Cơ thể khỏe hơn
Dù là người trẻ hay già, thì cơ thể cũng rất thích chủ nhân duy trì thói quen ăn thật chậm, nhai thật kỹ. Bởi khi này, bộ máy tiêu hóa mới có thời gian để làm việc nhịp nhàng và hiệu quả nhất. Răng sẽ nhai nhuyễn thức ăn rồi chuyển xuống khu vực dạ dày. Tại đây, men tiêu hóa sẽ có mặt để tiếp tục xử lý lượng thức ăn, lọc ra chất dinh dưỡng chuyển vào ruột non nuôi cơ thể, còn chất thải thì đi vào ruột già. Tiêu hóa một bữa ăn không nhẹ nhàng chút nào.
Nếu như bạn ăn vội vàng, thức ăn chưa nhai nhuyễn đã cố gắng nuốt vào thì dạ dày sẽ phải cố gắng gấp nhiều lần để nghiền những miếng thức ăn thô cho thật nhỏ. Lâu ngày, dạ dày sẽ kiệt sức, dễ bị đau hay tổn thương.
Bạn sẽ gầy hơn
Các nghiên cứu khoa học đều khẳng định rằng người ăn chậm ít bị béo phì hơn người ăn nhanh. Khi bạn nhai kỹ, đường gluco và nhiều loại dinh dưỡng khác từ thức ăn sẽ ngấm vào cơ thể, báo một tín hiệu đặc biệt lên não. Từ đó não sẽ hiểu rằng dạ dày đã no, không còn thèm ăn nữa và bạn không muốn chén tiếp. Ngược lại, khi ăn nhanh thì thức ăn đã lấp đầy dạ dày mà não vẫn chưa biết, nên lại giục cơ thể cố nhét thêm món ăn vào khiến bụng tròn căng, dạ dày quá tải.
Có nghiên cứu cụ thể còn cho thấy người nào xử lý bữa ăn trong vòng 10 phút sẽ rất dễ tăng cân. Còn ai nhẩn nha ăn hết trong 30 phút thì có thân hình thon thả, hoặc ít nhất là không bị tăng cân. Bởi cơ thể bạn cần tới 20 phút từ lúc ăn đến lúc não phát đi tín hiệu “dừng ăn” mà.
Bạn sẽ thấy ngon miệng hơn
Rõ ràng khi bạn tập trung vào món ăn, nhai thật kỹ thì sẽ cảm nhận được hết hương vị. Chứ nhồm nhoàm nhai thật nhanh rồi nuốt đánh ực thì đâu có biết món ngon hay dở. Ví dụ đơn giản đây: Bạn hãy nhai kỹ một miếng cơm không kèm thức ăn, sẽ thấy cơm tiết ra vị ngọt rất dễ chịu – điều mà khi ăn nhanh bạn không thể cảm nhận được.
Khuôn mặt thon nhỏ hơn
Trong lúc bạn nhai kỹ thức ăn, phần xương hàm sẽ hoạt động nhiều hơn bình thường. Kết quả là các bó cơ quanh miệng bạn buộc phải tập thể dục liên tục nên săn chắc hơn, khiến khuôn mặt nhỏ gọn đi. Vậy là bỗng dưng bạn lại có khuôn mặt thon đúng chuẩn bây giờ.
Đỡ lo sâu răng
Ăn chậm khiến nước bọt sẽ tiết ra nhiều hơn, bao phủ toàn bộ hàm răng. Trong nước bọt có một chất giúp men răng chắc hơn và còn góp phần tiêu diệt lũ sâu răng đáng ghét nữa đấy. Chưa hết, nước bọt có khả năng hòa tan nhiều vi khuẩn, vi rút gây bệnh khiến chúng không còn đường xâm nhập vào cơ thể nữa.
Học tốt hơn
Tưởng như chuyện ăn và học chẳng liên quan đến nhau, nhưng nhai kỹ cũng giúp não bộ hoạt động tập trung hơn vì vỏ não hoạt động liên tục. Nhờ đó, bạn có thể học lâu hơn mà không thấy chán nản hay buồn ngủ đấy.
Những mẹo nhỏ
Với mỗi miếng ăn, bạn nên nhai trong 30 giây hoặc 20 lần nhé! Không nhất thiết phải tập trung đếm số lần, mà nhai đến khi nào thức ăn thật nhuyễn, hương vị đã tan hết là ổn.
Bạn nên ăn món khô (cơm không có canh) đầu tiên để kích thích nước bọt tiết ra nhiều. Ăn những món nước như phở, bún, miến … thì nước bọt xuất hiện rất ít, mà tác dụng của nước bọt như thế nào thì ở trên đã nói rồi đấy.