Du khách viếng mộ nữ anh hùng Võ Thị Sáu
Ngoài chuyến tàu chở hơn 200 khách từ Vũng Tàu, mỗi ngày còn có 2 chuyến tàu cao tốc từ cửa biển Trần Đề chở trên 300 hành khách và số chuyến bay từ TPHCM đã tăng 2-3 lần từ cuối năm 2017, làm lượng khách đến Côn Đảo tăng vọt.
Ngành du lịch (DL) Côn Đảo đang phát triển mạnh mẽ khi giao thông đến đảo được kết nối, rút ngắn thời gian đi lại. Song song với DL tâm linh, những chuyến DL khám phá hệ sinh thái rừng, xem rùa đẻ trứng và những chuyến ngụp lặn dưới biển để chiêm ngưỡng những rạn san hô rực rỡ, cổ nhất ở Việt Nam đang trở thành “đặc sản” thu hút du khách về với Côn Đảo...Ấn tượng của đảoNgoài chuyến tàu chở hơn 200 khách từ Vũng Tàu, mỗi ngày còn có 2 chuyến tàu cao tốc từ cửa biển Trần Đề (Sóc Trăng) chở trên 300 hành khách và số chuyến bay từ TPHCM đã tăng 2-3 lần từ cuối năm 2017, làm lượng khách đến Côn Đảo tăng vọt. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, đã có 32.000 lượt khách ra đảo, tăng 55,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tổng doanh thu đạt trên 151 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu khách quốc tế đạt gần 21 tỷ đồng... Để đạt được những kết quả khả quan đó, ngoài yếu tố kết nối giao thông, phải khẳng định là nhờ sự phát huy ưu thế về DL sinh thái biển - rừng.Sở hữu diện tích gần 6.000ha đất liền và 14.000ha biển, Vườn Quốc gia Côn Đảo có trên 1.000 loài thực vật có mạch, 44 loài thực vật lần đầu tiên được mô tả tại các đảo, cùng nhiều loại động vật đa dạng. Trong đó, nhiều loài chim ở Côn Đảo không tìm thấy ở bất kỳ nơi nào tại Việt Nam, như loài bồ câu nicoba, chim nhiệt đới, chim điên mặt xanh. Ngoài ra, vườn quốc gia còn có hệ thống rừng ngập mặn khoảng 31ha với 46 loài thực vật. Tuy nhiên, điểm nhấn là các rạn san hô ở Côn Đảo thuộc loại cổ xưa nhất Việt Nam, phân bố tại khu vực nước nông xung quanh các đảo, chiếm tổng diện tích khoảng 1.000ha. Năm 2014, Vườn Quốc gia Côn Đảo được Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế và khu Ramsar biển đầu tiên của Việt Nam.Từ năm 2006, loại hình dịch vụ tham quan các hòn đảo phát triển. Đến năm 2010 thì phát triển mạnh hơn khi các đơn vị đã đầu tư hơn 30 tàu - ca nô cao tốc để đưa du khách từ thị trấn Côn Sơn ra các hòn đảo, giúp du khách có thể theo dõi rùa đẻ, ngắm san hô, tìm hiểu cảnh quan thiên nhiên được bảo tồn gần như hoang sơ. Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, ngoài những chuyến DL về nguồn khi đến thăm Côn Đảo, điều khiến chị ấn tượng là những “cung điện dưới đáy biển được tạo bởi các rạn san hô và thảm cỏ cùng những loại thủy sinh vô cùng sống động mà không phải ai cũng có điều kiện để chiêm ngưỡng”.Vẻ đẹp của Côn Đảo được những được du khách, giới báo chí trong nước và quốc tế hết lời ca ngợi. Gần đây trang Business Insider (một tờ báo điện tử về doanh nghiệp, người nổi tiếng và các tin tức công nghệ thông tin, có trụ sở tại New York, Mỹ) xếp Côn Đảo vào danh sách những địa điểm có vùng nước xanh nhất thế giới.Du lịch là mũi nhọn kinh tế duy nhấtNghị quyết 05-NQ/HU ngày 12-4-2017 của Huyện ủy Côn Đảo xác định phát triển DL là ngành kinh tế mũi nhọn duy nhất trong vòng 5 năm tới. Với những hệ thống di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo, khu Ramsar, được tổ chức thế giới công nhận, hệ sinh thái cực kỳ phong phú nhờ được bảo tồn và giữ gìn, kết cấu hạ tầng phát triển tốt đáp ứng cơ bản nhu cầu của du khách đã hình thành nên sản phẩm chủ đạo của DL Côn Đảo là DL di tích lịch sử, DL tâm linh kết hợp với DL sinh thái và các loại hình DL tham quan, ẩm thực, khám phá làng nghề nuôi cấy ngọc trai, làm mứt hạt bàng, vận tải DL. Quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển DL quốc gia Côn Đảo đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, trên cơ sở khai thác hợp lý thế mạnh về giá trị tài nguyên biển, rừng của vườn quốc gia, phát huy giá trị khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; ưu tiên phát tiển các loại hình DL sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, DL văn hóa tâm linh đồng thời gắn kết với thị trường quốc tế.Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo, lượng khách Côn Đảo tăng mạnh là một tín hiệu vui nhưng cũng đáng lo bởi hiện tại hệ thống nhà nghỉ khách sạn trên địa bàn chỉ có 53 cơ sở với sức chứa gần 2.500 người/ngày đêm. Với tốc độ phát triển DL “nóng” như hiện tại thì cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ và nhất là thiếu đội ngũ lao động lành nghề qua đào tạo. Mặt khác, việc phát triển DL là hướng đi đúng đắn, nhưng bên cạnh đó cũng cần phải chú ý tới công tác bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học để đáp ứng nhu cầu của du khách, đưa du lịch Côn Đảo phát triển bền vững trong thời gian tới.
Nông Ngân/SGGP