Ngôi làng cuối cùng ở Singapore
Singapore là một quốc gia trẻ, với khát vọng đạt tầm quốc tế, quốc gia này đã phát triển với tốc độ đô thị hóa chóng mặt và đã nhanh chóng chuyển mình từ nước nông nghiệp sang công nghiệp.
Theo chủ trường đô thị hóa của chính phủ Singapore, hàng trăm ngôi làng truyền thống đã bị san bằng. Các dấu tích của nông thôn xưa cũ như những con đường đất, các quầy tạp hóa là sinh kế của người dân đều bị phá bỏ.
Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, ở Singapore vẫn còn sót lại duy nhất một làng quê truyền thống, đó là Kampong Lorong Buangkok. Ngôi làng này nằm sát khu phố Yio Chu Kang sầm uất nhất của Singapore, tính đến nay đã hơn 60 năm tuổi.
Làng Kampong Lorong Buangkok có khoảng 25 ngôi nhà gỗ nhỏ lợp mái tôn nằm san sát cạnh nhau giống hệt khung cảnh nông thôn trên các tấm bưu thiếp xưa của Singapore. Mặc dù nằm ngay giữa lòng thành phố nhưng ngôi làng này không có dấu hiệu nào của sự đô thị hóa. Các hệ thống dây điện đều đi ngầm dưới lòng đất, cho nên nơi đây không có cảnh tưởng các dây điện giăng mắc chi chít khắp nơi.
Những người cao tuổi sống trong làng Lorong Buangkok thư thái ngồi trò chuyện trước hiên nhà. Văng vẳng xung quanh ngôi làng là âm thanh của tiếng gà mái cục tác liên hồi, dàn đồng ca của những chú dế mèn. Đây là những âm thanh của một thời đã qua và rất hiếm khi nghe được ở chốn ồn ào đô thị.
Tại Kampong Lorong Buangkok, dân làng không cần phải cửa đóng then cái, các gia đình luôn vui vẻ chào đón nhau. Họ có thể bất chợt ghé qua nhà hàng xóm để mượn bất cứ thứ gì cần thiết. Đây là một nét sống mà nhiều người dân Singapore cho rằng đã bị tốc độ đô thị hóa vô tình làm mất đi.
Nông thôn hóa thành thị
Vào năm 2017, Cục Nhà ở và Phát triển ở Singapore đã hợp tác với Đại học Thiết kế và Công nghệ Singapore để phát triển mô hình kiểu sống nông thôn như làng Kampong Lorong Buangkok. Theo đó, Singapore sẽ sử dụng công nghệ cao với các thiếu bị cảm biến di động và không gian sử dụng wi-fi chung để khuyến khích người dân thành phố sống gần gũi nhau hơn.
Khi đó chính ông Lawrence Wong, Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia đã đề xuất việc củng cố lối sống "tình làng nghĩa xóm" trong các khu chung cư cao tầng ở Singapore. Thế nhưng, không gian sinh hoạt chung không phải là thứ duy nhất có thể nuôi dưỡng tình nghĩa láng giềng này, mà còn cả môi trường sống nữa.
Một lý do khiến làng Kampong không bị san phẳng như những ngôi làng khác ở Singapore là vì khu vực xung quanh không có triển vọng phát triển thương mại, công nghiệp. Tuy nhiên trước tốc độ đô thị hóa chóng mặt ở Singapore, ngôi làng này cũng bị thay đổi nhiều. Nếu như trước đây, ngôi làng này được bao quanh bởi cánh rừng xanh và các trang trại, thì giờ đây ngôi làng lại được bao quanh bởi một khu nhà cao chọc trời.
Người dân quyết tâm bảo tồn
Thời điểm làng Kampong Lorong Buangkok được thành lập, phần lớn đất và các ngôi nhà trong làng đều được những công nhân làm ở các bệnh viện và đồn điền cao su lân cận thuê. Hồi đó, tiền thuê nhà hàng tháng cho mỗi ngôi nhà chỉ khoảng từ 4,50 đến 30 đô Singapore (khoảng 100.000 - 500.000 đồng).
Cho đến ngày nay, giá thuê nhà ở làng Kampong Lorong Buangkok vẫn giữ nguyên giá cũ hoặc thậm chí thấp hơn nhưng vẫn không có người dân nào chuyển đến ngôi làng này sinh sống kể từ thập niên 1990. Cho đến tận bây giờ cũng không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ có người đến ở trong tương lai gần.
Nguyên nhân của việc không có ai muốn chuyển đến làng Kampong Lorong Buangkok sống được cho là do nguyên tắc sống của người dân nơi đây. Theo đó, chỉ có những người có quan hệ với dân làng cũ hoặc bây giờ mới được xem xét cho thuê.
Bà Sng Mui Hong, gần 70 tuổi, là một người dân đã sống gần như cả đời ở làng Kampong Lorong Buangkok. Bà cũng chính là người phụ nữ kiên định với quyết tâm bảo tồn ngôi làng cuối cùng của Singapore.
Bà Sng cho biết, bà là con út trong gia đình có bốn thành viên và bà cũng là người duy nhất trong gia đình còn sống đến tận bây giờ. Người cha quá cố của bà Sng Mui Hong là một thầy lang bốc thuốc Đông y. Năm 1956, cha của bà đã đến làng Kampong Lorong Buangkok mua một miếng đất để sinh sống và đây cũng chính là thời điểm ngôi làng này được thành lập.
Đối với bà Sng, làng Kampong Lorong Buangkok là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm tươi đẹp trong quá khứ. Bà nhớ lại kỷ niệm ngày nhỏ theo cha đến vùng đất này. Từ cha, bà đã học nghề thuốc và hiện nay bà đang hết mình chữa bệnh cho những người dân sống trong làng.
Là người dân sống lâu đời ở làng Kampong Lorong Buangkok nên bà Sng đang có trong tay một khối bất động sản mà nhiều người ao ước. Thế nhưng bà đã từ chối mọi lời đề nghị mua đất ở làng Kampong Lorong Buangkok với quyết tâm bảo tồn ngôi làng duy nhất còn sót lại ở Singapore.
Vào năm 2014, Chính phủ Singapore có đề xuất san bằng ngôi làng để xây một con đường cao tốc, hai trường học và một công viên công cộng. Tuy nhiên, nhiều người dân Singapore đã lên tiếng phản đối đề xuất trên. Thậm chí có nhiều người còn kêu gọi công nhận làng Kampong là một Di sản Thế giới cần được bảo tồn.
Chính phủ Singpore vào cuộc
Trước những lời đề nghị bảo tồn làng Kampong Lorong Buangkok của người dân, chính phủ Singapore cho biết họ sẽ tiếp cận vấn đề này một cách thấu tình đạt lý. Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia, Desmond Lee cho biết: "Trước khi chính phủ hoàn thiện các kế hoạch phát triển cho toàn bộ khu vực, thì chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các bên liên quan để đảm bảo các dự án được thực hiện toàn diện và suôn sẻ. Để làm được điều này thì cần có sự hợp tác vững mạnh đến từ những hộ gia đình đang sống ở đó, cần hiểu rõ và lưu ý những nguyện vọng của họ".
Trước sự thấu hiểu và vào cuộc của chính phủ, người dân Singapore cũng an tâm phần nào với nguyện vọng bảo tồn làng Kampong Lorong Buangkok. Nassim - một trong những người dân sống tại Kampong cho biết: "Thật tốt khi chính phủ nay đã có thể thấy được tầm quan trọng của ngôi làng chúng tôi. Cần gửi gắm lại một điều gì đó để nhắc nhở những thế hệ trẻ về cách mà đất nước này đã hình thành. Chúng ta vốn xuất thân từ chính những mái chòi bình dị này".
Mặc dù hiện tại và tương lai của làng Kampong Lorong Buangkok vẫn chưa thể đoán trước được. Thế nhưng bảo tồn ngôi làng này đồng nghĩa với việc lưu giữ và truyền lại một phần cội nguồn, nền văn hoá và di sản của đất nước cho các thế hệ tương lai. Đây là điều cần thiết ngay cả đối với một quốc gia trẻ như Singapore.
Đọc tin mới nhất hôm nay
Bài liên quan Italy cấp tiền, tuyển người đến sống ở những ngôi làng 'đẹp như tranh vẽ' Khám phá 'Ngôi làng của người chết' ở Nga Khám phá Harragona - ngôi làng có hàng trăm người giống hệt nhau dù không cùng huyết thống