Bổ sung chính sách sau cử tuyển


Bổ sung chính sách sau cử tuyển
Cần thiết có chính sách cử tuyển. Ảnh Minh PhongGD&TĐ - Một trong những nội dung được nhân dân và các Đại biểu Quốc hội thảo luận, góp ý nhiều nhất là chính sách cử tuyển trong dự thảo Luật GD (sửa đổi). Đa số ý kiến thống nhất quan điểm, cần có chính sách cử tuyển và bố trí việc làm cho người được cử tuyển sau khi hoàn thành nghĩa vụ học tập.

Có chính sách bố trí việc sau khi học xong

Theo bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đã là chế độ cử tuyển thì ở địa phương đó phải có nhu cầu mới cử đi học. Cử tuyển rồi thì khi học xong phải bố trí việc làm chứ không phải ưu tiên. Địa phương phải có trách nhiệm về việc này. Có như vậy chính sách cử tuyển mới đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Lần này, tôi đồng ý vẫn có chính sách cử tuyển nhưng cần khoanh lại đối với vùng cao, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và sau khi học xong, người được cử tuyển phải có trách nhiệm về làm việc cho địa phương đóPhó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Cho ý kiến về chính sách này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với đề xuất: Cần có chính sách cử tuyển nhưng phải kèm theo những điều kiện cụ thể trong Luật. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đây không phải lần đầu tiên nội dung này được nêu ra mà bấy lâu nay chúng ta đã thực hiện chính sách cử tuyển rồi. Nhưng tại sao chính sách của chúng ta không thực hiện theo đúng mục đích ban đầu đề ra? Đó là vì chúng ta chưa có tiêu chuẩn, chưa có điều kiện, chưa quy định trách nhiệm của từng cấp, từng ngành như thế nào.

Nêu ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, phải làm rõ thu hẹp đối tượng cử tuyển là như thế nào? Rõ ràng đối với những khu vực đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chúng ta vẫn phải có chính sách cử tuyển. Tuy nhiên, lần này phải rõ, đã là cử tuyển, sau khi học xong họ phải được phân công công tác. Tránh tình trạng cử tuyển rồi nhưng sau đó về bố trí công việc lại rất khó khăn.

Khắc phục bất cập về cử tuyển

Nhiều ý kiến đề nghị cần bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển sau tốt nghiệp.Ảnh: Sỹ Điền

Liên quan đến chính sách cử tuyển, Chính phủ đã nghiêm túc tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Theo Báo cáo Kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật GD (sửa đổi), đa số ý kiến nhất trí với đề xuất dự thảo Luật là thu hẹp đối tượng cử tuyển. Theo đó: “Nhà nước thực hiện tuyển sinh vào trung cấp, CĐ - ĐH theo chế độ cử tuyển đối với HS các dân tộc thiểu số rất ít người; HS dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; có chính sách tạo nguồn cử tuyển và tạo điều kiện thuận lợi các đối tượng này vào học trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị đại học”.

Quy định như vậy nhằm khắc phục công tác cử tuyển trong thời gian vừa qua chưa hiệu quả, việc cử tuyển không đúng đối tượng nên không được bố trí công việc, gây lãng phí kinh phí đào tạo; một số địa phương vùng dân tộc ít người, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; thiếu cán bộ trầm trọng, đặc biệt là cán bộ dân tộc ít người; việc bố trí nguồn nhân lực là đối tượng cử tuyển sau tốt nghiệp ở một số địa phương còn chưa hiệu quả, nhiều học sinh khi ra trường chưa có việc làm.

Chính phủ nhất trí với ý kiến đa số của nhân dân nêu trên; quy định về chế độ cử tuyển của dự thảo Luật theo hướng quy định rõ đối tượng cử tuyển. Theo đó, Nhà nước dành riêng chỉ tiêu cử tuyển đối với các dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; có chính sách tạo nguồn tuyển sinh trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi để HS các dân tộc này vào học trường phổ thông dân tộc nội trú và tăng thời gian học dự bị đại học; đồng thời bổ sung quy định biện pháp hỗ trợ cho người đi học theo chế độ cử tuyển để bảo đảm chất lượng đầu ra.

Báo cáo về một số vấn đề trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật GD (sửa đổi) của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, có nêu: Một số đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng cử tuyển nhằm tăng cường nguồn nhân lực có chất lượng cho các địa phương; giao quyền chủ động và trách nhiệm cho địa phương trong việc thực hiện chính sách cử tuyển; có biện pháp nâng cao chất lượng đào tạo cử tuyển; có ý kiến đề nghị bỏ chính sách cử tuyển vì chất lượng đào tạo thấp.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban cho rằng, cử tuyển là một chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; còn mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao của các địa phương này đã và đang được thực hiện bằng nhiều chính sách khác.

Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị giữ quy định về chính sách cử tuyển như trong dự thảo Luật. Theo đó, đối tượng cử tuyển đối với HS các dân tộc thiểu số rất ít người; HS dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn chưa có hoặc có rất ít cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; trách nhiệm của địa phương trong việc cử tuyển và phân công công tác cho đối tượng cử tuyển. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn và đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển, việc tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển, việc tuyển dụng người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp để chính sách cử tuyển được triển khai thực hiện bảo đảm đúng đối tượng, hiệu quả.

Dự thảo Luật GD (sửa đổi) quy định: UBND cấp tỉnh căn cứ vào nhu cầu của địa phương có trách nhiệm đề xuất chỉ tiêu cử tuyển, phân bổ chỉ tiêu cử tuyển theo ngành nghề phù hợp trên cơ sở quy hoạch đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của địa phương, cử người đi học cử tuyển theo đúng chỉ tiêu được duyệt và tiêu chuẩn quy định. Cơ sở GD có trách nhiệm hỗ trợ cho người đi học theo chế độ cử tuyển để bảo đảm chất lượng đầu ra. Người học theo chế độ cử tuyển được ưu tiên trong xét tuyển hoặc thi tuyển công chức, viên chức. Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn và đối tượng được hưởng chế độ cử tuyển, việc tổ chức thực hiện chế độ cử tuyển, việc tuyển dụng người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp.

Minh phong