Bỏ lại bóng đen trong quá khứ, ngành thời trang toàn cầu đang trải qua những biến chuyển tích cực, trở thành một ngành công nghiệp “xanh” hơn và “nhân đạo” hơn.
Burberry thông báo dừng thiêu hủy hàng tồn kho sau khi nhận ra hành động trên đang tổn hại tới danh tiếng của hãng. Ảnh: Andrey Rudakov/Bloomberg
Bại lộ bí mật đen tối
Đầu năm nay, hãng thời trang cao cấp của xứ sở sương mù Burberry đã thiêu hủy số hàng tồn trị giá gần 40 triệu đô la Mỹ để bảo toàn sự khan hiếm sản phẩm và độc quyền thương hiệu. Nhưng sau đó, hãng thông báo sẽ chấm dứt thông lệ này bởi ảnh hưởng tiêu cực hành động này mang lại cho danh tiếng của họ. Marco Gobbetti, CEO của Burberry, khẳng định: “Sang trọng và thời thượng cần đi đôi với trách nhiệm xã hội và môi trường.”
Việc các thương hiệu và doanh nghiệp bán lẻ cố tình thiêu hủy hàng tồn kho không bán được không còn là một điều mới lạ trong giới thời trang. Theo tờ Wall Street Journal, mỗi mùa đông, thương hiệu thời trang xa xỉ của Ý Stefano Ricci “đóng gói hàng tồn trong năm rồi gửi lên xe tải chở đi đốt” để được hoàn thuế. Năm 2017, phóng sự điều tra của đài truyền hình Đan Mạch vạch trần việc H&M mang 13 tấn quần áo còn mới nguyên đi đốt mỗi năm. Gã khổng lồ thời trang nhanh Đan Mạch ngay sau đó đã chối bỏ cáo buộc và đính chính rằng số quần áo đó thực ra “được đem đi tiêu hủy do bị nấm mốc hoặc không tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về hóa chất của hãng.”
Tờ New York Times năm 2017 cũng đã phát hiện Nike cắt và bỏ giày để không phải bán hàng tồn kho. Một phát ngôn viên của hãng cho biết: “Một số ít sản phẩm tại cửa hàng Nike SoHo không đáp ứng được tiêu chuẩn để nhập tiếp, tái chế hoặc quyên góp nên chúng được mang đi tiêu hủy.”
Vấn đề thực sự nghiêm trọng hơn những gì được phơi bày trên mặt báo. Theo báo cáo Nhịp đập ngành thời trang (Pulse Of The Fashion Industry), 4%, tương đương với 92 triệu tấn rác thải hằng năm trên thế giới, đến từ thời trang, cụ thể phần lớn xuất phát từ hàng thừa trong quá trình sản xuất. Con số này nhiều hơn cả chất thải độc hại đến từ ngành điện tử.
Thế hệ người tiêu dùng chủ lực hiện tại có ý thức với môi trường và xã hội rất cao. Điều này đã gây áp lực lên các thương hiệu và doanh nghiệp bán lẻ, khiến họ tìm nhiều cách để cắt giảm chất thải thời trang.
Thời trang “xanh”
Orsola de Castro, nhà sáng lập và giám đốc sáng tạo Fashion Revolution nhận định: “Chúng ta cần ngừng gọi hàng tồn kho là rác thải. Thay vào đó, hãy bắt đầu nhìn nhận chúng như một nguồn tài nguyên.” Các thương hiệu không chỉ nên gia tăng tái chế và tái sử dụng, mà còn cần sản xuất ít đi và tận dụng nguyên liệu hiệu quả hơn.
Rất nhanh chóng, các hãng thời trang đã bắt đầu bước chân vào đường đua thời trang tái chế. Cụ thể, Burberry đã ký hợp đồng với Elvis & Kresse, một thương hiệu phụ kiện sử dụng vật liệu tái sinh. Thay vì thiêu hủy 130 tấn da thừa trong hơn năm năm tới, Burberry sẽ chuyển chúng sang cho đối tác, biến vật liệu thừa thành mặt hàng hoàn toàn mới. Nike đã khởi động chương trình Dùng lại giày (Reuse A Shoe), trong đó bày bán các sản phẩm được làm ra từ phế liệu. Không thua kém ai, hãng Reformation công bố gần 15% sản phẩm (bao gồm váy cưới) của hãng sẽ được sản xuất từ vải cũ và vật liệu dư thừa.
Thế hệ Millennials đang có dấu hiệu dần từ bỏ thời trang nhanh (fast fashion). Một minh chứng là doanh số bán hàng của H&M đang khựng lại rõ rệt. Cụ thể đầu năm nay, công ty tiết lộ lượng hàng tồn khổng lồ của họ có trị giá lên tới 4,3 tỉ đô la Mỹ.
Sau kỷ nguyên thời trang nhanh, các mặt hàng second-hand và vintage (đồ cũ và đồ cổ) đang dần trở thành xu hướng. Hãng đồ jeans đình đám Levi’s đã giới thiệu một dòng sản phẩm mang tên Authorized Vintage, bao gồm các sản phẩm trong bộ sưu tập hàng second-hand Levi’s lớn nhất thế giới. Nhiều website thương mại điện tử như Poshmark và RealReal xuất hiện, chuyên để đăng tải các mặt hàng quần áo phụ kiện đã qua sử dụng.
Nếu cần mua đồ mới, người tiêu dùng sẽ tìm đến những thương hiệu “nhân đạo”, tức những thương hiệu nói không với bóc lột công nhân, gây ô nhiễm môi trường… Ngoài ra họ còn đón nhận cả hình thức thuê mướn các sản phẩm thời trang, chẳng hạn như Rent The Runway.
Chúng ta đang chứng kiến sự lột xác từ một nền kinh tế chuộng thời trang nhanh sang một nền kinh tế tuần hoàn không rác thải. Tại đây các sản phẩm sẽ được tái sử dụng nhiều lần, cho nhiều mục đích khác nhau. Ngành công nghiệp thời trang, bất chấp đã từng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, có thể trở thành ngọn đuốc tiên phong cho cuộc cách mạng xanh toàn cầu.