Ngôi chùa hơn 50 năm không bao giờ thắp nhang ở Sài Gòn

Chùa Bửu Long có khuôn viên rộng và không bao thắp nhang, người dân chỉ đến cầu nguyện, tham quan.

Chùa Bửu Long, ngôi chùa hơn 50 năm không bao giờ thắp nhang ở Sài Gòn

Ngôi chùa hơn 50 năm không bao giờ thắp nhang ở Sài Gòn

Chùa Bửu Long (đường Nguyễn Xiển, quận 9, TP HCM) được xây dựng từ năm 1942. Chùa nằm trên khuôn viên rộng 11 ha, vị trí là ngọn đồi phía tây sông Đồng Nai, cách trung tâm thành phố khoảng 25 km. Năm 2007 chùa Bửu Long được trùng tu và xây dựng thêm. Chùa có lối kiến trúc đặc trưng của các chùa Thái Lan, Ấn Độ và kết hợp cùng nét kiến trúc các chùa thời Nguyễn tạo nên vẻ đẹp độc đáo.

Theo hệ Phật giáo nguyên thủy Nam tông nên trong chùa chỉ có tượng Phật Thích Ca và không bao giờ thắp nhang như các chùa hệ phái khác.

Điểm nhấn của ngôi chùa là Bảo tháp Gotama Cetiya xây từ năm 2007, hoàn thành sau 6 năm. Bảo tháp là nơi thờ xá lợi Phật và các Chư Thánh Tăng. Bảo tháp rộng trên 2.000 m2, cao 70 m, được xây dựng theo nét của văn hóa Phù Nam. Xung quanh là các tháp nhỏ, đều làm bằng đồng, có màu vàng óng.

Gotama Cetiya là ngôi bảo tháp có quy mô lớn nhất Việt Nam với 5 tháp lớn nhỏ, tháp chính điện ở trung tâm cao và lớn nhất với 7 tầng. Bảo tháp Gotama Cetiya nhìn từ phía trước và sau đều cho thấy nét kiến trúc đối xứng, hài hòa.

Trong đỉnh chính của bảo tháp là nơi tôn thờ ngọc Xá Lợi Đức Phật và Xá Lợi chư Thánh Arahán, thu hút nhiều du khách tham quan.

Những viên xá lợi trong veo được trưng bày cẩn thận trong tủ kính. Bảo tháp chỉ mở cửa đón khách ngày hai buổi. Sáng từ 8h đến 10h, chiều từ 14h đến 16h.

Trên tầng cao nhất, du khách và Phật tử có thể dễ dàng ngắm khung cảnh Sài Gòn và các tỉnh thành lân cận.

Ngay dưới chân bảo tháp là hồ bán nguyệt có diện tích 280 m2, ở giữa có vòi phun nước hình rồng.

Cạnh hồ nước là lối lên bảo tháp, du khách phải bỏ dép ở dưới sân nếu muốn lên các tầng lầu. Xung quanh lối lên là linh vật rồng ngậm ngọc uốn lượn cùng mây. Kiến trúc của chùa mang nét Phật Giáo Nam Tông đặc trưng trong vùng Đông Nam Á, với các họa tiết trang trí như rồng uốn lượn tạo thành mái vòm, hoa văn nổi, phù điêu, bánh xe chuyển pháp luân,…

Khuôn viên chùa có diện tích lớn bậc nhất trong các ngôi chùa ở Sài Gòn và bao phủ nhiều cây xanh. Quanh sân chính là hàng thạch đăng tự rất đặc trưng của kiến trúc Phù Nam cổ xưa.

Do có đỉnh tháp sơn vàng và cấu trúc của tòa tháp giống với một số ngôi chùa ở Thái Lan nên nhiều người quen gọi chùa Bửu Long là chùa Thái Lan. Chùa thường xuyên đông khách tham quan, chụp hình nhất là dịp cuối tuần.