Giang hồ lộng hành, ngang nhiên chiếm đất trên đảo Phú Quốc

Chưa lên đặc khu nhưng Phú Quốc đã chịu không ít vụ lùm xùm liên quan đến đất đai. Mới đây, rất nhiều đối tượng giang hồ có tiền án, tiền sự đã đổ ra Phú Quốc, ngang nhiên dựng chòi trên đất của người dân đòi chia phần. Nhiều hộ dân đã phải “bấm bụng” chi tiền mua sự bình yên.
Giang hồ lộng hành, ngang nhiên chiếm đất trên đảo Phú Quốc
Giang hồ lộng hành, ngang nhiên chiếm đất trên đảo Phú Quốc


Chiếm cả đất công lẫn của dân

Ông Huỳnh Hồng Hiệp (ngụ xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc tỉnh Kiên Giang) cho biết ông có một mảnh đất 1.500m2, từ lâu dùng để trồng cây lâu năm. Khi thấy đất rục rịch lên giá, ông làm thủ tục xin cấp sổ đỏ cho mảnh đất nói trên.

Trong lúc ông Hiệp đang làm thủ tục xác nhận ranh thì bất ngờ một nhóm thanh niên đi trên 4 ôtô kéo tới ngang nhiên dựng hàng rào. Chỉ trong một đêm, một căn chòi khung thép lợp tôn "chễm chệ" ngay trên mảnh đất của ông.

Đã vậy họ còn cắt cử người ở lại trông coi chòi như nhà của mình. Cầm trên tay sổ đỏ vừa mới làm xong, nhưng ông Hiệp không sao bước chân vào được mảnh đất của mình... bởi trong chòi luôn có vài người lạ mắc võng canh cả ngày lẫn đêm.

Quá bức xúc, ông Hiệp đã làm đơn kêu cứu chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang.

"Công văn tỉnh yêu cầu chủ tịch huyện khẩn trương giải quyết vụ việc còn rành rành đó nhưng cũng không thấy ai giải quyết. Tôi phải thuê 10 bảo vệ của công ty vệ sĩ, cộng thêm người nhà mới lấy lại được miếng đất. Mà cũng chưa yên với nhóm người này, vì ngày nào tôi cũng nhận được cả chục cuộc gọi hăm dọa sẽ đập hàng rào chiếm lại đất của tôi" - ông Hiệp nói.

Tương tự, bà Lê Thị Ký (khu phố 9, thị trấn Dương Đông) cũng nộp đơn kêu cứu khi bỗng nhiên có hàng chục người kéo vào đất của bà làm đường bê tông, phân lô rao bán đất nền một cách công khai.

Không chỉ chiếm đất của dân, các đối tượng này còn chiếm cả đất dự án đã có chủ đầu tư. Mới đây, ông Ngô Trường Thy - tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Sovico Phú Quốc (SSP) - đã gửi thư tới báo Tuổi Trẻ phản ảnh đất dự án của công ty này tại ấp Ông Lang, xã Cửa Dương đang bị một số đối tượng bao chiếm.

Khi bị phát hiện, ngăn chặn họ đã kích động người dân địa phương cùng nhảy vào bao chiếm. Tương tự, đại diện chủ dự án 4ha tại Bãi Trường (xã Dương Tơ) đã phải nhờ chính quyền can thiệp khi phát hiện nhiều căn chòi bất ngờ mọc lên chỉ sau một đêm.

Thậm chí tại xã Hàm Ninh, các đối tượng này còn bao chiếm luôn đất thuộc quyền quản lý của xã, rồi phân lô, bán nền, thậm chí nhóm người này còn đứng ra "bảo kê" cho người mua cất nhà dạng khung thép, vách xây tường hẳn hoi.


Bị cáo chiếm đất đòi chung chi, chủ đất đã phải cầu cứu chính quyền và thuê vệ sĩ bảo vệ - Ảnh: K.NAM

Rất tinh vi

Theo phản ảnh của những người từng bị bao chiếm đất, thủ đoạn của các đối tượng này khá tinh vi. Khi dò la phát hiện thửa đất nào đó chưa có sổ đỏ, lập tức nhóm người này cho người tới lập hàng rào, dựng chòi rồi cắm bảng "đất đang tranh chấp, không chuyển nhượng".

Sau đó, tùy tình hình, các đối tượng này sẽ cho người tới hiện trường đo vẽ, đe dọa ép các hộ lân cận ký giáp ranh, ngụy tạo nguồn gốc đất trước khi trình ra chính quyền cấp xã xác nhận. Mục đích là tạo ra tình trạng tranh chấp đất đai.

Chủ đất nếu muốn được yên để làm thủ tục cấp sổ đỏ trước khi chuyển nhượng, cất nhà ở... thì phải chung chi cho đối tượng bao chiếm với mức từ 10-20% giá trị thửa đất.

Theo xác nhận của ông Đinh Khoa Toàn - chủ tịch UBND huyện Phú Quốc: chính quyền từ huyện đến tỉnh đã biết tình trạng trên.

Theo ông Toàn, nguyên nhân là do đất Phú Quốc "sốt" liên tục dẫn đến nhiều vụ tranh chấp và giờ là bao chiếm đất của dân, của dự án, thậm chí 5% đất thuộc quyền quản lý của Nhà nước (hành lang giao thông, hành lang biển, đất rừng phòng hộ...) cũng bị bao chiếm.

Bộ Công an vào cuộc

Ngày 18-6, đại tá Lưu Thành Tín - phó giám đốc Công an Kiên Giang - cho biết hiện đơn vị này và cả Bộ Công an đã cử lực lượng tăng cường ra Phú Quốc nắm tình hình.

Đến nay, cơ quan chức năng đã lập danh sách, mời làm việc hơn 160 đối tượng nghi vấn hoạt động theo kiểu băng nhóm, trong đó có tới 63 đối tượng có tiền án, tiền sự, hầu hết đến từ các tỉnh thành phía Bắc.

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, hiện ở Phú Quốc có hơn chục băng nhóm hoạt động theo hình thức cho vay nặng lãi (đối tượng là tiếp viên nhà hàng, cơ sở matxa...), một số nhóm khác thì chuyên đòi nợ thuê. Chỉ những nhóm thực sự có "máu mặt" mới dám đi bao chiếm đất để đòi tiền.

Theo đại tá Tín, quan điểm của công an là kiên quyết trấn áp tội phạm, đặc biệt là tội phạm hoạt động theo kiểu băng nhóm.

"Chỉ cần người dân trình báo, chúng tôi sẽ cử người xác minh, nếu đủ chứng cứ hoặc phát hiện có hành vi manh động, đe dọa, đập phá tài sản thì sẽ bắt giữ nghi phạm ngay" - đại tá Tín cam kết.

Tranh chấp kéo dài

Theo Thanh tra tỉnh Kiên Giang, trong 6 tháng đầu năm 2018 tại Phú Quốc đã phát sinh 258 đơn khiếu nại, tranh chấp đất đai, trong số đó chỉ có 25 đơn được chính quyền giải quyết. Số còn lại vẫn "đứng bánh".

MuaBanNhaDat theo Thời Báo Kinh Doanh