Ngôi chùa có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, được xây dựng theo lối kiến trúc mới và có tháp chuông cao 32 m.
Chùa hơn 50 năm tuổi có tháp chuông cao nhất Sài Gòn
Chùa Xá Lợi nằm ngay góc đường Bà Huyện Thanh Quan và Sư Thiện Chiếu (quận 3, TP HCM) được xây dựng năm 1956, trong khuôn viên rộng 2.500 m2. Điểm nhấn của chùa là tháp chuông cao 32 m, gồm bảy tầng được xây dựng năm 1960, hướng ra đường Bà Huyện Thanh Quan.
Từ khi hoàn thành cho đến đầu thế kỷ 21, đây là tháp chuông cao nhất Việt Nam. Sau này chùa Linh Phước ở Đà Lạt đã dựng một tháp chuông cao hơn (cao 37,84 m). Tuy nhiên, tháp chuông chùa Xá Lợi vẫn cao nhất TP HCM. Từng tầng tháp chuông thờ một vị Phật, mỗi tầng có bốn mặt phẳng lớn và bốn mặt góc nhỏ, tạo thành một hình bát giác.
Ở tầng cao nhất là một cổ lầu, bên trong treo một đại hồng chung nặng 2 tấn, đường kính 1,2 m, cao 1,6 m, được đúc đồng tại Huế theo mẫu của chuông chùa Thiên Mụ. Tiếng ngân của chuông nổi tiếng, được biết đến qua bài vọng cổ “Tiếng chuông chùa Xá Lợi” do soạn giả Viễn Châu sáng tác.
Chùa có tên ban đầu là chùa thờ Xá Lợi. Người dân quen gọi tắt là chùa Xá Lợi nên khi khánh thành, trụ trì chùa đã đặt tên chùa như hiện nay cho hợp lòng người.
Chùa Xá Lợi là ngôi chùa đầu tiên của Sài Gòn được xây dựng theo lối kiến trúc mới với phía trên là bái đường, phía dưới là giảng đường. Sau này, chùa Vĩnh Nghiêm cũng được xây theo lối này. Giảng đường ở tầng trệt có 400 chỗ ngồi. Xung quanh là thư viện, tăng phòng, nhà trai đường…
Chánh điện chùa chỉ đặt một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni lớn, chứ không thờ nhiều Phật như các chùa xưa. Tượng do trường Mỹ Nghệ Biên Hòa đắp tạo, được coi là mẫu mực cho nhiều tượng Phật các chùa sau này. Năm 1969 tượng được thếp lại toàn thân bằng vàng.
Quanh chính điện trang trí 15 bức tranh lớn bằng sơn bột màu gắn trên tường. Bộ tranh thực hiện năm 1958, mô tả lịch sử đức Phật Thích Ca từ sơ sinh cho đến khi thành đạo – nhập niết bàn.
Ngoài sân chùa có một cây Bồ đề mang về từ Colombia. Cạnh cây là tượng Bồ Tát Quan Thế Âm được đúc năm 1958.
Chùa Xá Lợi còn là nơi nhục thân của bồ tát Thích Quảng Đức, được thỉnh về an táng sau khi ngài tự thiêu. Hành động này nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm năm 1963. Quanh chùa, hiện còn treo nhiều ảnh tư liệu về sự kiện này.
Không gian không quá rộng lớn nhưng kiến trúc, lịch sử khiến chùa Xá Lợi là một trong những chùa nổi bật ở Sài Gòn, thu hút nhiều người tham quan.