Sài Gòn, không lãng mạn như Venice thơ mộng, cũng chẳng hoa lệ như Paris của Pháp xa xôi. Nó ồn áo, chật chội và khói bụi nhiều đến sợ. Thế nhưng bằng cách nào đó, len lỏi đâu đó trong lòng con người ta yêu Sài Gòn đến lạ. Nếu ví von Sài Gòn như một cô gái, thì hẳn cô ấy không phải là một cô gái với vẻ ngoài kiều diễm kiêu sa, càng không phải là kiểu con gái khiến con người ta yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cô gái ấy sẽ giản dị, phóng khoáng và gần gũi như cô gái nhà bên mà bạn vẫn hằng nghĩ đến, có một vẻ đẹp tiềm ẩn nào đó, khó diễn tả thành lời. Chỉ biết rằng, "cô gái Sài Gòn" ấy làm người đến chẳng muốn đi, người đi rồi chỉ muốn về.
Nếu như bạn là một người con Sài Gòn, hay đơn giản chỉ là một người đến Sài Gòn sống và kiếm kế sinh nhai thì cũng đừng bỏ qua những hình ảnh đong đầy yêu thương này, đồng thời cũng để hiểu hơn về "cô gái Sài Gòn", nhé!
1. Cơm tấm sườn
Nếu như ở Hà Nội có bát phở nóng hôi hổi là món ăn đặc trưng thì ở Sài Gòn, món đó là cơm tấm sườn. Sẽ chẳng hề nói ngoa chút nào khi người Sài Gòn hoàn toàn có thể vỗ ngực tự đắc nói rằng đây là món ăn đặc sản biểu tượng độc tôn của Sài Gòn, bởi nó là thứ có thể khiến bất kỳ một thực khách từ phương xa nào đến “phải lòng”. Miếng sườn nướng chín đều thơm lừng, nước mắm cay cay, mỡ hành chan lên cơm đều hạt và ngon. Nghe thôi là đã thích rồi.
Ở Sài Gòn, cơm tấm được bán cả sáng trưa chiều tối và cả khuya, từ những con hẻm nhỏ đến các đoạn đường lớn, từ những quán bình dân ai cũng có thể ăn được cho đến những quán thượng đẳng sang chảnh, chẳng hề khó nếu như bạn muốn tìm một quán cơm tấm sườn. Bộ ba độc tôn: Sườn - Bì - Chả làm cho món cơm tấm trở nên quyến rũ hơn bao giờ hết.
Nhiều người Sài Gòn ăn cơm tấm vào những giờ khuya muộn bởi lúc đó mới thôi tất bật với những giấy tờ hay những cuộc họp hành nhưng lại không ít người chọn cơm tấm sườn lại là món điểm tâm bắt đầu ngày mới. Âu cũng là tại cái sự bận rộn của Sài Gòn làm còn người ta phải chuẩn bị sẵn cho mình một năng lượng thật tràn đầy để có thể đấu chọi lại với guồng nhịp sống chưa một lần chậm lại ở đất Sài Gòn.
2. Cafe bệt
Dẫu số lượng quán cafe mọc lên như nấm ngày càng nhiều ở Sài Gòn, dù cho ở đó có máy lạnh, có phục vụ đầy đủ tiện nghi nhưng không ít người Sài Gòn vẫn thích uống cafe bệt. Giống như tên gọi của mình, cafe bệt là kiểu uống ngồi bệt xuống nền gạch đá công viên vừa nói chuyện với bạn bè vừa tận hưởng cảm giác thanh thản giữa thành phố.
Một chút xuề xòa khi ngồi bệt, một ít giản dị với vài ba tờ báo cũ kỹ được lót trên vỉa hè, một chút vui vẻ khi được hàn huyên khắp các thứ chuyện trên trần đời, đôi khi vì những cơn mưa bất chợt của Sài Gòn mà chỉ kịp cầm tờ báo với ly cafe rồi chạy đi trú mưa. Cafe bệt mang đậm hơi thở của người Sài Gòn, có gì đó phóng khoáng, bình dị và đôi khi là luộm thuộm một tẹo. Chẳng tốn kém tiền của và cũng hết sức bình dân, cafe bệt hàn gắn giữa mọi người một cách tự nhiên đến lạ, thay vì chăm chú vô chiếc điện thoại vô hình, cafe bệt làm con người ta tập trung vào những câu chuyện của nhau, cũng nhờ sự bệt đó mà con người ta thoải mái và dễ chịu hơn.
3. Hóng gió ở nóc hầm Thủ Thiêm
Hầm Thủ Thiêm là một điểm đến mà không dân Sài Gòn chính hiệu nào là không biết. Ở đây bạn có thể nhìn ngắm cảnh trung tâm thành phố xa hoa quận 1 sáng đủ thứ màu đèn xanh đỏ mỗi khi màn đêm buông xuống, bạn cũng có thể nhìn những con tàu chở những container hàng qua lại trên sông. Hầm Thủ Thiêm cũng là một địa điểm lý tưởng để bạn tụ tập bạn bè, ăn cá viên chiên từ những cô chú bán hàng rong, hay uống những ly trà sữa ngon lành, rồi cùng nhau hát hò, cùng nhau kể chuyện và cả cùng nhau bị muỗi đốt nữa. Cảm giác thích lắm các bạn, kèm theo đó là một chút gì đó ngờ ngợ, vì đơn giản là ai mà ngờ rằng giữa cái chốn "phồn hoa đô thị", một thời làm hòn ngọc viễn đông lại có nơi yên ắng, gió mát như ở miền quê như thế này cơ chứ.
Đây cũng là nơi lý tưởng cho những nhiếp ảnh gia cả chuyên nghiệp và nghiệp dư tác nghiệp nữa nha, bởi sự đẹp đến kỳ thường của những bức ảnh được check-in ở đây, bởi phảng phất trong những bức hình khi chụp ở Thủ Thiêm luôn đậm mùi Sài Gòn đến lạ. Chắc có lẽ là nhờ những tòa cao ốc chọc trời, và tòa bitexco tận 68 tầng ở bên kia bờ sông.
4. Hủ tiếu gõ
Nhắc đến hủ tiếu gõ là nhớ đến hình ảnh Sài Gòn vào những hôm về khuya, một chiếc xe tạm bợ bên trên đó là nồi nước lèo bốc khói nóng nghi ngút với các loại gia vị, tô muỗng,... Hủ tiếu gõ là một món ăn rất bình dân, được tầng lớp lao động Sài Gòn rất yêu thích. Hủ tiếu gõ có từ bao giờ? Chẳng ai biết câu trả lời cả? Hủ tiếu gõ có ở đâu? Khắp nơi ở Sài Gòn đều có hủ tiếu gõ, từ những con đường lớn hay những góc đường lề phố, hay thậm chí là một con hẻm nhỏ đi chẳng nề, chẳng hề khó để ta có thể bắt gặp những chiếc xe hủ tiếu vào đêm.
Chiếc xe hủ tiếu gõ được làm rất thô sơ và giản dị, có nơi dùng xe máy nhưng hầu hết là xe đạp, khi đi thì có một dụng cụ gõ tạo ra âm thanh “lóc cóc” để thực khách biết được. Cứ như vậy, chiếc xe hủ tiếu len lỏi khắp các con đường, con hẻm và trường học. Và đó cũng là căn nguyên cho cái tên “hủ tiếu gõ”. Vẫn nhớ những đêm hôm trời se lạnh, ngồi học bài ôn thi mà ruột đói cồn cào, thế là xách xe ra đường tìm một xe hủ tiếu gõ. Một ít hoành thánh, một ít bò viên đi kèm vài một vài lát chả và thịt, dĩ nhiên là chẳng thể thiếu sợi hủ tiếu rồi. Ăn một tô thôi mà no bụng, ấm dạ và tỉnh cả người.
5. Bitexco
Không chỉ là trung tâm mua sắm và ăn chơi hiện đại, Bitexco còn là một tòa nhà mang tính biểu tượng của Sài Gòn với chiều cao hơn 260m và là một trong những tòa nhà cao nhất ở Việt Nam. Ở trên Bitexco còn có một sân thượng to oành hoành tráng và trực thăng hoàn toàn có thể đáp xuống đó được.
6. Chợ Lớn
Chợ Lớn hay còn gọi là chợ Bình Tây, là ngôi chợ nổi tiếng tại Sài Gòn, khu vực kéo dài từ quận 5 đến quận 6. Một địa điểm mang đậm tính chất lịch sử, văn hóa đặc trưng mà bất kỳ du khách nào đến Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải ghé thăm.
Chợ Lớn Sài Gòn là một trong những khu chợ lâu đời nhất Sài Gòn. Nhắc đến Chợ Lớn là nhắc đến hình ảnh các xưởng thủ công đêm ngày hoạt động nhộn nhịp, cho đến những gánh hàng trong hay những hàng quán san sát nhau. Bên cạnh đó, vi đây cũng là khu vực đông đúc người Hoa sinh sống nên dễ dàng để bạn bắt gặp những dãy nhà hình ống khói cổ điển đặc trưng của Hoa Kiều. Đôi khi dừng chân đâu đó ở Chợ Lớn, tíu tít đâu đó bạn sẽ nghe được tiếng người Hoa vang vọng, nhiều lúc cứ ngỡ rằng bản thân mình đang lạc vào khu phố cổ nào đó của người Hoa.
7. Bánh tráng trộn
Chẳng phải tự nhiên mà người ta cứ bảo nhau rằng Sài gòn là thiên đường ăn vặt bởi nó sản sinh ra vô vàn những món ăn vặt như xoài lắc, bánh mì muối ớt, trái cây xô,... làm cho giới trẻ từ khắp mọi nơi cứ sốt xình xịch cả lên. Nhưng cứ món này nổi tiếng lên thì món kia lại chìm xuống và ít người ăn lại, ấy vậy mà bánh tráng trộn, từ mùa này sang mùa nọ vẫn được yêu thích trường tồn bền vững và được không chủ giới trẻ Sài Gòn ưa thích mà còn cả người lớn nữa chứ.
Nhắc đến bánh tráng trộn lại nhắc đến Sài Gòn, đây là nét ẩm thực quà vặt đặc trưng đường phố đầy hấp dẫn và quyến rũ. Mỗi nơi lại có một cách chế biến riêng để lôi kéo thực khách trở lại với mình lần kế đến. Và dĩ nhiên nhắc đến bánh tráng trộn là phải nhắc tới con đường Nguyễn Thượng Hiền - thiên đường bánh tráng trộn với loạt các hàng quán nối tiếng như Bánh tráng trộn chú Long, bánh tráng trộn chú Viên,... Chua chua mùa xoài, bánh tráng trộn đượm mùi, đậm vị, trứng cút ngon lành,... nghe thôi là đã ứa nước miếng rồi nè!
8. Pê đê
Pê đê thì nơi nào chẳng có nhưng nhiều như ở Sài Gòn thì chắc là không. Một phần là vì Sài Gòn đông dân, nhiều phần còn lại là chắc vì suy nghĩ của người dân thoáng nên mọi người thoái mái bộc lộ cá tính và sống thật với bản thân mình hơn. Bạn biết đấy, chẳng phải tự nhiên mà những người thuộc cộng đồng LGBT cứ thay nhau đến Sài Gòn sinh sống, có lý do cả đấy. Ở cái nơi mà đi ra đường một phát là kẹt xe, nhìn quanh đâu cũng thấy tường rào cổng ngõ chẳng có gì dư dả ngoài tình người, không nhiều thì sẽ ít, không người này thì sẽ người kia, dù cho bạn có giàu hay nghèo, hay mang trong mình giới gì đi chẳng nữa,...
Cơ mà, pê đê thì đã sao? Thì dễ thương, sáng tạo và xinh đẹp chứ sao? Đã thế rồi còn dũng cảm và tự tin nữa dám khẳng định bản thân mình. Trích một câu trong Sài Gòn - "Miền đất hứa" của pê đê: "Dù bạn có là ai, có xuất phát từ đâu, nhưng khi đến Sài Gòn, chỉ cần bạn chân thành và dũng cảm, Sài Gòn vẫn sẽ hồn hậu dang tay ôm bạn vào lòng và chấp nhận bạn như con người bạn vốn là"
9. Sài Gòn về đêm
Những tưởng rằng, sau một ngày tấp nập và bộn bề với guồng quay công việc đầy mệt mỏi của mỗi người dân thì Sài Gòn về đêm sẽ yên bình và tĩnh lặng lắm. Nhưng nào có phải, khi màn đêm buông xuống, cũng là lúc những ánh đèn xanh đỏ từ khắp các toàn nhà sáng lên, cũng là lúc phố đi bộ Nguyễn Huệ, Bùi Viện hay những tụ điểm ăn chơi bắt đầu trở nên đông đúc và cũng chính là thời điểm con người ta quẩy sung quẩy nhiệt nhất để giải tỏa bao căng thẳng sau một ngày mệt mỏi với áp lực. Thế mới bảo, đâu có phải tự dưng mà người ta bảo nhau rằng Sài Gòn là thành phố không ngủ.
Cơ mà đó là sự ồn ào và huyên náo của những tụ điểm ăn chơi thôi. Đâu đó ở một vài quận vắng vẻ hơn như quận 8, hay chỉ đơn giản là Hầm Thủ Thiêm, nằm cách quận 1 chỉ một dòng sông thôi, Sài Gòn tĩnh mịch đến lạ thường, nghe cả tiếng dễ kêu. Nhưng dù là cho ở đâu thì ánh sáng của Sài Gòn lúc đêm về từ những tòa nhà là một vẻ đẹp mà không phải nơi nào cũng có đúng không?
10. Ốc
Chẳng biết từ bao giờ và bằng cách nào, dù cho Sài Gòn chẳng phải là thành phố biển như Nha Trang hay Vũng Tàu, nhưng ở đây lại cơ man không biết bao nhiêu hàng quán bán ốc với vô vàn các chủng loại ốc và cách chế biến phong phú đa dạng chẳng kém cạnh bất kỳ nơi nào. Vào chiều tối, khi những con phố lên đèn cũng là lúc bè bạn tụ tập í ới gọi nhau vào những hàng quán ốc để tụ tập rôm rả bàn tán chuyện. Từ chiếc xe đẩy bình dân với cái bếp nhỏ xíu để chế biến đến các hàng quán với hàng trăm loại ốc đang chực chờ thực khách gọi tên cho hết. Tất cả tạo nên một nét đẹp ở thực ở Sài Gòn về đêm.
Chẳng biết có ai bảo rằng là nói điêu không nhưng mà thưởng thức những món ốc ở Sài Gòn cũng là một nghệ thuật đấy. Ốc ở Sài Gòn chế biến không chỉ đơn giản như ngoài bắc, tức là chế biến theo xu hướng cân bằng âm dương bằng cách hấp gừng, xào sả, lá chanh,... ốc ở Sài Gòn đa dạng và phong phú từ những món hấp, luộc, chiên, rang cho đến đút lò đi kèm với đủ các thể loại gia vị như tỏi, hành, phô mai, trứng, rau muống,...
Mỗi món ốc khác nhau lại có một cách ăn, mà chỉ khi biết thưởng thức bạn mới có thể cảm nhận được vị ngon đúng điệu, chẳng hạn như ốc xào tỏi, vừa lễ ốc, bạn vừa quệt mút nước xào mằn mặn ngọt ngạo và hơi sệt, còn nếu ốc rang muối hay cháy tỏi thì ngậm vỏ để lớp cháy tỏi muối ớt cay cay kia hòa tan trong miệng. Có như thế thì vị giác bạn sẽ tròn đầy trong sự hài lòng.
11. Hẻm
Những con đường hoa Sài Gòn ồn ào, huyên náo xe cộ bon chen bao nhiêu thì những con hẻm lại bình yên đến bấy nhiêu. Hẻm Sài Gòn, dù to hay nhỏ thì cũng không ai dám phủ nhận độ dài thăm thẳm và sự mê cung khiến con người ta nổi da gà mang tên "hẻm của hẻm".
Sài Gòn mà, nếu là dân sỏi đường thì kẹt xe có là sớ gì, "chặt" nhẹ đôi ba cái hẻm ngoằn ngoèo một xíu là tới nơi mình cần đến. Cơ mà không phải hẻm nào "chặt" cũng là hay, có những con hẻm ở Bình Thạnh khiến bạn phải há hốc vì độ rằn ri khi một suyệt của nó tương ứng với 4 con hẻm. Người quen đến tìm nhà ở đây thì hoang mang, shipper đem đồ đến thì hốt hoảng. Hẻm Sài Gòn, có mấy cái bự bự dễ đi, cũng có không ít cái hẻm nhỏ chút xíu hà, đi lộn một phát là chỉ có nước đi lùi xe để ra khỏi hẻm thôi.
12. Kẹt xe
Kẹt xe thì ở đâu chả có, cơ mà kẹt xe ở Sài Gòn lên hẳn một đẳng cấp mới, có thể nói là kẹt của kẹt xe luôn. Từ Điện Biên Phủ, đến Ba Tháng Hai hay Cộng Hòa, nhiều lúc tan tầm chẳng nhích được cây xe, nhiều người ví von rằng, đi mấy trục đường chính ở Sài Gòn thì tốt nhất nên cầm theo sách để đọc trong khi chờ xe đỡ kẹt. Và việc kẹt xe sẽ càng khủng hoảng hơn khi tự dưng trời nổi cơn mưa, xe thì chẳng nhích được, tiếng bô xe, tiếng còi khắp nơi thì nổ inh ỏi, bạn thì ướt nhẹp. Nghĩ tới thôi là cả một vùng trời mỏi mệt rồi.
13. Phúc Long
Trong thời buổi mà hàng loạt thương hiệu trà sữa, cafe từ nước ngoài đua nhau hội nhập vào Sài Gòn và đua nhau chiếm lĩnh thị trường này thì việc một hãng trà thuần Việt như Phúc Long đứng vững trên đấu trường khốc liệt ấy ắt hẳn chẳng phải là điều dễ dàng gì. Ấy vậy mà trong mấy năm qua Phúc Long ngày càng được đông đảo giới trẻ Sài thành biết đến hơn và chẳng hề kém cạnh bất kỳ một ông lớn như Starbucka hay Highland nào cả.
Sự yêu mến của giới trẻ Sài thành dành cho Phúc Long có lẽ không chỉ bởi đây là một thương hiệu thuần Việt mà còn bởi giá cả hợp lý, menu đồ uống phong phú và đa dạng phù hợp với khí hậu ở Sài Gòn. Bên cạnh đó cũng không thể phủ nhận rằng Phúc Long có những vị trí quán đắc địa nên hoàn toàn dễ dàng trở thành tụ điểm cho giới trẻ check-in với nhau.
14. Xe ôm Sài Gòn
Chẳng hề khó chút nào để bắt gặp một chú tài xế xe ôm, dù là trên những trục đường lớn hay những con hẻm nhỏ, nhưng mà xe ôm tập trung đông nhất phải kể đến là bến xe hay ga tàu. Xe ôm ở Sài Gòn đa dạng về lứa tuổi, già có trẻ cũng chẳng thiếu, đôi khi có cả phụ nữ nữa. Một người đi chiếc xe Wave hay Dream gì đó hơi cũ, ăn mặc xuề xòa, có tí luộm thuộm, trên xe vắt thêm một chiếc mũ bảo hiểm, còn người tài xế thì nằm vắt vẻo lên đó, mặt ngửa lên trời hoặc có người cầm trên tay tờ báo, thì ắt hẳn ấy là xe ôm.
Dù cho có là thời gian nào đi chăng nữa thì xe ôm Sài Gòn vẫn luôn niềm nở phục vụ tận tình cho khách hàng bất kể nắng mưa. Các chào mời xe ôm ở Sài Gòn cũng đặc biệt, chỉ bằng một động tác giơ ngón trỏ lên trời, khách lắc đầu hay huơ tay là họ hiểu ngay, không cãi cọ cũng chẳng tranh giành. Giản dị đến lạ nhỉ?
15. Trà đá miễn phí
Những tưởng với nhịp sống hối hả của nơi đất chật người đông như Sài Gòn, con người ta sẽ ít quan tâm nhau, nhưng nào phải. Ở cái xứ này vẫn luôn đầy ắp những việc làm tưởng chừng như là nhỏ nhưng lại vô cùng ý nghĩa không phải ai cũng làm được, và điển hình là bình trà đá đặt ở vỉa hè.
Giữa trưa nắng gắt, một cậu nhóc bán vé số, một lão bà sống bằng nghề nhặt phế liệu,... nếu khát nước, chắc chắn họ không thể nào có tiền để vào quán, nhất là giữa Sài Gòn cái gì cũng đắt đỏ. Họ dừng chân trước một bình trà đá miễn phí trên vỉa hè, uống cốc nước mát lạnh. Cốc nước chẳng đáng là bao nhưng vừa làm mát cổ họng vừa ấm tình người.
16. Gánh hàng rong
Nhắc về Sài Gòn, người ta nhớ đến một thành phố chợt nắng rồi chợt mưa, một thành phố mà nhịp sống luôn bận rộn và tấp nập chưa một lần chậm lại. Ấy vậy mà, thông qua một lăng kính khác, lăng kính của những gánh hàng rong mưu sinh, Sài Gòn hiện lên với một vẻ đẹp bình dân và giản dị đến lạ thường.
Không biết từ bao giờ, gánh hàng rong đã trở thành một vẻ đẹp đặc trưng của Sài Gòn. Với những gánh hàng ấy, nắng có lẽ đẹp hơn mưa, bởi rất giản đơn, cuộc sống sẽ bớt lo toan khi có nhiều khách ghé vô mua hàng.
17. Bánh mì Sài Gòn
Từ lâu lắm rồi, bên cạnh cơm sườn thì bánh mì cũng là món ăn được nhiều người Sài Gòn chọn làm thức ăn sáng. Bởi thế nên chẳng hề khó để bắt gặp một xe bánh mì trên những con đường ở đây. Bánh mì ở Sài Gòn giòn, nóng hổi, căn một phát mà không khéo là vụn sẽ rơi ra đầy luôn, nhân bánh mì thì mỗi chỗ sẽ là mỗi loại khác nhau, có nơi sẽ là miếng trứng ốp la, có nơi sẽ là chả cá, nơi thì xá xíu, có nơi thì lại heo quay,... nói chung là danh sách này dài đằng đẵng kể hoài chẳng hết đâu.
Những xe bánh mì trông là thế, nhưng nó không chỉ đơn giản là chiếc xe đem lại một món ăn sáng bổ dưỡng mà đôi khi còn là cả gánh hàng mưu sinh của một gia đình nữa. Sẽ chẳng hề khó để bạn bắt gặp hình ảnh một người mẹ và đứa con nhỏ tay chân bận rộn chuyền đưa nhau những ổ bánh mì nóng hổi cho khách đâu. Sài Gòn mà, có bao giờ thôi bon chen và vất vả đâu.
18. Ngập đường vào mùa mưa
Sài Gòn ít khi mưa, mà một khi đã mưa thì mưa thôi rồi luôn. Mưa to nước lớn ngập hết cả đường đi lối về. Đặc biệt là trời rất hay mưa vào giờ tan tầm, nghĩ đến chuyện mưa to, đường ngập, chết máy, dắt bộ là cả một bầu trời mệt mỏi hiện ra rồi.
19. Những quán cafe không ngủ
Sài Gòn được gọi là thành phố không ngủ bởi sự náo nhiệt, ồn ào và nhộn nhịp của nó diễn ra từ sáng đến chiều, từ chiều đến tối và từ tối qua lại đến sáng mai. Cũng chính bởi thế mà số lượng những quán cafe 24h ở Sài Gòn mọc lên ngày càng nhiều trong vài năm gần đây. Chẳng hề khó để bắt gặp hình ảnh một đám bạn tụm năm tụm bảy lại cùng nhau nói chuyện rôm rả tại Thức Coffee hay một đám sinh viên đang cật lực chạy đồ án và deadline.
Vẫn còn nhớ như in những ngày đầu chan ướt chân ráo đặt chân đến Sài Gòn và được lũ bạn cho cái cảm giác gọi là "cắm đêm". Mở cuốn tập, vừa làm bài, vừa hàn huyên đủ thứ chuyện, dù cho có buồn ngủ nhưng lại chẳng muốn về chỉ đơn giản là nhìn xung quanh thấy ai cũng rạng rõ vui cười cả. Đến Sài Gòn mà không tận hưởng cảm giác cùng bè bạn ăn bận lộng lộn rồi đi đi chơi thâu đêm suốt sáng n=ở những quán cafe này là thiếu sót lắm đấy.
20. Mưa Sài Gòn
Tại sao mưa lại được liệt kê vào đặc sản Sài Gòn vậy ta? Bởi vì chẳng dễ dàng gì bạn có thể tìm được một nơi mà trời nắng chang chang thì bỗng nhiên ở đâu, ùn ùn ập ập kéo tới một đám mây đen rồi mưa xối xả, mưa như được mùa ngập nước hết cả đường luôn. Rồi xong bỗng nhiên trời hửng nắng trở lại. Mới đầu nếu tới Sài Gòn không quen thì sẽ thấy khó chịu lắm, cơ mà nếu ở lâu rồi cũng quen, lâu lâu cũng thấy thú vị vì mưa làm dịu mát không khí Sài Gòn và giảm hẳn bụi bặm đi.
21. Vé số
Người ta vẫn thường bảo, ở Sài Gòn, bán vé số là bán cả lòng thương cảm. Nghe thì cứ bảo nói quá nhưng lại chẳng hề sai chút nào, bởi người bán vé số ở đây, chủ yếu là những đứa bé nhỏ xíu mồ côi bố mẹ, đôi khi là những cụ già lưng khòm sức yếu, chỉ mong người ngoài nhìn vào dáng vẻ đáng thương của mình mà rủ lòng mua giúp đôi ba tờ vé số để họ có thứ gọi là "kiếm cơm" sống qua ngày.
22. Những khu chung cư cũ
Sài Gòn mà, nơi đô thị khói bụi nhộp nhịp và kẹt xe mỗi sáng, nơi cũng những tòa nhà cao chất ngất đúng xịn mà không ít người mơ về, nơi của những ánh đèn đêm sáng rực rỡ, nhưng mà Sài Gòn đâu chỉ có thế. Ở đây còn có cả những khu phố nhỏ bình yên, có những khu chung cư xưa cũ vương bụi thời gian mà bất ký ai đặt chân đến đó rồi cũng sẽ bảo: Có một Sài Gòn an yên đến khác lạ. Những khu chung cư này là minh chứng cho những tháng năm đổi thay của thành phố chưa một lần hết bon chen.
23. Phố Đi Bộ Nguyễn Huệ
Nhắc tới địa điểm ăn chơi Sài Gòn, không thể không nhắc đến Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Đây có thể xem là một địa điểm ăn chơi náo nhiệt bậc nhất chốn này. Dọc hai bên đường của đoạn phố đi bộ là những khu ăn uống và vui chơi cực phê luôn. Từ những quán cafe sang chảnh đậm màu phương Tây cho đến những quán cafe mang hơi hướm xưa cũ của Sài Gòn những năm 90 hay những cô chú bán bánh tráng nướng cho đến những khu ẩm thực siêu xịn ở Vincom.
Phố đi bộ gần như luôn nhộn nhịp và đông đúc vào mọi ngày. Đặc biệt vào những ngày cuối tuần, trên khắp đoạn phố là những màn trình diễn đường phố hơi bị chất của những bạn trẻ.
24. Chợ Bến Thành
Dĩ nhiên nào thể bỏ qua khu mua bán giao thương xịn nhất của quận 1 - Chợ Bến Thành khi nhắc tới các địa điểm ăn chơi. Gần như từ các món ăn vặt, vật dụng gia đình cho đến các thể loại đồ khác bạn đều có thể tìm thấy ở quận 1. Tuy nhiên, giá cả ở đây hơi đắt đỏ một chút vì có rất nhiều đồ được bán theo giá của… trời Tây nên là bạn cần khéo miệng một chút.
Địa chỉ: Chợ Bến Thành nằm ở Cửa Nam (giữa các đường Phan Chu Trinh – Phan Bội Châu – Công trường Quách Thị Trang – Lê Thánh Tôn) thuộc phường Bến Thành, Quận 1.
25. Nhà thờ Đức Bà
Hơn 100 năm tuổi đời nhưng vẻ ngoài uy nghiêm trang trọng với hai tháp đôi dính với nhau. Nhà thờ Đức Bà vừa là một công trình kiến trúc mang tính lịch sử, vừa là địa điểm văn hóa biểu trưng cho quận 1 nói riêng và Sài Gòn nói chung. Vậy nên đây sẽ là một sai lầm bự ơi là bự nếu như bạn đến Sài Gòn thăm thú mà bỏ sót địa điểm này. Bên cạnh đó, Nhà thờ Đức Bà còn là một điểm check-in lý tưởng khi chụp bức nào là bức đó sang muốn xỉu luôn.
26. Thảo Cầm Viên
Nếu bạn muốn nhìn ngắm những loài thú quý hiếm hay chỉ đơn giản là đi tản bộ dưới cây hoặc là muốn tìm một nơi có những cây xanh rộng lớn, không khí trong lành thì Thảo Cầm Viên chính à nơi dành cho bạn.
Thảo Cầm Viên hay còn gọi là sở thú đã trải qua 150 năm tồn tại và phát triển, nên khoác lên mình chút cổ kính và hoang dại, đầy sức sống và đẹp bí ẩn. Tổng diện tích lên đến 25000m2 đi đủ mỏi chân. Đừng lo, trong công viên có hỗ trợ xe buýt để bạn có thể nhảy lên đi vòng vòng thăm thú toàn bộ công viên nhé. Vẵn còn nhớ những ngày nhỏ được bổ mẹ dẫn đi chơi Thảo Cầm Viên nè, được ngắm nhìn những chú voi, những chú hươu cao cổ nè,... thích lắm luôn ý.
Nếu một ngày có cảm thấy Sài Gòn quá mệt mỏi vì xô bồ, vì bon chen thì hãy đến Thảo Cầm Viên để được hòa mình vào thiên nhiên nhé, sẵn tiện làm luôn một bộ ảnh đề F5 bản thân luôn nè.
27. Nhà hát thành phố
Điểm check-in tiếp theo bạn nhất định không được bỏ sót chính là Nhà hát Thành Phố. Với lỗi kiến trúc tuyệt vời của những cột đá trắng và mái vòm cong vô cùng đặc biệt sẽ khiến du khách nhiều khi ngỡ rằng mình đang lạc vào một tòa nhà nào đó ở Paris chứ không phải là đang ở giữa lòng Sài Gòn.
Ngoài các chương trình Giao hưởng bình thường, Nhà hát Thành phố còn là địa điểm tổ chức nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn khác từ các vở ballet đến các nhạc cụ truyền thống dân tộc, với sức chứa lên đến hơn 1800 khán giả. Đây cũng được xem là vị trí trung tâm của các danh thắng nổi tiếng ở Sài Gòn, khi bạn dễ dàng đi bộ đến những khu vực như Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập,...
28. Cầu Ánh Sao
Cầu Ánh Sao nằm trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, nơi được gọi là Singapore thu nhở ở giữa Sài Gòn. Sở dĩ được gọi với tên gọi “Cầu Ánh Sao” bởi trên bề mặt cầu được thiết kế một loạt hệ thống đèn led chiếu ngược lên tạo cảm giác cho bạn như đang bước đi một cách lãng mạn giữa muôn vàn những vì sao. Bởi thế nên đây là địa điểm rất được yêu thích của các cặp đôi. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi được rất nhiều tập thể đến chụp kỷ yếu lớp nhờ có không gian đẹp chuẩn sang, xinh đúng xịn.
29. Chợ hoa Hồ Thị Kỷ
Nằm ẩn mình trong khu chung cư Lê Hồng Phong (quận 10), được bao bọc bởi những tuyến đường rộng như Hùng Vương, Lý Thái Tổ, chợ hoa Hồ Thị Kỷ là một thứ không thể quên mỗi khi nhắc đến Sài Gòn. Mỗi bước chân đặt đến khu chợ hoa là một bước cảm giác như lạc vào "xứ sở thần tiên" với muôn ngàn hương hoa thơm ngát, đủ màu sắc. Thực sự là một vẻ đẹp không thể chối từ.
30. Ăn vặt ở Hồ Con Rùa
Với không gian rộng rãi, mát mẻ và cũng không kém thú vị khi được nhìn ngắm những chú cá tung tăng bơi lội dưới mặt nước, đi kèm với hàng loạt các hàng quán ăn vặt các loại như xoài lắc, bánh tráng nướng, cá viên chiên,... với giá cả vừa vặn với túi tiền sinh viên, Hồ Con Rùa từ lâu đã trở thành một địa điểm đầy sức hút với giới trẻ.
31. Đi dạo phố Tây Bùi Viện
Xập xình tiếng nhạc của các quán bar pub, xì xào tiếng nói cười của những anh chị Tây phương... sẽ là những hình ảnh bạn thấy được khi đến Phố Tây Bùi Viện. Sở dĩ nơi đây được gọi là phố Tây vì được mở cửa để phục vụ người Tây, sẽ chẳng hề khó khăn cho bạn để tìm được một quán mì Ý đúng điệu hay một vài quán ăn đặc trưng của Pháp, và dĩ nhiên giá cả cũng Tây nốt, tuy nhiên những trải nghiệm bạn nhận được sẽ hoàn toàn xứng đáng với giá tiền bỏ ra.
Nói nhỏ nghe cái này nè, nói chung là sau những ngày bận rộn sấp mặt thì cuối tuần bạn nên rủ hội bạn của mình tụ tập ở đây để quẩy, lâu lâu cho bản thân bê tha một xíu để xả stress nha, đã lắm luôn ý.
32. Không gian vắng vẻ vào dịp lễ Tết
Phần lớn người dân ở Sài Gòn không phải là người Sài Gòn mà là người ở các phương về làm ăn, đến lễ, Tết họ lại trở về với gia đình. Vì thế mà vào các dịp này, đường xá Sài Gòn vắng vẻ và hiu quạnh hơn hẳn. Ngày thường thì xe cộ ồn ào tấp nập, còn bây giờ thì chỉ có hai hàng me bên đường im lìm trong gió, thỉnh thoảng vang lên đôi ba tiếng động cơ xe.
33. Khu Phố người Hoa Q.5
Ở Sài Gòn có một khu tập trung người Hoa sinh sống nhiều nhất đó là khu Quận 5. Nơi đây, người Hoa đã xây dựng nên những con phố với kiến trúc mang nét đặc trưng của mình. Trung tâm sinh hoạt và mua bán của người Hoa là khu vực Chợ Lớn hay còn được du khách thường gọi là China town.
34. Đường một chiều
Đường một chiều thì đâu chẳng có, nhưng ở Sài Gòn xịn hơn một chỗ là nhiều khi bạn băng băng trên đường một chiều mà chẳng hề hay biết là mình đang đi ngược chiều. Chưa kể đến là mật độ của đường một chiều ở đây nó dày hơn hẳn, lỡ lơ ngơ mà đi nhầm một phát là phải chạy cả đoạn đường dài ơi là dài để quay lại đúng với đường cần đi.
35. Chợ Phiên Sài Gòn
Đến hẹn lại lên, mỗi dịp cuối tuần ở Sài Gòn lại có các phiên chợ mở cửa chào đón mọi người. Ồn ào, tấp nập và đôi khi là chút xô bồ nhưng đây mới là nét đẹp đặc trưng của chợ phiên Sài Gòn. Lợi thế của các phiên chợ này chính là được tổ chức ở không gian rộng rãi, thoáng mát khiến người tiêu dùng đi mua sắm thấy dễ chịu, bên cạnh đó là với nhiều mặt hàng được tổng hợp lại nên bạn sẽ tha hồ mà mua đồ phủ phê luôn. Một số phiên chợ nổi tiếng ở Sài Gòn có thể kể đến như Chợ 3 Tư, Hello Weekend,... Thi thoảng trong phiên chợ còn có các mini game, các cuộc thi hóa trang,...
36. Bưu điện Thành phố
Là một trong những công trình kiến trúc đặc biệt của không chỉ riêng quận 1 mà còn của cả Sài Gòn, Bưu điện Thành phố là một địa điểm nhất định bạn phải ghim lại để check-in khi đến Sài Gòn.
Bên trong bưu điện là những mái vòm cong tròn, hệ thống vòm cung sát cửa chính và vòm cung dài rất đậm chất Châu Âu, được chống đỡ bởi những trụ sắt. Tất cả được chạm khắc hoa văn, phù điêu công phu và tỉ mỉ. Trên tường ở hai bên sảnh chính, du khách sẽ thấy một số bản đồ vẽ tay.
37. Bảo tàng mỹ thuật
Thêm một địa điểm check-in ngất ngây con gà tây nữa đó là bảo tàng thành phố. Chỉ cần bỏ ra 30k thôi là bạn sẽ có một không gian sống ảo phủ phê miễn chê luôn. Được xây dựng bởi kiến trúc sư người Pháp nên không quá lấy làm lạ khi bảo tàng TP.HCM mang đậm hơi hướm của Châu Âu, từng chi tiết nhỏ của Bảo tàng đều rất tinh xảo và mang tính thẩm mỹ cao.
Địa chỉ bảo tàng: 65 Lý Tự Trọng, quận 1.
Thời gian mở cửa: 7:30-18:00 từ thứ hai đến chủ nhật. Kể cả Lễ, tết.
Giá vé vào cổng:
+ Với những bạn có thẻ học sinh: Miễn phí.
+ Sinh viên & mọi người: 30k.
Phí chụp ảnh cưới: 400K/cặp cô dâu chú rể.
> Đọc thêm: Đột nhập Bảo Tàng Hồ Chí Minh tưởng không đẹp ai dè đẹp không tưởng
38. Những TTTM chuẩn sang
Với nền kinh tế phát triển vượt bậc so với các tỉnh thành khác, nên các tụ điểm ăn chơi ở Sài Gòn cũng to, bự và nhiều hơn hẳn. Điển hình là các trung tâm thương mại, đầy đủ các loại mặt hàng luôn. Chưa kể đến là những trung tâm này cũng được trang hoàng lộng lẫy hết nấc, sống ảo là thích phải biết.
39. Phố hoa Nguyễn Huệ vào Tết
Sài Gòn ngày tết thì vắng, cơ mà phố hoa Nguyễn Huệ thì lúc nào cũng đông, bởi có lẽ đây là lúc phố đi bộ khoác lên mình chiếc áo đẹp nhất - chiếc áo với muôn vàn các loại hoa rực rỡ sắc màu đang đua nhau khoe sắc thắm. Rất nhiều bạn trẻ đua nhau ở khu vực lân cận Sài Gòn đến đây check-in vào các dịp Tết đến, xuân về lắm nè.
40. Dinh Độc Lập
Môt điểm đến có thể xem là biểu tượng ghi ấn dấu mốc lịch sử hùng hồn của dân tộc ta vào những năm 1945, Dinh Độc Lập là một địa điểm bạn không thể bỏ qua khi đến quận 1. Dinh Độc Lập kể đến nay đã được tu sửa nhiều lần để có thể trở thành một địa điểm tham quan lý tưởng đối với cả khách trong và ngoại nước, bên cạnh đó đây cũng là nơi tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, tiếp khách của các cơ quan, doanh nghiệp.
Vé vào cửa:
+ Người lớn: 40K/người/lần
+ Sinh viên: 20K/người/lần
+ Học sinh (từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi): 10K/người/lần
Dù rằng chưa một lần thôi đi những khói bụi, cũng chưa một lần nhịp chậm lại, đã vậy mọi thứ lại ngày càng tất bật và bộn bề hơn, ấy vậy mà con người ta vẫn tìm đến Sài gòn để mưu sinh và rồi ở lại luôn đây. Chẳng ai biết bằng cách nào, những con người đến Sài Gòn đều trót yêu nơi này một cách nhẹ nhàng và chẳng nỡ rời xa. Lạ nhỉ? Cơ mà đó mới là Sài Gòn, thật lạ thường, nhưng cũng thật đáng để thêm yêu thương.
Tổng hợp: Thành Phát
Nguồn : tripnow.vn