Dấu tích miệng núi lửa Thới Lới, Giếng Tiền, Hòn Vung… huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhìn từ fly cam mở ra chuỗi kỳ quan biển đảo độc đáo mê hoặc du khách.
Ngắm miệng núi lửa trên đảo Lý Sơn từ fly cam
Từ trên cao nhìn xuống, miệng núi lửa Giếng Tiền hệt như “chiếc chảo khổng lồ” nhô lên giữa biển trời huyện đảo Lý Sơn. Miệng núi lửa này rộng hàng trăm mét, cao 30-40 m nghiêng về phía bắc, có niên đại khoảng 1 triệu năm.
Trầm tích cổ Miocen muộn ở phần vách cao của miệng núi lửa Giếng Tiền bị phun trào xuyên cắt tạo hình thù kỳ thú ở phía Tây đảo Lý Sơn.
Vòng núi lửa uốn lượn tạo nên bức tranh ruộng bậc thang độc đáo ở huyện đảo Lý Sơn. PGS.TS Vũ Cao Minh (Viện Địa Chất – Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cho biết riêng huyện đảo này có 10 miệng núi lửa. Trong số này, 6 miệng núi lửa ở đảo Lớn, 1 miệng ở đảo Bé và 3 miệng còn lại ngầm dưới đáy biển.
Vách đá hang Câu kỳ vĩ uốn lượn bao bọc dấu tích miệng núi lửa Thới Lới. Miệng núi lửa có hồ nước trên đỉnh núi Thới Lới phun nổ cách nay 1 triệu năm, có đường kính 0,35 km, cao 149 m. Đây là đài quan sát lý tưởng hấp dẫn du khách khi đến huyện đảo Lý Sơn.
Thảm thực vật cùng với rừng dương phòng hộ bao quanh dấu tích những miệng núi lửa tạo “lá phổi xanh” cho các khu dân cư xung quanh.
Từ trên cao, những ô ruộng hành, tỏi bao quanh trầm tích núi lửa Hòn Đụn mở ra không gian thanh bình ở đảo Bé Lý Sơn.
Miệng núi lửa Giếng Tiền nhìn từ phía đảo Bé. Dấu tích miệng núi lửa này như hai “cánh tay khổng lồ” ôm trọn thắng cảnh chùa Đục tạo nên cảnh quan kỳ thú.
Biển vỗ bờ vào bãi đá trầm tích núi lửa ở đảo Bé tạo nên những “ngọn sóng” phun trào cao 2-3 m mang đến cảm giác thích thú cho du khách.
Đôi chim hải âu tình tự trên vách đá trầm tích núi lửa ở hòn Đụn.
Bình minh ở thắng cảnh hòn Đụn, đảo Bé Lý Sơn. Các chuyên gia xác định khu vực này có 3 miệng núi lửa (một miệng trên cạn và hai miệng núi lửa ngầm). Đây là các miệng núi lửa hình thành trong các đợt phun trào núi lửa khoảng 1 triệu năm trước.