Nghịch lý quy hoạch nhà cao tầng ở Việt Nam

Trong khi ở nhiều nước phát triển nhà cao tầng được xem là “niềm tự hào” quốc gia thì ở Việt Nam nhà cao tầng lại bị gán ghép với cái tên “tội đồ”. Đâu là nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt một trời một vực này? Và tương lai nào để nhà cao tầng ở Việt Nam phát triển đúng hướng?
Nghịch lý quy hoạch nhà cao tầng ở Việt Nam
Nghịch lý quy hoạch nhà cao tầng ở Việt Nam


Hiệu quả quản lý đất đai

Hội thảo quy tụ hàng chục chuyên gia nước ngoài đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Tây Ban Nha; Singapore, Mỹ, Hồng Kông, Hàn Quốc và rất nhiều chuyên gia uy tín VN. Vì vậy, theo bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch kiến trúc, đây chính là cơ hội để đánh giá lại những tồn tại của Hà Nội như chất lượng đô thị chưa cao, thiếu đồng bộ, quá tải, công tác quản lý quy hoạch còn bất cập. “Tôi mong muốn các nhà khoa học, chuyên gia tìm ra được giải pháp hiệu quả, khả thi nhằm tạo nên đô thị có chất hơn, có không gian cảnh quan kiến trúc hướng đến sự phát triển bền vững của đô thị VN”, bà Hằng nói.

KTS Nguyễn Đỗ Dũng khẳng định xét về quan điểm quản lý nhà cao tầng là phản ánh hiệu quả sử dụng đất đai. Đơn cử, cùng một khu đất rộng khoảng 1 ha, nếu xây các căn nhà thấp tầng san sát với diện tích trung bình 80 m2/căn, mật độ xây dựng chiếm khoảng 80% diện tích đất, thì có khoảng 100 ngôi nhà. Giả sử trung bình mỗi hộ gia đình trung bình có 4 người, thì khu đất này có mật độ dân cư vào khoảng 400 người/ha. Tuy nhiên, nếu xây nhà cao tầng cho 400 người trên khu đất 1 ha này thì chỉ cần 1 tòa chung cư cao 25 tầng, và chỉ chiếm diện tích đất khoảng 1.150 m2, tương đương hơn 10% diện tích khu đất.

“Mỗi căn hộ có diện tích 200 m2 cho một hộ gia đình thay vì nhà thấp tầng 80 m2. Diện tích đất còn lại đến hơn 9.000 m2, chúng ta sẽ dành để mở rộng đường sá, thiết kế sân vườn cảnh quan, bãi đỗ xe, và các tiện ích khác...”, KTS Nguyễn Đỗ Dũng nói. Dẫn câu chuyện của Ấn Độ khi áp dụng quy định không cho xây nhà cao tầng trong phố khiến cho các nhà đầu tư di chuyển ra bên ngoài, không ai đầu tư. Đó là một trong những sai lầm lớn nhất trong phát triển đô thị trên thế giới.

TP.HCM sẽ công khai chung cư vi phạm PCCC “Vấn đề không phải nằm ở nhà cao tầng mà là mật độ. Đô thị tại Singapore có mật độ tương đương, thậm chí thấp hơn ở VN nhưng vẫn có nhiều không gian xanh dù có nhiều nhà cao tầng. Cứ hình dung nếu chuyển nhà thấp tầng thành cao tầng thì sẽ có thêm đất để mở rộng đường, vừa giải quyết được vấn đề giao thông thì đó chính là giải pháp”, ông Dũng khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch - Phát triển đô thị VN, cũng cho rằng trong đô thị hiện đại, nhà cao tầng sẽ giải quyết được những vấn đề quan trọng nhất. “Tuy nhiên, xây như thế nào để đúng vào vị trí TOD (lấy định hướng phát triển giao thông làm cơ sở cho phát triển, quy hoạch đô thị - PV), giao thông và đô thị phải kết nối được, đó là bài toán của các TP lớn”, ông Chính nêu quan điểm.

Mấu chốt là giao thông công cộng


Các chuyên gia nước ngoài tại hội thảo cho biết, ở các nước, nhà cao tầng nhiều nhưng không hoặc rất ít khi có cảnh tắc đường do có hệ thống giao thông tốt. Việc xây nhà cao tầng giúp tận dụng được nguồn lực đất đai để dành đất làm hệ thống công viên cây xanh, các công trình công cộng.

Dẫn Jakarta (Indonesia), Nga, Israel... cho câu chuyện nhà cao tầng trong phố, ông J.Christoph Panfil, Phó chủ tịch Urban Design, WATG khẳng định mấu chốt là giao thông công cộng. “Chúng tôi có đề xuất điều chỉnh một số tuyến xe buýt đi qua cộng đồng cư dân trong các khu cao tầng đó thay vì chạy quanh quanh bên ngoài. Các TP tốt và đáng sống nhất thế giới đều có tích hợp giao thông công cộng với đa dạng phương tiện như xe đạp, xe máy, ô tô, đi bộ. Vấn đề không nằm ở nhà cao tầng hay không cao tầng mà vấn đề nằm ở giao thông”, ông nhấn mạnh.

Ông Trần Ngọc Chính thừa nhận Hà Nội hiện có tới 5 triệu xe máy và hơn 500.000 ô tô đang lưu hành trong khi hệ thống metro chưa có. Nên vấn đề là chưa có sự đồng bộ về hạ tầng chứ không phải là nhà cao tầng.

KTS Nguyễn Đỗ Dũng cho rằng đây là câu chuyện khó hiểu ở VN. Có dự án nằm xa nhà ga và các trạm phương tiện công cộng, xa đường lớn thì quy mô rất lớn và xây bất chấp quy hoạch đã có, trong khi có những dự án ngay sát nhà ga lại không tận dụng để kết nối mà cũng không cho tăng mật độ dân số lên. Đó là một sự vô lý đang làm cản bước quá trình phát triển đô thị.

Ông Trần Ngọc Chính cho biết, chủ đề hội thảo đã được báo cáo và xin chỉ đạo của Thủ tướng nên sau hội thảo, hội sẽ tập hợp các ý kiến để báo cáo Thủ tướng.

MuaBanNhaDat theo Thời Báo Kinh Doanh