Gunter Giesenfeld và bạn hữu văn chương quốc tế trong một quán cà phê tại Hà NộiGD&TĐ - Giáo sư - Tiến sĩ Gunter Giesenfeld (Chủ tịch Hội Hữu nghị Đức - Việt) là một nhà văn, dịch giả nổi tiếng của Đức. Ông từng sang Việt Nam tới 21 lần, kể từ lần đầu vào năm 1976, và dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Đức, xuất bản ở Đức, trong đó có tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư...Tiếp tục tìm kiếm những câu chuyện của Việt NamNữ nhà văn Lê Minh Khuê hào hứng “khoe” rằng, bà đã được mời sang Đức để đọc tác phẩm cho bạn đọc Đức nghe. Đích thân Giáo sư - Tiến sĩ Gunter Giesenfeld cùng vợ ông đã lái xe chở bà đi đến 8 thành phố khác nhau của Đức để tiếp xúc bạn đọc, đọc tác phẩm. Giá vé để bạn đọc Đức phải trả để có thể tham dự các buổi nói chuyện của nữ nhà văn nổi tiếng Việt Nam là 18 euro.Một cái giá không hề rẻ nhưng bạn đọc Đức đã đến tham dự rất đông, họ tỏ ra trân trọng bà, nên khi đến phần đặt câu hỏi với tác giả, họ đã không đưa ra những câu hỏi làm khó bà. Cuốn sách “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê đã được Gunter Giesenfeld dịch sang tiếng Đức, và sau khi sách phát hành, bán chạy tại Đức, ông đã mời bà sang Đức để bạn đọc Đức được trực tiếp nghe nhà văn đọc tác phẩm, trực tiếp nhìn thấy nhà văn bằng xương bằng thịt và đặt câu hỏi cho bà.Ông cũng từng nhận 3 huy chương do Chính phủ Việt Nam trao tặng vì đóng góp vào sự nghiệp thúc đẩy tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước Đức và Việt Nam. Ông cũng là người có đóng góp lớn cho việc quảng bá, giới thiệu văn học Việt Nam với người Đức và những người biết tiếng Đức trên toàn thế giới.Ông cho rằng, về văn hóa, lối sống của người dân Việt Nam, với tư tưởng, truyền thống riêng của mình, thoát ra mọi ràng buộc của tôn giáo, chính trị, thương mại, thì rất hấp dẫn và giá trị trong con mắt người phương Tây. Và văn học phản ánh chân thực cuộc sống, với nét văn hóa riêng đó rất giá trị, xứng đáng là một thể loại văn học độc đáo quyến rũ mà người phương Tây khao khát được đọc, tìm hiểu, nghiên cứu. Việc qua hai thập kỷ nay, ông tổ chức nhóm dịch thuật văn học Việt Nam sang tiếng Đức và xuất bản tại Đức, là nhằm giới thiệu ánh sáng đó của văn học Việt Nam. Có những tác phẩm được xuất bản với số lượng lớn, và tái bản như tác phẩm của Chế Lan Viên, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư…Bản thân ông, khi sang Việt Nam, ngoài công việc tiếp xúc, gặp gỡ văn sĩ trí thức, dự hội thảo văn học, ông không quá chú trọng việc thưởng lãm danh thắng nổi tiếng của Việt Nam như các khách du lịch thông thường, mà thích đi dạo loanh quanh trên các con đường, phố cổ, thích la cà hàng quán thưởng thức thức ăn bình dân như phở, bún, cơm rang, cà phê sữa, thích trò chuyện tự nhiên với người lao động, thích xem những cửa hàng đồng hồ để tìm kiếm bổ sung vào bộ sưu tập đồng hồ đeo tay của mình…Ông ngưỡng mộ và tôn trọng những phong tục, tập quán cổ truyền Việt Nam và mong muốn tiếp tục thực tế cuộc sống Việt Nam, tiếp xúc với nhiều người để tìm kiếm những câu chuyện mới của đất nước xinh đẹp này… Ông cho rằng, người Việt Nam có thể cứ thoải mái giữ lối sống giản dị, hiệu quả mà chân tình, không cần quá vội vã, cuống cuồng thể hiện mà làm gì.Qua việc dịch và phát hành những cuốn sách văn học Việt Nam tại Đức, Gunter Giesenfeld nhận ra rằng, sách văn học Việt Nam đang trở thành món ăn tinh thần kỳ lạ, hấp dẫn người phương Tây. Không chỉ là những tác phẩm về cuộc chiến huyền thoại của Việt Nam trong thế kỷ 20, mà còn là cuộc sống người Việt sau chiến tranh, được những cây bút trẻ thể hiện sắc sảo. Sách văn học Việt Nam bán rất chạy ở Đức, ông cho biết.Hướng đến thân phận, tư tưởng phái nữGiáo sư - Tiến sĩ Gunter Giesenfeld cùng với nữ nhà văn Lê Minh Khuê tại Hà NộiNhững cuộc gặp gỡ lịch sử với các giới văn sĩ, trí thức Việt Nam của ông như mối tương tác đem lại cái nhìn xuyên suốt lịch sử Việt Nam, cũng như kho tư liệu quý, để đem đến mối nhân duyên lạ khi ông cùng ông Nguyễn Khắc Viện phối hợp thực hiện công trình lớn, cuốn sách về lịch sử văn học Việt Nam có tựa đề “Việt Nam - lịch sử dài”. Bên cạnh đó, năm 2000, ông với cương vị Chủ tịch Hội Hữu nghị Đức - Việt, đã mời đoàn các nhà văn nổi tiếng của Việt Nam sang Đức thuyết trình về các tác phẩm của mình. Đoàn đã có 20 cuộc gặp gỡ và tiếp xúc với bạn đọc tại 15 tỉnh, thành phố tại Đức.Ông cũng trực tiếp kết nối thường xuyên với các nhà văn, nhà thơ Việt Nam để chọn dịch và đăng tác phẩm của họ lên tạp chí Vietnam Kurier xuất bản tại Đức. Nhờ đó, bạn đọc Đức được đọc tác phẩm, biết đến nền văn học Việt Nam đương đại, các nhà văn Việt Nam, và hơn hết là văn hóa, lối sống Việt Nam. Có thể nhận thấy rằng, trong hơn 40 năm qua, kể từ lần đầu tiên Giáo sư - Tiến sĩ Gunter Giesenfeld đến Việt Nam và thương mến con người, đất nước này, ông đã có một cách tuyệt vời để thể hiện tình cảm của mình: Đó là thúc đẩy việc quảng bá, giới thiệu văn học Việt Nam với bạn đọc Đức nói riêng và bạn đọc biết tiếng Đức nói chung trên toàn thế giới.Trong năm 2019, Giáo sư - Tiến sĩ Gunter Giesenfeld sẽ cùng nhóm dịch thuật của mình tiến hành dịch tác phẩm của nhà văn Dương Hướng. Ông mới có chuyến đi thực địa tới ngôi làng nơi nhà văn sinh ra và sống suốt thời thơ ấu, cũng chính là bối cảnh để Dương Hướng sáng tác tiểu thuyết “Bến không chồng”. Gunter Giesenfeld cho rằng, ngôi làng đó đã in đậm trong tâm hồn nhà văn, trở thành biểu tượng của làng quê cùng lối sống hầu hết người dân Việt Nam.Ông cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm các tác phẩm mới của Việt Nam viết về đề tài nữ quyền để chuyển ngữ tiếng Đức. Ông cũng để ý những tác giả nữ viết về những vấn đề phụ nữ Việt Nam phải đối mặt, cuộc chiến dài dặc của họ với hủ tục nặng nề từ xã hội phong kiến cũ lưu lại. Ông cho rằng, phụ nữ châu Âu có nhiều lợi thế về quyền xã hội hơn so với phụ nữ Việt Nam, nhưng không vì thế mà người phụ nữ Việt Nam bị kém cỏi, họ vẫn suy nghĩ tích cực và vươn lên mạnh mẽ theo cách của mình. Đặc biệt, những nữ nhà văn cầm bút với đề tài nữ quyền, không phải để chống lại đàn ông, không muốn giành đặc quyền cho mình, mà muốn sự tiến bộ, sự thay đổi văn hóa lên tầng mức cao hơn.Hiện nay, cuộc thi sáng tác văn học mang tên “Một nửa làm đầy thế giới” với nội dung tôn vinh phụ nữ đang thu hút sự tham gia của nhiều cây bút nữ Việt Nam. Cuộc thi do Nhà Xuất bản Văn hóa - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức (với sự tài trợ của một dự án thuộc Giải Liberatupreis -Frankfurt (Đức). Đây là cuộc thi thường niên, có lịch sử tới 3 thập kỷ, và Việt Nam từng có 2 nữ tác giả đoạt giải là Phạm Thị Hoài và Nguyễn Ngọc Tư. Giáo sư - Tiến sĩ Gunter Giesenfeld cùng nhóm dịch thuật của mình tham gia hỗ trợ cuộc thi này bằng việc chọn tác phẩm xuất sắc dự thi để chuyển ngữ tiếng Đức. Ông khuyến khích các cây bút nữ Việt Nam nên tham gia cuộc thi này vì đây là cuộc thi uy tín, và khi tác phẩm của họ được dịch, xuất bản ở Đức, chính là cơ hội tuyệt vời để quảng bá văn học Việt Nam, văn hóa và lối sống Việt Nam.Kiều Bích Hậu
Trước khi chọn chế độ chăm sóc, hãy nhận biết da mình thuộc loại nào 9-07-2019, 15:40