30 năm ‘thay da đổi thịt’ của Hà Nội qua ống kính nhiếp ảnh gia Mỹ

William E Crawford – nhiếp ảnh gia người Mỹ đã ghi lại những đổi thay của Hà Nội suốt 30 năm kể từ thời kỳ đổi mới trong cuốn sách ảnh “Hanoi Streets 1985-2015″ của ông.


30 năm ‘thay da đổi thịt’ của Hà Nội qua ống kính nhiếp ảnh gia Mỹ
30 năm ‘thay da đổi thịt’ của Hà Nội qua ống kính nhiếp ảnh gia Mỹ

174 Hàng Bông, 1986: Ảnh chụp một phòng khám nha khoa trên phố Hàng Bông năm 1986. Các biển hiệu quảng cáo thời kỳ này thường được vẽ tay bởi các họa sĩ. William E Crawford – tác giả của bức ảnh này, là một trong những nhiếp ảnh gia nước ngoài đầu tiên đặt chân đến miền Bắc Việt Nam những năm đầu sau chiến tranh.

22 Hàng Bông, 1986: Vào những năm 80 của thế kỷ trước, không khó để tìm thấy một sạp báo trên phố cổ Hà Nội. Thời điểm đó, báo in và báo phát thanh là những phương tiện truyền thông chính đối với công chúng.

Quang cảnh phố Hàng Gai, 1988: Những năm cuối thập niên 80, phương tiện đi lại chủ yếu của người dân là xe đạp. Phải là người gắn bó lâu năm với Hà Nội từ những ngày sau chiến tranh mới có thể nhận ra đây là phố Hàng Gai yên bình một thời trái với phố Hàng Gai sầm uất nhộn nhịp hiện tại.

72 Mã Mây, 1988: Khó có thể tin đây từng là phố Mã Mây nhộn nhịp các câu lạc bộ bia, hộp đêm đông cứng du khách nước ngoài. Sau 30 năm, khu phố đơn sơ một thời đã lột xác chóng mặt.

Một khu tập thể, ảnh chụp năm 1988: Những khu tập thể sơn vàng cũ kỹ là một trong những hình ảnh đặc trưng khi người ta nhớ về Hà Nội xưa. Trải qua 30 năm, các khu cư xá xuống cấp bị giải thể gần hết, chỉ còn xót lại ở một vài con phố như Giảng Võ, Nguyễn Trãi, Thành Công…

19 Nguyễn Quang Bích, 1991: Những ngôi nhà xưa của Hà Nội ghi dấu đậm nét kiến trúc Pháp. Sau 27 năm, hình ảnh trên vẫn tồn tại trên nhiều con phố.

Một góc nhỏ phố Hàng Gai, 1994: Hình ảnh những cột điện chằng chịt dây đã trở nên quen thuộc không chỉ với người Việt mà với cả du khách nước ngoài khi đến thăm Việt Nam. Trong suốt 30 năm sinh sống và làm việc tại Hà Nội, mảnh đất nghìn năm văn hiến này là nguồn cảm hứng để nhiếp ảnh gia người Mỹ cho ra đời cuốn sách ảnh Hanoi Streets 1985-2015 (tạm dịch: Đường phố Hà Nội 1985-2015).

143–145 Hàng Bạc, 1995: Ngày nay, phố Hàng Bạc đã thay đổi nhiều, nhưng những nét hoài cổ vẫn được gìn giữ nguyên vẹn.

103 Hàng Bông, 1995: Những biển hiệu phong cách retro thế này dường như không còn xuất hiện trên các con phố cổ. Nhưng những ngôi nhà với ngõ vào sâu hun hút vẫn là một phần không thể thiếu của phố cổ Hà Nội.

35 Hàng Trống, 1995: Một tiệm may cách đây hơn 20 năm. Hình ảnh khiến những người Hà Nội xa quê hoài niệm về thời bao cấp khó khăn.

Cửa hàng điện tử 154 Hàng Bông, 2000: Năm 2000 đánh dấu những bước chuyển mình của Hà Nội sang kỷ nguyên mới. Các bức ảnh trong cuốn sách không được tác giả sắp xếp theo thứ tự thời gian. Cả cuốn sách bao gồm 200 bức ảnh về phố phường và con người Hà Nội trong 30 năm thay đổi.

14 Hàng Tre, 2009: Những ngôi nhà vào năm 2009 đã không còn nét cổ kính của kiến trúc Pháp một thời. Trong ảnh là sự pha trộn và hội nhập rõ rệt ngay trong đời sống thường nhật của người dân thủ đô. Ngôi nhà cổ nằm nép mình lặng lẽ khi thời gian đi qua.

Một cửa hàng bách hóa nhỏ trên phố Thuốc Bắc, 2015: Hà Nội những ngày hiện đại vẫn còn in dấu những nét cổ kính. Những mảng tường có tuổi đời hàng nửa thế kỷ đã bám rêu, xen lẫn cả những dấu quảng cáo khoan cắt bê tông đặc trưng chỉ có ở Việt Nam.