Giáo cụ trực quan bằng vật liệu tái chế của thầy giáo trẻ

Giáo cụ trực quan bằng vật liệu tái chế của thầy giáo trẻ
“Gia tài” sáng tạo của thầy Lê Quốc Toàn là những chiếc túi xách tinh xảo từ vỏ mì góiGD&TĐ - Bằng tình yêu nghề và ý thức bảo vệ môi trường, thầy giáo Lê Quốc Toàn (38 tuổi) - giáo viên môn Mỹ thuật Trường TH - THCS Lý Thường Kiệt (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) đã tự tay thực hiện bộ sưu tập túi xách từ vỏ mì gói. Qua đó, thầy lồng ghép linh động nội dung bảo vệ môi trường trong từng tiết học.Dự án GreenDự án “Green” bảo vệ môi trường được thầy Lê Quốc Toàn khởi xướng, làm những chiếc túi xách từ vỏ mì gói. Bên cạnh đó, thầy còn tận dụng vải vụn để làm vải lót bên trong, thêm đĩa CD cũ, nút chai để trang trí, tất cả đều làm bằng tay, tạo ra những sản phẩm có giá trị thẩm mĩ, tiện sử dụng.Thầy Lê Quốc Toàn bày tỏ: “Ý tưởng ra đời cách đây khoảng 15 năm… Lúc đó, tôi đi xem những mặt hàng thủ công mĩ nghệ làm từ lục bình ở địa phương, rồi về mày mò làm thử từ giấy báo đến dây chuối nhưng sản phẩm không bền vì thao tác đan không nhuần nhuyễn. Cách đây 4 năm, thấy người ta vứt vỏ bao mì gói nhiều quá nên tôi mày mò thực hiện, mong muốn cổ vũ ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người nhiều hơn”.Trước khi có được “gia tài” 44 chiếc túi xách tinh xảo từ vỏ mì gói, thầy giáo trẻ đã mất 1 tháng loay hoay với 500 vỏ mì cho chiếc túi xách đầu tiên. Thời gian thực hiện không liên tục, để làm nên vài chục cái túi này, thầy Toàn đã mất thêm 3 năm. Đã từng bỏ cuộc nhưng sau đó niềm đam mê tiếp tục được nuôi dưỡng đã giúp thầy Toàn thành công, đến nay khi thành thạo về mặt kĩ thuật, chỉ cần một buổi, thầy có thể hoàn thành được 1 chiếc túi.Bộ sưu tập “Green” có đủ các loại kích cỡ, từ 20cm x 18cm x 14cm; 30cm x 18cm x 13cm; 30cm x 20cm x 15cm, từ tròn, vuông, hình bán nguyệt, màu sắc, hoa văn trang trí độc đáo, kết hợp các loại hạt lấp lánh. Khi ra “lò”, mỗi chiếc túi được bọc ni lông nhằm bảo quản tốt. Trong đó có 3 màu chủ đạo là tím, xanh, cam được thầy yêu thích lựa chọn.Theo thầy Toàn, để định hướng yếu tố màu sắc, thầy đã vận động chủ căng tin trường học chỉ bán các loại mì có những màu thầy đã chọn. Sau đó xin lại vỏ bao, sơ chế sạch sẽ rồi se chỉ và thực hiện qua nhiều công đoạn khác nhau. “Để những chiếc túi xách mang tính ứng dụng cao, tôi tham khảo xu hướng những mẫu túi hợp thời, lên bản vẽ bằng tay, chọn màu, trang trí ngẫu hứng. Mỗi cuối tuần về nhà, tôi mượn máy may để gia công ruột túi. Ban đầu chưa quen may nên phải thực hiện vài lần mới làm được. Tôi chỉ âm thầm thực hiện lúc khuya và không ai hay biết, kể cả người trong gia đình”, thầy Toàn tâm sự.Tháng 8/2018, thầy chính thức được Tổ chức kỉ lục Việt Nam xác lập kỉ lục “Người thực hiện Bộ sưu tập túi xách tái chế bao mì gói đầu tiên và nhiều nhất”.Để làm nên kỉ lục này, trong suốt 4 năm, thầy Toàn đã thu gom khoảng 20.000 vỏ mì gói, dành nhiều giờ liền tỉ mỉ thực hiện, giữ lửa đam mê xuyên suốt và kiên trì. Thầy Toàn chưa từng bán sản phẩm vì mục đích thương mại.Với thầy, ý tưởng này nhằm giáo dục học sinh, nâng cao ý thức về môi trường cho mọi người và tinh thần nhân văn với cộng đồng.
Giáo dục trực quanMỗi tiết dạy, thầy Toàn đều lồng ghép linh động nội dung bảo vệ môi trường. Mỗi bài học của thầy đều thu hút học sinh bằng những sản phẩm tái chế. Thông thường hoạt động này được thầy tận dụng ở những tiết học theo phân phối chương trình dành cho xem tranh.Công cụ của thầy là giấy báo cũ, vỏ mì gói, vỏ trứng… dùng để làm tranh, vật phẩm dạy học hiệu quả. Từ đó giúp học sinh vừa biết bảo vệ môi trường, tận dụng vật liệu phế thải để làm nên bình hoa bài trí trong gia đình, hoặc đơn giản hơn là lọ đựng viết trang trí bàn học, hộp quà tặng bạn bè.Phương pháp giảng dạy của thầy cũng theo lối truyền thống là viết và vẽ lên bảng. Theo thầy, lí do chính vẫn là chuyển tải những kĩ thuật, mĩ thuật bằng tay để học sinh quan sát dễ dàng hơn.Không đặt nặng lí thuyết sách vở và gói gọn trên những trang giấy hộp màu, giáo án của thầy mang hơi thở của cuộc sống, thầy linh hoạt dùng các vật liệu tái chế làm nên mẫu minh họa thiết thực hơn như: bình hoa từ vỏ trứng, bình hoa từ giấy báo cũ, tranh từ tấm gạo, giỏ xách từ vỏ mì gói... Nhờ vậy thầy phát huy tốt các kĩ năng nghề nghiệp, sáng tạo hơn trong nội dung giảng dạy, then chốt là chủ động được đồ dùng dạy học, đáp ứng đúng theo yêu cầu dạy học.“Khi chuẩn bị những mẫu vật bằng giấy báo, bằng vỏ trứng cho những tiết học, học sinh hoài nghi về vật liệu, chúng còn không tin được là tôi đã tận dụng sản phẩm bỏ đi để làm. Các em rất ngạc nhiên, khá hào hứng khi được học từ chính sản phẩm đã từng được xem là rác. Tôi vui khi học sinh đã có ý thức bảo vệ môi trường tốt, hợp tác trong các bài học của tôi về những sản phẩm tái chế hữu ích cho cuộc sống”, thầy Toàn, chia sẻ.
Từ đam mê với nghề giáo, đặc biệt là bộ môn Mĩ thuật, thầy Toàn còn truyền cảm hứng cho tất cả học sinh của mình làm những sản phẩm tranh thủ công từ đơn giản cho đến phức tạp bằng gạo và bằng vỏ trứng. Những loại tranh này, thầy cũng chưa bao giờ được học bài bản, chỉ là tự nghiên cứu rồi hướng dẫn cho học sinh.Với cấp độ học sinh tiểu học, thầy Toàn chỉ hướng dẫn nguyên vật liệu đơn giản. Còn với vỏ mì gói để làm ra sản phẩm rất tốn thời gian, nhọc công và đòi hỏi sự kiên trì cao, vượt xa một tiết dạy nên thầy vẫn chưa phổ biến được.Để giáo dục có chiều sâu, giúp học sinh biết gìn giữ môi trường sạch đẹp, mỗi giờ dạy, thầy giáo trẻ tìm cách trò chuyện với học sinh về tình hình môi trường cả trong nước và thế giới được cập nhật thường xuyên.Để tăng tính tương tác giữa người dạy và người học, thầy Toàn còn hỗ trợ bài học cho các em trên mạng xã hội. Vốn là người vui vẻ, hòa đồng, thích sáng tạo nên thầy Toàn nhận được rất nhiều tình cảm yêu quý từ đồng nghiệp và học sinh.Thùy Trang