Đến du lịch ở một quốc gia khác chính là bạn đang làm khách trong nhà của người khác. Bạn có thể được chào đón nồng nhiệt nhưng điều này cũng đồng nghĩa bạn phải tự biết điều chỉnh bản thân.
Thật không may, sẽ luôn có một vài con sâu làm rầu nồi canh, khiến cả cộng đồng khách du lịch bị mang tiếng và tạo ấn tượng không đẹp trong mắt người bản xứ. Danh sách dưới đây sẽ điểm lại 6 thể loại khách du lịch bị “xách cổ đuổi đi” ở bất cứ quốc gia nào trên khắp thế giới.
Kiểu “Em là siêu mẫu, nhìn em đi”
Việc cảm thấy phấn khích, thậm chí là xúc động đến rơi nước mắt đến thăm các địa danh mơ ước trên thế giới là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, với một số người “hừng hực sinh khí”, cái sự xúc động đậy của họ chỉ có thể được giải tỏa bằng việc khỏa thân. Đến đây, rắc rối thực sự bắt đầu.
Vào năm 2015, đã có 10 khách du lịch đã khỏa thân trên tàn tích cổ Machu Picchu hay hai người Mỹ đã bị bắt ở Thái Lan vì hành vi khoe mông phản cảm khi đến thăm ngôi chùa Wat Arun nổi tiếng ở Bangkok năm 2017.
Nhưng với tay nhiếp ảnh gia người Đan Mạch Andreas Hvid, rõ ràng khỏa thân là chưa đủ. Tên này thậm chí còn có hành vi quan hệ tình dục với một người mẫu giấu tên trên đỉnh Kim tự tháp Giza ở Ai Cập vào tháng 12 năm ngoái. Sau đó, hắn ta còn tự quay lại đoạn clip trên và post lên mạng xã hội để đến khi cả cộng đồng mạng nổi giận vì nó thì lại thanh minh là đoạn clip là giả.
Kiểu “Nghệ sĩ graffit wannabe”
Nghệ thuật đường phố đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch quan trọng ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên, có lẽ là không phải ai cũng định nghĩa được thế nào là nghệ thuật và phá hoại của công là như thế nào, khi đã viết tên mình một cách nguệch ngoạc trên những công trình kiến trúc hàng ngàn năm tuổi.
Tháng 11 năm ngoái, hai du khách, một Canada và một Anh đã phải nhận án tù sau khi phá hủy một bức tường gạch cổ ở Chiang Mai. Hai người này đã viết những dòng chữ Scouser Lee lên trên một cánh cổng cổ đã có từ thế kỷ 13 của thành phố.
Một số “nghệ sĩ graffiti” tự phong khác cũng đã để lại ấn tượng với công chúng theo cách không thể khó chịu hơn như những dòng chữ tên mình nguệch ngoạc của một thanh niên Trung Quốc trên một tác phẩm điêu khắc tại ngôi đền 3500 tuổi ở Luxor, Ai Cập vào năm 2013; hay một cặp đôi tự khắc tên mình trên cột cờ ở đỉnh Fansipan vào đầu năm nay tại Việt Nam.
Kiểu “Sát nhân động vật”
Vào năm 2017, một con cá heo con đã chết sau khi bị một nhóm khách du lịch tại một bãi biển ngoài khơi Tây Ban Nha đưa lên cạn chỉ để chụp ảnh tự sướng. Điều đáng buồn là đây không phải là lần đầu tiên, các con thú vô tội phải bỏ mạng vì những hành động ích kỷ và thiếu ý thức như vậy.
Cũng trong khoảng thời gian nói trên, một vài con công trong vườn thú ở Côn Minh, Trung Quốc cũng bị chết sau khi các khách du lịch địa phương tìm mọi cách để chụp ảnh tự sướng với nó. Những người này còn thô bạo tới mức giật cả lông vũ trên người con vật ra.
Tất nhiên, nếu bạn đối xử không tốt với thiên nhiên, bạn sẽ nhận được chính “quả” mà mình đã gieo. Đây chính là điều đã xảy ra với một khách du lịch Singapore tìm cách chụp ảnh với một con rồng Komodo tại Indonesia. Người này đã bị một con khác trong đàn vồ lấy và bị thương ở chân. Ngay lập tức anh này phải đưa đi bệnh viện điều trị và may mắn, anh ta vẫn còn sống để thấm thía nỗi đau từ sự ngốc nghếch của mình sau đó.
Kiểu “Tiện tay cầm nhầm”
Khi đặt chân đến một vùng đất mới, thật dễ dàng bị hấp dẫn bởi những món đồ độc đáo, dễ thương mà chỉ ở đó mới có. Chính vì thế, sẽ hoàn toàn dễ hiểu nếu như bạn muốn tự sở hữu cho mình một hai món đồ như vậy.
Nhưng những khách du lịch theo kiểu ‘hai ngón” dưới đây lại dễ bị mê đắm bởi tất cả mọi thứ trong tầm mắt của mình và họ sẽ tìm đủ mọi cách để thó vài món về nhà, cho dù điều đó là bất hợp pháp.
Dễ liên tưởng nhất có thể kể đến trường hợp cặp nam nữ tại Đà Lạt đã có hành vi “cầm nhầm” chú chó corgi 25 ngày tuổi của chủ quán khi đến uống cà phê tại đây. Những người này chỉ đồng ý trả lại chú chó cho cửa hàng khi bị chủ quán tố cáo và bị cộng đồng mạng lên án mạnh mẽ.
Một vài đạo chích du lịch khác cũng có thể kể đến một giảng viên đại học đã mang trộm 10 mảnh san hô, mà anh này đã tự ý bẻ gãy từ rặng san hô bên trong khu bảo tồn thiên nhiên đảo Vi Châu tại Trung Quốc vào đợt tháng Hai năm nay.
Kiểu “Cái bang xuyên lục địa”
Hiện tượng “begpacker” hay những khách du lịch phương Tây ngồi vạ vật ở các khu vực công cộng và xin xỏ người dân địa phương tại các quốc gia kém phát triển hơn để chu cấp cho chuyến đi của mình đã không còn xa lạ với nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á, như Thái Lan, Philippines, Hồng Kông và ngay cả tại Việt Nam.
Hình ảnh này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, đồng thời tạo tiền lệ xấu với những kẻ lười biếng mà vẫn muốn hưởng thụ các chuyến du lịch xa xỉ xa nhà, với các chi phí mà bản thân họ không thể trang trải được. Còn với những người bản địa, hẳn họ cũng không mấy dễ chịu khi thấy những kẻ lười nhác từ các quốc gia có mức sống cao đến ăn bám người dân có mức thu nhập hàng tháng thấp hơn nhiều.
Kiểu “Chơi lớn một lần xem thiên hạ có trầm trồ”
Rõ ràng đây là loại khách du lịch đáng ghét nhất ở bất kì đâu khi họ liên tục có những lời lẽ thô lỗ, xúc phạm đến cư dân và văn hóa bản địa, hay thậm chí có những hành động khiến quần chúng khiếp đảm như phóng nhanh vượt ẩu, làm ồn nơi công cộng.
Người dân Nhật Bản hẳn là thấu hiểu điều này rõ nhất khi đời sống hàng ngày của họ bị đảo lộn do sự phát triển quá nóng của ngành du lịch của nước này. Một số trường hợp nổi bật có thể kể đến như nhóm khách du lịch Trung Quốc trèo lên cây hoa anh đào và lắc các cành cây để người ở dưới có được những pô ảnh đẹp khi du lịch đến Nhật Bản. Hay một công dân Anh đã thẳng tay tát một nhân viên phòng xuất nhập cảnh khi bị lỡ chuyến bay tại Bali vào năm ngoái.
Nghiêm trọng hơn, các khách du lịch kiểu này còn khiến cả quốc gia “phát sốt” vì bực. Như trong trường hợp 12 khách du lịch từ Anh Quốc đã khiến cả nước New Zealand tức giận vì những hành động khủng khiếp mà họ đã làm trong chuyến đi của mình: xả rác bừa bãi, làm bừa phòng khách sạn, không trả tiền ăn, móc túi và đe dọa dân địa phương. Chính vì thế, chính quyền địa phương phải ra lệnh trục xuất nhóm người này ngay lập tức.
Ý thức du lịch kém cũng là chủ đề nóng trên nhiều trang báo mạng Việt Nam sau kì nghỉ lễ dài vừa qua. Hình ảnh Đà Lạt từ thành phố ngàn sương thành bãi tập kết rác lớn nhất Tây Nguyên hay hàng đống rác rưởi bên đường được một nhóm phượt thủ phẫn nộ khi để lại một túi nilon trên đường quốc lộ. Mong rằng, sau bài viết này, những người đã và đang có dự định đi du lịch sẽ có thêm ý thức khi đến một vùng đất mới và tránh khỏi việc trở thành những tuýp người kể trên.