Grow Asia và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp

Quản lý mùa vụ bằng app ứng dụng trên điện thoại di động, trò chuyện qua chatbot và ví điện tử là ba giải pháp công nghệ cao mà Grow Asia đang cung cấp cho nông dân ở khu vực Đông Nam Á.

Forbes Việt Nam đã có buổi phỏng vấn ông Grahame Dixie, giám đốc điều hành tổ chức Tăng trưởng châu Á (Grow Asia) nhằm tìm hiểu về tiềm năng lẫn khó khăn mà ngành nông nghiệp đang gặp phải và một số giải pháp mà tổ chức này đang triển khai.

Grow Asia và ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp

Ông Grahame Dixie, giám đốc điều hành tổ chức Tăng trưởng châu Á (Grow Asia), một cơ chế đối tác khu vực do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thành lập nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển tại khu vực - Ảnh: Grow Asia

Forbes Việt Nam: Việt Nam là quốc gia có lịch sử phát triển nông nghiệp lâu đời. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam trong tương lai?

Grahame Dixie: Việt Nam là một nước xuất khẩu nông sản lớn với sản lượng mục tiêu 40 tỉ đô la Mỹ. Nông sản Việt Nam đặc biệt phát triển mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc. Sự phát triển vững mạnh của thị trường trong nước, song song cùng tiến trình đô thị hóa và sự dịch chuyển trong thói quen ăn uống của người tiêu dùng đã tạo ra nhiều cơ hội mới cho người nông dân.

Chúng tôi rất hào hứng với tiềm năng phát triển các sản phẩm chất lượng cao, chẳng hạn như sầu riêng, thanh long và cacao cao cấp của Việt Nam. Các nông sản này mang lại lợi nhuận lớn hơn cho người nông dân và Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng nắm bắt cơ hội này.

Trên trường quốc tế, Việt Nam là một quốc gia phát triển nông nghiệp. Điều này đạt được nhờ trình độ tổ chức cao, các nghiên cứu có chất lượng, sự thấu hiểu sâu sắc về ngành cùng khả năng tổ chức, thiết lập và điều chỉnh chính sách một cách nhất quán của chính phủ Việt Nam.

Forbes Việt Nam: Người nông dân là đối tượng chịu nhiều rủi ro nhất trong chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam. Ông nghĩ sao về nhận định này và làm thế nào để thay đổi tình trạng trên?

Grahame Dixie: Đúng vậy, nông dân là những người chịu rủi ro lớn khi giá cả nông sản, sản lượng thay đổi. Họ còn chịu ảnh hưởng của thời tiết, sâu hại, dịch bệnh. Để đảm bảo sản lượng luôn ổn định, các chính sách làm nông hiệu quả đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, ta còn có thể tận dụng bảo hiểm theo chỉ số thời tiết nhằm bù đắp chi phí mua hạt và giúp đỡ về mặt tài chính cho nông dân khi lượng mưa suy giảm.

Forbes Việt Nam: So với mức thu nhập chung, người nông dân Việt Nam có thu nhập thấp hơn nhiều. Đâu là giải pháp cho vấn đề này?

Grahame Dixie: Thu nhập thấp của người nông dân là hệ quả từ nhiều điều, nhưng theo tôi, một trong những nguyên nhân đáng chú ý là các khoản vay họ có thể tiếp cận. Để đạt được sản lượng nông sản sánh ngang mức toàn cầu, người nông dân cần đi vay để chi trả cho hạt giống, phân bón và chất hóa học.

Hiện tại các khoản vay còn quá đắt đỏ hoặc không thể tiếp cận.

Mặt khác, phong trào trồng cây nông nghiệp và thiết lập các doanh nghiệp trồng cây nông nghiệp có giá trị cao có thể mang lại nguồn thu nhập cao hơn từ các thửa đất có diện tích khiêm tốn.

Forbes Việt Nam: Vậy cụ thể Grow Asia, với tư cách một cơ chế đối tác khu vực do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thành lập, đang làm gì để giải quyết những vấn đề trên cho người nông dân?

Grow Asia đang cố gắng cải thiện, từ các công cụ kĩ thuật số đến các chính sách, nhằm giúp người nông dân tiếp cận vốn một cách dễ dàng hơn. Chungs tôi tập trung vào ba giải pháp kĩ thuật số như sau:

Các ứng dụng nông nghiệp (AgriMedia, VillageLink and Impact Terra): Những ứng dụng này cung cấp lời khuyên trong quản lý mùa vụ, thời tiết và giá nông sản. Thay vì cử một chuyên gia đi đến từng làng, cung cấp thiết bị số cho người nông dân là một giải pháp tiết kiệm và dễ nhân rộng quy mô hơn, bởi hầu hết chi phí hàng tháng của các ứng dụng đều rất thấp.

Chatbot (Growbot): Chatbot là một hệ thống tồn tại trong các chương trình trò chuyện như Facebook Messenger hay Line và trả lời tự động các câu hỏi. Giải pháp này có thể mang lại lời khuyên mục tiêu và kịp thời ngay khi người nông dân cần. Một lợi thế của giải pháp này là người nông dân chỉ cần đăng nhập vào một ứng dụng đang sử dụng mà không cần tải hay học cách dùng.

Ví điện tử (Wing): Sản phẩm này cho phép người nông dân duy trì tài khoản điện tử trên điện thoại để gửi và nhận tiền. Ví điện tử đóng vai trò quan trọng trong thay đổi thói quen xài tiền mặt sang thanh toán điện tử. Người nông dân có thể dùng ví điện tử để tiếp cận dễ dàng hơn với các khoản vay, tiết kiệm và chuyển khoản. Ví điện tử giúp những khách hàng không đáp ứng đủ tiêu chuẩn để mở một tài khoản ngân hàng truyền thống có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm tài chính.

Forbes Việt Nam: Các ứng dụng công nghệ cao mang đến sản lượng và chất lượng sản phẩm, nhưng vẫn có tác động đến môi trường, chẳng hạn như việc lạm dụng trồng cây trong nhà kính. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Grahame Dixie: Thông thường công nghệ là một phần quan trọng của các giải pháp nông nghiệp, nhưng không phải tất cả các công nghệ mới đều gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, chẳng hạn như các hệ thống tưới tiêu mới dùng ngày càng ít nước.

Công nghệ số mang tới các phương thức thông minh và an toàn hơn dựa trên nền tảng các công nghệ hiện có. Phân bón và chất hóa học dùng trong các nông trại thường bị lạm dụng hoặc sử dụng thiếu hiệu quả, tạo nên tàn dư trôi ra ngoài nông trại, khiến người nông dân chịu thiệt thòi và gây ảnh hưởng tiêu cực và nghiêm trọng tới môi trường. Bởi người nông dân luôn mong muốn sử dụng các sản phẩm nói trên thật hiệu quả, sự huấn luyện từ những người có kiến thức chuyên môn là một điều cần thiết.

Chúng tôi rất hào hứng với các mô hình mới mẻ, cho phép người nông dân thuê các máy bay không người lái để phun hóa chất, và đây là biện pháp có thể thực hiện trong dài hạn.

Forbes Việt Nam: Xin cảm ơn ông.