Nghiên cứu treo ngược tê giác
Robin Radcliffe là một bác sĩ thú y ở Đại học Cornell vừa đoạt giải Nobel 2021 danh giá với nghiên cứu treo ngược tê giác. Ông và đồng nghiệp của mình đã thực hiện nghiên cứu này, nhằm tìm hiểu sức khỏe của tê giác sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi treo ngược dưới trực thăng.
Việc treo ngược tê giác trên cần cẩu được sử dụng ngày càng phổ biến trong công tác bảo tồn và vận chuyển loài động vật này ở châu Phi. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào kiểm tra hoạt động tim, phổi của tê giác khi bị gây mê ở tư thế treo ngược.
Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Robin đã hợp tác với Bộ Môi Trường, Lâm nghiệp và Du lịch Namibia để tiến hành gây mê và treo ngược 12 con tê giác dưới một chiếc máy bay trực thăng, sau đó tiến hành đo phản ứng sinh lý của chúng. Kết quả là những con tê giác này đều chịu đựng tốt. Đặc biệt, họ còn phát hiện, so với việc nằm áp ngực xuống đất hoặc nằm nghiêng một bên, những con tê giác hoạt động tốt hơn khi ở tư thế treo ngược này.
Giải thích về phát hiện này, bác sĩ Robin cho biết, khi những con tê giác nằm một bên, nửa dưới phổi nhận được nhiều máu để trao đổi khí nhưng do trọng lực nên phần trên không lưu thông máu tốt. Tuy nhiên, khi bị treo ngược, lá phổi của chúng lại lưu thông máu và hô hấp đều hơn khi đứng thẳng.
"Chúng tôi cũng nhận thấy khi nằm đè lên ngực hoặc nghiêng về một bên quá lâu, tê giác thường bị tổn thương cơ do chúng quá nặng. Trái lại, khi treo ngược, chân chúng không phải chịu áp lực ngoại trừ cảm giác bị dây buộc quanh đầu gối", Robin cho biết.
Pete Morkel - một bác sĩ động vật hoang dã cho biết, nghiên cứu treo ngược tê giác trên cần cẩu rất có ý nghĩa đối với việc vận chuyển các loài động vật.
"Việc cẩu những loài động vật to lớn như voi cũng đã được chấp nhận. Trong các nghiên cứu tiếp theo mà chúng tôi định làm, chúng tôi sẽ thử cẩu các loài động vật khác như trâu, hà mã, và thậm chí có thể cả hươu cao cổ", ông cho biết thêm.
Giải thưởng Ig Nobel 2021
Ig Nobel là một giải thưởng thường niên để vinh danh các nghiên cứu gây tiếng cười nhưng lại khiến nhiều người phải suy nghĩ. Tất cả các nghiên cứu đoạt giải Ig Nobel có vẻ ngớ ngẩn. Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu, nhiều người sẽ thấy các nghiên cứu này đều hướng đến việc giải quyết nhiều vấn đề rất thiết thực.
Khác với năm 2020, lễ trao giải Nobel năm nay không diễn ra tại nhà hát Sanders ở Đại học Harvard tại Cambridge, Massachusetts, Mỹ, mà được tổ chức trực tuyến vào tối ngày 9/9 do dịch Covid-19. Người đoạt giải Nobel năm nay sẽ phải tự ghép cúp chứng nhận từ bản in PDF và nhận được tiền thưởng là tờ bạc trị giá 10.000 tỷ dollar Zimbabwe.
Nghe số tiền giải thưởng có vẻ to, nhưng thực chất, Zimbabwe đã ngừng lưu thông đồng tiền của mình do tình trạng siêu lạm phát ở đất nước này từ năm 2009. 10.000 tỷ dollar của giải thưởng Ig Nobel có giá trị thật còn chưa tới 1.000 VNĐ. Cho nên, giải thưởng này có ý nghĩa về tinh thần hơn là vật chất.
Ngoài nghiên cứu tê giác treo ngược đoạt giải Nobel ở lĩnh vực giao thông, giải Ig Nobel năm này còn vinh danh 9 công trình nghiên cứu khác như:
Giải Ig Nobel Sinh học thuộc về nghiên cứu sự thay đổi trong tiếng kêu của mèo khi giao tiếp với con người của Susanne Schötz.
Giải Ig Nobel Sinh thái học thuộc về nghiên cứu về các loại vi khuẩn trú ngụ trong miếng kẹo cao su dính trên vỉa hè của Leila Satari.
Giải Ig Nobel Hóa học thuộc về nghiên cứu không khí bên trong rạp chiếu phim để kiểm tra mùi của khách có phản ánh mức độ bạo lực, hành vi phản xã hội, sử dụng chất kích thích trong bộ phim mà họ hay theo dõi không.
Giải Ig Nobel Kinh tế thuộc về nghiên cứu tình trạng béo của chính trị gia có thể là dấu hiệu tham nhũng của Pavlo Blavatskyy.
Giải Ig Nobel Y học thuộc về nghiên cứu chứng minh cực khoái hiệu quả không kém thuốc thông mũi trong cải thiện hô hấp của Olcay Cem Bulut và cộng sự.
Giải Ig Nobel Hòa bình thuộc về nghiên cứu kiểm tra giả thuyết con người tiến hóa râu để bảo vệ bản thân họ trước những cú đấm vào mặt của Ethan Beseris và cộng sự.
Giải Ig Nobel Vật lý thuộc về nghiên cứu tìm hiểu tại sao người đi bộ hiếm khi đâm vào những người đi bộ khác của Alessandro Corbetta.
Giải Ig Nobel Kinetics thuộc về nghiên cứu giải thích tại sao người đi bộ cắm đầu vào điện thoại nhưng vẫn có thể giữ khoảng cách và tránh những người đi đường khác của Hisashi Murakami và các đồng nghiệp.
Giải Ig Nobel Côn trùng học thuộc về nghiên cứu kiểm soát gián trên tàu ngầm của John Mulrennan Jr và các đồng nghiệp.
Bài liên quan Điểm qua 10 tựa sách kinh điển đoạt giải Nobel Văn học Lễ trao giải Oscar 2021: Danh mục giải thưởng Oscar lần thứ 93