"Đất phát đế vương" nổi tiếng ở Việt Nam là nơi nào?
65Thăm dò ý kiến: Hai vùng "đất phát đế vương", được vua lui về ở ẩn ở đâu?
Trong hai vùng đất trên, nơi được gọi là "đất phát đế vương" là quê hương của nhiều vua chúa trong lịch sử, có thể kể đến những cái tên nổi bật như Bà Triệu, Lê Đại Hành, Hồ Quý Ly, Hoàng tộc Nguyễn, Lê Thái Tổ... Nơi còn lại là chốn yên bình, an toàn để đế vương dung thân.
Một nơi trong số đó có phong cảnh hữu tình, là một trong những địa danh được người du lịch ưa thích đến hiện tại.
Thanh Hóa và Cao Bằng là câu trả lời chính xác
Một số nhân vật lịch sử lừng danh xuất thân từ đất Thanh Hóa Bà Triệu (huyện Yên Định, Thanh Hóa), Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ (Ái Châu, Thanh Hóa), Lê Đại Hành (Ái Châu, Thanh Hóa), Hồ Quý Ly (Đại Lai, Thanh Hóa), Lê Thái Tổ (làng Chủ Sơn, Thanh Hóa), Hoàng tộc Nguyễn (Hà Trung, Thanh Hóa), Chúa Trịnh Kiểm (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)…
Người xưa quan niệm đây là những vùng đất thiên ở Thanh Hóa
Đỉnh Ngàn Nưa
Núi Nưa đi qua 3 huyện Triệu Sơn, Nông Cống, Như Thanh thuộc tỉnh Thanh Hóa. Quần thể Núi Nưa có mạch núi bắt nguồn từ dải Trường Sơn, hướng Tây Bắc - Đông Nam trông ra biển.
Núi Nưa là tổ hợp của nhiều ngọn núi nhỏ, phân bổ trùng điệp trên diện tích 55 km2. Địa thế càng khiến cho núi Nưa thêm linh thiêng, khi quanh núi là thêm 99 ngọn núi khác có thế như hàng chục con voi đang cúi đầu phục chầu.
Trong sách Đại Nam nhất thống chí có ghi nhận: “Núi Nưa tên chữ là Na Sơn, mạch núi từ Phủ Thọ Xuân kéo đến chạy dài vài ba mươi dặm, đến địa phận Tổng Cổ Định thì nối vọi lên nhiều ngọn, ngọn cao nhất là núi Nưa.”
Núi Nưa chính là căn cứ đầu tiên của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu và hàng nghìn tráng sĩ Cửu Chân. Giai thoại về ngọn núi này vẫn được người trong thiên hạ lưu giữ, rằng: “Na Sơn nhất phiến, nhất hộ thiên hạ biến!” (một tiếng hô ở núi Nưa, biến chuyển cả thiên hạ)
Vùng núi Lam Sơn
Vùng núi Lam Sơn có lãnh thổ được xác định gần tương ứng với vùng thượng du của tỉnh Thanh Hóa, được xem là nơi phát tích của triều đại nhà Lê.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông tổ ba đời của vua Lê Lợi trong một lần dạo chơi đến vùng này, chợt thấy có đàn chim không thôi bay lượn trên đỉnh núi, như thể núi Lam Sơn đang thu hút chúng. Cho rằng đây là nơi đất lành chim đậu, ông quyết định dời nhà về Lam Sơn. 3 năm sau, ông gây dựng được sản nghiệp lớn và làm quận trưởng một phương, gia đình sung túc.
Đến lúc Lê Lợi sinh ra ở vùng đất này cũng được miêu tả là có khí chất hơn người với “thiên tư tuấn tú khác thường, thần sắc tinh anh kỳ vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai có nốt ruồi son, tiếng nói như chuông, dáng đi tựa rồng, bước tới như hổ, kẻ thức giả đều biết vua là bậc phi thường”.
Hàm Rồng
Hàm Rồng hiện là một phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ngày trước, Hàm Rồng thuộc địa phận phía nam sông Mã.
Núi Đông Sơn - Hàm Rồng bắt nguồn từ làng Dương Xá có địa thế uốn lượn theo sông Mã thành 99 hình như rồng thiêng. Phần cuối núi nhô lên như đầu rồng, nên được gọi là Hàm Rồng.
“Đại Nam nhất thống chí” đã từng ca ngợi vẻ đẹp nơi này rằng: “Núi này cao và đẹp trông ra sông Định Minh, lên cao trông xa thấy nước trời một màu sắc thật là giai cảnh”.
Tương truyề, nếu từ phần đuôi Rồng đi lên sẽ thấy được ngọn núi Ngũ Hoa Phong có hình như năm bông sen cùng một gốc. Ngọn Phù Thi Sơn gần đó lại trông như một phụ nữ đang nằm ngủ, đầu gối vào mình rồng...
Tương truyền, Cao Biền (tướng lĩnh triều Đường, người đầu tiên trở thành Tiết độ sứ của trị sở Tĩnh Hải quân trong lịch sử Việt Nam) đã nhận thấy được tinh hoa của vùng núi Hàm Rồng, liền đưa hài cốt của cha chôn vào huyệt Hàm Rồng với mong muốn "phát vương" ở nước Việt. Lạ ở chỗ, xương cốt cha ông lại bị huyệt núi đẩy ra ngoài dù có cố đưa vào thế nào.
Vì tiếc long mạch cao quý, Cao Biền quyết tán xương nhỏ để tung vào sườn núi. Thế nhưng xương tung đến đâu thì vô vàn chú chim nhỏ từ đâu đến, thi nhau đập cánh làm xương bay đi tứ tán. Lúc này, Cao Biền nhận ra không thể cưỡng cầu linh khí nước Nam để phục vụ tham vọng của mình.
Cao Bằng - đất “đế vương dung thân”
Giữa lúc đất nước rối ren vào thời nhà Mạc, vua Mạc Mậu Hợp trưng cầu ý Nguyễn Bỉnh Khiêm về thời cuộc thì được ông đáp rằng: “Ngày sau nước có việc, đất Cao Bằng tuy nhỏ, cũng giữ được phúc đến vài đời”.
Sau đó 7 năm, lúc vua Mạc bị quân Trịnh đánh bật khỏi Thăng Long thì nhớ lại lời Trạng Trình, liền về Cao Bằng để ẩn thân và từ đó giữ thêm được 96 năm nữa.
Khi trước, lúc tướng Cao Biền được lệnh trấn yểm các vùng đất quý của nước ta đã xây thành Đại La (tiền thân của thành Thăng Long, Hà Nội) và thành Nà Lữ ở Cao Bằng. Về sau người Việt đã tìm cách hóa giải cách trấn yểm của Cao Biền.
Năm 1052, thủ lĩnh người Tráng (người Tày, Nùng) ở Cao Bằng là Nùng Trí Cao tự xưng là Nhân Huệ Hoàng Đế, đặt quốc hiệu là Đại Nam và đưa quân sang tấn công bên đất Tống. Với sự giúp đỡ của người Thái, người Tày ở Quảng Tây, nhiều Châu ở đất Tống đã về tay Nùng Trí Cao.
Tuy chỉ được xem là đế vương của người dân tộc Tày - Nùng, nổi lên đòi tự trị nhưng tinh thần quả cảm và ái quốc của Nùng Trí Cao vẫn là một minh chứng cho khí độ Cao Bằng.
Ngoài ra, thác Bản Giốc, thác Nặm Trá, núi Mắt Thần... với những câu chuyện riêng, địa thế oai hùng đã và đang gìn giữ sinh khí cho đất Cao Bằng - nơi “tụ khí tàng phong” tốt đẹp, linh thiêng.
Bài liên quan 'Tuyệt tình cốc miền Tây' nổi tiếng nằm ở đâu? Chợ đêm Đà Lạt còn có tên gọi khác là gì? Tỉnh có nhiều hoàng hậu nhất miền Tây Nam Bộ là nơi đâu?