Hoàng Hạc Lâu từ lâu đã nổi tiếng là kiệt tác nghệ thuật cổ kính mà thơ mộng bậc nhất Trung Quốc, hàng năm nơi đây thu hút hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế.
Vũ Hán là thành phố lớn nhất ở miền Trung Trung Quốc, nằm ở phía Nam sông Dương Tử và cách Thượng Hải khoảng 800km về phía Tây. Thành phố này không chỉ là trung tâm về kinh tế, thương mại mà còn là nơi hội tụ cả những kì quan tuyệt đẹp về thiên nhiên cũng như lịch sử đất nước Trung Hoa.
Đến Vũ Hán, du khách không thể bỏ qua Hoàng Hạc Lâu – Tam đại văn hóa danh lâu mà nhiều người biết đến trong án thơ của Thôi Hiệu (bài Hoàng Hạc Lâu) và Lý Bạch (bài Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng). Công trình này được xây dựng vào năm Hoàng Vũ thứ 2 của đời nhà Ngô thời Tam Quốc, tức là năm 223 dương lịch.
Hoàng Hạc Lâu là một trong ba công trình lầu tháp cổ nhất tại Trung Hoa
Với tuổi thọ gần 1.800 tuổi, Hoàng Hạc Lâu trở thành một trong ba công trình lầu tháp cổ nhất tại Trung Hoa. Nơi đây còn là thắng cảnh nổi tiếng gắn liền với trận Xích Bích, Khổng Minh mượn gió đông, Khuất Nguyên viết Ly tao, Tôn Quyền xem trận thế…trong thời Tam quốc diễn nghĩa.
Phiên bản Hoàng Hạc Lâu đầu tiên được xây dựng vào năm 223 sau công nguyên (dưới đời nhà Ngô thời Tam Quốc).
Cho đến nay, ngôi tháp đã bị phá hủy 12 lần do chiến tranh hoặc cháy nổ. Sau mỗi lần như vậy, người ta đều xây lại, mỗi lần lại cao hơn và nhiều tầng hơn. Phiên bản thứ 11 bị hủy năm 1884. Đến năm 1957, ghềnh Hoàng Hạc được dùng làm nơi xây cầu vượt sông Trường Giang (còn gọi là sông Dương Tử). Từ năm 1981-1985, Hoàng Hạc Lâu hiện tại được xây lại tại một vị trí mới cách đó 1km.
Hoàng Hạc Lâu gồm 5 tầng, mỗi tầng trưng bày nhiều hiện vật theo một chủ đề khác nhau. Tầng thứ nhất có bức bích họa bằng gốm sứ diện tích 54m2 mô tả cảnh tiên giới với mây, nước, tiên hạc…; tầng thứ ba trưng bày các bài thơ được làm trong nhiều triều đại ca ngợi vẻ đẹp của lầu Hoàng Hạc.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, ngôi lầu bị phá hủy và xây dựng lại rất nhiều lần. Năm 1981, lầu được trùng tu lại bằng vật liệu xây dựng hiện đại; trong lầu có cả thang máy cho phép du khách leo lên đỉnh tháp ngắm con sông Dương Tử cuồn cuộn chảy. Xung quanh lầu Hoàng Hạc có nhiều tượng hạc vàng bằng đồng và các ngôi đình nhỏ; trong đó có một ngôi đình treo quả chuông lớn cho du khách đánh thử. Hằng năm vào ngày Quốc khánh Trung Quốc (1-10), tại sân phía Tây của lầu Hoàng Hạc có lễ hội biểu diễn các điệu múa cung đình kéo dài 1 tuần.
Ngày này, Hoàng Hạc Lâu vẫn luôn là nơi thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Công trình này cũng là một biểu tượng tiêu biểu, thể hiện niềm tự hào về lịch sử cũng như nét đẹp kiến trúc đặc biệt đối với người dân Vũ Hán.