Xử lý 369 dự án xây dựng không phép tại Nha Trang như thế nào?

Trong năm 2018, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận hàng trăm công trình, dự án xây dựng không phép, sai quy định.
Xử lý 369 dự án xây dựng không phép tại Nha Trang như thế nào?
Xử lý 369 dự án xây dựng không phép tại Nha Trang như thế nào?


Hàng trăm dự án xây dựng không phép

Theo Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa, trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, đã ghi nhận gần 1.000 công trình xây dựng sai quy định. Trong đó, có 838 công trình xây dựng không phép, 174 công trình xây dựng sai nội dung giấy phép. Cơ quan chức năng trong năm 2017 đã ban hành 905 quyết định xử phạt với số tiền hơn 10,8 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm 2018 là 125 quyết định xử phạt với số tiền hơn 6,4 tỉ đồng.

Chỉ riêng ở thành phố Nha Trang, chỉ trong 9 tháng của năm 2018, khi kiểm tra 1.570 trường hợp xây dựng trên địa bàn, đã phái hiện 369 dự án xây dựng không phép. Không chỉ vậy, có đến 205 dự án xây dựng trên đất không phù hợp quy hoạch. Sở Xây dựng cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng là việc ban hành nghị định thay thế các nghị định đã hết hiệu lực. Luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định 139 mới ban hành tháng 11/2017 không quy định việc áp dụng biện pháp về ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Do vậy, công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng kém hiệu quả, dẫn đến tình huống xử lý tiếp theo có mức độ phức tạp hơn. Nghị định 139 cũng không quy định cụ thể biện pháp buộc dừng thi công xây dựng công trình đối với các trường hợp gây sụp đổ, hoặc có nguy cơ gây sụp đổ các công trình lân cận. Ngoài ra, theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn thuộc trường hợp được miễn giấy phép xây dựng. Quy định này dẫn đến không quản lý được quy hoạch xây dựng nhà ở tại các vùng nông thôn, đặc biệt là các vùng tiếp giáp khu trung tâm các đô thị, gây khó khăn cho công tác quản lý quy hoạch phát triển hạ tầng đô thị trong tương lai.


(ảnh minh họa)

Xử lý vi phạm thế nào?

Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản yêu cầu Công an tỉnh, Sở Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thị xã, thành phố không xem xét giải quyết thủ tục hành chính (như cấp hạng sao cho khách sạn, cấp đăng ký lưu trú, chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất,…) đối với các công trình chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận kết quả nghiệm thu trước khi đưa vào sử dụng theo quy định.UBND tỉnh này cũng giao Sở Xây dựng xử lý nghiêm hành vi vi phạm đối với các công trình theo quy định phải nghiệm thu nhưng chủ đầu tư không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành nghiệm thu hoặc chưa có văn bản nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền đã đưa công trình vào sử dụng; có biện pháp buộc chủ đầu tư phải khắc phục, thực hiện nghiệm thu theo quy định trước khi đưa công trình vào sử dụng.

Song song đó, tỉnh Khánh Hòa còn yêu cầu, thời gian tới, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cần quan tâm thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; quan tâm giải quyết đơn thư khiếu nại trong lĩnh vực bồi thường đất đai; tăng cường quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, khẩn trương tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về lĩnh vực xây dựng...

MuaBanNhaDat theo TBKD