HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC CỰC ĐÔNG VIỆT NAM - 2 NGÀY 1 ĐÊM

Hôm nay tôi muốn kể về chuyến đi của tôi cùng với một số người bạn và đồng thời cũng là những người đồng nghiệp của tôi trên con đường chinh phục cực Đông của tổ quốc.

1. Cực Đông thực sự của Việt Nam

Trước khi đi vào chi tiết chuyến đi tôi muốn dành ra vài dòng để nói lên quan điểm của tôi về cái danh từ "Cực Đông Tổ Quốc" một chút xíu nhé. Hiện nay vấn đề tranh cãi trong cộng đồng du lịch về việc giữa Mũi Đôi (Khánh Hòa) và Mũi Điện (Phú Yên) đâu mới thực sự là địa đầu cực Đông của Việt Nam vẫn còn tồn tại dai dẳng. Sở dĩ xảy ra sự tranh cãi này là bởi vì ở vào một vài thời điểm trong năm thì Mũi Điện (Phú Yên) sẽ là "nơi nhận được ánh bình minh" sớm nhất cả nước. Tôi cố tình để trong " " và in nghiêng cụm từ nơi nhận được ánh bình minh bởi vì tôi muốn nhấn mạnh sự khác nhau giữa tính tuyệt đối và tương đối của địa lý học. "Điểm cực" của bất kỳ một quốc gia nào gồm 4 hướng đông, tây, nam và bắc được xác định dựa trên hệ tọa độ địa lý của điểm cuối cùng trên ranh biên giới trên đất liền của quốc gia đó chiếu theo phương mặt phẳng trái đất thẳng. Và dựa trên định nghĩa khoa học trên thì Mũi Đôi với tọa độ 12°39'21"B 109°27'39"Đ được xác định một cách tuyệt đối về mặt địa lý và đây chính xác là điểm cực Đông của Việt Nam, điều này không có gì phải tranh cãi hay bàn luận nữa. Còn về Mũi Điện (Phú Yên) theo tôi nghĩ đã đến lúc phải chấp nhận và trả lại cho Mũi Điện vị thế xứng đáng của nó và tôi nghĩ cũng không nên bằng cách nói này hay cách nói khác vẫn cố gắng gán cho cái tên "Cực Đông - Nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam" bởi vì đơn giản trên đời này không có cái gì gọi là Cực Đông và còn là nơi đón ánh bình minh đầu tiên cả. Thứ 1, cực Đông không được xác định bằng việc nơi đó có đón bình minh sớm nhất hay không và thứ 2, không phải lúc nào trong năm Mũi Điện cũng là nơi đón bình minh sớm nhất. Tôi cũng rất yêu quý vùng đất Phú Yên nói chung và Mũi Điện nói riêng, nhưng đã đến lúc phải trả lại cho Mũi Điện sự tôn trọng và sự thật. Nếu đã yêu quý Mũi Điện thì dù có là cực Đông hay không thì chúng ta vẫn sẽ yêu quý Mũi Điện như ta đã từng. Mũi Điện vẫn tồn tại ở đấy và vẫn sẽ là nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên mảnh đất hình chữ S này, nhưng chúng ta phải chấp nhận Việt Nam chỉ có một cực Đông duy nhất đó chính là Mũi Đôi mà thôi.
HÀNH TRÌNH CHINH PHỤC CỰC ĐÔNG VIỆT NAM - 2 NGÀY 1 ĐÊM
Mũi Điện (Phú Yên) và Mũi Đôi (Khánh Hòa)Nào, bây giờ tôi vô phần chính. Làm thế nào để đặt chân đến cực Đông và bạn cần chuẩn bị những gì?1. Lộ trình di chuyển từ TP.HCM - Đầm MônThật ra trong chuyến đi này tôi về nhà của một người đồng nghiệp chơi nên điểm mà tôi đến là thành phố Nha Trang, sau đó tôi mới xuất phát từ thành phố Nha Trang bằng xe máy. Tuy nhiên, nếu các bạn chỉ đi Mũi Đôi thì các bạn sẽ đi xe khách xuất phát từ bến xe miền Đông (TP.HCM) đến bến xe Vạn Ninh (tt. Vạn Giã) luôn. Các bạn có thể ghé vào chợ Vạn Ninh để mua sắm đồ cần thiết cho chuyến đi. Từ tt. Vạn Ninh các bạn có thể thuê xe hoặc nếu có liên hệ trước với guide & porter thì họ sẽ hỗ trợ tôi việc di chuyển đến Đầm Môn. Xuất phát theo đường chính khi đến chân đèo Cổ Mã các bạn rẽ phải đi về hướng Đầm Môn - vịnh Vân Phong.
Đường vào Đầm Môn

2. Người hướng dẫn (guide & porter)

Cho đến thời điểm tôi viết bài này là 07/2018 thì tôi có đọc nhiều bài review là cung đường này hiện đã có thể tự đi được. Nhưng ở thời điểm tôi đi thì tôi vẫn liên hệ với chú Hai để nhờ dẫn đường cũng như chuẩn bị một số đồ đạc như lều, đồ ăn. Nhắc đến nhân vật chú Hai cực Đông thì chắc dân phượt quá rành rồi. Tôi cũng có biết qua nhiều vụ lùm xùm giữa chú Hai về chuyện cạnh tranh với nhau để dẫn tour ra Mũi Đôi. Nhưng thôi tôi không quan tâm lắm vì đó là chuyện làm ăn của người ta. Chọn ai cũng được miễn hy vọng họ cung cấp dịch vụ cho tôi tốt và an toàn là được rồi. Chú Hai là người tôi liên hệ nhưng thật ra người dẫn nhóm tôi đi là chú Ba Thanh (em chú Hai). Cả 2 người đều lớn tuổi, chú Ba thì hơi ít nói, hiền hiền còn chú Hai thì hoạt bát, nhanh nhẹn hơn.
Nhà chú Hai ChâuNếu các bạn nào đã từng đi và có dịp ghé lại nghỉ trưa ở nhà chú Hai thì đảm bảo sẽ được gặp một người nữa đó là vợ chú Hai. Vợ chú Hai cũng ồn ào, và dễ gần như chú Hai, chỉ cần ngồi lê đôi mách 30 phút thôi thì các bạn sẽ được cô kể đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Sự tích 2 vợ chồng cô lập nghiệp ở cái mảnh đất nắng nóng giữa sa mạc này như thế nào, chú Hai ra sao, những kỷ niệm dẫn đường và những chiến công đi tìm người lạc trong rừng của chú Hai ..... bla bla. Thật ra tôi chỉ gặp chú Hai ở hôm quay ra về, ấn tượng đầu tiên là dáng người nhỏ nhưng rất nhanh nhẹn, rắn rỏi và dù đã gần 60 tuổi nhưng ánh mắt chú Hai vẫn rất sáng ngời. Hôm thấy tụi tôi quay về đứa nào cũng lừ đừ nên chú còn nói có đứa nào đi không nổi thì để chú cõng về. Trong khi tụi tôi đứa nào cũng to xác nên thôi ráng đi chứ trong lòng cũng muốn được cõng lắm =)). Nhìn chung tôi thấy khá hài lòng khi đã thuê chỗ chú Hai làm dẫn đường, đồ ăn cơm trưa cũng vừa ăn. Bạn nào có đi muốn liên hệ thì gọi chú Hai qua số điện thoại 01662037427.
Bữa cơm vợ chú Hai chuẩn bị cho cả nhóm trước khi lên đường

3. Đồ cần mang theo

Nếu các bạn đã liên hệ với bên Guide & Porter rồi thì họ sẽ chuẩn bị trước cho bạn một số thứ như lều, đồ ăn qua đêm. Bên cạnh đó các bạn sẽ phải tự trang bị một số đồ dùng cần thiết khác đủ cho chuyến đi như:+ 1 bộ đồ y tế sơ cứu: dùng chung cả nhóm+ Đồ ăn: ăn dọc đường, ăn sáng và đồ ăn cho bữa tối cắm trại. Vì chỗ chú Hải chỉ chuẩn bị vài món cơ bản nên nếu các bạn muốn thêm thì nên tự chuẩn bị trước, một phần là sẽ tiết kiệm hơn nếu mua trước ở ngoài. + Nước uống: nước suối, red bull, monster energy, revive ... tùy các bạn thích gì. Khỏe thì mang nhiều, yếu thì mang ít vì nước của ai người đó tự mang nhưng tối thiểu cũng phải 4 lít nước cho cả chiều đi và về.+ Quần áo: càng tinh gọn càng tốt, thật ra không mang cũng được, như tôi là tôi mặc 1 bộ từ hôm đi cho tới ngày về luôn không thèm thay. Nhưng nên mang theo thêm 1 bộ để lúc về ghé nhà chú Hai tắm và thay ra cho sạch. Yêu cầu thoáng mát, quần dài vì sẽ tránh nóng và vô rừng sẽ an toàn hơn.+ Giầy: chọn giầy chuyên dùng cho trekking vì tôi sẽ di chuyển trên nhiều địa hình từ sa mạc cát, rừng, leo núi dốc, ghềnh đá và có khi đi xuống nước cho nên giầy phải chuyên dụng sẽ đảm bảo an toàn. Chống chỉ định Nike, Adidas, New Balance :)).+ Balo: 1 balo lớn bạn đeo và 1 cái túi bao tử hoặc 1 túi đeo chéo để đựng đồ điện tử, đồ cá nhân hay dùng là đủ.+ Khác: túi ngủ, áo mưa, đèn pin, bao tay, nón, khăn che, máy ảnh.

4. Hành trình chinh phục

Sau khi đến được Đầm Môn thì các bạn sẽ gửi xe lại ở nhà của một người quen chú Hai. Người này sẽ dẫn các bạn băng qua sa mạc để đến được nhà của chú Hai ở ven biển.
Đi hết con đường này trước mắt chúng tôi là một sa mạc cát mênh mông vô tận, dù đã từng tiếp xúc với địa hình cát trước đây ở Phan Thiết nhưng ở trải nghiệm lần này tôi có một cảm giác hoàn toàn khác. Đây là lần đầu tiên tôi phải vượt qua một sa mạc thực thụ. Các thành viên trong nhóm ai cũng hăng hái, do mới xuất phát nên ai cũng còn khỏe, cười đùa với nhau suốt trên đường.
Chúng tôi cứ ngỡ rằng mình đã tiến sâu vào trong sa mạc nhưng khi đi được một đoạn thì chúng tôi lại đến một con đường lớn rất đẹp. Sau này về xem google map thì mới biết con đường này sẽ dẫn thẳng tới vịnh Vân Phong và biển Sơn Đừng. Tôi đã gặp không ít những cung đường đẹp trong các chuyến đi, nhưng con đường Sơn Đừng thật sự rất đặc biệt. Một vẻ đẹp không tỳ vết, hai bên là sa mạc cát trải dài vô tận. Thời tiết hôm đó ủng hộ chúng tôi với cái nắng ấm, bầu trời trong xanh.
Băng qua con đường chúng tôi tiếp tục tiến vào sa mạc. Mọi người bắt đầu có hiện tượng say nắng và mất nước nên những tiếng cười nói đã bớt dần. Ai cũng giấu mình sau lớp áo, lớp khăn để tránh cái nắng bể đầu phía trên, lầm lũi đi theo người dẫn đường vào nhà chú Hai. Bây giờ ai cũng chỉ mong mau đến được nhà chú Hai để nghỉ ngơi và ăn một bữa thật no, hoặc ngủ một giấc nếu được.
Trong lúc mọi người gần như đuối sức và sự hứng thú không còn vì xung quanh cũng chỉ toàn cát là cát thì tôi bắt đầu nghe tiếng sóng biển rì rào. Lúc bấy giờ tôi biết mình đã gần ra tới bãi Cát Thắm. Mọi người dường như lấy lại hứng khởi được một chút khi nhìn thấy biển. Chúng tôi di chuyển tiến ra gần bãi biển hơn để đi nhanh hơn do đi trên địa hình cát bị lún khiến việc di chuyển khá chậm.
Băng qua bãi biển chúng tôi đến một căn nhà chòi nhưng đây vẫn chưa phải là nhà chú Hai, có thể là nhà của một người dân nào đó. Đã có một vài nhóm khác đến trước và đang ngồi nghỉ tại đó. Vì muốn đến nhà chú Hai sớm nên chúng tôi quyết định sẽ đi tiếp luôn chứ không ngồi nghỉ.
Có thể thấy rằng sức hút của cực đông Mũi Đôi chưa bao giờ hạ nhiệt, ngoài đoàn chúng tôi hôm đó của bên phía chú Hai thì còn ít nhất là 3-4 nhóm khác. Nên tôi nghĩ là ngoài chú Hai thì còn nhiều người nữa cũng tổ chức dẫn đường vào Mũi Đôi, hoặc nhóm các bạn đi tự túc, vì theo tôi đường đi ra Mũi Đôi không quá khó và phức tạp. Ở địa hình trong rừng nếu với những ai có kinh nghiệm đã từng đi rừng thì sẽ có lạc, vì có lối mòn và hướng đi thông thoáng khá rõ. Nếu có lạc thì chỉ lạc ở những đoạn băng qua sa mạc ở đoạn đầu cuộc hành trình, vì thật sự ở giữa sa mạc nếu không phải người dân địa phương thì rất dễ mất phương hướng nếu như không có dấu chân của những người đi trước.
Sau khoảng 15 phút leo lên địa hình với những con dốc liên tục, nhóm chúng tôi có vài đồng chí chán nản còn muốn quay ra về. Nhưng mọi người cố gắng động viên nhau và cuối cùng cũng đến được nhà chú Hai, mọi người được vợ chú Hai mang ra cho 1 ly chanh muối. Quả thật sau một chặng đường dài vừa rồi thì 1 ly chanh muối như thế này với chúng tôi có giá trị hơn cả một bữa ăn. Sau bữa ăn, chúng tôi ra phía sau nhà, đã có sẵn những chiếc võng được mắc sẵn lên để cho khách để ngã lưng. Đa số các thành viên đều mệt nên nằm lên võng là ngủ bất tỉnh. Tôi tranh thủ đi ra bãi biển phía sau nhà chú Hai dạo chơi, chụp choẹt một chút rồi cũng quay vào nằm. Thật sự dù rất mệt mỏi nhưng tôi không thể nào ngủ được bởi vì cái cảm giác bình yên, gần gũi với thiên nhiên này không phải lúc nào tôi cũng có được. Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, cái nhịp sống tấp nập, ồn ào, xô bồ của đô thị đã thấm sâu vào máu. Chân thành mà nói, tôi không thể nào sống được ở một nơi quá bình yên, nhưng đôi khi cần dành ra vài ngày để trốn thoát khỏi nó để tìm về thiên nhiên, tìm sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Nằm trên chiếc võng đung đưa, tôi chỉ khẽ nhắm mắt để lắng nghe tiếng sóng biển rì rào, cứ thỉnh thoảng có một cơn gió lùa qua xua đi cái nóng của miền trung, mọi người lại nhao nhao lên. Tầm 30 phút sau, chú Ba đến và chính thức dẫn đường đưa chúng tôi đến nơi hạ trại là bãi Rạng.
Sau bữa ăn và có được một giấc ngủ ngắn thì tinh thần cũng như sức lực của mọi người đã hồi phục. Sự tươi tỉnh đã quay lại trên các gương mặt suốt ngày chỉ ngồi bàn giấy, tiếng cười nói đã rôm rả nhưng chúng tôi không biết rằng chặng đường khó khăn bây giờ mới chính thức bắt đầu. Vì đã có người dẫn đường nên chúng tôi chỉ cần theo sát chú Ba Thanh thôi chứ cũng chẳng quan tâm mình đi đâu. Nhưng hầu như chúng tôi đều đi theo đường mòn trong rừng nên cũng khá dễ đi.
Do các đồng nghiệp "yêu quý" của tôi là dân văn phòng chính hiệu nên chỉ mới đi được nửa đường thì ai cũng mặt xanh mặt đỏ, chân run lặp cặp. Mỗi lần gặp một con dốc là cả đám lại than trời, nhưng may mắn sau đó vẫn vượt qua được. Cứ đi được 5 phút thì lại có đứa hỏi chú Ba gần đến chưa. Chắc chú Ba đã quá quen với cảnh này nên câu trả lời mang tính động viên không mấy có tác dụng cho lắm "gần đến rồi". Cho đến khi còn một con dốc cuối, chúng tôi dừng lại nghỉ ở một cái hõm đá bằng phẳng và có view nhìn ra biển rất đẹp.
Do sợ nghỉ lâu chân sẽ bị chùn đi lại rất mỏi nên chúng tôi chỉ dừng lại 5 phút sau đó tiếp tục đi tiếp, tiến thẳng ra bãi Rạng. Những chặng đường cuối cùng đã có một số thành viên trong đoàn xuống sức thật sự và bị bỏ lại ở sau khá xa so với tốp đầu. Vì trong đoàn chỉ có tôi có kinh nghiệm đi rừng nên tôi ở lại để đi cùng nhóm sau, nhóm trước vẫn theo chú Ba đi tiếp. Sau gần 3 tiếng trong rừng thì đến gần 6h chiều chúng tôi bắt đầu thấy những cánh rừng bắt đầu thưa dần và bãi Rạng hiện ra trước mắt.
Cả nhóm dù trong rừng thì mệt nói không ra hơi nhưng không hiểu sao vừa thấy biển và ra khỏi rừng thì la hú ầm ĩ như chưa có gì xảy ra. Chú Ba dẫn chúng tôi đến một bãi đất trống, rộng và bằng phẳng để dựng trại và sẽ ngủ qua đêm ở đây. Khi đến đây mình thực sự có một cảm giác gì đó thoáng buồn dù đã chuẩn bị tinh thần trước. Có quá nhiều rác thải ở đây, mất hơn 15 phút để nhóm tôi dọn bớt rác mới có chỗ để hạ lều. Vâng, rác thải chính là cách mà các bạn thể hiện tình yêu đối với thiên nhiên, với Mũi Đôi đấy các bạn ạ. Hạ trại xong đoàn của tôi cũng lên lửa dần, vì ở biển rừng nên ánh sáng tắt xuống khá nhanh. Buổi hôm đó là một ngày trời đầy gió, nhiều mây nên tôi dự đoán chiều tối sẽ có mưa. Một vài bạn do chưa từng trải nghiệm những chuyến đi kiểu này nên tỏ ra khá lo lắng, tôi cũng đến trấn an. Khi lửa đã lên thì hầu như ai cũng quên cả mệt mỏi, lo lắng mà cùng tham gia vào bữa BBQ cùng nhau.Trời tối cũng khá nhanh, và đúng như dự đoán là sẽ có mưa. Cơn mưa giữa biển có cái gì đó rất khác với mưa của thành phố. Có chút gì đó rát buốt hơn, có chút gì đó sắc lẹm, từng hạt mưa rơi như cứa vào da. Chúng tôi vội chui vào lều, tôi nhìn quanh để tìm chú Ba xem chú ngủ ở đâu, do mải mê trò chuyện mà tôi quên mất chú Ba đã đi đâu từ lúc nào. Đi tìm quanh không thấy, cơn mưa mỗi lúc ngày càng nặng hạt và càng lạnh hơn. Khi 2 bàn tay tê buốt thì tôi đành chịu nên cũng chui vào lều của mình. Ngày hôm đó mặc dù ngủ khá sớm nhưng do đã hoạt động mệt mỏi cả ngày dài từ lúc sáng sớm nên hầu như ai trong đoàn chúng tôi cũng đều ngủ được. Ấy vậy mà giấc ngủ còn chưa sâu thì tình hình trở nên tệ hơn. Mưa càng về khuya càng lớn, kèm theo gió rất mạnh. Dù ở trong lều nhưng hầu như cũng bị ướt, và chỉ tội cho một bạn ngủ ở ngoài rìa là chịu gió thổi nhiều nhất. Hậu quả là cả đêm giấc ngủ không trọn vẹn nên sáng hôm sau ai cũng tỏ ra mệt mệt do thiếu ngủ. Mãi đến rạng sáng mưa mới chết, giấc ngủ ngon chưa kéo dài được bao lâu thì 4h30 chú Ba đã đánh thức chúng tôi dậy để tiếp tục xuất phát đến điểm cuối của cuộc hành trình - Mũi Đôi. Dù tối qua ngủ không được bao nhiêu nhưng không hiểu sao khi cực Đông đã gần kề, tôi cảm thấy tỉnh táo lạ thường. Tôi bật dậy, chuẩn bị hành lý cần thiết, còn cái gì không cần tôi sẽ để lại ở lều. Chúng tôi hành quân trong đêm dưới những ánh đèn pin nối dài thành 1 đoạn đường. Đi được tầm 15 phút thì chúng tôi đến một bãi đất trống còn rộng hơn chỗ chúng tôi hạ trại, và ở đây cũng có rất nhiều căn lều và tôi nhận ra vài gương mặt quen thuộc tôi đã gặp ở căn nhà chòi sáng ngày đầu tiên. Nơi đây rộng rãi hơn, vì là trên cao nên cũng khô ráo và ít gió hơn. Những nhóm bạn này cũng xuất phát ra Mũi Đôi như nhóm chúng tôi. Địa hình hôm nay không còn là sa mạc cát, không còn rừng cây đồi núi mà là những bậc đá, ghềnh đá nhấp nhô mà dân Phượt gọi bằng cái tên thân thuộc "nhảy ghềnh đá Mũi Đôi". Mọi người hỗ trợ nhau vượt qua những tảng đá khổng lồ, hoặc có khi phải nép mình chui qua những khe hở, những cái hố tạo thành bởi khoảng trống giữa các hòn đá. Thật là một trải nghiệm chỉ ở Mũi Đôi mới có. Sau một hành trình nhảy ghềnh đá thì chúng tôi đã chính thức đặt chân tới được cực Đông của tổ quốc vào rạng sáng. Màn đêm dần đã bị xua tan nhưng ánh mặt trời vẫn chưa ló, có thể là do bị mây che do mấy hôm nay trời mưa nhiều. Nhưng để chính thức chạm đếm cột mốc thì còn phải đu dây để lên được một tảng đá lớn ở ngoài xa.
Hiện nay thì theo mình biết đã có thang dây để mọi người leo lên chứ không cần phải đu cột người vào dây như thế này. Lần lượt chú Ba kéo cả nhóm chúng tôi lên, nhìn vậy chứ thật ra để leo lên không phải là chuyện đơn giản. May mắn là nhóm chúng tôi leo lên hết, nhưng những nhóm khác có không ít người đành phải chấm dứt hành trình và ngậm ngùi đứng nhìn cột mốc tổ quốc ở bên dưới vì sợ và không dám leo lên, đặc biệt là các chị em phụ nữ. Khi chúng tối vừa đặt chân lên hết thì ánh mặt trời cũng dần xuất hiện, những tia nắng ấm đầu tiên của Tổ quốc xuất hiện.
Tôi cũng không biết nói gì hơn, chỉ biết ngồi đấy để có thể cảm nhận, ôm trọn và khắc ghi trọn khoảnh khắc tuyệt vời ấy vì sợ một mai kia tôi sẽ có thể quên đi buổi sáng hôm nay.
Cảm giác ngày hôm ấy tôi cũng không biết phải diễn tả như thế nào. Cứ sau mỗi chuyến đi, tiếp xúc mỗi con người, mỗi khoảnh khắc tôi đều mang trong mình những suy tư, trải nghiệm khác nhau. Mục tiêu của tôi là phải đến được 4 cực của tổ quốc, trong đó cực Đông là cực thứ hai tôi đến sau cực Bắc ở Lũng Cú - Hà Giang. So với Lũng Cú thì hành trình đến với Mũi Đôi khó khăn, vất vả hơn nhiều. Có bỏ công bỏ sức ra và nhìn thấy được thành quả từ những cố gắng của bản thân mới thấy trân quý và cảm nhận được sự thiêng liêng của các cột mốc tổ quốc. Gặp gỡ những con người nơi đây, mới cảm thấy được sự chân chất, hồn hậu của tình người giữa nơi nắng cháy cả da, mưa rát cả thịt. Buổi trưa hôm qua ngồi nghe vợ chú Hai tâm sự chuyện đời, tôi mới có được câu trả lời cho câu hỏi mà mỗi khi tôi đến một vùng đất nghèo khổ, hoang sơ, thiếu thốn tiện nghi, tôi thường hay tự hỏi mình rằng "Tại sao con người ta lại có thể sống ở đây được".
chú Ba ThanhCả nhóm chúng tôi lúc bình thường thì nhao nhao là vậy, nhưng khi đặt chân đến cột mốc tổ quốc, chúng tôi mỗi người chỉ ngồi và ngắm nhìn khung cảnh bình minh trước mặt. Mỗi người chắc có lẽ chìm trong những suy tư của riêng mình. Ở đó tầm 30 phút, mọi người leo lên mỗi lúc một đông nên chúng tôi cũng quyết định đi xuống và xuất phát quay trở về. Dù vẫn muốn nán lại thêm chút nữa nhưng cũng đã đến lúc phải chào tạm biệt Mũi Đôi rồi. Không biết trên bước đường phiêu bạt tôi sẽ còn dịp quay trở lại đây nữa hay không. Thôi đành gửi lại một chút tình cảm riêng tư vào trong cái chóp sắt này, dù sau này sự đời có ra sao, lịch sử có thế nào thì nơi đây cũng đã từng là nơi lưu dấu chân của không biết bao nhiêu con người ham mê chinh phục.
Nhóm chúng tôiSau khi trở về chỗ hạ lều thì chúng tôi thu dọn đồ đạc, gom rác và chuẩn bị xuất phát quay trở về nhà chú Hai. Do đã quen đường với lại là đi về nên chúng tôi cũng tâm trạng thoải mái, cộng với thời tiết tốt nên đường về cảm giác ngắn hơn nhiều so với lúc đi. Do đồ đạc cũng vơi dần nên cũng khá nhẹ, vừa đi chúng tôi vừa có dịp ngắm nhìn lại những cảnh đẹp mà chúng tôi đã bỏ qua.
Kết thúc chuyến hành trình và quay về, trên đường quay về chúng tôi còn ghé qua một nơi khác cũng khá được nhiều người biết đến ở Khánh Hòa đó là bãi biển Dốc Lết. Sau 2 ngày lăn lộn, vật vã với cát và nắng, nhóm chúng tôi quyết định sẽ đi biển để thay đổi không khí và Dốc Lết là điểm đến tiếp theo. Bãi biển khá vắng, và rất sạch nên chúng tôi thoải mái tắm biển và xem như là để rửa sạch bụi trần của hai ngày hành xác vừa qua.
Và Dốc Lết cũng là địa điểm cuối cùng trước khi tôi tạm biệt thành phố biển Nha Trang để quay về Sài Gòn - chốn bụi bặm, ồn ào quen thuộc của tôi. Chuyến đi đã khép lại với nhiều cảm xúc và tôi lại tích lũy được thêm nhiều trải nghiệm mới trong hành trình chinh phục cực Đông tổ quốc. Đây sẽ mãi mãi là một trong những chuyến đi ý nghĩa nhất trong cuộc đời tôi.
P/s: Các bạn có thể vào Explore with Dusffy để theo dõi các chuyến đi của mình nhiều hơn nhéNguồn : gody.vn