Hà Trúc
Nguồn : tripnow.vn