Tương lai ngân hàng: Fintech hay Techfin?

Ngành ngân hàng đang trải qua những đợt thay da đổi thịt với tốc độ dồn dập. Bộ ba ngân hàng truyền thống, fintech và techfin sẽ kết hợp với nhau như thế nào hoặc đối đầu cạnh tranh để chiếm khách hàng về phần mình?

Tương lai ngân hàng: Fintech hay Techfin?

Ngân hàng truyền thống bắt tay với các công ty fintech khi các công ty công nghệ bắt đầu cung cấp dịch vụ ngân hàng - Ảnh: Shutterstock

Fintech (công nghệ tài chính) và techfin (tài chính công nghệ)

Sự khác biệt giữa fintech và techfin dựa trên nguồn gốc cơ bản của tổ chức. Fintech là thuật ngữ thường dùng để chỉ một tổ chức cung cấp các dịch vụ tài chính thông qua công nghệ kỹ thuật số nhằm giảm chi phí, tăng doanh thu và loại bỏ rào cản.

Ví dụ sản phẩm cơ bản của fintech là dịch vụ ngân hàng trực tuyến, được cung cấp bởi hầu hết các ngân hàng truyền thống. Phổ biến hơn còn có các dịch vụ tài chính phi truyền thống như PayPal, Zelle và Venmo ở Mỹ, hay thuần ngân hàng số như Starling, Monzo và Revolut ở Anh.

Trong khi đó, techfin thường dùng để chỉ các công ty công nghệ mang đến các sản phẩm tài chính nhằm mở rộng dịch vụ như Google, Amazon, Facebook và Apple tại Mỹ, hay tại Trung Quốc có Baidu, Alibaba và Tencent.

Vài năm trước, Jack Ma, đồng sáng lập và chủ tịch điều hành tập đoàn Alibaba, đã mô tả sự khác biệt giữa fintech và techfin: "Có hai cơ hội lớn của ngành tài chính trong tương lai. Một là ngân hàng trực tuyến, trong đó tất cả các tổ chức tài chính sẽ đưa các dịch vụ lên thế giới mạng; hai là tài chính trên internet, hoàn toàn được dẫn dắt bởi những người ngoài giới."

"Hầu hết các công ty fintech thành công đều tập trung vào phân khúc thị trường ngách, hoặc những phân khúc mà thị trường tài chính truyền thống không phục được. Tuy vậy, các công ty này phải vật lộn để đạt được tăng trưởng quy mô và thu được lợi nhuận. Trong khi đó các tổ chức tài chính truyền thống, có cơ sở khách hàng rộng lớn và vốn dồi dào, lại bị kiềm chân bởi hệ thống truyền thống”, World Fintech Report 2018 của CapGemini, LinkedIn và Efma nhận định.

Ở cả hai trường hợp, thành công của tổ chức sẽ phụ thuộc vào khả năng thu thập, phân tích các khối dữ liệu khổng lồ, học hỏi từ dữ liệu khách hàng để nâng cao mức cá nhân hóa và tương tác bằng thời gian thực, và mở rộng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngân hàng và công ty fintech cộng sinh

Qua các năm, các tổ chức tài chính và các công ty fintech phi tài chính bắt đầu hiểu ra cộng sinh chính là lựa chọn tốt nhất để phát triển lâu dài.

Sự hợp tác của ngân hàng và các công ty fintech có thể mang lại sức mạnh cho cả đôi bên, tạo ra một thực thể mạnh mẽ hơn so với tồn tại đơn lẻ. Lợi thế lớn của các tổ chức fintech là tư duy sáng tạo, sự linh hoạt, quan điểm "tập trung vào khách hàng" và cơ sở hạ tầng dành riêng cho kỹ thuật số. Đây đều là những lợi thế hầu hết các tổ chức tài chính truyền thống không có. Trong khi đó, hầu hết các tổ chức ngân hàng đều có quy mô, độ nhận biết thương hiệu và độ tin cậy cao hơn. Họ cũng có đủ nguồn vốn, kiến thức về luật định cùng mạng lưới phân phối có sẵn.

Thách thức ở đây chính là tạo ra một môi trường thuận lợi, thúc đẩy được sự hợp tác và tránh kiềm hãm các đặc tính tốt đẹp kể trên của đôi bên.

Bức tranh cạnh tranh mới

Cho dù hợp tác thuận lợi, các tổ chức tài chính truyền thống vẫn sẽ phải cạnh tranh với những "gã khổng lồ" techfin trong hệ sinh thái ngân hàng tương lai. Theo công ty tư vấn quản lý Bain & Company: “Nhiều người khổng lồ công nghệ sở hữu các nhân tố đảm bảo thành công: năng lực ứng dụng kỹ thuật số, cơ sở khách hàng lớn, sự thành thạo trong cải thiện trải nghiệm khách hàng, và đủ tự chủ để mở rộng thương hiệu sang ngành ngân hàng.” Đáng quan tâm hơn cả, một số công ty fintech này còn tạo dựng được độ tin cậy cao, thứ trước đây chỉ thuộc về các ngân hàng truyền thống và tổ chức tín dụng.

Kết quả là ngày càng nhiều người tiêu dùng sẵn sàng sử dụng các dịch vụ tài chính của các công ty tài chính phi truyền thống, đặc biệt nếu dịch vụ này mang đến trải nghiệm vượt trội hơn các tổ chức truyền thống. Khả năng dịch chuyển dòng doanh thu từ các ngành khác (chẳng hạn như bán lẻ) sang ngành tài chính ngân hàng có thể hoàn toàn thay đổi cán cân cạnh tranh đang nằm ngang.

Dự kiến nhu cầu dành về sản phẩm và dịch vụ của các công ty fintech và các công ty công nghệ sẽ ngày một tăng, khi nhiều người tiêu dùng quen thuộc với các dịch vụ kỹ thuật số hiện đại. Điều này đặc biệt đúng đối với những người tiêu dùng trẻ, thế hệ lớn lên cùng các thiết bị kỹ thuật số.

"Công ty techfin là những doanh nghiệp khởi đầu với công nghệ và loay hoay tìm cách ứng dụng công nghệ vào thương mại. Ngược lại, các công ty fintech lại có sẵn cấu trúc thương mại và tự hỏi làm thế nào để tận dụng công nghệ, khiến dịch vụ và sản phẩm thương mại rẻ và nhanh hơn. Trong mắt tôi, công ty fintech đang cố gắng tạo ra những con ngựa nhanh hơn, trong khi công ty techfin đang vật lộn với chiếc máy bay." Chris Skinner, kỹ sư phát triển sản phẩm tiên tiến tại ADAC Automotive, chia sẻ.

Khách hàng sẽ ngày một chán ghét việc phải tuân theo những thủ tục và chính sách phiền hà của ngân hàng khi sử dụng các kênh phi kĩ thuật số cho các giao dịch tài chính thường ngày. Các tổ chức ngân hàng truyền thống không thể chỉ phụ thuộc mãi vào dịch vụ gửi tiền và cho vay. Các đối thủ cạnh tranh đang chiếm phần lớn trên chuỗi giá trị của ngành ngân hàng, rất có thể ngân hàng một ngày nào đó chỉ còn là một công cụ phụ trợ không hơn không kém.

Khi các tổ chức tài chính và công nghệ có được cái nhìn toàn ngành ngân hàng rộng khắp hơn, cung cấp được cả dịch vụ ngân hàng lẫn phi ngân hàng, dù cho fintech hay techfin thắng thế, người chiến thắng cuối cùng vẫn sẽ là người tiêu dùng, những chủ nhân đích thực của thị trường.

Chính vì vậy, tương lai ngành ngân hàng sẽ phụ thuộc vào khả năng tận dụng các hiểu biết về người dùng, những phân tích chuyên sâu và công nghệ kỹ thuật số để cung cấp dịch vụ, giúp khách hàng hiểu hơn về tài chính và quản lý tốt hơn cuộc sống hàng ngày của mình.