TBS Group khai trương trung tâm TBS Sole Technology

Ngày 11.05.2018, TBS Group chính thức khai trương Trung tâm TBS Sole Technology và Trung tâm R&D cho ngành sản xuất đế giày tại khu công nghiệp Sóng Thần 3, Bình Dương.

TBS Group khai trương trung tâm TBS Sole Technology

Việc làm chủ công nghệ sản xuất đế giày sẽ giúp đem lại nhiều giá trị gia tăng cho ngành giày - Ảnh: TBS Group

Các trung tâm này sẽ tập trung vào nghiên cứu, phát triển và cung cấp các loại đế cho ngành giày của TBS Group, đồng thời lấn sân vào nghiên cứu và cung ứng vật liệu compound cho sản xuất đế (từ kết hợp nhiều nguyên vật liệu thô để ra một loại bán thành phẩm sử dụng cho ép đế hoặc EVA phylon). Đây là một thị trường còn rất tiềm năng cho ngành sản xuất đế tại Việt Nam, nhưng phần lớn đang thuộc về các doanh nghiệp FDI.

Giải bài toán nội địa hoá nguyên vật liệu cho ngành da giày

Hiện nay, dù Việt Nam nằm trong top 3 các nước sản xuất da giày lớn và đứng thứ hai về xuất khẩu da giày trên thế giới, nhưng giá trị gia tăng trong sản phẩm da giày của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn do tỉ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu của sản xuất trong nước không cao.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, tỉ lệ nội địa hóa ngành da giày tuy có nhiều cải thiện nhưng chỉ đạt 50% và nhiều vật tư đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, trong đó có đế giày mà hiện vẫn là bài toán khó có lời giải.

Với quyết tâm “Thế giới làm được, ắt ta sẽ làm được”, ông Nguyễn Đức Thuấn, chủ tịch TBS Group đặt mục tiêu làm chủ công nghệ sản xuất ngành thời trang. Qua đó, việc tập trung phát triển công nghệ sản xuất đế giày là một kế hoạch đột phá mạnh để TBS có thể làm chủ hoàn toàn công nghệ ngành giày, góp phần giúp các doanh nghiệp trong nước chủ động nguồn nguyên liệu nội địa.

Theo thống kê của Hiệp hội da giày Việt nam, một đôi đế chiếm 15%-25% giá trị đôi giày thể thao, tùy vào loại công nghệ. Việc làm chủ công nghệ sản xuất đế giày sẽ giúp đem lại nhiều giá trị gia tăng cho ngành giày.

Với nhà máy đế được xây dựng từ năm 2002, TBS đã làm chủ được công nghệ sản xuất đế cao su, EVA và Phylon. Đến nay, với việc mở rộng hai nhà máy thuộc Trung tâm TBS Sole Technology, TBS sẽ tập trung nghiên cứu, phát triển và cung ứng các dòng đế mới đang được thị trường giày thể thao yêu chuộng là công nghệ IP (Injection Phylon - công nghệ phun nguyên vật liệu trực tiếp vào khuôn đế) và các loại vật liệu đế compound mới, nắm bắt kịp thời nhu cầu của thế giới và đón đầu xu hướng phát triển của ngành da giày trong và ngoài nước, đặc biệt là đế cho giày thể thao.

TBS Sole Technology và những thách thức nâng tầm công nghệ

Được quy hoạch tổng thể trên diện tích 113.890 m2, Trung tâm TBS Sole Technology với các thiết bị và công nghệ tiên tiến, có khả năng cung ứng 32 triệu đôi đế thành phẩm bao gồm các loại: EVA Phylon, lót tẩy, cup insole, sản phẩm IP…và khoảng 20 triệu sản phẩm là các nguyên vật liệu khác, bao gồm các compound, sẽ đóng góp vào khoảng 20% doanh số cho tập đoàn.

Để làm được điều này, việc trang bị công nghệ, thiết bị tiên tiến là chưa đủ. Từ lâu, TBS Group đã xây dựng một đội ngũ nhân sự kỹ thuật am hiểu về công nghệ sản xuất đế vì hiện nay số nhân sự này còn khá mỏng so với nhu cầu khổng lồ để đáp ứng sản xuất khoảng 700 triệu đôi giày thể thao mỗi năm tại Việt Nam. Đây là một ngành rất đặc thù mà phần lớn các nhà máy FDI kể cả liên doanh đều không có ý định chuyển giao công nghệ cho các nhà máy bản xứ.

Đội ngũ này được phát triển từ những kinh nghiệm thực tế và được TBS Group cử đi đào tạo và tham gia nhiều chương trình mang tầm quốc tế về công nghệ sản xuất đế giày. Tính từ năm 2002 thành lập nhà máy đế TBS đầu tiên, với 16 năm kinh nghiệm, vẫn còn khá ngắn ngủi so với những tập đoàn lớn đã có trên 50 năm kinh nghiệm như Pou Chen, Taekwang, Hwasueng, Feng tay…nhưng với những nỗ lực không ngừng và đặc biệt có điều kiện tiếp cận nhanh với công nghệ mới là một nguồn vốn quý nhất trong các nguồn vốn đầu tư vào Trung tâm TBS Sole Technology.

Nhưng không phải tất cả đều là sự thuận lợi một chiều. Còn đó nhiều thách thức trước mắt và lâu dài, đặc biệt là sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ khiến vòng đời sản phẩm ngày càng ngắn; sự phát triển nhanh chóng của công nghệ 4.0 làm giảm giá thành sản phẩm, các yêu cầu ngày càng cao từ các thị trường nhập khẩu, nhất là tiêu chuẩn bảo vệ môi trường…dễ dàng đánh gục bất kỳ nhà máy nào đầu tư công nghệ nhưng không có tầm nhìn dài hạn.