Nếu Nữ hoàng Anh băng hà, Thái tử Charles sẽ đổi tên mới, Kate trở thành Công nương xứ Wales giống mẹ chồng Diana

Thời gian chính là kẻ thù của tuổi thọ, chẳng có ai có thể chống lại được quy luật bất biến của cuộc sống, ngay cả Nữ hoàng quyền lực bậc nhất thế giới cũng vậy. Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị lên ngôi vào năm 1952, đến nay bà đã trải qua 67 năm trị vì. Bà cũng là người chứng kiến 13 nhiệm kỳ thủ tướng Anh, giao tế với 13 đời tổng thống Mỹ. Hiện tại, Nữ hoàng đã 92 tuổi.


Nếu Nữ hoàng Anh băng hà, Thái tử Charles sẽ đổi tên mới, Kate trở thành Công nương xứ Wales giống mẹ chồng Diana

Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị.

Mới đây, Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị đã xuất hiện và đọc diễn văn trước ngày Giáng sinh. Bà vẫn còn rất minh mẫn ở tuổi 92, Nữ hoàng cho biết bà muốn phục vụ nhân dân khi nào còn có thể. Điều này có nghĩa Nữ hoàng sẽ không thoái vị vào năm 2019. Đây chính là điều mà người dân nước Anh luôn mong muốn. Bởi thời khắc Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị băng hà, nước Anh sẽ chìm trong hỗn loạn và rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có.

Tang lễ của Nữ hoàng sẽ gây ra khủng hoảng kinh tế

Nếu Nữ hoàng qua đời, nước Anh sẽ để tang trong vòng 12 ngày. Trong thời gian này tất cả các ngân hàng, thị trường chứng khoán đều sẽ đóng cửa. Điều này có nghĩa là nước Anh sẽ thiệt hại hàng tỷ USD. Sau tang lễ là lễ đăng quang của Thái tử Charles, 2 sự kiện này sẽ ngốn khoảng 6 tỷ bảng Anh (khoảng 180 nghìn tỷ đồng), ảnh hưởng trực tiếp đến GDP của nước Anh vào thời điểm sự kiện xảy ra, chưa kể chi phí tổ chức tang lễ và lễ đăng quang.


Quan tài của Hoàng thái hậu Elizabeth trong tu viện Westminster.


Hoàng thái hậu Elizabeth từ lúc trẻ đến khi qua đời năm 2002. Tang lễ của con gái bà chắc chắn sẽ còn lớn hơn.

Thế nhưng, đó là trong trường hợp Nữ hoàng ra đi một cách tự nhiên bên cạnh con cháu và các đại thần. Còn nếu không may và gặp chuyện khi đang diễn thuyết, ở nơi công cộng (do một cơn đột quỵ, tai biến mạch máu não, một cơn đau tim bất chợt chẳng hạn...) thì sự việc sẽ trở nên rất phức tạp. Ví dụ điển hình nhất là tai nạn xảy ra với Công nương Diana. Ngay sau đó, sự việc bị thổi bùng lên thành khủng hoảng truyền thông khiến nước Anh lao đao. Thậm chí, tình thế rối ren có thể bị kẻ xấu lợi dụng để tung tin thất thiệt, làm mất uy tín Hoàng gia Anh.


Di hài Hoàng Thái Hậu Elizabeth được lễ binh khuân ra khỏi điện Westminster.

Đài BBC sẽ dừng chiếu các show hài kịch

Tất cả các chương trình có yếu tố gây cười đều sẽ bị ngưng chiếu. Vào thời điểm để tang Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị, ai cũng phải cẩn trọng lời nói. Những nhà báo, tòa soạn phải phối hợp chặt chẽ với Hoàng gia để đưa tin một cách chính xác và phù hợp nhất. Thái độ đúng đắn trong tình hình rối ren như thế sẽ nâng cao uy tín cho các tổ chức, đơn vị và cá nhân. Chỉ cần phạm phải một sai lầm dù là nhỏ cũng có thể khiến đất nước bị chỉ trích.


Cựu biên tập viên của đài BBC bị chỉ trích vì đeo cà vạt sặc sỡ khi công bố tin Hoàng thái hậu Elizabeth qua đời.

Một ví dụ rõ ràng nhất đó là việc biên tập viên Peter Sissons của đài BBC đã lỡ thắt một chiếc cà vạt có màu gần như đỏ khi thông báo về tang lễ của Hoàng thái hậu Elizabeth vào năm 2002. Sự việc này khiến cho cựu biên tập viên đài BBC bị chỉ trích suốt nhiều năm cho đến khi về hưu năm 2009.

Chính phủ sẽ phải toàn lực tổ chức tang lễ

Theo thông lệ, quan tài của Nữ hoàng sẽ được đặt ở điện Westminster để mọi người có thể đến tỏ lòng thương tiếc. Trong thời gian này, Thái tử Charles sẽ phải đứng cạnh quan tài, nghi lễ này được gọi là Vigil of the Princes. Cũng giống như ở Việt Nam, con trai hoặc cháu nội sẽ đứng cạnh quan tài của cha mẹ, ông bà để canh giữ và bái tạ những người đến chia buồn.


Bộ trưởng Tony Banks đọc lời thề trước linh cữu Hoàng thái hậu Elizabeth.

Nghị viện Anh sẽ phải đóng cửa, tất cả thành viên sẽ được triệu tập trước linh cữu của Nữ hoàng để bày tỏ lòng thành kính và đọc lời thề trước người kế vị. Khi Hoàng thái hậu Elizabeth qua đời, Bộ trưởng thể thao Tony Banks, chính trị gia thuộc Đảng Lao động Anh đã thề trước con gái bà: "Tôi Tony Banks, xin thề trước Chúa toàn năng rằng sẽ có niềm tin và lòng trung thành tuyệt đối với Nữ hoàng Elizabeth, người kế vị và dòng dõi của Nữ hoàng theo luật pháp của nước Anh. Vì thế xin Chúa hãy phù hộ".

Trong tang lễ của Hoàng thái hậu Elizabeth, có hơn 200.000 lượt quan khách đến viếng, với vị thế và sức ảnh hưởng của Nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị thì chắc chắn con số này sẽ còn lớn hơn nhiều.

Khó kiểm soát quần chúng

Khi công nương Diana qua đời, hơn 10 nghìn người đã vây kín điện Buckingham để tỏ lòng thương tiếc. Hơn 1 triệu bó hoa, hơn 20 triệu bảng Anh (khoảng 600 tỷ đồng) đã được quyên góp để triển khai các hoạt động tưởng niệm.


Biển hoa tưởng nhớ Công nương Diana.


Không khí tang thương trong tang lễ của Công nương Diana.

Mô tả lại cảnh tượng có một không hai đó, một nhân chứng nói: "Một cảnh tượng đau buồn không thể tưởng tượng được. Dường như mọi người đã mất đi ai đó vô cùng thân thương với họ và cảm xúc đó vô cùng chân thật. Tôi lo lắng hơn khi mọi việc mất kiểm soát trên đại lộ Kensington, dân chúng lầm lũi bước đi trong nước mắt và có vẻ như họ không còn tin vào thực tại nữa".

Cảnh tượng đau buồn ở khắp nơi, dân chúng lầm lũi bước đi. Trong khi đó nhiều người lại khó chịu vì công việc bị cưỡng ép tạm dừng. Những điều này có thể dẫn đến việc kích động nổi loạn và đập phá. Tuy nhiên, những gì xảy ra trong tang lễ của Công nương Diana sẽ không là gì so với ngày Nữ hoàng tạ thế.

Charles có thể sẽ đổi tên, Kate trở thành Công nương xứ Wales

Đã có tin đồn chân thừa kế ngôi báu của Charles sẽ bị con trai William chiếm mất nhưng việc này sẽ gây khủng hoảng hiến pháp và do vậy chắc chắn sẽ không xảy ra. Hoàng tử William cũng bác bỏ chuyện này. Khi Charles lên ngôi Vua, William sẽ giữ chân Hoàng tử xứ Wales, tước vị hiện tại của Charles, Công nương Kate trở thành Công nương xứ Wales giống mẹ chồng Diana.


Trước mặt ban tang lễ, Vua mới (giả sử là Charles) thề trung thành với Nghị viện và với Giáo hội Anh. Ban (tang lễ) ra "Thông báo truyền ngôi" (Proclamation of Accession). Charles không nhất thiết sẽ là "Vua Charles". Hoàng gia có thể chọn tên Vua mới từ tên thánh hay tên đệm của Vua mới. Tên của Thái tử Charles là Charles Philip Arthur George nên ông hoàn toàn có thể sẽ là Vua Philip, Vua Arthur hay Vua George.

Nơi yên nghỉ của Nữ Hoàng

Kết thúc tang lễ là lúc chôn cất. Nữ hoàng rất có thể đã chọn nơi yên nghỉ. Tuy nhiên, đến giờ nó vẫn được bảo mật trong di chúc của bà. Địa điểm được dự đoán là ở Sandringham hoặc Balmoral, Scotland. Điều đặc biệt là 2 địa điểm này thuộc sở hữu của cá nhân bà chứ không phải tài sản của Hoàng gia. Một lựa chọn khác là điện Windson, nơi Nữ hoàng có thể nằm cạnh cha mình là vua George Đệ Lục.


Có thể Nữ hoàng sẽ được chôn tại Lâu đài Balmoral ở Scotland.

Lễ đăng quang cho người kế vị

Sau thời kỳ tang chế (có thể lên tới 1 năm) là thời điểm cho lễ đăng quang. Sự kiện này mang nặng tính lễ nghi, Charles đã chính thức làm Vua nên việc tổ chức lễ này hay bỏ qua đều do ông quyết định. Tuy nhiên, cứ giả sử Charles không muốn phá vỡ truyền thống, lễ sẽ diễn ra tại Tu viện Westminster và chủ lễ vẫn sẽ là Tổng Giám mục Canterbury.

Toàn bộ buổi lễ sẽ được truyền trực tiếp qua các kênh truyền hình và trên Internet. Cả nước Anh xuống đường ăn chơi nhảy múa. Lễ cưới Hoàng gia năm 2011 (Hoàng tử William cưới Catharine Middleton), hàng nghìn lễ hội diễn ra khắp nẻo đường phố. Mọi người không đi làm và nền kinh tế thiệt hại khoảng 1,2 đến 6 tỷ bảng. Lễ đăng quang thì chỉ có hơn chứ không kém. Kinh tế Anh chịu thiệt thêm vài tỷ chưa kể tiền thuế sẽ phải chi cho tổ chức sự kiện lớn nhất nước Anh tính từ những năm 50 thế kỷ trước.

Tuy nhiên, Thái tử Charles không được dân chúng Anh yêu quý cho lắm, nhất là sau vụ bê bối tình cảm với công nương Diana và người tình Camilla Parker Bowles. Tuy nhiên, đến nay Thái tử đã 70 tuổi, người ta không chắc rằng ông có thể dủ minh mẫn để trị vì đất nước khi lên ngôi.


Thái tử Charles sẽ lên kế vị Nữ hoàng.

Hoàng thái hậu Elizabet Bowes-Lyon, mẹ của Nữ hoàng sống thọ đến 101 tuổi 238 ngày. Với sức khỏe của Nữ hoàng hiện tại có khả năng bà sẽ còn sống thọ hơn mẹ mình. Và có thể phải đến năm 80 tuổi Thái tử Charles mới được kế vị.

Chôn Nữ Hoàng, có Vua mới. Vậy là xong?

Còn lâu mới xong. Nhiều thay đổi sẽ dần được tiến hành. Hình ảnh mang tính biểu tượng của Nữ hoàng sẽ được thay bằng hình ảnh của Vua mới (Charles).

Trước hết, người ta cần in và đúc tiền mới. Chân dung Charles sẽ thay thế Nữ hoàng trên đồng/tờ tiền. Không thể rầm một cái thay hết tiền mặt mà phải mất đến vài năm, giống như cách hiện tại người ta thu hồi và thay đổi tiền cũ không lưu hành được. Hiện tại, tiêu bản tiền mới với hình ảnh của Thái tử đã được thiết kế và đợi ngày in ấn.


Bảng Anh sẽ phải thay đổi.

Cảnh sát sẽ phải đổi phù hiệu, huy hiệu, quân hàm trên mũ và áo. Hiện tại những thứ này này in tên và số thứ tự tước hiệu (regnal) của Nữ hoàng. Tương tự, một loạt huy/phù hiệu/quân hàm bên quân đội cũng cần thay. Hộ chiếu cần làm lại, mấy câu nói đến Nữ hoàng cần sửa để chứng tỏ giờ người đứng đầu quốc gia là Vua. Con tem mới sẽ có hình Vua thay hình Nữ hoàng. Quốc ca sẽ được đổi từ God Save The Queen thành God Save The King.


Huy hiệu trên mũ đội cũng phải thay đổi.


Quốc ca nước Anh.

Những viễn cảnh sẽ xảy ra với nước Anh khi Nữ hoàng qua đời khiến nhiều người dân và những nước có liên quan trực tiếp không khỏi lo lắng. Hi vọng, nữ hoàng có thể khỏe mạnh và trị vì lâu hơn.

Ngọc Anh (Theo nld.com.vn)