Một thử nghiệm mới đây của FDA vào ngày 21 tháng 1 năm 2020 cho thấy, 6 hoạt chất phổ biến trong kem chống nắng có thể tồn tại trên cơ thể trong vài ngày, thậm chí đến vài tuần.
Hơn thế nữa, thử nghiệm còn cho thấy chỉ cần thoa một lớp kem chống nắng dù là dạng kem hay dạng xịt thì nồng độ các hoạt chất có trong máu đều tăng vượt ngưỡng an toàn FDA và cần được nghiên cứu thêm để biết nồng độ này có hại hay không.
Alok Vij, MD, bác sĩ da liễu tại Bệnh viện Cleveland, Ohio, cho rằng điều này rất đáng lo ngại vì chúng ta không biết được những tác dụng sinh học của kem chống nắng ra sao. Bác sĩ Vij không tham gia vào nghiên cứu này.
Một nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, một số thành phần trong nghiên cứu của FDA có thể phá vỡ nội tiết tố và dẫn đến các vấn đề về khả năng sinh sản, ảnh hưởng đến thai nhi và có thể gây ra ung thư.
Kem chống nắng đã vượt qua các cuộc xét nghiệm an toàn như thế nào?
Rất nhiều người có thói quen thoa kem chống nắng thường xuyên để bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời. Sau nhiều thập kỷ giáo dục sức khỏe cộng đồng, hầu như bất cứ ai khi ra ngoài đều ý thức được rằng kem chống nắng là một phần rất quan trọng trong việc bảo vệ da khỏi cháy nắng, lão hóa và ung thư da. Trên thực tế, bảo vệ da dưới ánh nắng mặt trời là ngành công nghiệp 2 tỷ đô tại Mỹ. FDA đã cho phép các nhà sản xuất kem chống nắng bán sản phẩm của họ với giả định rằng các hoạt chất trong sản phẩm là “GRASE”, được công nhận là an toàn và hiệu quả.
Nhưng vài thập kỷ trước, FDA đã bắt đầu yêu cầu các nhà sản xuất thực hiện nhiều xét nghiệm an toàn hơn cho các sản phẩm của họ nếu chúng hấp thụ vào cơ thể ở mức trên 0,5 nanogram/ml. Ở dưới mức này, các thành phần không gây ra tổn hại đáng kể.
Kanade Shinkai, MD, Tiến sĩ, bác sĩ da liễu tại Đại học California, San Francisco cho biết, các tiêu chuẩn này đã tồn tại trong vài thập kỷ qua, nhưng kem chống nắng còn xuất hiện từ rất lâu trước đó. Shinkai đã viết một bài xã luận về nghiên cứu này, nhưng cô không tham gia vào nghiên cứu.
Kết quả là, kem chống nắng về cơ bản đã được đưa vào hệ thống giám sát của FDA mà không có bất kỳ xét nghiệm an toàn thực sự nào.
Cơ quan này đã thúc giục các công ty sản xuất kem chống nắng thực hiện nhiều nghiên cứu về an toàn cho các sản phẩm của họ, nhưng vì nhiều lý do mà họ chưa bao giờ thực hiện, Mitch Shinkai nói.
Cuối cùng, FDA đã có một nghiên cứu nhỏ để giải quyết câu hỏi về sự hấp thụ các chất trong kem chống nắng của cơ thể.
Sau một thử nghiệm vào năm ngoái, cơ quan này đã công bố một thông tin gây sốc đó là bốn chất chống tia UV phổ biến nhất trong kem chống nắng hóa học – avobenzone, oxybenzone, octocrylene và ecamsule – được cơ thể hấp thụ một lượng lớn và có thể tồn tại trong cơ thể nhiều ngày, đây là một thông tin chưa được biết đến rộng rãi trước đây.
Do đó, FDA cho biết bốn thành phần này, cùng với tám thành phần khác, cần được xét nghiệm an toàn trước khi chúng được chứng nhận GRASE. Các nhà sản xuất kem chống nắng cũng đã được yêu cầu tiến hành xét nghiệm này. Tuy nhiên, cho đến nay, những nghiên cứu để tìm hiểu về tác động đến chức năng sinh sản và nguy cơ ung thư – vẫn chưa được thực hiện, cho dù FDA đã cho các nhà sản xuất kem chống nắng thời hạn đến cuối tháng 11 năm 2019 để cung cấp thêm thông tin.
Ngược lại, có một số người chỉ trích các phương pháp xét nghiệm ban đầu của FDA là không thực tế, khi FDA cho các tình nguyện viên nghiên cứu thoa lại kem chống nắng sau mỗi 2 giờ trong vòng 4 ngày. Tuy nhiên, trên thực tế thì hầu hết mọi người đều không thoa kem chống nắng với tần suất dày như vậy.
Để đáp lại, FDA đã làm lại nghiên cứu, lần này bao gồm sáu hoạt chất trong kem chống nắng hóa học: avobenzone, oxybenzone, octocrylene, homosalate, octisalate và octinoxate. Những thành phần này đều là các chất bảo vệ da khỏi các tia nắng mặt trời có hại.
Họ đã thử nghiệm các sản phẩm dạng kem và dạng xịt cho 48 người trưởng thành khỏe mạnh, trong đó 1 nửa là nữ và 1 nửa còn lại là nam. Họ cho các tình nguyện viên thoa kem chống nắng trên 75% cơ thể, nơi mà đồ bơi không thể che được.
Ngày đầu tiên, họ thoa kem chống nắng chỉ một lần. Vào ngày thứ 2, 3 và 4, tất cả nam và nữ trong nghiên cứu đều đi tắm vào buổi sáng, sau đó thoa kem chống nắng sau mỗi 2 giờ cho tổng cộng bốn lần thoa mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu đã lấy 34 mẫu máu từ mỗi người tham gia nghiên cứu, trong những ngày đầu tiên sử dụng kem chống nắng, và sau đó là sau 1 tuần, 2 tuần và 3 tuần, để xem những hóa chất đó có thể tồn tại trong cơ thể bao lâu.
Theo bác sĩ Shinkai, nghiên cứu này hoàn toàn được thực hiện theo những lời khuyên từ các nhà sản xuất. Do đó, cách tiến hành nghiên cứu này đã đi sát vào thực tế.
Một nghiên cứu khác được công bố trên tạp chí TheJournal of the American Medical Association đã xác nhận kết quả của nghiên cứu từ FDA. Nó cho thấy 6 hoạt chất được thử nghiệm đã được hấp thụ vào cơ thể. Một số chất còn tiếp tục được tăng lên vượt quá ngưỡng cho phép của FDA sau 3 tuần khi ngưng sử dụng kem chống nắng.
Trong đó, nồng độ oxybenzone trong máu cao hơn 180 lần so với ngưỡng FDA cho phép sau một lần sử dụng kem chống nắng. Mức này còn tăng vọt hơn 500 lần so với ngưỡng FDA cho phép sau 4 ngày sử dụng đều đặn. Ba tuần sau, các xét nghiệm máu tiếp tục cho thấy nồng độ oxybenzone tăng cao hơn, mặc dù nó thấp hơn nhiều so với khi bắt đầu nghiên cứu.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng oxybenzone có thể ảnh hưởng đến sự phát triển vú, cân nặng trẻ sơ sinh và chức năng tinh trùng. Nó cũng đã được chứng minh là góp phần vào việc khai thác các rạn san hô trong đại dương. Do đó, Hawaii đã cấm bán kem chống nắng có chứa oxybenzone và octinoxate bắt đầu từ năm 2021.
Nneka Leiba, phó chủ tịch của Tổ chức Environmental Working Group’s Healthy Living Science cho rằng, những chất hóa học ở mức cao trong máu, cùng với những bằng chứng cho thấy có hại cho sức khỏe đều rất đáng quan ngại. Nhóm công tác môi trường đã cảnh báo người tiêu dùng trong nhiều năm rằng các thành phần trong kem chống nắng hóa học có thể không an toàn.
Chúng ta nên làm gì?
FDA cho biết, trong khi các chất chống tia UV trong kem chống nắng hóa học không được cho là an toàn, điều đó không có nghĩa là chúng có hại. Các nhà khoa học vẫn chưa có kết luận chính xác nhất.
Vậy các bạn nên làm gì nếu bạn muốn bảo vệ bản thân và con bạn trước những thành phần chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng?
Theo bác sĩ Vij, kem chống nắng chỉ chiếm một phần trong việc bảo vệ da khỏi tia UV. Các bạn nên tránh mặt trời (nếu có thể) trong khoảng từ 11h đến 4h, đây là khi bức xạ UV ở mức cao nhất. Ngoài ra các bạn cũng nên sử dụng kem chống có thành phần chính là khoáng chất và sử dụng quần áo có khả năng chống nắng như chất liệu chứa UPF (chỉ số chống tia UVA/UVB của vải).
Hãy thận trọng với ánh mặt trời. Nếu bạn biết rằng mình sẽ bị cháy nắng thì hãy hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nếu bạn biết gia đình bạn có tiền sử bị ung thư hắc tố, hãy hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Có rất ít thông tin về sự ảnh hưởng của kem chống nắng đối với trẻ em như cách các thành phần hấp thụ vào cơ thể hay tác động của chúng trên cơ thể đang phát triển.
Bác sĩ Shinkai cho biết, chúng ta nên chọn kem chống nắng có thành phần chính là khoáng chất (như zinc oxide hay titanium dioxide) cho trẻ em. FDA đã công nhận 2 thành phần này là an toàn. Tuy kem chống nắng khoáng chất khó thoa và để lại màng trắng (không phù hợp lắm với người có da sẫm màu) nhưng nếu được điều chế chính xác và thoa đúng cách thì kem chống nắng này mang lại hiệu rất cao. Bác sĩ Shinkai khuyên chúng ta nên chọn những sản phẩm có chứa cả zinc (kẽm) và titanium.
Rất nhiều công thức chỉ có chứa zinc mà bỏ qua thành phần chống nắng toàn diện. Vì vậy kết hợp 2 thành phần zinc và titanium sẽ mang lại màng bảo vệ da toàn diện, tương tự như kem chống nắng hóa học. Do đó, không có lý do gì mà chúng ta lại bỏ qua loại kem chống nắng khoáng chất này cả.
Người dịch: Trân Đỗ
Đọc thêm: https://www.happyskin.vn/huong-dan-doc-hieu-kem-chong-nang-dung-tin-bua-chon-dai