Đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang, làm bãi gửi xe
Nằm cách Hồ Gươm 200m là lô đất vàng Hà Nội của bầu Hiển rộng 2.200 m2 với 3 mặt tiền tại phố Lý Thường Kiệt, Hàng Bài và Vọng Đức. Đây được coi là một trong những lô đất trống có giá trị lớn nhất tại thủ đô. Theo thông tin từ lãnh đạo doanh nghiệp, để thu hồi được khu đất, bầu Hiển đã phải nâng mức giá bồi thường lên tới 1 tỷ đồng/m2.
Tuy nhiên, cho đến nay lô đất trị giá hàng nghìn tỷ đồng này vẫn nằm im lìm. Công năng duy nhất của khu đất đắc địa này là làm chỗ để xe cho Ngân hàng SHB, do ông bầu Hiển làm chủ tịch.
Cách lô đất của bầu Hiển chỉ hơn 100 m, ngang qua trường THCS Trưng Vương tại ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng là lô đất rộng hơn 4.000 m2 của Tân Hoàng Minh. Lô đất này còn có vị trí trung tâm hơn, chỉ cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 100 m, đối diện Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza.
Trước đó, Tân Hoàng Minh từng mất hơn 7 năm (từ năm 2004-2011) mới hoàn thành giải phóng mặt bằng kể từ khi có quyết định thu hồi đất. Thời điểm năm 2011, lô đất này vẫn còn một phần diện tích chưa được giải tỏa. Sau đó người dân và chủ đầu tư đã thống nhất mức bồi thường là 47 tỷ đồng cho 20 m2 nhà đất sử dụng chung và 51 m2 đất sử dụng riêng. Vào thời điểm đó, đây được xem là mức bồi thường, hỗ trợ kỷ lục của thành phố Hà Nội.
Lô đất vàng của bầu Hiển giờ bỏ hoang, không hề có dấu hiệu triển khai dự án
Một khu đất vàng Hà Nội nữa cũng chịu số phận “chờ thời” tương tự. Đó là khu đất 3 mặt tiền (Lò Đúc - Nguyễn Công Trứ - Ngô Thì Nhậm) tại quận Hai Bà Trưng. Trước đây, khu vực này là nơi đặt Nhà máy rượu Hà Nội và Nhà máy dệt kim Đông Xuân. Sau này, 2 nhà máy đã chuyển ra khỏi nội thành, để lại lô đất rộng tới 8.000 m2. Được biết Tân Hoàng Minh cũng là ông chủ của lô đất này.
Thật không khó tìm thấy những lô đất vàng bị bỏ hoang tại Hà Nội. Một số dự án cho đến nay vẫn “nằm đắp chiếu”, đất chỉ để cho cỏ hoang mọc. Trong đó, có các dự án như Nam Đàn Plaza và Lotus Hotel (quận Nam Từ Liêm), Tháp Thiên Niên Kỷ (quận Hà Đông), dự án 131 Thái Hà, dự án Twin Tower (đường Láng)…
Lãng phí hàng nghìn tỷ đồng
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng thừa nhận những lô đất vàng Hà Nội bỏ hoang, hoặc những công trình đang xây dựng dở mà đắp chiếu là một sự lãng phí rất lớn.
Nếu gửi số tiền 2.200 tỷ đồng mà bầu Hiển chi cho lô đất Lý Thường Kiệt tại chính ngân hàng SHB, với lãi suất 7,5%/năm, ông Hiển có thể thu về 165 tỷ đồng/năm. Tương tự, với lô đất của Tân Hoàng Minh tại Hàng Bài, tính giá bồi thường trung bình khoảng 500 triệu đồng/m2 thì số tiền để thâu tóm khu đất vào khoảng 2.000 tỷ đồng. Đem gửi ngân hàng số tiền trên mỗi năm cũng có thể thu về 150 tỷ đồng. Lũy kế 7 năm bị bỏ hoang, tổng số tiền mang gửi cả gốc và lãi đã lên đến 3.303 tỷ đồng (lãi suất 7,5%/năm).
Khu đất của Nhà máy rượu Hà Nội và Dệt Kim Đông Xuân dùng để xây trường học
"Đó là một sự lãng phí không dễ gì khắc phục. Trong khi nhu cầu về mặt bằng tại khu vực trung tâm luôn thiếu hụt thì có những khu đất vàng bỏ hoang thật khó hiểu. Có thể với chủ đầu tư họ không thấy lãng phí, họ không thiếu tiền, nhưng đó là một sự lãng phí của xã hội”, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, nhận xét.
Thành phố sẽ xử lý ra sao?
Đầu năm 2018, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu rà soát, đề xuất điều chỉnh, hủy bỏ các dự án có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện theo quy định của pháp luật. Để chống thất thu ngân sách và phòng chống tiêu cực, tham nhũng, ông Chung cũng yêu cầu thực hiện đúng quy định các trường hợp phải đấu giá đất, nhà là các khu “đất vàng” sau khi rà soát, sắp xếp lại cơ sở nhà đất của Nhà nước.
Đối diện Tràng Tiền Plaza là một khu đất bỏ hoang, cỏ mọc nhiều năm nay
Nếu Hà Nội thực hiện được việc này thì các dự án đất vàng “ngủ quên” sẽ sớm được giải quyết. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc thu hồi đất vàng là rất khó.
“Khi doanh nghiệp bỏ tiền lớn ra mua đất, kể cả mua qua đấu giá, họ phải tận dụng sao cho sinh lời nhiều nhất. Tuy nhiên, muốn sinh lời thì họ phải xin xây cao thêm tầng, khi đó lại không được phép, và họ lại bỏ hoang để chờ đợi. Bỏ hoang lại khó thu hồi. Đó là một vòng luẩn quẩn khó giải quyết”, ông Đính nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Đính ủng hộ quyết tâm của Hà Nội trong việc thu hồi, để tránh sử dụng lãng phí các khu đất vàng Hà Nội. Ngoài ra, bộ mặt đô thị sẽ được không bị nhếch nhác, thiếu mỹ quan.
MuaBanNhaDat theo Thời Báo Kinh Doanh