Đất Phú Quốc đóng băng, nhà đầu tư chuyển hướng về Hà Tiên

Sau một thời gian bùng nổ cơn sốt đất, thị trường bất động sản huyện đảo Phú Quốc im ắng trở lại vì buộc phải tạm dừng các hoạt đông phân lô, tách thửa 500m2. Một số nhà đầu tư phân thành lô từ nửa công trở lên để rao bán, một số chuyển hướng chuyển hướng về Hà Tiên.
Đất Phú Quốc đóng băng, nhà đầu tư chuyển hướng về Hà Tiên
Đất Phú Quốc đóng băng, nhà đầu tư chuyển hướng về Hà Tiên


Những ngày giữa tháng 6, thị trường bất động sản ở đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) không còn sôi động và giá đất tăng "dựng đứng" như gần 3 tháng trước. Một số nhà đầu tư đang "án binh bất động" để chờ những động thái mới từ chính quyền sau khi các đoàn thanh tra, kiểm tra đất đai làm việc xong và công bố kết quả.

Đi một vòng từ thị trấn An Thới về các xã Cửa Dương, Dương Tơ, Hàm Ninh, Cửa Cạn, Gành Dầu... chúng tôi ghi nhận thực tế việc rao bán các dự án phân lô, bán nền đất nông nghiệp và trồng cây lâu năm có diện tích trên dưới 100 m2, đã giảm khoảng 80%. Các panô rao bán đất nền, đất công (1 công tương đương 1.000 m2) không còn treo nhiều trên những trụ điện, nhánh cây ven đường như trước.

Tách thửa đúng 500m2

Một tháng nay, ấp Ông Lang của xã Cửa Dương "sôi động" khi có doanh nghiệp được giao 205 ha đất làm dự án, làm rào chắn ngăn đường người dân xuống biển. Hàng chục người dân căng băng rôn phản ứng doanh nghiệp thì nhà đầu tư Khu du lịch sinh thái Phú Quốc dỡ bỏ tấm bảng "không phận sự cấm vào", thay vào đó là "người dân và du khách vui lòng đi bộ xuống biển" vì họ không cho xe chạy xuống bãi tắm công cộng.


Nhà đầu tư quảng cáo "siêu phẩm đất nền" ở Phú Quốc. Ảnh: Việt Tường.

Cách hàng rào chắn lối xuống biển khoảng 1 km, một nhóm thanh niên kê bàn ghế dưới tán cây ở ngã ba đường đề rao bán "siêu phẩm đất nền biệt thự biển" với giá 18 triệu đồng/m2. Nhóm tiếp thị bất động sản này nói với khách đây là "giá cực sốc" tại khu đất có sổ hồng riêng, xây dựng tự do, quy hoạch đất ở, cơ sở hạ tầng hoàn thiện.

Panô dựng ven đường của nhà đầu tư còn nêu thông tin khu đất 23 nền biệt thự liền kề với 46 khu resort cao cấp, nằm giữa trung tâm khu phố Tây. Nếu khách mua sớm sẽ được chiết khấu giá 10%.

Chúng tôi xem bảng đồ phân lô của nhà đầu tư "siêu phẩm đất nền" thể hiện khu vực đầu tư gần "đường Ông Lang" rộng lớn và thẳng tắp đến mé biển. Tuy nhiên, thực tế con đường này ngoằn ngoèo, đang bị Công ty cổ phần Sài Gòn Sovico Phú Quốc xây hàng rào chắn lối xuống biển. Chúng tôi hỏi giấy tờ từng thửa đất như quảng cáo thì nhân viên tiếp thị nói đang tách thửa, và "công ty của em đã có giấy hẹn của văn phòng đăng ký đất đai".

Để không bị vướng "lệnh" tạm dừng thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với những trường hợp phân lô, tách thửa có diện tích dưới 500 m2, nhà đầu tư ở ấp Ông Lang đã phân 6 lô có diện tích mỗi lô đúng 500 m2; còn lại là 500,1 - 500,8 m2 và hai lô trên 600 m2.

Cách ngã ba xuống biển Ông Lang khoảng 1 km về hướng thị trấn Cửa Dương có khu đất được phân ra 27 lô nằm cạnh đường Dương Đông - Cửa Cạn, từng được nhà đầu tư rao bán với giá 22 triệu đồng/m2. Hiện, nhà đầu tư đã tháo bỏ "bảng đồ quy hoạch" chi tiết 1/500 và không một bóng người lui tới.


Nhân viên tiếp thị đất "biệt thự biển" ở xã Cửa Dương. Ảnh: Việt Tường.

Ở khu phố 10 thị trấn Dương Đông, nơi từng được nhà đầu tư rao bán khu đất "lưng tựa núi, mặt hướng biển" với hàng chục lô có giá 1,8-2,1 triệu đồng/m2, cũng tháo bỏ những tấm biển quảng cáo ven đường. Tại khu đất nằm cách mặt đường chính khoảng 200 m, nhà đầu tư cũng không còn dựng "bảng đồ quy hoạch".

Chuyển hướng về Hà Tiên?

Thủy (ở TP.HCM) đến Phú Quốc từ nửa năm trước để thuê nhà trọ ở làm nghề môi giới bất động sản, liên tục thở dài vì các giao dịch nhà đất ở Phú Quốc gần như "đóng băng". Theo Thủy, các nhà đầu tư và môi giới bất động sản không ồ ạt tháo chạy như báo chí đưa tin, mà họ chỉ "ẩn mình" tại đảo ngọc để theo dõi tình hình, chờ cơ hội khôi phục thị trường.

Thực tế cho thấy hai văn phòng công chứng và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Phú Quốc vẫn còn khá nhiều người ra vào. Theo Thủy, việc mua bán "đất chỉ" (chỉ đất rừng) với nguồn gốc không rõ ràng và chưa có giấy tờ đã thật sự đóng băng. Còn đất có sổ đỏ, quy hoạch đất ở, nguồn gốc rõ ràng vẫn được giao dịch tốt. Vì nhiều nhà đầu tư và người mua đất cho rằng Phú Quốc vẫn là nơi để đầu tư đất đai cho lợi nhuận lâu dài.


Khu đất được rao bán có nền trên 500 m2. Ảnh: Việt Tường.

Bà Sáu Sàn, một người môi giới đất đai ở xã Gành Dầu (Phú Quốc) cũng khẳng định "cơ hội làm ăn" vẫn còn, bởi hai tháng nay người phụ nữ này vẫn giới thiệu được nhiều thửa đất cho khách đến từ đất liền. Đó là đất đầy đủ sổ đỏ, không tranh chấp, giá mỗi công (1.000 m2) dao động từ 8-10 tỷ đồng.

Tại Dinh Cậu (thị trấn Dương Đông), một chủ đất treo bảng cần bán đất có giấy tờ riêng, giá 8 triệu đồng/m2, nằm gần casino ở xã Gành Dầu. Tại thị trấn Dương Đông cũng có người treo panô bán đất 5.000 m2 giá 15 tỷ đồng, hoặc 10.000 m2 trị giá 40-60 tỷ đồng, khách được xem sổ đỏ "chính chủ".

Ngoài việc đầu tư các thửa đất và phân lô rộng từ 500 m2 trở lên, nhà đầu tư bất động sản ở Phú Quốc đang chuyển hướng vào đất liền. Nơi họ chọn là thị xã Hà Tiên, cách Phú Quốc 90 phút đi tàu cao tốc.


27 lô đất của một nhà đầu tư đang rơi vào tình trạng "đóng băng". Ảnh: Việt Tường.

Anh Nguyễn Nam (ngụ huyện Châu Thành, Kiên Giang) có hơn 5 năm môi giới bất động sản và dẫn khách đi du lịch ở Phú Quốc, cho biết tuyến đường xuyên Á kết nối Thái Lan, Campuchia chạy về Hà Tiên là cơ hội cho các nhà đầu tư mua đất xây biệt thự và khu nghỉ dưỡng tại thị xã này.

"Trước khi đi Phú Quốc hoặc Campuchia và ngược lại, khách du lịch dừng chân ở Hà Tiên. Đây là thị xã du lịch đang phát triển, giá đất còn rẻ nên vài người bạn của tôi đang săn đất để chuyển hướng đầu tư từ Phú Quốc vào đất liền", anh Nam nói.

MuaBanNhaDat theo Thời Báo Kinh Doanh