Bạn có thể dành ra 2 ngày một đêm hoặc 3 ngày 2 đêm ở Cần Thơ, thăm thú chợ nổi, vườn trái cây, lò hủ tiếu hay vườn cacao.
Cần Thơ chỉ cách Sài Gòn khoảng 3 giờ di chuyển, do đó rất thích hợp để làm địa điểm du lịch cuối tuần. Bản thân Adrian Anh Tuấn và người bạn đời Sơn Đoàn, vốn dĩ đã đi du lịch nhiều nơi nhưng chưa thực sự có thời gian ghé chân. Nhà thiết kế chia sẻ: “Hồi nào giờ hay nghe người ta nói: “Cần Thơ gạo trắng nước trong. Ai đi đến đó lòng không muốn về”, vừa rồi sắp xếp được công việc, bọn mình đã có chuyến đi ngắn ngày về Tây Đô. Công nhận, đi không muốn về thật đó”.
Để đến du lịch Cần Thơ, bạn có thể đi xe máy hoặc xe khách hay xe oto gia đình, với đoạn đường khoảng 200 km. Ôtô ban ngày đi khoảng 3-4 giờ còn ban đêm thì đi nhanh hơn, chưa đến 3 tiếng. Ngay khi đặt chân tới Tây Đô, hai người đã kịp check in cầu Cần Thơ, biểu tượng hùng vĩ của thành phố này. Phía dưới là dòng sông Hậu êm đềm, tuy nhiên hai người cũng gặp tai nạn nhỏ khi bị rơi thiết bị quay drone xuống sông. Hai người dành ra 3 ngày, theo lịch trình, ngày đầu tiên 9h xuất phát từ TP HCM đi Cần Thơ, sau đó nghỉ ngơi tại khách sạn do trời âm u. Ngày thứ 2 “tung hoành ngang dọc” chợ nổi Cái Răng, vườn trái cây, thăm lò hủ tiếu, vườn cacao và thăm nhà cổ Bình Thuỷ. Ngày thứ 3, hai người ở lại phòng đọc sách, nghỉ dưỡng. Bạn có thể điều chỉnh theo lịch trình 2 ngày một đêm để phù hợp hơn với ngày cuối tuần.
Về chỗ ở, Adrian Anh Tuấn và Sơn Đoàn lựa chọn resort Azerai Can Tho và cảm thấy khá thoải mái. Ngoài ra, Cần Thơ cũng nở rộ các homestay xinh xắn cho bạn tha hồ check in “sống ảo”, với mức giá phải chăng.
Điểm đến đầu tiên mà bạn nhất định phải ghé, chưa ghé coi như chưa tới, đó là chợ nổi Cái Răng. Mặc dù nhiều người nhận xét chợ Cái Răng bây giờ bị du lịch hoá nhiều rồi nhưng cả Adrian lẫn Sơn Đoàn đều cảm thấy rất thích thú, nhất là lúc được lên ghe bán dứa của hai vợ chồng người bán hàng và vui vẻ trò chuyện.
Phía bên trong một chiếc ghe chở dứa, mà theo cách gọi của người Cần Thơ là trái khóm. Hai vợ chồng chủ ghe đã xuống tận Kiên Giang để mua, sau đó chở về đây để bán mỗi ngày.
Sau chợ nổi, cặp đôi ghé vườn trái cây – đặc sản miền Tây. Đường dẫn vào khu vườn cây trái là một chiếc cầu khỉ cũng rất đặc trưng. “Ở đây chăn nuôi trồng trọt cũng khá bền vững, theo mô hình vườn ao chuồng. Cá tra dưới ao này rất bự, tưởng tượng rớt xuống chắc bị cắn mất”, Adrian hài hước chia sẻ.
Các khu vườn ở Cần Thơ đều mở cửa phục vụ du lịch khá chuyên nghiệp. Nơi đây có nhiều loại trái: thanh long, sầu riêng, mít ướt, bưởi da xanh…
Tiếp tục hành trình, hai người ghé thăm lò làm hủ tiếu của chú Chín Cửu. Gia đình chú làm nghề này mấy chục năm nay, mở cho khách vào xem, tuy nhiên vẫn giữ được nét chân chất của người miền Tây. Đây vẫn là một lò nghề thực sự, không bị du lịch hoá. “Bạn nào muốn ghé đây có thể tìm đường đến cầu Rau Răm và hỏi thăm người địa phương, vì không có địa chỉ chính xác do đường ngoằn ngoèo và vào nhiều ngõ ven sông. Cứ hỏi rồi mọi người sẽ chỉ cho nhen!”, anh cho biết. Không chỉ quan sát, thử làm hủ tiếu mà hai người còn được thưởng thức luôn món ăn do chính tay mình vừa làm ra.
Sau khi học làm hủ tiếu, Anh Tuấn và Sơn Đoàn tiếp tục tới vườn ca cao của chú Mười Cương ở làng Mỹ Khánh, huyện Phong Điền. Nơi đây bỏ mối hạt ca cao cho những xưởng sản xuất chocolate trong nước lẫn thế giới. Khi đến nơi, bạn sẽ được xem qua các trái ca cao còn lủng lẳng trên cây, len lỏi giữa vườn xanh mát và tìm hiểu thêm về lợi ích của việc trồng ca cao. Hai người biết thêm được kiến thức mới là ngoài làm chocolate, trái cacao còn có thể ăn tươi, vị chua ngọt như trái dâu ta, hoặc phơi khô, rang lên làm được bột, làm topping.
Khu nhà vườn này có chỗ nghỉ chân nhỏ, lợp mái tranh để các khách vừa xem qua công đoạn rang hạt, vừa thưởng thức các thành phẩm từ hạt ca cao. Du khách có thể ăn uống tại chỗ hoặc mua về.
Nhà cổ Bình Thuỷ là điểm đến cuối cùng của chặng khám phá này. Ngôi nhà được biết tới là nơi quay bộ phim “Người Tình” (L’Amant) nhưng khi đến nơi, nhà thiết kế cảm nhận nó còn đặc sắc hơn cả bối cảnh điện ảnh. Từ kiến trúc tổng quan của ngôi nhà, đến các chi tiết chạm khắc trên gỗ, tên tường đều là tâm sức của những người thợ lành nghề và công lao gìn giữ của chủ nhà. Đã lâu đời nhưng ngôi nhà không hề mai một.
Ở ngoài dù nóng đến cỡ nào thì khi bước vào trong nhà, du khách sẽ cảm nhận một thế giới khác, vừa mát mẻ, vừa đẹp mắt, từ gạch hoa, đèn chùm, bộ bàn ghế nạm xà cừ. Những người quan tâm có thể ghé ngôi nhà ở địa chỉ 144 Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thuỷ, Cần Thơ.