Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Kiên định thực hiện đổi mới giáo dục


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Kiên định thực hiện đổi mới giáo dục
Bộ trưởng gặp gỡ và làm việc với đội ngũ giáo viên Trường THPT Nguyễn Văn Cừ xã Quế Phú, huyện Quế Sơn - Quảng Nam.GD&TĐ -Sáng 23/3, GS.TS Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT dẫn đầu Đoàn công tác Bộ GD&ĐT đến thăm và làm việc các cơ sở trường học trên địa bàn huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Cần có cái nhìn chia sẻ, thấu hiểu đối với giáo viên

Làm việc tại Trường MG Quế Thuận (xã Quế Thuận), sau khi nắm bắt tình hình thực tiễn hoạt động của nhà trường, cũng như những điều trăn trở, băn khoăn trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu chia sẻ với những áp lực trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mầm non.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với cán bộ, giáo viên về những chủ trương, chính sách mới của ngành GD&ĐT

Bộ trưởng bày tỏ mong muốn trong công cuộc toàn ngành GD&ĐT thực hiện đổi mới, bằng những kinh nghiệm, tâm huyết với nghề, cán bộ, giáo viên, nhân viên tiếp tục nỗ lực chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non ngày càng tốt hơn.

Bộ trưởng yêu cầu đội ngũ giáo viên phải không ngừng vươn lên học tập, cập nhật nội dung, phương pháp dạy học theo chương trình đổi mới của giáo dục mầm non.

Cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học bày tỏ những băn khăn, trăn trở với Đoàn công tác Bộ GD&ĐT

“Những khó khăn thì chúng ta sẽ từng bước khắc phục, nhưng nếu như các cô giáo không tâm huyết với nghề thì dễ sinh ra những tai nạn nghề nghiệp. Với trách nhiệm của mình, Bộ GD&ĐT sẽ có những cơ chế, chính sách phù hợp, lãnh đạo địa phương, ngành GD&ĐT tỉnh Quảng Nam có những chính sách hỗ trợ theo sự phân cấp, huy động xã hội hóa. Thông qua đó, các trường mầm non, các cô giáo có điều kiện tốt hơn trong chăm, nuôi trẻ mầm non. Giảm áp lực sổ sách để giáo viên có thêm điều kiện, tâm lý tập trung vào công tác chuyên môn, công việc. Tạo uy tín, niềm tin với phụ huynh, địa phương, cộng đồng xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhắc lại những vụ việc xảy ra ở một số trường mầm non, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý: Thời gian qua có nhiều vụ việc liên quan đến nhà trường, nhất là ở các trường mẫu giáo, mầm non. Đây là những bài học xương máu để các trường học, thầy cô giáo rút ra bài học, kinh nghiệm trong quản lý điều hành.

Tất cả đều có trách nhiệm chung tay xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thực sự tôn trọng, nâng niu trẻ. Gia đình, phụ huynh, cộng đồng xã hội, chính quyền địa phương cũng cần có cái nhìn chia sẻ, thấu hiểu những khó khăn, áp lực của nhà trường, giáo viên. Từ đó không còn cái nhìn dò xét, phát xét đối với nhà trường, giáo viên.

Niềm vui của giáo viên và học trò khi đón nhận quà tặng của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT

Với vị trí người đứng đầu ngành GD&DDT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong muốn: Chính quyền địa phương tỉnh Quảng Nam, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam tiếp tục quan tâm đối với bậc giáo dục mầm non, kịp thời giải quyết những khó khăn đối với đội ngũ giáo viên, nhân viên, cô nuôi tại các cơ sở giáo dục mầm non về điều kiện làm việc, tiền lương, tâm lý.

Các cấp, các ngành cần nhìn nhận đúng ý nghĩa của việc đầu tư phát triển giáo dục mầm non. Giáo dục mầm non phát triển không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện, khỏe mạnh, an toàn, mà còn tạo được niềm tin, xây dựng được niềm tin của người dân đối với giáo dục, phụ huynh với nhà trường, với giáo viên.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng quà cho các cháu mầm non

Đổi mới phương pháp dạy học là một trong những trong tâm đổi mới giáo dục

Đến làm việc tại Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (xã Quế Phú), Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, cùng các thành viên Đoàn công tác Bộ GD&ĐT dành phần nhiều thời gian để lắng nghe, trao đổi về những khó khăn, băn khoăn trong việc chuẩn bị triển khai chương trình GDPT mới, áp dụng SGK mới, hoạt động dạy học hướng đến kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Bộ trưởng cho biết: Trọng tâm của công cuộc thực hiện đổi mới giáo dục lần này là đổi mới phương pháp dạy học, dạy học phải lấy học sinh làm trung tâm, người thầy không chỉ giảng dạy mà còn là người truyền cảm hứng học tập cho học sinh. Theo nội dung chương trình GDPT mới, nội dung SGK mới lần này đòi hỏi người thầy phải đổi mới phương pháp dạy học.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trao tặng quà cho Trường THPT Nguyễn Văn Cừ

Vì thế, mọi thầy cô giáo đều phải thay đổi phương pháp dạy học, nhất là đối với các thầy cô giáo giảng dạy bậc trung học, đối tượng là học sinh THPT. Nếu như người giáo viên không vượt qua được những vấn đề này thì hoạt động giáo dục sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

“Cái gì mới chúng ta phải học dần dần, khi nào nắm bắt chắc chắn thì chúng ta bắt tay vào làm. Nhưng làm với tinh thần không ngại đổi mới. Tất cả chúng ta phải kiên định thực hiện đổi mới, chứ không phải thấy khó khăn phía trước là mình chùn bước. Mỗi địa phương, mỗi trường học tùy vào điều kiện mà chúng ta có những giải pháp thực hiện hiệu quả, bám sát những mục tiêu đã đề ra”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Những điều trăn trở, băn khoăn của đội ngũ cán bộ, giáo viên được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lắng nghe, tiếp nhận và chia sẻ.

Trao đổi về kỳ thi THPT quốc gia, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay: Từ đây đến năm 2020, kỳ thì THPT quốc gia sẽ được giữ ổn định như hiên nay. Bởi vậy, các địa phương, nhà trường, thầy cô giáo chủ động tổ chức dạy học, giúp học sinh yên tâm học tập.

“Chúng ta sẽ dần dần thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá. Mục tiêu của đổi mới kiểm tra, đánh giá dạy học là nâng cao chất lượng dạy học. Kiểm tra đánh giá đầu ra của học sinh là để có cơ sở đề ra các giải pháp trong thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Như vậy việc tổ chức các kỳ thi, tổ chức kiểm tra, đánh giá mới có ý nghĩa thiết thực”, Bộ trưởng khẳng định.

Đại Thắng