Từ chỉ quen với việc “chân lấm, tay bùn”, nhiều hộ nông dân ở Đà Nẵng đang trở thành những người làm du lịch chuyên nghiệp. Mô hình du lịch nông nghiệp không những giúp người nông dân trong quá trình đô thị hóa có thêm thu nhập, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng.
Đa dạng sản phẩm du lịch
Đến vùng rau phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn không khó để tìm gặp bà Công tại vườn rau trên đường Dương Khuê khi bà đang hướng dẫn khách du lịch làm đất, trồng rau sạch, tưới nước. Kể lại thời điểm bắt đầu “bén duyên” với việc làm tour du lịch nông nghiệp, bà Công cho hay, đó là một sự tình cờ. Lúc ấy, trong lúc bà đang chăm sóc vườn rau của mình ở đường Chương Dương thì có 3 du khách nước ngoài đến hỏi và ngỏ ý được tìm hiểu và chụp hình lưu niệm.
Với vốn tiếng Anh sẵn có, bà Công nhiệt tình hướng dẫn và chụp hình chung với họ. Bẵng một thời gian, đến cuối năm 2015, khi bà và một số hộ khác đang thu hoạch rau thì có một cô gái cầm tấm ảnh chụp bà cùng những người khách du lịch đến hỏi thăm và mong muốn hợp tác hướng dẫn khách du lịch làm nông nghiệp. Từ đó, tôi bắt đầu với công việc thú vị này.
“Tôi không nhớ mình hướng dẫn bao nhiêu đoàn khách. Để có thể hướng dẫn khách du lịch làm nông nghiệp, ngoài biết tiếng anh còn phải hiểu quy trình làm của người nông dân như vậy mới có thể chia sẻ cho du khách hiểu. Mỗi ngày tôi tiếp từ 1-2 đoàn khách đến du lịch, tham quan vườn rau, mỗi đoàn từ 2-7 người, chủ yếu là khách Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc, Hồng Kông… tiền công hướng dẫn mỗi khách 50.000 đồng” – Bà Công chia sẻ.
Cô Fujino Chiharu - du khách Nhật Bản, tham gia tour trải nghiệm làm nông dân do bà Công hướng dẫn chia sẻ, rất thích thú khi tham gia tour này. “Cô chủ vườn rất vui tính khiến chúng tôi rất vui”, cô Fujino Chiharu vui vẻ nói. Bà Công chia sẻ, làm du lịch không khó, chỉ cần người nông dân thân thiện, nhiệt tình, cần học cách giao tiếp từ ánh mắt nụ cười đến phong thái, ăn mặc gọn gàng, để khách đến đây có ấn tượng tốt về quê hương, đất nước mình. Nếu mô hình này được nhân rộng ở các vườn rau trên địa bàn thành phố thì không những giúp người nông dân tăng thêm thu nhập, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng - Việt Nam thân thiện, mến khách” bà nói.
Nông nghiệp xanh, sạch phục vụ du lịch
Du lịch nông nghiệp đang trở thành sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, “giữ chân” du khách khi đến với Đà Nẵng. Hai năm gần đây, làng rau Túy Loan, thành phố Đà Nẵng là điểm đến tham quan, của nhiều du khách. Ông Trần Lượng, thành viên HTX Dịch vụ sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Túy Loan chia sẻ, mỗi lần các đoàn khách hoặc học sinh tới là cả làng rau lại náo nhiệt hẳn. Mọi người cười, nói và không ngừng hỏi về những động tác trồng rau, nhổ cỏ, bắt sâu. Người dân trong thôn ai cũng hiếu kỳ ra xem và hòa chung niềm vui với các du khách.
HTX đã áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất như: chương trình IPM, ứng dụng chế phẩm sinh học, sản xuất rau trong nhà lưới có mái che, trồng rau có màng phủ nông nghiệp, sản xuất theo hướng hữu cơ… để phát triển du lịch sinh thái.
“Việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học vào sản xuất và kết hợp trồng các loại cây, hoa truyền thống như: mít, xoài, ổi, mận, vú sữa… đã giúp du khách thấy được các loại cây, quả, mô hình sản xuất nông nghiệp trên thực tế”- ông Trần Lượng cho biết.
Trung bình mỗi năm vườn rau đón gần 7000-8000 du khách đến tham quan, trải nghiệm. HTX làm du lịch sinh thái tại làng rau đã giúp cho 50 lao động của HTX có công việc, thu nhập thường xuyên và ổn định. Qua đó, đã xóa nghèo được 7 hộ, giúp 15 hộ khó khăn vươn lên và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng cho biết, thành phố chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao với định hướng cung cấp sản phẩm cho người dân cũng như tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo. Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 104/2017/NQ-HĐND về quy định chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn TP Đà Nẵng, trong đó đều có những quy định ưu tiên, ưu đãi cho phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, các điểm du lịch nông nghiệp ở Đà Nẵng mới chỉ đáp ứng nhu cầu đơn giản của du khách khi tham quan, trải nghiệm. Ông Nguyễn Phú Ban cho rằng, để du lịch nông nghiệp phát huy hiệu quả tốt nhất, cần có chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận vốn, tăng cường kết nối với các đơn vị lữ hành, đào tạo đội ngũ nhân lực người bản địa và đầu tư cho truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch nông nghiệp.
“Sở Nông nghiệp, các quận, huyện đang phối hợp với Sở Du lịch để xây dựng các vùng chuyên canh, những vùng rau sạch. Đồng thời, tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng như: Kỹ năng giao tiếp, bồi bàn, nấu ăn, quảng bá du lịch… cho các hộ nông dân. Đây được coi là tiền đề và động lực quan trọng để tăng thu nhập cho người nông dân, thúc đẩy phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, góp phần làm phong phú thêm các hình thức, dịch vụ du lịch ở thành phố được mệnh danh là “đáng sống nhất Việt Nam”. – ông Nguyễn Phú Ban khẳng định.
Theo KT-ĐT