Trên dặm dài đất nước, nếu đi từ bắc vào nam qua thị xã Sông Cầu (Phú Yên) sẽ nhìn thấy chiếc cầu bằng gỗ rất dài có tên Ông Cọp. Cầu giúp người dân Đồng Đò, xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) rút ngắn đoạn đường mỗi khi qua thị xã Sông Cầu. Không chỉ thu hút du khách tham quan chụp hình, cầu còn là lối đi tắt tới nhiều điểm đến nổi tiếng khác của tỉnh Phú Yên.
Do nhu cầu rút ngắn khoảng cách đi lại của người dân xóm Đồng Đò với quốc lộ cũng qua thị xã mà cây cầu được khai sinh. Cầu Ông Cọp còn có tên gọi khác là cầu Bình Thạnh, hoặc Tuy An, được làm bằng gỗ và tre nên sở hữu một vẻ đẹp mộc mạc. Cầu được lắp ghép từ năm 1998, có chiều rộng 1,5 m, chiều dài 700 m. Cọc cầu là thân cây phi lao, thành cầu là thân cây tre già, mặt cầu được ghép từ những tấm ván xẻ mỏng. Tại mỗi đầu cầu đều để sẵn những cây gỗ và ván. Nếu cọc nào yếu sẽ được thay thế ngay, tấm ván nào mọt sẽ được trám bằng tấm ván mới. Chi phí cho mỗi lần qua cầu cao nhất là 5.000 đồng. Không quá ấn tượng như những công trình được xây dựng quy mô nhưng vẻ đẹp mộc mạc giản dị đó vẫn tạo ra nhiều góc ảnh đẹp. Đồng thời nằm ở vị trí rất gần quốc lộ 1A và ghềnh Đá Dĩa (khoảng 8 km), nên cây cầu này được nhiều phượt thủ lựa chọn là điểm dừng chân lý tưởng.
Hiện cầu Ông Cọp không chỉ là nhịp cầu dân sinh của người sở tại mà nhiều người đi phượt muốn rút ngắn cung đường vòng trên quốc lộ 1A đều có thể đi qua và ngược lại, người đi chơi gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan muốn về thị xã Sông Cầu cũng về qua đây. Cầu Ông Cọp đã có lịch sử 20 năm, đã đi cùng với một thế hệ trưởng thành. Không biết trong khoảng thời gian đó, đã bao lần cầu bị trôi sông khi mùa lũ đổ về? Đã bao lần thay ván, gắn cọc gia cố thêm để nối liền giao thông thôn xóm với thị tứ? Không chỉ là con đường cho dân cư địa phương đi lại, cầu Ông Cọp còn là điểm đến thú vị cho các bạn trẻ và các tay săn ảnh. Hình ảnh cây cầu gỗ hiện lên mộc mạc, nên thơ giữa cảnh ráng chiều rực rỡ của vùng đất “hoa vàng trên cỏ xanh” sẽ làm chuyến đi của bạn thêm phần đáng nhớ.
Quỳ Chữ/Nhandan