Việc gắn bó và khát vọng khởi nghiệp (start up) ngay trên quê hương mình đã giúp cho nhiều bạn trẻ tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình) mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất thuần nông sang dịch vụ với mô hình du lịch cộng đồng (homestay). Không chỉ thu hút du khách đến với “Vương quốc hang động Quảng Bình” mà homestay còn tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân nơi đây.
Tự mày mò
Hồ Văn An, chủ nhân của Phong Nha Mountain House từng là một thợ rừng, đã gùi lương thực, thực phẩm xuyên sang Lào rồi Malaysia tìm trầm với mong ước đổi đời, song thất bại. Trở về quê, Hồ Văn An làm nhân viên gùi cõng thực phẩm, trang thiết bị hỗ trợ khách du lịch (porter) khám phá hang Sơn Đoòng. Được một thời gian, khi đã hiểu được chút ít kiến thức làm du lịch, An tách ra tìm lối đi cho riêng mình.
Năm 2015, An mở Phong Nha Mountain House với ngôi nhà sàn gỗ duy nhất ở Phong Nha và được đặt trong khu vườn dân dã của gia đình. Phong Nha Mountain House có góc nhìn đẹp và gần gũi với thiên nhiên, hiện chủ yếu chủ yếu phục vụ khách nước ngoài với các dịch vụ như lưu trú, thưởng thức các đặc sản đồng quê, trải nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp, đạp xe khám phá nét đẹp làng quê vùng sơn cước. An chia sẻ: “Giờ khách tây đến ở Phong Nha còn nhiều hơn thành phố Đồng Hới bởi họ thích khung cảnh thanh bình có núi, có sông, cỏ cây, hang động ở đây. Chuyện này 5 năm trước có mơ cũng chẳng thấy!”.
Trần Quốc Hoàn ở xã Hưng Trạch thì khác hơn một chút. Sau khi đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan về, có chút vốn và biết ngoại ngữ, anh quyết định mở homestay có tên ngộ nghĩnh: “The Duck stop”. Hoàn cho biết, chỉ với 150 nghìn đồng, khách du lịch có thể tham gia các hoạt động như chăn vịt, cưỡi trâu tắm sông hay đi dạo trên đường làng, nằm võng giữa vườn cây thưởng thức món bánh xèo đặc sản địa phương. Mỗi ngày The Duck stop đón 20-25 khách nước ngoài đến lưu trú, trải nghiệm. Mùa du lịch năm nay, homestay của Hoàn đã được khách đặt kín chỗ, anh chỉ nhận thêm khách đến vui chơi, trải nghiệm mà không lưu trú. Anh Jean Ferguson đến từ Pháp nói: “Đây là lần đầu tiên đến với Di sản Phong Nha - Kẻ Bàng và ghé The Duck stop. Thiên nhiên, cảnh vật nơi đây thật đẹp và nhiều trải nghiệm lạ khiến anh và bạn gái rất hứng thú”.
Gần với The Duck stop, ba bạn trẻ là Hoàng Văn Thiết, Trần Văn Thọ và Trần Tuấn Hải đã góp vốn 400 triệu đồng đầu tư mô hình homestay với tên gọi Ồ Ồ lake silence trên diện tích 2.500 m². Với trí sáng tạo và sự khéo léo, ba chàng trai đã biến hồ nước hoang vu thành một khu cảnh quan phức hợp mang chất đồng quê với các dịch vụ vui chơi ngắm cảnh, câu cá, nghỉ dưỡng kết hợp ăn uống. Hiện, mỗi tháng Ồ Ồ lake silence đón gần 5.000 lượt khách trong và ngoài nước. Hoàng Văn Thiết cho biết: “Ban đầu, khi homestay mới được đưa vào hoạt động, bọn em bỡ ngỡ vì chưa biết làm sao để thu hút khách du lịch. Chịu khó học hỏi, bọn em đã rút được kinh nghiệm cho mình, giờ cũng ổn, lượng khách khá ổn định”.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Lê Thế Lực cho biết, homestay và farmstay (trải nghiệm nông trại) xuất hiện tại Quảng Bình năm 2011. Sự ra đời của Phong Nha farmstay tại xã Cự Nẫm đã thu hút đông đảo khách nước ngoài đến tham quan, nghỉ dưỡng và trải nghiệm. Từ mô hình đầu tiên cùng những bước đi vừa làm vừa học, tự rút kinh nghiệm, đến nay toàn tỉnh có gần 60 cơ sở homestay và farmstay, tập trung chủ yếu tại khu vực Phong Nha, thành phố Đồng Hới và huyện Minh Hóa. Trước đây, nhiều người ở các xã Sơn Trạch, Hưng Trạch, Cự Nẫm, Phúc Trạch, Tân Hóa… sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và đi rừng thì nay đã có nghề mới, nghề làm dịch vụ du lịch. Một bộ phận người trẻ mạnh dạn khởi nghiệp bằng mô hình homestay đã giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho chính người dân địa phương, đồng thời giảm áp lực đối với công tác bảo vệ rừng di sản.
Tiếp sức để homestay phát triển bền vững
Theo lãnh đạo Sở Du lịch Quảng Bình, nhiều homestay đã chủ động khai thác vẻ đẹp của địa phương để thu hút khách, góp phần tạo việc làm cho nhiều người, quảng bá hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp và con người Quảng Bình mến khách. Đặc biệt, homestay trở thành lựa chọn hợp lý cho khách muốn lưu trú dài ngày để nghỉ ngơi, thư giãn và trải nghiệm cuộc sống của người bản địa. Bình quân một homestay có thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng, cao điểm mùa du lịch lên đến 50 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, mô hình du lịch cộng đồng hiện chưa có quy hoạch và định hướng phát triển theo hướng bền vững, mới dừng lại ở mức độ tự phát, người sau nhìn người trước để mở homestay trong khi còn thiếu kỹ năng làm du lịch, yếu về ngoại ngữ nên hiệu quả chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng. Mặt khác, cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch chưa chú trọng đầu tư và thiếu đồng bộ, tình trạng mất điện, thiếu nước sạch thường xảy ra đã ảnh hưởng đến việc lưu trú của du khách, nhất là khách nước ngoài.
Thực tế, ở các xã nghèo khu vực Phong Nha, Quảng Bình, mô hình du lịch cộng đồng như thổi “làn gió” mới vào nhận thức, góp thêm cách làm giàu bền vững ngay trên mảnh đất giàu tiềm năng về du lịch. Đặc biệt, nhiều người từng là “lâm tặc” một thời, nay đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng khi họ trở hành chủ nhân của các homestay. Một số nông sản của bà con địa phương trước đây khó tiêu thụ thì nay nhờ các homestay mà thành các mặt hàng đặc sản. Đặc biệt, với sự phát triển của homestay và farmstay, người dân địa phương được trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch với vai trò vừa là chủ nhân, đồng thời cũng là người hưởng lợi trực tiếp. Thời gian qua, huyện Bố Trạch đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng. Từ năm 2017 đến nay, huyện Bố Trạch hỗ trợ 15 triệu đồng cho một homestay xây mới.
Dưới góc độ của cơ quan quản lý du lịch, ông Lê Thế Lực nhấn mạnh, để giúp mô hình du lịch này phát triển bền vững, nhằm cân đối giữa nhu cầu và tiềm năng, tránh tình trạng phát triển tự phát, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của nhân dân thì cần phải có các quy hoạch, định hướng cụ thể, cùng với đó là lựa chọn khu vực trọng điểm để ưu tiên đầu tư về hạ tầng giúp cho du lịch cộng đồng phát triển. Bên cạnh sự chủ động hỗ trợ, kết nối của ngành du lịch, cần có sự tham gia của các ngành khác như y tế, công an nhằm hướng dẫn cho mô hình du lịch này đi đúng hướng và giải quyết các bất cập, hạn chế hiện nay.
Song, để du lịch cộng đồng thật sự bền vững, tỉnh Quảng Bình cần tổ chức khảo sát, đánh giá đầy đủ về mô hình du lịch này trên địa bàn. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và có các chính sách hỗ trợ phát triển hợp lý, đầy đủ hơn nhằm mang lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn, phát huy nét văn hóa độc đáo của địa phương.
Hoàng Phúc/Nhandan